ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 MÔN NGỮ VĂN 8
Đề 1:
Câu 1: (3 điểm)
1. Chép thuộc khổ thơ thứ 3 của bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. (1 điểm)
2. Phân tích cái hay, cái đẹp của khổ thơ này. (2 điểm)
Câu 2: Hãy gạch chân câu văn thể hiện luận điểm trong đoạn văn sau và cho biết đoạn văn đã được trình bày theo cách diễn dịch hay quy nạp?
"Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy, nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy...".
(Hồ Chí Minh)
Câu 3: (5 điểm)
Bác Hồ dạy: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”
Hãy giải thích ngắn gọn lời dạy trên và chứng minh đó là một quan niệm đúng đắn.
Đề 2:
Câu 1: (2 điểm)
Cho đoạn trích sau:
"Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bàng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời"
(Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn, Sách Ngữ văn 8 - tập II)
1. Đoạn trích trên được viết bằng thể loại gì? Nêu đặc điểm của thể loại đó? (1 điểm)
2. Nội dung của đoạn trích trên là gì? (1 điểm)
Câu 2: (2 điểm)
Hoàn chỉnh nội dung cho bảng sau:
Kiểu câu | Chức năng, đặc điểm hình thức |
Câu nghi vấn |
|
Câu cầu khiến |
|
Câu cảm thán |
|
Câu 3: (2 điểm)
1. Phân biệt sự khác nhau giữa đoạn văn diễn dịch và quy nạp. (1 điểm)
2. Hãy gạch chân câu văn thể hiện luận điểm trong đoạn văn sau và cho biết đoạn văn đã được trình bày theo cách diễn dịch hay qui nạp? (1 điểm)
"Tôi quyết trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu...".
(Hoài Thanh)
Câu 4: (4 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Quê hương thể hiện tình yêu làng quê trong sáng, đằm thắm của Tế Hanh”.
Viết lời giới thiệu về tác giả Tế Hanh, tác phẩm Quê hương để làm sáng tỏ nội dung ý kiến trên.
.......HẾT........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
ĐỀ 1:
Câu 1:
1. Chép thuộc khổ thơ thứ 3 của bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
2. Phân tích cái hay, cái đẹp của khổ thơ này.
- Đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
- Các câu hỏi tu từ liên tiếp xuất hiện như một nỗi niềm lay tỉnh và khêu gợi nỗi nhớ trào lên trong lòng mãnh thú: “nào đâu những”, “đâu những ngày”, “đâu những bình minh”, “đâu những chiều”,...
- Đoạn thơ tráng lệ nói về bốn nỗi nhớ của chúa sơn lâm: nhớ triền miên ngày và đêm, sớm và chiều, mưa và nắng, thức và ngủ, lúc say mồi và lúc lặng ngắm, lúc đợi chờ.
- Cái hay của câu thơ gắn liền với nhạc và họa. Tái hiện lên bức tranh tứ bình mà nhân vật trung tâm là chúa sơn lâm: mơ mộng, trầm ngâm, chiêm nghiệm, tung hoành...
- Sự kết hợp giữa câu cảm thán với câu hỏi tu từ thể hiện tiếng than của một “hùm thiêng sa cơ”, của một kẻ phi thường thất thế, một tiếng thở dài của lớp người khao khát tự do: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”
Câu 2:
- Câu văn chứa luận điểm, đó là câu: "Vì vậy, nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy"
- Đoạn văn trên được viết theo cách quy nạp
Câu 3:
1. Học hỏi là việc học sinh tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
2. Lời dạy bảo của Bác có ý nghĩa khuyên chúng ta phải luôn học hỏi không ngừng, học hỏi suốt đời trong nhà trường và ngoài xã hội.
3. Đây là một quan điểm đúng đắn nhất, bởi vì kiến thức của nhân loại bao la mênh mông như biển cả còn sự hiểu biết của mỗi người chúng ta chỉ nhỏ như giọt nước.
4. Lời nhận định có giá trị về mặt giáo dục con người mới, giáo dục lý tưởng sống cao quý.
5. Mỗi học sinh phải xác định cho mình động cơ học tập là vì Tổ quốc, vì nhân dân; học để trở thành người lao động mới có khả năng, trình độ để phục vụ đất nước.
* Một số dẫn chứng minh họa cho vấn đề nghị luận:
1. Biển học vô bờ, siêng năng là bến. (Danh ngôn)
2.Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc. (Ngạn ngữ Gruzia)
3. Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học. (Đác-uyn)
4. Đường đời là chiếc thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối cùng. (Kalinin)
5. Học khôn, học đến chết
Học khéo, học đến già. (Tục ngữ Thái)
ĐỀ 2:
Câu 1: (2 điểm)
1.
