Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Việt Đức có đáp án

TRƯỜNG THPT VIỆT ĐỨC

ĐỀ KIỂM TRA HK1

MÔN NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC 2020-2021

 

1. ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Sông Thu Bồn (sông Thu) bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum). Sông ra đi về phương Đông, qua Trà My hợp lưu với sông Tranh; qua Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên tạo thành một dòng mênh mông, bát ngát. Quy luật là sông nào cũng phải về với biển mẹ nên sông Thu phải xẻ núi mà đi tìm về với biển.

Qua lưu vực Hiệp Đức – Quế Sơn, sông làm nên một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ. Đó là nơi dòng chảy của sông tác động mạnh vào núi bởi núi vươn ra chặn dòng sông nên ở đây sóng cồn lên rạo rực. Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm – Đá Dừng. Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm – Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ:

Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi.

Ra khỏi trung du qua đất hạ du Duy Xuyên, dòng chảy sông Thu chia ra hai nhánh: nhánh đông bắc đổ qua huyện Đại Lộc đem dòng nước ngọt về cho thành phố Đà Nẵng; nhánh đông nam đổ qua hai huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An về cửa Đại Chiêm. Nơi ngã ba sông ấy được gọi là Giao Thủy – vùng nước giáp của những dòng sông lớn.

(Trích Bút ký Giấc mơ trên 500 năm – Vũ Đức Sao Biển)

Câu 1. Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, “một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ” của sông Thu là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Cụm từ “vùng nước giáp của những dòng sông lớn” là thành phần gì trong câu văn cuối? Ý nghĩa của thành phần này. (1,0 điểm)

Câu 4. Những hiểu biết và tình cảm của anh/chị sau khi đọc đoạn trích. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây qua đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi với

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

( Tây Tiến - Quang Dũng)

 

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2:

- Dòng chảy của sông tác động mạnh vào núi bởi núi vươn ra chặn dòng sông nên ở đây sóng cồn lên rạo rực.

Câu 3:

- Cụm từ “vùng giáp nước của những dòng sông lớn” là thành phần chêm xen/ phụ chú.

- Tác dụng làm rõ nghĩa cho: Nơi ngã ba sông ấy được gọi là Giao Thủy.

Câu 4:

- Văn bản giúp ta hiểu biết về sông Thu Bồn.

- Cho ta thêm yêu vẻ đẹp dòng sông quê, cũng là yêu quê hương, đất nước.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)               

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986)

2. Phân tích

- Hai dòng thơ đầu: Nỗi nhớ bao trùm, mạch cảm hứng chủ đạo của bài thơ

+ “Sông Mã”, “Tây Tiến” đều như trở thành những người thân thương ruột thịt mà Quang Dũng dành trọn tình cảm nhớ thương.

+ “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ lạ lùng của những người lính từ phố thị.

=> Núi rừng Tây Bắc đã khắc vào tâm hồn của họ những kỷ niệm không bao giờ quên, đồng thời cũng là nỗi trống trải lạc lõng trong lòng tác giả.

- Hai câu thơ tiếp:

+ “Sài Khao”, “Mường Lát” là những địa danh gợi nhắc về địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến, mở rộng sang các không gian khác trong bài thơ.

+ Nỗi nhớ ở đây dường như dàn trải khắp vùng không gian rộng lớn, mỗi một nơi bước chân tác giả đi qua, ông đều dành những tình cảm yêu thương đặc biệt, trở thành kỷ niệm khắc sâu trong lòng.

+ Những kỷ niệm nhỏ như sự “mỏi” sau chặng hành quân, ngọn đuốc hoa bập bùng trong đêm tối đều chứng minh nỗi nhớ lớn lao của tác giả.

- Bốn câu thơ tiếp “Dốc…xa khơi”:

+ Gợi sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, sự vất vả và những nỗ lực kiên cường của người lính chiến khi hành quân.

+ “Súng ngửi trời” là hình ảnh nhân hóa thú vị, thể hiện tâm hồn lãng mạn, hồn nhiên và hài hước của người lính chiến trong gian khổ.

+ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là vẻ đẹp của sự sống, sự thi vị lãng mạn giữa núi rừng hoang vu, gợi sự bình yên, chốn dừng chân cho người lính.

- Hai câu thơ “Anh bạn…quên đời”:

+ Sự hy sinh cao cả của người lính chiến, tư thế hiên ngang, oai hùng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

+ Niềm xót xa cùng với sự cảm phục tinh thần hy sinh của Quang Dũng dành cho đồng đội.

- Bốn câu kết đoạn: “Chiều chiều…nếp xôi”

+ Vẻ oai linh, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với kết cấu thơ tân kỳ, dùng động từ mạnh, thêm vào đó là sự nguy hiểm rình rập nơi rừng thiêng nước độc của ác thú.

+ Sự bừng tỉnh khỏi kỷ niệm của tác giả, quay về hiện thực với nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn, nhớ tình quân dân ấm nồng với nắm xôi, hương lửa những ngày còn chiến đấu.

3. Kết Bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

2. ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

[…] Làm việc, không chỉ vì muốn tự chủ tài chính mà còn là cơ hội giúp một người thỏa sức sáng tạo và định nghĩa bản thân qua cọ xát thực tế. Đó cũng là cách ông chủ Nhà Trắng và phu nhân của mình muốn hai con gái hiểu rõ. […] Họ luôn lấy câu chuyện thực tế của mình làm tấm gương và đồng ý cho hai con gái làm thử ít nhất một lần những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nhất.

Đồng tình với quan điểm trên, danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng vì ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động. Từ nhỏ các con của ông đã được dạy bài học sống không dựa dẫm. Các con của ông đều lăn xả đi làm thêm như bất cứ bạn trẻ nào từ rất sớm. Giờ đây họ trưởng thành, có sự nghiệp riêng, chẳng “đoái hoài” đến tài sản của bố.

Susan Bruno, chuyên viên quản lí tài sản, người đồng sáng lập trang tư vấn đầu tư CollegeCFO.or, chia sẻ bí quyết dạy con: “Nếu bố mẹ hy sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ…”

(Theo Thiên Anh, Lối đi ngay dưới chân mình, Báo Phụ nữ, ngày 18/7/2015)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên.

Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng”?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của Susan Bruno khi cho rằng: “Nếu bố mẹ hi sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề “sống không dựa dẫm”.

Câu 2. (5,0 điểm) (ID: 278094)

Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

----HẾT----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:                   

- Câu văn nêu chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên: Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

Câu 3:

Danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng” vì:

- Ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động.

- Ông muốn các con tự lập.

Câu 4:

Đồng tình vì:

- Khi bố mẹ làm quá nhiều cho con, con sẽ mặc định là đó là thứ mà mọi người phải làm cho mình, sẽ đòi hỏi ở người khác.

- Đứa con sẽ mất đi tính tự lập và tự chủ trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

- Nêu vấn đề

- Giải thích vấn đề

+ Sống dựa dẫm là sống ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.

- Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tác hại của lối sống dựa dẫm:

+ Đối với cá nhân, lối sống này sẽ làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào người khác, không có chính kiến cá nhân, lập trường và tư tưởng

+ Những người mang trong mình lối sống này sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội

- Nguyên nhân của lối sống dựa dẫm:

+ Do quen được người khác lo lắng và làm cho nhiều việc, được gia đình nuông chiều

+ Do chưa lười biếng, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với chính cuộc sống của mình.

+ Do chưa được giáo dục đúng cách.

- Biện pháp khắc phục:

+ Mỗi cá nhân tự nhận thức lại giá trị của mình cũng như trách nhiệm của mình trong cuộc sống.

+ Gia đình, nhà trường cần phải rèn luyện cho con em mình lối sống tự lập, tự chủ.

- Liên hệ bản thân

-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Việt Đức. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?