Bộ 2 đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2018-2019

BỘ 2 ĐỀ THI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2018 – 2019

Môn: Ngữ văn – Lớp 8

(Thời gian làm bài: 120 phút)

ĐỀ 1

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo. Đạo là lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người. Kẻ đi học là học điều ấy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến giờ, nền chính học đã bị thất truyền. Người ta đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn  biết đến tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, thần nịnh hót. Nước mất, nhà tan đều do những điều tệ hại ấy. "

(Trích Bàn luận về phép học, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp,
Ngữ Văn 8 - tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điểm). Câu “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo.” thuộc kiểu câu gì xét theo mục đích nói?

Câu 3 (1,0 điểm). Trong đoạn văn trên, tác giả đã nêu lên mục đích chân chính của việc học. Mục đích đó là gì?

Câu 4 (1,0 điểm). Hiện nay, việc một số người đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi. Vậy, theo em lối học đó có phù hợp trong xã hội đang phát triển như nước ta hay không? Vì sao?

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm).

Từ nội dung phần Đọc hiểu hãy viết một đoạn văn (từ 8 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về mục đích việc học của chính mình hôm nay.  

Câu 2 (5.0 điểm). M.Go-rơ-ki nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”

Em hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên.

ĐỀ 2:

I. VĂN – TIẾNG VIỆT: (4 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

a) Chép chính xác phần dịch thơ bài thơ “Ngắm Trăng”  của Hồ Chí Minh? (1 điểm).

b) Qua bài thơ “Ngắm Trăng”  em học tập được gì ở Bác? (1 điểm).

Câu 2: (2 điểm )

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi: 

“Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm.  Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước. Nhưng lão không nghe…

- Ông giáo hút trước đi.

Lão đưa đóm cho tôi…

- Tôi xin cụ.

Và tôi cầm lấy đóm, vo viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão bỏ thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:

- Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!”

(Lão Hạc - Ngữ văn 8 Tập hai)

a) Trong đoạn trích trên mỗi nhân vật nói bao nhiêu lượt lời? (1 điểm).

b)  Xác định vai xã hội của hai nhân vật tham gia cuộc thoại trên? (1điểm).

II. LÀM VĂN: (6 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải kiên quyết và nhanh chóng bài trừ như: cờ bạc, tiêm chính ma túy, hoặc tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh, ...

GỢI Ý ĐÁP ÁN

ĐỀ 1

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1:               

  • Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích:  nghị luận.
  • HS xác định từ 02 phương thức trở lên được ½ điểm.

Câu 2:               

  • Câu "Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo.” là câu phủ định.

Câu 3: Mục đích chân chính của việc học là học để làm người.

Câu 4: HS bày tỏ ý kiến riêng của mình, và có cách lý giải phù hợp nhưng không vi phạm đạo đức, pháp luật. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Nêu nhận xét, đánh giá.
  • Lí giải ngắn gọn, thuyết phục cho nhận xét của mình.

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (từ 7- 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về mục đích việc học của chính mình hôm nay.

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề: mục đích việc học của chính mình hôm nay

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác viết đoạn.

d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2 (5.0 điểm). M.Go-rơ-ki nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Em hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên.

  • Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:
    • Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.
    • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Xác định đúng vấn đề nghị luận:
    • Giải thích và chứng minh ý kiến của M.Go-rơ-ki: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.
  •  Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một số gợi ý định hướng cho việc chấm bài:
    • Mở bài:
      • Giới thiệu khái quát về vai trò, tầm quan trọng của sách đối với cuộc sống của con người hôm nay.
      • Trích dẫn câu nói của M.Go-rơ-ki.
    • Thân bài:
      • Giải thích: Sách là gì?
        • Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người về mọi phương diện.
        • Sách ghi lại những hiểu biết, những phát minh của con người từ xưa đến nay trên mọi phương diện.
        • Sách mở ra những chân trời mới: mở rộng sự hiểu biết về thế giới tự nhiên và vũ trụ, về loài người, về các dân tộc…
      • Chứng minh vai trò của sách trong đời sống:
        • Sách cung cấp tri thức về khoa học và kĩ thuật, văn hóa, lịch sử, địa lí,… (dẫn chứng).
        • Sách đưa ra khám phá tri thức của toàn nhân loại, của các dân tộc khác nhau trên toàn thế giới… (dẫn chứng).
        • Sách giúp ta rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ,… (dẫn chứng).
      • Cần có thái độ đúng đối với sách và việc đọc sách:
        • Tạo thói quen lựa chọn sách, hứng thú đọc và học theo sách những nội dung tốt.
        • Học những điều hay trong sách bên cạnh việc học trong thực tế.
    • Kết bài:
      • Khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách.
      • Thái độ của bản thân đối với việc đọc sách.
  • Sáng tạo:
    • Có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ.
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

ĐỀ 2:

I. VĂN – TIẾNG VIỆT: (4 điểm)

Câu 1

a) Học sinh chép đúng bài thơ “Ngắm trăng” – Hồ Chí Minh như sau:

“Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

b) Học tập được: (Học sinh trình bày ý kiến cá nhân nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau)

  • Tinh thần vượt khó, tinh thần lạc quan
  • Tình yêu thiên nhiên sâu sắc.

Câu 2

a)  

  • Nhân vật ông giáo: 1 lượt lời
  • Nhân vật lão Hạc: 2 lượt lời.

b)  Vai xã hội của Lão Hạc và ông giáo:                          

  • Xét về tuổi tác: Lão Hạc ở vai trên, ông giáo ở vai dưới.
  • Xét về địa vị xã hội: Lão Hạc có địa vị thấp hơn ông giáo.

II. LÀM VĂN: (6 điểm)

Gợi ý:

  • Mở bài:
    • Giới thiệu vấn đề nghị luận (Học sinh nêu ra được vấn đề cần nghị luận như: cờ bạc, ma túy...)
  • Thân bài:
    • Giải thích:
      • Thế nào là tệ nạn xã hội?
        • Tệ nạn xã hội là những hành vi sai trái, không đúng với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội là mối nguy hiểm, phá vỡ hệ thống xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh. Các tệ xã hội thường gặp là: cờ bạc, tệ nạn ma tuý, mại dâm, …
    • Thực trạng về tệ nạn xã hội hiện nay: (dẫn chứng)
    • Nguyên nhân:
      • Chủ quan: bản thân không nhận thức, không làm chủ bản thân, thích thể hiện mình...
      • Khách quan
        • Gia đình:  thiếu sự quan tâm của gia đình..
        • Xã hội: ảnh hưởng thông tin trên mạng, xã hội hiện đại phát sinh nhiều tiêu cực...
        • Do bạn bè xấu rủ rê...
    • Tác hại:
      • Đối với bản thân:
        • Mất nhiều thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, học tập...
        • Ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách. 
      • - Đối với gia đình:
        • Ảnh hưởng kinh tế, hạnh phúc....
      • Đối với xã hội:
        • Ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
        • Tạo gánh nặng cho xã hội...
    • Biện pháp khắc phục:
      • Có hiểu biết, tránh xa những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội.
      • Tuyên truyền cho mọi người lối sống lành mạnh.
      • Gia đình cần có sự quan tâm....
  • Kết bài:
    • Khẳng định lại vấn đề.
    • Rút ra bài học cho bản thân.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?