TRƯỜNG THPT THẢO NGUYÊN | ĐỀ THI HK1 MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I: Đọc – hiểu văn bản (3 điểm)
Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì? Sáng tạo của Người thể hiện ở đoạn đầu này là điều gì?
II: Tự luận (7 điểm)
Phát biểu cảm nhận của Anh/chị về đoạn thơ sau:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
(Tây Tiến – Quang Dũng
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I: Đọc – hiểu văn bản (3 điểm)
1. Các bản tuyên ngôn đã được trích dẫn:
– Tuyên ngôn Độc lập (năm 1776 của nước Mĩ).
– Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1791 của Cách mạng Pháp.
(0,5)
2. Ý nghĩa của việc trích dẫn:
– Nêu lên những nguyên lí chung về quyền được tự do bình đẳng của con người để khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc. (0,5)
– Tạo vị thế bình đẳng giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. (0,5)
– Đưa ra những lí lẽ thuyết phục để chuẩn bị tiền đề cho lập luận ở phần tiếp theo, làm cơ sở cho cả hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn. (0,5)
– Sáng tạo:
Nâng quyền lợi của con người lên thành quyền lợi của dân tộc. Suy rộng ra… “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng…..và quyền tự do”. (1,0)
II: Tự luận (7 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học – cảm nhận một tác phẩm thơ. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Biết vận dụng tốt các thao tác lập luận. Ý sâu sắc, văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:
- Cảm nhận về đoạn thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
a. Mở bài: Vài nét về tác giả, hoàn cảnh sáng tác:
– Quang Dũng (1921 – 1988) là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, và cũng là một nghệ sĩ đa tài. Những bài thơ của ông đều mang một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. (0,5)
– Tây Tiến được sáng tác tại Phù Lưu Chanh, 1948 được in trong tập thơ “Mây đầu ô”. Là bài thơ xuất sắc viết về người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (0,5)
b. Thân bài: Cảm nhận về đoạn thơ “Tây Tiến”
- Về nội dung:
+ Chân dung người lính Tây Tiến được tác giả ghi lại rất cụ thể, chân thật: đó là cái vẻ bề ngoài rất khác thường, kì dị, tiều tụy do điều kiện sống và chiến đấu gian khổ, thiếu thốn… nhưng ẩn chứa từ trong sâu thẳm tâm hồn là ý chí, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng mãnh, phi thường của người lính. (1,0)
+ Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến: một tình yêu say đắm, nồng nàn khi “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (1,0)
+ Câu thơ tiếp tục ghi nhận cái chết của người lính với đầy vẻ bi thương nhưng cũng rất hào hùng: tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, vì Tổ Quốc, vì nhân dân. (1,0)
+ Đoạn thơ kết thúc bằng khúc ca bi tráng của dòng sông Mã. Dòng sông là chứng nhân của một thời kỳ hào hùng, chứng kiến cái chết của người tráng sĩ, nó gầm lên khúc độc hành bi phẫn, làm rung động cả một chốn núi rừng hoang sơ. (1,0)
- Về nghệ thuật:
+ Hình ảnh chân thật, sinh động, cụ thể, tương phản, hào hoa, lãng mạn. Ngôn từ có sự chọn lọc, độc đáo, đặc sắc, đầy sáng tạo. (0,5)
+ Âm hưởng, giọng điệu: Bi tráng…Sử dụng phép tu từ: nói giảm. (0,5)
c. Kết bài:
- Với bút pháp hiện thực, lãng mạn, Quang Dũng không chỉ đã xây dựng thành công chân dung người lính Tây Tiến mà còn xây dựng thành công một bức tượng đài đẹp đẽ, hấp dẫn, lưu truyền cho nhiều thế hệ mai sau. (0,5)
- Học sinh nêu bài học bản thân về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (0,5)
2. ĐỀ SỐ 2
Câu 1: ( 3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:
... “Đó là lý do chúng ta phải công khai lên tiếng về AIDS. Dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, chúng ta sẽ không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS. Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.”...
(Trích Thông đệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003 – Cô-phi An-nan )
Câu 1a. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên? ? ( 0,5 điểm).
