BÀI TẬP MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ SINH THÁI
SINH HỌC 9 NĂM 2020
Câu 1: Thế nào là quần thể sinh vật ? Nêu các đặc trưng của quần thể ? Trạng thái cân bằng của QT? Cơ chế duy trì trạng thái cân bằng của QT?
a. Quần thể sinh vật: Là tập hợp những cá thể cùng loài, sinh sống trong một khoảng không gian nhất định, ở một thời điểm xác định, có khả năng sinh sản để tạo ra thế hệ mới.
Ví dụ: Rừng cọ, đồi chè, đàn chim én…
b. Đặc trưng cơ bản của quần thể :
- Tỷ lệ giới tính: Là tỷ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái. Tỷ lệ giới tính ở đa số động vật thường là 1: 1. Tỉ lệ giới tính cho biết tiềm năng sinh sản của QT.
- Thành phần nhóm tuổi: Có 3 nhóm tuổi: trước sinh sản, sinh sản, sau sinh sản. Nghiên cứu thành phần nhóm tuổi cho ta thấy hình ảnh của sự phát triển QT trong tương lai.
- Mật độ quần thể: Là số lượng hay khối lượng SV có trong 1 đơn vị diện tích hay thể tích.
Nhận xét: Mật độ QT là đặc trưng quan trọng nhất vì mật độ ảnh hưởng tới mức sử dụng nguồn sống trong MT, tới tốc độ lan truyền vật kí sinh, tần số gặp gỡ giữa cá thể đực & cái, mật độ còn ảnh hưởng tới các đặc trưng khác của QT.
c. Trạng thái cân bằng của QT: Là trạng thái trong đó số lượng cá thể của QT ổn định và nhu cầu sử dụng nguồn sống cân bằng với khả năng cung cấp nguồn sống của MT.
d. Cơ chế duy trì trạng thái cân bằng của QT là cơ chế điều hòa mật độ QT trong trường hợp mật độ xuống thấp hoặc tăng cao. Dưới tác động của ĐKNC, cơ chế này làm thay đổi tốc độ sinh trưởng của QT bằng cách tác động lên tỉ lệ sinh sản và tỉ lệ tử vong.
Câu 2: Thế nào là QX sinh vật ? Nêu dấu hiệu điển hình của QX và so sánh sự khác nhau cơ bản giữa QTSV và QXSV ?
a. Quần xã sinh vật : Là tập hợp những quần thể sinh vật khác loài cùng sống trong 1 không gian xác định, chúng có mối quan hệ gắn bó như 1 thể thống nhất nên quần xã có cấu trúc ổn định. Các sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường sống của chúng.
Ví dụ : Ao cá tự nhiên, rừng nhiệt đới…
b. Dấu hiệu: Quần xã có các dấu hiệu điển hình gồm số lượng và thành phần các loài sinh vật.
- Số lượng loài được đánh giá qua 3 chỉ số:
+ Độ đa dạng: Là mức độ phong phú về số lượng loài trong quần xã. Khi MT thuận lợi thì QX có độ đa dạng cao, khi ĐKS khó khăn thì QX có độ đa dạng thấp.
+ Độ nhiều: Là mật độ của từng loài trong QX.
+ Độ thường gặp: Là tỉ lệ % số địa điểm bắt gặp 1 loài trong tổng số địa điểm quan sát.
- Thành phần loài được đánh giá qua 2 chỉ số:
+ Loài ưu thế: Là loài đóng vai trò quan trọng trong QX.
+ Loài đặc trưng: Là loài chỉ có ở 1 QX hoặc có nhiều hơn hẳn các loài khác trong QX.
c. Sự khác nhau cơ bản giữa quần thể và quần xã.
Quần thể SV | Quần xã SV |
- Tập hợp các cá thể cùng loài sống trong một sinh cảnh. | - Tập hợp các quần thể khác loài cùng sống trong một sinh cảnh. |
- Đơn vị cấu trúc là cá thể, được hình thành trong một thời gian tương đối ngắn. | - Đơn vị cấu trúc là quần thể, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử, tương đối dài. |
- Mối quan hệ giữa các cá thể chủ yếu là quan hệ sinh sản và di truyền. | - Mối quan hệ chủ yếu giữa các quần thể là quan hệ dinh dưỡng (quan hệ hổ trợ, đối địch ) |
- Không có cấu trúc phân tầng. | - Có cấu trúc phân tầng. |
Câu 3: Thế nào là cân bằng sinh học? Ý nghĩa của cân bằng sinh học?
