Bài tập bồi dưỡng ôn thi HSG môn Sinh học 8 năm 2020 có đáp án

BÀI TẬP BỒI DƯỠNG ÔN THI HSG MÔN SINH 8 HỌC NĂM 2020

 

Câu 1:

a. Phản xạ là gì? Khi kích thích vào dây thần kinh tới bắp cơ hoặc khi kích thích trực tiếp vào bắp cơ làm cơ co. Đó có phải là phản xạ không? Vì sao?

b. Đặc điểm sống của tế bào được thể hiện như thế nào?

Câu 2:

a. Giải thích câu: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói” ?.

b. Trình bày khái niệm đồng hoá và dị hoá. Nêu mối quan hệ giữa đồng hoá và dị hoá.

Câu 3:

a. Hooc môn có những tính chất cơ bản nào? Vai trò của Hooc môn trong cơ thể ? Một bác sĩ đã dùng Hooc môn Insulin của bò thay thế cho Hooc môn Insulin của người để chữa bệnh tiểu đường .Bác sĩ đó làm thế có được không ? Vì sao ?

b. Giải thích vì sao Prôtêin trong thức ăn bị dịch vị phân huỷ nhưng Prôtêin của lớp niêm mạc dạ dày lại được bảo vệ và không bị phân huỷ?

Câu 4:

a. Vì sao máu là mô liên kết ? Vẽ sơ đồ truyền máu .

b. Các phát biểu sau đây là đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn.

Ở người, động mạch chứa máu đỏ tươi.

Mọi tế bào đều có nhân.

Chúng ta lớn lên được là do tế bào của ta ngày càng to ra.

Để nhiều cây cảnh trong phòng ngủ đóng kín thì gây nguy hiểm cho con người khi ngủ ban đêm.

Câu 5:

Một ngư­ời hô hấp bình th­ường là 18 nhịp/ 1 phút, mỗi nhịp hít vào với một lượng khí là 420 ml. Khi ngư­ời ấy tập luyện hô hấp sâu 12 nhịp/ 1 phút, mỗi nhịp hít vào là 620 ml không khí.

a) Tính l­ưu lư­ợng khí lư­u thông, khí vô ích ở khoảng chết, khí hữu ích ở phế nang của ng­ười hô hấp thư­ờng và hô hấp sâu được thực hiện trong mỗi phút ?

b) So sánh lư­ợng khí hữu ích giữa hô hấp thư­ờng và hô hấp sâu trong mỗi phút?

(Biết rằng lư­ợng khí vô ích ở khoảng chết của mỗi nhịp hô hấp là 150 ml ).

Câu 6:

a. Nêu các bước hình thành được phản xạ: Vỗ tay cá nổi lên khi cho ăn.

b. Vận dụng kiến thức về sự thành lập phản xạ có điều kiện, để nhớ bài lâu em phải học như thế nào?

Câu 7: Trình bày cấu tạo và chức năng của tế bào thần kinh?

Câu 8:

1. Miễn dịch là gì? Cơ thể có những loại miễn dịch chủ yếu nào?

2. Có người cho rằng : “ Tiêm vacxin cũng giống như tiêm thuốc kháng sinh giúp cho cơ thể nhanh khỏi bệnh ”. Điều đó có đúng không? Vì sao?

Câu 9:

1. Em hãy phát biểu các khái niệm: huyết áp, huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu?

2. Những nguyên nhân nào làm thay đổi huyết áp của cơ thể ?

Câu 10:

Ở khoang  miệng có những hoạt động tiêu hóa nào?

Em hãy giải thích nghĩa đen của câu thành ngữ: “ Nhai kĩ no lâu ”?

Gan có vai trò gì trong quá trình tiêu hóa thức ăn?

Câu 11:

Trình bày sự tạo thành nước tiểu ở các đơn vị chức năng của thận?

Phân biệt nước tiểu đầu và nước tiểu chính thức?

Câu 12:  Đồng hoá là gì? Dị hoá là gì? Mối quan hệ giữa đồng hoá và dị hoá?

Câu 13:

1. Phân biệt tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết?

2. Cho biết hoocmôn có tính chất và vai trò gì?

Câu 14: Cắt toàn bộ rễ trước phụ trách chi sau bên trái và toàn bộ rễ sau phụ trách chi sau bên phải của dây thần kinh tuỷ trên ếch tuỷ. Các thí nghiệm sau sẽ có kết quả như thế nào? Giải thích kết quả đó?

Thí nghiệm 1: Kích thích dung dịch HCl  3% vào chi sau bên trái.

Thí nghiệm 2: Kích thích dung dịch HCl  3% vào chi sau bên phải.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a)

- Phản xạ là phản những của cơ thể thông qua hệ thần kinh để trả lời các kích thích nhận đư­ợc từ môi tr­ường trong hay môi trư­ờng ngoài cơ thể.

- Khi kích thích vào dây thần kinh tới bắp cơ hoặc khi kích thích trực tiếp vào bắp cơ làm cơ co. Đó không phải là phản xạ.

- Vì căn cứ vào khái niệm phản xạ và thành phần tham gia cung phản xạ thì không có đầy dủ các khâu của 1 phản xạ vì vậy sự co cơ đó chỉ là sự cảm ứng của của các sợi thần kinh và tế bào cơ đối với sự kích thích.

b)

Đặc điểm đời sống của tế bào:

* Mỗi tế bào trong cơ thể điều có những đặc điểm sống: trao đổi chất, cảm ứng, sinh trưởng và sinh sản.

- Trao đổi chất gồm 2 quá trình là đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là quá trình tổng hợp chất hữu cơ kèm theo sự tích lũy năng lượng. Dị hóa là quá trình phân giải chất và giải phóng năng lượng.

- Cảm ứng là khả năng tiếp nhận và trả lời lại các kích thích lý hóa của môi trường xung quanh.

- Sinh trưởng và sinh sản là quá trình lớn lên của tế bào. Khi đạt mức độ sinh trưởng nhất định thì tế bào tiến hành sinh sản.Có nhiều hình thức sinh sản.

Câu 2:

a. Giải thích câu: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói”

-Trời nóng chóng khát vì: trời nóng cơ thể toát nhiều mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, cơ thể mất nhiều nước nên tróng khát.

- Trời mát tróng đói vì: khi trời mát đặc biệt là mùa lạnh cơ thể cần nhiều năng lượng để giữ nhiệt độ cơ thể ổn định 37oC nên tiêu tốn nhiều thức ăn, do đó chóng đói.

b. Khái niệm đồng hoá, dị hoá.

* Đồng hoá là quá trình tổng hợp từ các nguyên liệu đơn giản sẵn có trong tế bào thành những chất đặc trưng của tế bào và tích luỹ năng lượng trong các liên kết hoá học.

* Dị hoá là quá trình phân giải các chất được tích luỹ trong quá trình đồng hoá thành các chất đơn giản, bẻ gãy các liên kết hoá học để giải phóng năng lượng.

Mối quan hệ giữa đồng hoá và dị hoá.

- Đồng hoá và dị hoá là hai mặt của một quá trình tuy mâu thuẫn và đối lập lẫn nhau nhưng gắn bó chặt chẽ và tiến hành song song.

+ Đồng hoá cung cấp nguyên liệu cho quá trình dị hoá.

+ Dị hoá cung cấp năng lượng cho quá trình đồng hoá.

Câu 3:

a.

- Tính chất của Hooc môn:

+ Tính đặc hiệu.

+ Có hoạt tính sinh học cao.

+ Không đặc trưng cho loài.

- Vai trò của Hooc môn:

+ Duy trì tính ổn định của môi trường bên trong cơ thể.
+ Điều hòa các quá trình sinh lí diễn ra bình thường.

-Bác sĩ đó làm như vậy là được. Vì Hooc môn không mang tính chất đặc trưng cho loài

b. Vì ở dạ dày có các chất nhày được tiết ra từ các tế bào tiết chất nhày cổ tuyến vị. Các chất nhày này phủ lên bề mặt niêm mạc, ngăn cách các tế bào niêm mạc với enzim Pepsin và HCl.

Câu 4:

a. Máu là mô liên kết vì: máu gồm nhiều tế bào máu nằm rải rác trong huyết tương.

Sơ đồ truyền máu:

b.

1. Sai - Vì: Có động mạch phổi chứa máu đỏ thẫm.

2. Sai - Vì: Có tế bào hồng cầu không có nhân.

3. Sai - Vì: Lớn lên là do tăng số lượng tế bào ( do TB phân chia )

4. Đúng - Vì : Đêm cây hô hấp thải khí CO2, gây ngạt thở.

Câu 5:

a/ khi ng­ười ta hô hấp bình thư­ờng khí l­ưu thông trong 1 phút là :

               18.420 = 7560 (ml).

L­ưu lư­ợng khí ở khoảng chết mà ng­ười đó hô hấp th­ường trong 1 phút là ( vô ích )

            18.150 = 2700 (ml)

- Lư­ợng khí hữu ích 1 phút hô hấp th­ường là:

            7560 – 2700 = 4860 (ml).

b/         Khi ng­ười đó hô hấp sâu:

- L­ưu l­ượng khí l­ưu thông  trong 1 phút là:

            12.620 = 7440 (ml)

- L­ưu l­ượng khí vô ích ở khoảng chết trong 1 phút là:

            12.150 = 1800 (ml)

-  1 phút ng­ười đó hô hấp sâu với l­ưu l­ượng khí hữu ích là :

            7440 – 1800 = 5640 (ml)

Trong 1 phút l­ượng khí hô hấp sâu hơn hô hấp th­ường là:

5640 – 4860 = 780 (ml)

Câu 6:

a.

Các bước hình thành phản xạ: Vỗ tay cho cá ăn.

- Bước 1: Chọn hình thức kết hợp phù hợp:

 + Kích thích có điều kiện: vỗ tay

 + Kích thích không có điều kiện: cho cá ăn

- Bước 2: Kết hợp 2 kích thích: vỗ tay và cho cá ăn.

- Bước 3: Củng cố, làm nhiều lần liên tục dần hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời giữa trung khu thính giác và trung khu ăn uống. Khi đã hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời thì chỉ cần vỗ tay thì cá nổi lên.

b.

Để nhớ bài lâu, em cần có cách học: đọc nhiều, viết lại nhiều lần liên tục vì khi đọc và viết lại nhiều lần như thế sẽ hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời giữa vùng thị giác, vùng hiểu tiếng nói và chữ viết, vùng thính giác. Lúc đó, ta sẽ nhớ bài lâu hơn

Câu 7:

- Cấu tạo của tế bào thần kinh (Hay còn gọi là nơron)

+ Về cơ bản nó có cấu trúc của một tế bào: Ngoài cùng là màng sinh chất, tiếp là chất tế bào, trong cùng là nhân.

+ Nơron gồm thân và tua:

Thân : Thường có hình sao, đôi khi có hình tròn hoặc bầu dục

Tua: - Tua ngắn: Mọc quanh thân, phân nhiều nhánh, mập

- Tua dài: Mảnh hơn, dài, thường có vỏ bọc bằng chất miêlin, đầu tận cùng của tua dài phân nhiều nhánh nhỏ, nơi tiếp xúc giữa các nơron gọi là xináp

+ Thân và tua ngắn tạo nên chất xám nằm trong tuỷ sống hoặc bộ não,  hoặc nằm trong các hạch thần kinh

+ Tua dài: tạo thành các đường thần kinh nối giữa các phần của trung ương thần kinh hoặc tạo thành các dây thần kinh

- Chức năng của tế bào thần kinh: Có hai chức năng

+ Cảm ứng: Là khả năng thu nhận kích thích và phản ứng lại kích thích bằng hình thức phát sinh các xung thần kinh.

+ Dẫn truyền: Là khả năng lan truyền các xung thần kinh theo một chiều nhất định.

Câu 8:

1.

- Miễn dịch là khả năng cơ thể không bị mắc một số bệnh nào đó.

- Cơ thể có 2 loại miễn dịch chính:

+ Miễn dịch tự nhiên: Cơ thể người không bao giờ bị mắc một số bệnh của các động vật khác (MD bẩm sinh) hoặc đã một lần bị bệnh và không mắc lại bệnh đó nữa (MD tập nhiễm)

+ Miễn dịch nhân tạo: Cơ thể được tiêm phòng văcxin của một bệnh nào đó sẽ miễn dịch với bệnh đó.

2.

- Ý kiến đó là sai:

- Tiêm vacxin là tiêm các loại vi khuẩn, virut gây bệnh đã được làm yếu để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại bệnh đó(chủ động).

- Tiêm kháng sinh là tiêm trực tiếp kháng thể  kháng bệnh vào cơ thể giúp cơ thể khỏi bệnh(bị động).

Câu 9:

1.

- Huyết áp: là áp lực của dòng máu tác dụng lên thành mạch trong quá trình di chuyển.

- Huyết áp tối đa: là huyết áp tạo ra khi tâm thất co lại. Ở người bình thường chỉ số huyết áp tối đa  khoảng 120mmHg/cm2

- Huyết áp tối thiểu: là huyết áp xuất hiện khi tâm thất giãn ra. Ở người bình thường huyết áp tối thiểu khoảng từ 70 - 80mmHg/cm2

2.

Những nguyên nhân làm thay đổi huyết áp: Có ba nguyên nhân làm thay đổi huyết áp trong cơ thể

- Nguyên nhân thuộc về tim: tim co bóp nhanh mạnh tạo nên lực di chuyển của máu lớn do đó làm tăng huyết áp và ngược lại

  + Khi cơ thể hoạt động, tim  tăng cường co bóp để tăng lực đẩy máu di chuyển để cung cấp đủ ôxi cho tế bào nên huyết áp tăng

  + Cảm súc mạnh như sợ hãi, vui quá mức gây ảnh hưởng đến dây thần kinh giao cảm làm tim đập nhanh mạnh, làm huyết áp tăng

  + Một số hoá chất như: nicôtin, rượu, cafein,... khi vào máu tác động vào tim làm tim đập nhanh cũng gây tăng huyết áp

- Nguyên nhân thuộc về mạch

 Mạch càng kém đàn hồi, khả năng co giãn kém, huyết áp tăng, trường hợp này thường gặp ở những người cao tuổi

- Nguyên nhân thuộc về máu: Máu càng đậm đặc lực tác dụng lên mạch càng lớn, huyết áp càng tăng. Ngoài ra chế độ ăn uống có liên quan đến thành phần hoà tan trong máu cũng làm thay đổi huyết áp. Ví dụ như ăn mặn quá, lượng muối khoáng hoà tan trong máu tăng cũng là nguyên nhân tăng huyết áp.

Câu 10:

1.

Những hoạt động tiêu hóa ở khoang miệng:

- Hoạt động lí học:

+ Tiết nước bọt

+ Nhai

+ Đảo trộn thức ăn

+ Tạo viên thức ăn

- Hoạt động hóa học: Hoạt động của enzim (men) amilaza trong nước bọt

2.

- Nghĩa đen của câu thành ngữ: về mặt sinh học của câu thành ngữ này là khi ta nhai kĩ thì hiệu suất tiêu hóa càng cao, cơ thể hấp thụ được nhiều  dinh dưỡng hơn nên no lâu hơn.

Vai trò của gan trong quá trình tiêu hóa thức ăn:

- Tiết dịch mật đổ vào túi mật giúp tiêu hóa thức ăn

- Khử các chất độc có hại với cơ thể

- Điều hòa nồng độ các chất dinh dưỡng trong máu được ổn định

Câu 11:

1. Quá trình tạo thành nước tiểu tại các đơn vị chức năng của thận :

- Máu theo động mạch đến tới cầu thận với áp lực cao tạo ra lực đẩy nước và các chất hoà tan có kích thước nhỏ đi qua lỗ lọc(30- 40A0) trên vách mao mạch vào nang cầu thận. Các tế bào máu và các phân tử Prôtêin có kích thước lớn nên không qua được lỗ lọc. Kết quả là tạo ra nước tiểu đầu trong các nang cầu thận.

- Nước tiểu đầu đi qua ống thận, ở đây xảy ra 2 quá trình: Quá trình hấp thụ lại nước và các chất cần thiết (chất dinh dưỡng, các iôn khoáng Na+,Cl, …),quá trình bài tiết tiếp các chất độc và các chất không cần thiết khác như: Axit Uric, Urê, .... Kết quả tạo thành nước tiểu chính thức.

2. Phân biệt nước tiểu đầu và nước tiểu chính thức:

Nước tiểu đầu

Nước tiểu chính thức

Chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Gần như không còn các chất dinh dưỡng.

Nồng độ các chất hòa tan loãng.

Nồng độ các chất hòa tan đậm đặc

Chứa ít các chất cặn bã, chất độc hơn

Chứa nhiều các chất cặn bã, chất độc

 

Câu 12:

1. Quá trình đồng hoá: Là quá trình tổng hợp từ các nguyên liêu đơn giản sẵn có trong tế bào thành những chất đặc trưng của tế bào và tích lũy năng lượng trong các liên kết hóa học.

2. Quá trình dị hoá: Là quá trình phân giải các chất được tích lũy trong quá trình đồng hóa thành các chất đơn giản, bẻ gãy các liên kết hóa học để giải phóng năng lượng, cung cấp cho hoạt động của tế bào.

3. . Mối quan hệ giữa đồng hoá và dị hoá

- Đồng hoá và dị hoá là hai mặt của một quá trình thống nhất: sự trao đổi chất trong tế bào.

- Đồng hoá và dị hoá mẫu thuẫn nhau : Đồng hoá tổng hợp, tích luỹ năng lượng, dị hoá phân giải, giải phóng năng lượng, nhưng lại gắn bó chặt chẽ và tiến hành song song với nhau.

- Nếu  thiếu một trong 2 mặt thì mặt kia không xảy ra, sự sống không còn (không có đồng hoá, không tổng hợp được chất dùng cho dị hoá, không có dị hoá, không có năng lượng để tổng hợp các chất trong đồng hoá).

- Sự cân bằng của 2 quá trình:

ĐH > DH: Cơ thể phát triển

ĐH = DH: Cơ thể ổn định

ĐH < DH: Cơ thể suy giảm, giảm trọng lượng

Câu 13:

1.

Phân biệt tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết

Tuyến nội tiết

Tuyến ngoại tiết

- Không có ống dẫn

- Có kích thước nhỏ

- Tiết ra hoocmôn đổ trực tiếp vào máu

- Hoạt tính rất cao.

- Có ống  dẫn

- Có kích thước lớn hơn

- Không tiết ra hooc môn, chất tiết qua ống dẫn ra ngoài vào các khoang trong cơ thể

- Hoạt tính không cao.

 

2.

- Tính chất của hoocmôn:

+ Tính đặc hiệu: mỗi loại hoocmon chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan, quá trình nhất định

+ Hoocmon có hoạt tính sinh học rất cao: chỉ với một lượng nhỏ cũng gây hiệu quả rõ rệt

+ Hoocmon không mang tính đặc trưng cho loài.

- Vai trò của hoocmon:

+ Duy trì tính ổn định của môi trường bên trong cơ thể

+ Điều hòa các quá trình sinh lí diễn ra bình thường.

Câu 14:

- Hiện tượng:

+ Thí nghiệm 1: Chi đó không co (chân trái) nhưng co chi sau bên phải và cả hai chi trước.

+ Thí nghiệm 2: Không chi nào co.

- Giải thích:

+ Rễ trước dẫn truyền xung thần kinh vận động từ trung ương thần kinh đi ra cơ quan phản ứng (cơ chi).

+ Rễ sau dẫn truyền xung thần kinh cảm giác từ các thụ quan về trung ương thần kinh.

---

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Bài tập bồi dưỡng ôn thi HSG môn Sinh học 8 năm 2020 có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?