BÀI TẬP ÔN TẬP TỔNG HỢP CHỦ ĐỀ SINH SẢN HỮU TÍNH
MÔN SINH HỌC 6 NĂM 2020
I. Trắc Nghiệm
Câu 1. Các bộ phận chính của hoa gồm
- cuống hoa, đế hoa và cánh hoa.
- đài hoa, tràng hoa, nhị hoa và nhuỵ hoa.
- cuống hoa, đế hoa, đài hoa.
- nhị hoa và nhuỵ hoa.
Câu 2. Căn cứ vào bộ phận sinh sản chính của hoa, người ta chia hoa thành 2 nhóm là
- hoa đực và hoa cái.
- hoa mọc đơn độc và hoa mọc thành cụm.
- hoa đơn tính và hoa lưỡng tính.
- hoa thụ phấn nhờ gió và hoa thụ phấn nhờ sâu bọ.
Câu 3. Nhụy hoa gồm các bộ phận là
- đầu nhuỵ và vòi nhuỵ.
- bầu nhuỵ, noãn và vòi nhuỵ
- đầu nhuỵ, noãn và vòi nhuỵ.
- bầu nhuỵ, vòi nhuỵ và đầu nhuỵ.
Câu 4. Nhị hoa gồm các bộ phận là
- bao phấn và hạt phấn.
- bao phấn và chỉ nhị.
- chỉ nhị và hạt phấn.
- bao phấn và hạt phấn.
Câu 5. Tràng hoa có đặc điểm là
- gồm nhiều cánh hoa rời hoặc dính nhau.
- có thể có những màu sắc khác nhau tuỳ loại cây.
- có thể có hương thơm.
- cả A, B và C.
Câu 6. Hoa lưỡng tính là hoa có
- cả nhị và nhuỵ.
- đài hoa, tràng hoa và nhuỵ hoa
- cuống hoa, đế hoa, bao hoa.
- cuống hoa, nhị hoa và tràng hoa.
Câu 7. Nhóm hoa nào sau đây đều là hoa đơn tính?
- Hoa ngô, hoa mướp, hoa dưa chuột.
- Hoa bưởi, hoa ổi, hoa ngọc lan.
- Hoa cải, hoa ngô, hoa sen.
- Hoa đậu, hoa lúa, hoa ngô.
Câu 8. Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản
- hình thành cá thể mới từ một phần cơ quan sinh sản.
- hình thành cá thể mới từ một phần của cơ quan sinh dưỡng.
- có sự tham gia của cây bố và cây mẹ.
- có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực và tế bào sinh dục cái.
Câu 9. Hoa tự thụ phấn là
- hoa đơn tính, thời gian chín của nhị đồng thời so với nhuỵ.
- hoa lưỡng tính, thời gian chín của nhị đồng thời so với nhuỵ.
- hoa đơn tính, thời gian chín của nhị không đồng thời so với nhuỵ.
- hoa lưỡng tính, thời gian chín của nhị không đồng thời so với nhuỵ.
Câu 10. Hoa giao phấn là
- hoa đơn tính, thời gian chín của nhị đồng thời so với nhuỵ.
- hoa lưỡng tính, thời gian chín của nhị đồng thời so với nhuỵ.
- hoa đơn tính hoặc hoa lưỡng tính, thời gian chín của nhị đồng thời so với nhuỵ.
- hoa đơn tính hoặc hoa lưỡng tính, thời gian chín của nhị không đồng thời so với nhuỵ.
Câu 11. Nhóm hoa nào sau đây gồm toàn những hoa tự thụ phấn?
- Hoa bưởi, hoa ngô, hoa mướp.
- Hoa lúa, hoa đậu xanh, hoa lạc
- Hoa phong lan, hoa dừa, hoa cau.
- Hoa dưa chuột, hoa phi lao, hoa thị.
Câu 12. Nhóm hoa nào sau đây gồm toàn những hoa thụ phấn nhờ gió?
- Hoa dạ hương, hoa quỳnh.
- Hoa phong lan, hoa mướp.
- Hoa ngô, hoa phi lao.
- Hoa bưởi, hoa bìm bìm.
Câu 13. Đặc điểm nào sau đây là của hoa thụ phấn nhờ sâu bọ?
- Bao hoa tiêu biến hoặc có cấu tạo đơn giản.