a. Cân bằng sinh học: Là trạng thái mà số lượng cá thể của mỗi quần thể trong quần xã dao động quanh vị trí cân bằng nhờ khống chế sinh học phù hợp với khả năng của môi trường.
b. Ý nghĩa : Tạo sự cân bằng số lượng cá thể trong mỗi quần thể trong quần xã, hạn chế sự tăng nhanh của một số loài và giúp tăng số lượng của một số loài.
c. VD: Khi gặp khí hậu thuận lợi, cây cối phát triển tươi tốt → Số lượng sâu ăn lá tăng → Số lượng chim sâu tăng → Số lượng sâu giảm.
Câu 4 : Thế nào là hệ sinh thái ? Cho ví dụ về một hệ sinh thái. Phân tích các thành phần chính trong hệ sinh thái đó ?
a. Hệ sinh thái: Bao gồm quần xã sinh vật và khu vực sống của QX (sinh cảnh), trong đó các sinh vật luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các nhân tố vô sinh của môi trường tạo thành 1 hệ thống hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
Ví dụ : Rừng nhiệt đới.
b. Các thành phần của hệ sinh thái :
+ Nhân tố vô sinh.
+ Sinh vật sản xuất (là thực vật).
+ Sinh vật tiêu thụ (động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật).
+ Sinh vật phân giải (vi khuẩn, nấm..).
c. Sự khác nhau giữa quần thể người và quần thể sinh vật khác:
- Quần thể người có những đặc điểm sinh học giống quần thể các sinh vật khác.
- Quần thể người có những đặc trưng khác với q/t sinh vật khác: Kinh tế, văn hoá, pháp luật,chính trị, y tế, giáo dục. Do con người có lao động và tư duy nên có khả năng tự điều chỉnh đặc điểm sinh thái trong quần thể.
Câu 5: Nêu khái niệm chuỗi thức ăn, lưới thức ăn. Lấy ví dụ minh họa.
a. Chuỗi thức ăn: Là 1 dãy nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau. Mỗi loài là 1 mắt xích, vừa là sinh vật tiêu thụ mắt xích đứng trước, vừa là sinh vật bị mắt xích phía sau tiêu thụ.
- Chuỗi thức ăn hoàn chỉnh gồm: Sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ, sinh vật phân hủy.
Ví dụ : - Cây cỏ → chuột → rắn → VSV.
- Cây → sâu ăn lá → cầy → đại bàng → Vi khuẩn
b. Lưới thức ăn: Bao gồm các chuỗi thức ăn có nhiều mắt xích chung.
Câu 7: So sánh hiện tượng cân bằng sinh học với khống chế sinh học?
- Giống nhau:
+ Đều làm cho số lượng cá thể mỗi quần thể dao động ở trạng thái cân bằng.
+ Đều liên quan đến tác động của môi trường sống.
- Khác nhau :
Cân bằng sinh học | Khống chế sinh học |
- Là hiện tượng số lượng cá thể trong QX luôn được khống chế ở mức độ nhất định phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường. - Xảy ra trong nội bộ mỗi quần thể. - Nguyên nhân: Do các điều kiện của môi trường sống ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh sản và tử vong của quần thể. | - Là hiện tượng số lượng cá thể của một QT này bị số lượng cá thể của QT khác kìm hãm. - Xảy ra giữa các quần thể khác rồi ở quần xã. - Nguyên nhân: Do mối quan hệ về dinh dưỡng giữa các loài với nhau, quan hệ đối địch trong quần xã. |
Câu 6: Hiện tượng tự tỉa ở thực vật
a. Mối quan hệ: Đó là mối quan hệ cạnh tranh cùng loài và cả khác loài.
b. Hiện tượng tự tỉa diễn ra mạnh mẽ khi trồng cây ở mật độ quá dày, thiếu ánh sáng.
c. Để tránh sự cạnh tranh:
- Trong trồng trọt :
+ Trồng cây với mật độ thích hợp.
+ Tỉa thưa cây khi cần thiết.
+ Chăm sóc cây đầy đủ, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt, năng suất cao.
- Trong chăn nuôi:Khi đàn vật nuôi quá đông, nhu cầu về thức ăn, chỗ ở trở nên thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm ta cần phải tách đàn, cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng, kết hợp vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo điều kiện cho vật nuôi phát triển tốt
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: