Đề bài: Bằng một đoạn văn ngắn em hãy tả gốc hoặc thân cây phượng mà em quan sát được.
Gợi ý làm bài:
1. Đoạn văn mẫu số 1
Cây phượng trên sân trường em có thân cây rất cao. Có khi phải cao đến hơn 3m. Bề ngang của thân cây cũng rất lớn. Phải hai bạn học sinh cùng ôm thì mới xuể. Điều đặc biệt nhất chính là bề mặt của thân cây. Phần vỏ trên thân cây rất dày và cứng. Nhiều chỗ còn bong ra, sần sùi như vảy rắn. Nhiều chỗ lớp vỏ nứt thành từng đường, từng rãnh lớn giống như là vết rạn vậy. Toàn thân cây, một số chỗ bị lõm vào, do vỏ cây ở đó khô quắt lại hay nứt quá rộng, tạo thành một cái hốc tự nhiên. Đó là địa điểm lý tưởng cho những chú chim nhỏ làm tổ. Thân cây phượng vì thế mà trở nên thu hút vô cùng với những đứa học sinh như em.
2. Đoạn văn mẫu số 2
Cây phượng trên sân trường em có phần thân rất ấn tượng. Khác với các cây khác, thân cây phượng này khá thấp, và uốn cong sang một bên. Tuy thấp, nhưng bề ngang thân vẫn khá lớn, to như cái trụ ở cổng trường. Lớp vỏ của thân cây thô nhám, có màu nâu đen. Khi chạm vào có thể cảm nhận rõ từng đường nứt trên vỏ cây. Tuy nhiên, chính sự thô ráp ấy lại trở thành một trợ thủ đắc lực cho những đứa trẻ khi trèo lên thân cây. Do thân cây nghiêng lại mọc thấp, nên có nhiều bạn học sinh thích thú với trò leo trèo lên thân cây. Nhờ sự vững chắc của mình, thân cây phượng đã trở thành chiếc ghế tự nhiên lớn nhất trên sân trường.
3. Đoạn văn mẫu số 3
Điều khiến em ấn tượng nhất của cây phượng trước cổng trường là phần gốc của nó. Gốc cây phượng to lắm, nếu tính nó là một cái trụ, thì sẽ là cái trụ lớn nhất của ngôi nhà. Phần vỏ của gốc cây phượng dày và cứng hơn hẳn những chỗ khác. Nhiều chỗ nứt ra thành từng rãnh, to có, nhỏ có, khiến bề mặt gốc xù xì và xấu xí. Thế nhưng, những điều đó vẫn chẳng thể làm giảm đi sức hút của nó. Gốc cây phượng vẫn là chỗ dựa lưng lý tưởng cho các bạn học sinh khi ngồi chơi dưới gốc cây. Chính gốc cây phượng ấy, là nơi cho biết bao thế hệ học sinh tâm sự, lưu giữ những kỉ niệm tuổi học trò.
4. Đoạn văn mẫu số 4
Thân cây là bộ phận lớn nhất của cây phượng. Thân cây phượng hình trụ, cao khoảng 4m, vô cùng chắc chắn. Đường kính thân cây chỗ lớn nhất có khi phải hơn 40cm, vì một bạn học sinh cũng không thể ôm hết. Lớp vỏ bao bọc phần thân màu nâu sẫm, sần sùi và thô ráp. Phần gần dưới gốc nứt thành nhiều rãnh lớn. Chỉ cần nhìn vào đó là đủ biết cây phượng này đã rất nhiều tuổi rồi. Thân cây phượng là trụ cột của cả cây, nó còn làm chức năng vận chuyển nước, chất dinh dưỡng từ rễ lên để nuôi các cành và lá nữa. Thật tuyệt phải không nào!
5. Đoạn văn mẫu số 5
Cây phượng trên sân trường em đã già rồi. Phần gốc của nó rất lớn, có khi phải to như cái mặt bàn uống trà của ông em. Phần vỏ quanh thân có màu nâu đen, đậm màu hơn so với phần thân cây. Lớp vỏ ở gốc cây rất cứng và dày, nó nứt thành từng đường, từng khe lớn. Đôi chỗ bong ra từng mảng như vảy cá. Phần gần dưới cùng của gốc chẻ ra các nhánh rễ. Nên nhìn cứ như là gốc cây phượng chìa ra những chiếc chân để bám chặt vào mặt đất. Nhờ có phần gốc cây to lớn, vững chãi như vậy, mà cây phượng có thể đứng vững trước bao mưa gió của đất trời.
6. Đoạn văn mẫu số 6
Ở cây phượng, thì phần gốc cây có lẽ là bộ phận ít được chú ý nhất, nhưng đối với em thì nó thật là đặc biệt. Gốc cây phượng là phần sát mặt đất của thân cây, và nó là đoạn to lớn nhất. Phần vỏ ở gốc có màu rất đậm, đôi chỗ dính lên cả bùn đất. Đặc biệt, ở dưới cùng của gốc còn được quét một lớp vôi trắng. Cô giáo bảo, lớp vôi đó sẽ giúp bảo vệ gốc phượng khỏi các loài nấm, mối phá hoại. Nhờ gốc cây cứng cáp, có vẻ thô và xấu xí ấy, mà cả cây phượng to lớn, khổng lồ mới có thể đứng vững. Nó góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp của cây vào những ngày hè, nhưng không bao giờ kể công. Thật là đáng quý.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------