- Hạt phấn nhiều, nhỏ, nhẹ.
- Chỉ nhị dài, hoa thường ở đầu cành.
- Hạt phấn to và có gai, đầu nhuỵ có chất dính.
Câu 14. Bộ phận của hoa phát triển thành quả là
- vòi nhuỵ.
- đầu nhuỵ.
- noãn.
- bầu nhuỵ.
Câu 15. Hãy chọn những từ thích hợp trong các từ : hoa đơn tính, hoa đực, hoa cái, hoa lưỡng tính điền vào chỗ trống trong các câu dưới đây:
- Những hoa có đủ nhị và nhuỵ gọi là....................
- Những hoa thiếu nhị hoặc nhuỵ gọi là....................
- Hoa đơn tính chỉ có nhị gọi là.............................
- Hoa đơn tính chỉ có nhuỵ gọi là...........................
ĐÁP ÁN
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | |||
B | C | D | B | D | A | A | D | B | D | |||
11 | 12 | 13 | 14 | 15.A | 15.B | 15C | 15D | |||||
B | C | D | D | Hoa lưỡng tính | Hoa đơn tính | Hoa đực | Hoa cái |
II. Tự Luận
Bài 1. Căn cứ vào cách xếp hoa trên cây người ta chia thành mấy nhóm hoa? Cho ví dụ.
TL:
- Dựa vào cách xếp hoa trên cây, người ta chia thành 2 nhóm
- Hoa mọc đơn độc, ví dụ: hoa hồng, hoa râm bụt...
- Hoa mọc thành cụm, ví dụ: hoa cúc, hoa cải...
Bài 2. Em hãy liệt kê vào bảng dưới đây, những điểm khác biệt giữa hoa thụ phấn nhờ sâu bọ và hoa thụ phấn nhờ gió mà em biết.
TL:
Những điểm khác biệt giữa hoa thụ phấn nhờ sâu bọ và hoa thụ phấn nhờ gió:
Đặc điểm | Hoa thụ phấn nhờ sâu bọ | Hoa thụ phấn nhờ gió |
Bao hoa | Đầy đủ hoặc có cấu tạo phức tạp, thường có màu sắc sặc sỡ. | Đơn giản hoặc tiêu biến, không có màu sặc sỡ. |
Nhị hoa | Có hạt phấn to, có gai hoặc có chất dính. | Chỉ nhị dài, bao phấn treo lủng lẳng, hạt phấn rất nhiều, nhỏ, nhẹ và trơn. |
Nhuỵ hoa | Đầu nhuỵ thường có chất dính. | Đầu nhuỵ dài, bề mặt tiếp xúc lớn, thường có lông quét. |
Đặc điểm khác | - Thường có hương thơm, mật ngọt. - Hoa mọc ở đầu cành hoặc nách lá. | - Hoa không có mùi thơm, không có mật ngọt. - Hoa thường mọc ở ngọn cây hoặc đầu cành |
Bài 3. Hạt và quả do bộ phận nào của hoa tạo thành? Quả có chức năng gì?
TL:
Hình thành hạt:
- Noãn sau khi thụ tinh có những biến đổi, tế bào hợp tử phân chia rất nhanh và phát triển thành phôi.
- Vỏ noãn hình thành vỏ hạt và phần còn lại của noãn phát triển thành bộ phận chứa chất dự trữ cho hạt.
- Mỗi noãn đã được thụ tinh hình thành một hạt, vì vậy số lượng hạt tuỳ thuộc số noãn được thụ tinh.
- Tạo quả: Trong khi noãn biến đổi thành hạt, bầu nhuỵ cũng phát triển thành quả chứa hạt.
- Quả có chức năng bảo vệ hạt.
Bài 4. Những cây có hoa nở về ban đêm như nhài, quỳnh, dạ hương có đặc điểm gì để thu hút sâu bọ?
TL:
- Các hoa nở về đêm như hoa nhài, hoa quỳnh, hoa dạ hương thường có màu trắng, có tác dụng làm cho hoa nổi bật trong đêm tối khiến côn trùng dễ nhận ra.
- Ngoài ra, những hoa này còn có mùi thơm rất đặc biệt cũng có tác dụng dẫn đường để côn trùng tìm đến mặc dầu chúng có thể chưa nhìn thấy hoa.
Bài 5. Em hãy kể tên một số loại cây khi quả hình thành vẫn còn giữ lại một số bộ phận của hoa.