- Đoạn trích trên được viết theo thể loại chiếu.
- Đặc điểm của thế loại chiếu:
+ Đây là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh.
+ Chiếu có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; được công bố và đón nhận một cách trang trọng.
+ Bài chiếu thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả triều đại, đất nước.
2.
Đoạn trích nêu lên những thuận lợi của địa thế thành Đại La và Lý Công Uẩn khẳng định đó là nơi tốt nhất để đóng đô.
Câu 2:
Hoàn chỉnh nội dung:
Kiểu câu | Chức năng, đặc điểm hình thức |
Câu nghi vấn | Dùng để hỏi hoặc bộc lộ sự nghi vấn. Khi viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi |
Câu cầu khiến | Dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo... Khi viết, câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm |
Câu cảm thán | Dùng để bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc, thái độ... Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than. |
Câu 3:
1. Phân biệt sự khác nhau giữa đoạn văn diễn dịch và quy nạp.
a) Đoạn văn diễn dịch: là đoạn văn có câu chủ đề ở đầu đoạn. Các câu còn lại mang ý cụ thể (giải thích, chứng minh...) làm rõ câu chủ đề.
b) Đoạn văn quy nạp: là đoạn văn có câu chủ đề nằm cuối đoạn văn. Cách trình bày nội dung đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các chi tiết đến ý khái quát, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm.
2.
а. Câu văn chứa luận điểm, đó là câu: " Tôi quyết trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này".
b. Đoạn văn trên được viết theo cách diễn dịch.
Câu 4:
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm: Tác giả Tế Hanh với tuyệt tác Quê hương của ông.
- “Quê hương thể hiện tình yêu làng quê trong sáng, đằm thắm của Tế Hanh”.
2. Thân bài:
а. Tác giả Tế Hanh:
- Tế Hanh sinh năm 1921 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
- Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo ở nông thôn, bố dạy học và làm thuốc.
- Tế Hanh làm thơ và chịu ảnh hưởng không nhỏ của những nhà thơ trong phong trào Thơ mới.
- Các tác phẩm tiêu biểu: tập thơ Hoa niên, Những số kiếp, Gửi miền Bắc, Khúc ca mới...
- Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.
b. Tác phẩm :
- Xuất xứ bài thơ Quê hương -. Viết năm 1938, khi nhà thơ đang học ở Huế. Bài thơ in trong tập thơ Hoa niên.
- Thể loại: Thể thơ tám chữ, gieo vần liên tiếp, gieo vần bằng và vần trắc nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm gián tiếp kết hợp yếu tố miêu tả.
- Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
+ Nội dung:
Bài thơ Quê hương là một bài thơ hay, nói lên nỗi nhớ làng chài - quê hương thân yêu của tác giả. Những câu thơ tả con thuyền, cánh buồm, chàng trai làng chài... và nỗi nhớ của đứa con xa rất hay, đậm đà một hồn quê, một tình quê.
+ Nghệ thuật:
Cảm xúc chân thực được diễn đạt bằng lời thơ giản dị, tự nhiên giàu hình ảnh. Sử dụng những phép tu từ đặc sắc: nghệ thuật so sánh đầy sáng tạo, nghệ thuật nhân hóa với bao tình thương yêu, chuyển đổi cảm giác khá thành công, tạo nên những vần thơ chứa chan thi vị. Tiếng thơ nhỏ nhẹ, hiền hòa nhưng không kém phần tha thiết, đã giúp thơ ông dễ dàng đến với bạn đọc.
- Vai trò của tác phẩm trong nền văn học nước nhà:
+ Đây là bài thơ tuyệt bút, được bạn đọc bầu chọn là một trong bài thơ hay nhất của Thơ mới.
+ Bài thơ tái hiện phong cảnh và con người quê hương với những tình cảm lắng đọng, dạt dào, thiết tha, chân thành trong những kỉ niệm tươi thắm.
+ Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, đây là bài thơ đầu tiên viết về quê hương, khơi dòng để sau này có những bài thơ tuyệt bút nối tiếp nhau ra đời: Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Núi đôi (Vũ Cao), Quê hương (Giang Nam), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Quê hương (Đỗ Trung Quân)...
3. Kết bài:
- Suy nghĩ và đánh giá của bản thân về tác giả, tác phẩm.
- Liên hệ bản thân về vị trí của tác giả, tác phẩm trong nền văn học của dân tộc, đặc biệt trong dòng văn học hiện đại.
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi và thang điểm đề đề kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn 8. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong bài kiểm tra của mình.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 8 - Phòng GD&ĐT Bắc Ninh
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---