Câu 1b. Đọc đoạn văn trên em hiểu “chúng ta” là đối tượng nào, “họ” là đối tượng nào? ( 0,5 điểm).
Câu 1c. Đọc đoạn văn trên em hiểu “im lặng” có nghĩa là gì? “công khai lên tiếng về AIDS” có nghĩa là gì? ( 0,5 điểm).
Câu 1d. Phân tích ý nghĩa của câu văn sau trong đoạn trên: Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. ( 0,5 điểm).
Câu 1e. Xét về phương thức biểu đạt đoạn văn trên trên thuộc loại văn bản nào? Vì sao? ( 0,5 điểm).
Câu 1g. Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc trong đoạn văn trên là gì? ( 0,5 điểm).
Câu 2: ( 3,0 điểm):
Hãy viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thái độ đổi xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay.
Câu 3: (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về khổ thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
...“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”...
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1:
a. Câu 1a. Nêu nội dung chính của đoạn văn? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nội dung chính của văn bản? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi.
+ Tác giả nêu nhiệm vụ, đề nghị mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa.
+ Hoặc trả lời: Tác giả đề nghị mọi người không lẩn tránh trách nhiệm phòng chống HIV/AIDS ; không vội vàng phán xét đồng loại, không kì thị và phân biệt đối xử với những người đã mắc bệnh HIV/AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đầy đủ.
Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Ai cũng phải phòng chống HIV/AIDS.
+ Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của chúng ta.
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.Hoặc trả lời không rõ nghĩa.
b. Câu 1b. Đọc đoạn văn trên em hiểu “chúng ta” là đối tượng nào “họ” là đối tượng nào? (0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nghĩa của từ trong văn bản? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi:
+ Đọc văn bản cần hiểu chúng ta là từ chỉ những người hiện chưa bị lây nhiễm HIV ; họ là từ chỉ những bệnh nhân bị nhiễm HIV / AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ (chỉ nêu được nghĩa của một trong hai từ trên)
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi hoặc hiểu sai nghĩa của hai từ đó.
c.Câu 1c. Đọc đoạn văn trên em hiểu “im lặng” có nghĩa là gì? “công khai lên tiếng về AIDS” có nghĩa là gì? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nghĩa của từ ngữ mà tác giả sử dụng trong văn bản ? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi:
+ Đọc văn bản cần hiểu im lặng là từ chỉ thái độ bàng quan, thờ ơ, vô cảm của con người trước đại dịch HIV/AIDS.
+ công khai lên tiếng về AIDS là từ chỉ những thái độ và hành động tích cực của con người trong việc phòng chống HIV/AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ (chỉ nêu được nghĩa của một trong hai cụm từ trên)
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi hoặc hiểu sai nghĩa của hai từ, cụm từ đó.
d. Câu 1d. Phân tích ý nghĩa của câu văn sau trong đoạn trên: Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. (0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết về ý nghĩa của câu văn. (0,5 điểm)
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Câu văn tạo ra mối tương quan giữa một bên là sự thờ ơ trước dịch HIV/AIDS và một bên là cái chết, để qua đó cho thấy sự tích cực chống lại HIV/AIDS, với loài người, là vấn đề có ý nghĩa sinh tử, tồn vong, sống hay không sống.
+ Hoặc: Tác giả so sánh: Nếu ta thờ ơ trước đại dịch HIV/AIDS cũng có nghĩa là ta chấp nhận cái chết, sự hủy diệt sẽ đến với loài người.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa sâu sắc. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Im lặng thờ ơ với bệnh HIV/AIDS là rất nguy hiểm.
+ Thờ ơ với HIV/AIDS là hiểm họa đối với mọi người.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.
e. Câu 1e. Xét về phương thức biểu đạt đoạn văn trên thuộc loại văn bản nào? Vì sao? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết những dấu hiệu của văn bản nghị luận.
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Đây là văn bản nghị luận. Vì nội dung đề cập đến thái độ, quan điểm trước một vấn đề xã hội, cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục.
+ Đây là văn bản nghị luận về vấn đề xã hội. Vì nội dung đề cập đến thái độ, quan điểm rõ ràng trước đại dịch HIV/AIDS, suy luận lô gic, chặt chẽ.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ, chưa sâu sắc (chỉ nêu đúng loại văn bản mà chưa giải thích vì sao hoặc giải thích không đúng đặc trưng của loại văn bản nghị luận). Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Đây là văn bản nghị luận..
+ Đây là văn bản nghị luận. Giọng điệu tự sự, khách quan.
+ Đây là văn bản nghị luận. Văn bản kể chuyện ngắn gọn, bất ngờ.
+ Các câu trả lời tương tự...
Lưu ý phần gạch chân là phần giải thích sai.
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi (hỏi về hình thức của văn bản). Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Văn bản tự sự.
+ Văn bản văn học.
+ Văn bản thuyết minh.
Câu 1g. Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc trong đoạn văn trên là gì? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết về ý nghĩa xã hội của văn bản.
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Tác giả cảnh báo các nguy cơ của thái độ xa lánh, chia rẽ, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS dẫn tới mục tiêu phòng chống HIV/AIDS của chúng ta sẽ không thể hoàn thành. Và chính bằng cách đó, C. An-nan đã cổ động nhiệt tình cho sự đối xử ấm áp, gần gũi đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS.
+ C. An-nan đã kêu gọi mọi người hãy đối xử bình đẳng, gần gũi đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS vì đó là cách mà con người có thể chủ động phòng chống căn bệnh này có hiệu quả.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa sâu sắc. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Không nên phân biệt đối xử với người bị mắc bệnh HIV/AIDS.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.
Câu 2: ( 3,0 điểm):
a. Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Trước những người bị nhiễm HIV/AIDS con người có những thái độ đối xử khác nhau.
Vài nét về căn bệnh HIV/AIDS.
+ HIV/AIDS là gì?
+ Tính chất nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS?
Bàn luận (bình luận, phân tích, chứng minh) về thái độ đổi xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS ở ViệtNamhiện nay.
Thái độ tích cực và tác dụng của nó:
- Nhìn chung nhà nước và toàn thể cộng đồng đã có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề đại dịch HIV và với những người mắc phải căn bệnh này.
+ Nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, nhiều cá nhân đã nỗ lực tham gia “cuộc chiến” chống lại hiểm hoạ chung.
+ Đã có những trung tâm tư vấn, điều trị miễn phí...
+ Nhiều cá nhân công khai căn bệnh của mình trước cộng đồng...
+ Nhiều cá nhân tình nguyện chăm sóc cho những người bệnh nặng không nơi nương tựa...
- Những thái độ đó có tác dụng:
+ Giúp mọi người có hiểu biết về bệnh HIV, biết cách phòng tránh...
+ Người mắc bệnh có ý chí, nghị lực để chữa bệnh, hạn chế sự lây lan ..
* Thái độ tiêu cực và tác hại của nó:
- Thực tế, vẫn còn sự kì thị, phân biệt đối xử với những người bị bệnh.
+ Nhiều khi họ bị đồng nhất với các đối tượng có vấn đề trong xã hội (như người nghiện hút, tiêm chích ma tuý, gái mại dâm, người có lối sông buông thả).
+ Nhiều người bệnh bị chính người thân, gia đình mình xa cánh, thậm chí khinh miệt của mọi người xung quanh…
- Điều này gây nên những tác hại khôn lường: phần đông người mắc bệnh giấu diếm, không dám công khai chữa trị, nhiều người rơi vào tâm trạng tuyệt vọng phẫn uất… Vì thế bệnh có thể lây lan khó kiểm soát...
c. Kết bài
Bài học nhận thức và hành động
- Phê phán thái độ kì thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
- Cần có thái độ sống có trách nhiệm, tích cực và nhân đạo trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS nói riêng và trong các vấn đề thiết thân của thực tế đời sống nói chung.
- Phấn đấu học tập, rèn luyện để có sức khỏe, có lối sống lành mạnh...
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Thảo Nguyên. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Kim Bình có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Số 1 An Nhơn có đáp án
Chúc các em học tập tốt!