TL:
- Một số cây khi quả hình thành vẫn còn giữ lại một số bộ phận của hoa
- Ví dụ:
+ Quả của các cây như cà chua, ổi, hồng, thị... vẫn còn phần đài hoa.
+ Quả của các cây như chuối, ngô... vẫn còn phần đầu nhuỵ, vòi nhuỵ.
Bài 6. Em hãy nêu tên, đặc điểm và chức năng của những bộ phận chính ở hoa. Bộ phận nào là quan trọng nhất? Vì sao?
TL:
- Hoa bao gồm các bộ phận chính: đài, tràng, nhị và nhuỵ. Hoa còn có cuống hoa và đế hoa.
+ Đài và tràng làm thành bao hoa bảo vệ nhị và nhuỵ. Tràng gồm nhiều cánh hoa, màu sắc của cánh hoa khác nhau tuỳ theo từng loại cây.
+ Mỗi nhị gồm chỉ nhị và bao phấn đính trên chỉ nhị. Bao phấn chứa rất nhiều hạt phấn mang tế bào sinh dục đực.
+ Nhuỵ gồm có đầu nhuỵ, vòi nhuỵ, bầu nhuỵ chứa noãn mang tế bào sinh dục cái.
- Bộ phận quan trọng nhất của hoa là nhị và nhuỵ, vì nhị và nhuỵ là bộ phận sinh sản chính của hoa.
Bài 7. Những hoa nhỏ thường mọc thành cụm có tác dụng gì đối với côn trùng và đối với sự thụ phấn của hoa?
TL:
- Những hoa nhỏ thường mọc thành cụm có tác dụng thu hút côn trùng. Côn trùng có thể phát hiện ra chúng từ xa và bay đến hút mật hoặc lấy phấn hoa rồi lại sang hoa khác nên có thể giúp cho nhiều hoa được thụ phấn.
Bài 8. Em hãy nêu những đặc điểm khác nhau cơ bản giữa hoa tự thụ phấn và hoa giao phấn?
TL:
Đặc điểm khác nhau | Hoa tự thụ phấn | Hoa giao phấn |
Loại hoa. | Hoa lưỡng tính. | - Hoa đơn tính. - Hoa lưỡng tính. |
Thời gian chín của nhị so với nhuỵ. | Nhị và nhuỵ chín đồng thời. | Nhị và nhuỵ không chín cùng một lúc |
Bài 9. Người ta thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả nhằm mục đích gì?
TL:
- Việc nuôi ong trong các vườn cây ăn quả vừa có lợi cho cây, vừa có lợi cho con người:
+ Ong lấy phấn hoa sẽ giúp cho sự thụ phấn của hoa, quả đậu nhiều hơn làm cho cây sai quả hơn.
+ Ong lấy được nhiều phấn và mật hoa nên ong cũng làm được nhiều mật hơn, tăng nguồn lợi về mật ong.
Bài 10. Trong trường hợp nào con người thường chủ động thụ phấn cho hoa?
TL:
- Con người thường chủ động thụ phấn cho hoa trong những trường hợp sau:
+ Khi sự thụ phấn nhờ động vật hoặc nhờ gió gặp khó khăn, người ta đã thụ phấn bổ sung cho hoa.
+ Khi muốn tăng khả năng cho quả và hạt người ta đã chủ động thụ phấn cho hoa hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho hoa giao phấn.
+ Khi muốn tạo ra những giống lai mới theo ý muốn, con người đã chủ động thực hiện giao phấn giữa những giống cây khác nhau để kết hợp được nhiều đặc tính tốt vào giống mới.
Bài 11. Phân biệt hiện tượng thụ phấn và hiện tượng thụ tinh. Thụ phấn có quan hệ gì với thụ tinh?
TL:
- Thụ phấn là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầu nhuỵ.
- Sau khi thụ phấn, hạt phấn trương lên và nảy mầm thành một ống phấn. Ông phấn xuyên qua đầu nhuỵ, vòi nhuỵ vào trong bầu. Khi tiếp xúc với noãn, tế bào sinh dục đực của ống phấn kết hợp với tế bào sinh dục cái có trong noãn tạo thành hợp tử. Đó là sự thụ tinh.
- Thụ phấn là điều kiện cần cho thụ tinh xảy ra.
---
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: