Tổng hợp nội dung lý thuyết Chương 1: Quang học môn Vật Lý 7 năm học 2020 - 2021

TỔNG HỢP LÝ THUYẾT CHƯƠNG 1 : QUANG HỌC

 

1. NHẬN BIẾT ÁNH SÁNG – NGUỒN SÁNG VÀ VẬT SÁNG

    - Ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta.

    - Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng truyền từ vật vào mắt ta.

    - Nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng.

    - Vật sáng gồm nguồn sáng và những vật hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.

Chú ý: Vật đen là vật không tự phát ra ánh sáng và cũng không hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.

2. SỰ TRUYỀN ÁNH SÁNG

    - Định luật truyền thẳng của ánh sáng:

    Trong môi trường trong suốt và đồng tính, ánh sáng truyền đi theo đường thẳng.

    - Đường truyền của ánh sáng được biểu diễn bằng một đường thẳng có mũi tên chỉ hướng gọi là tia sáng.

    - Có 3 loại chùm sáng:

+ Chùm sáng giao nhau

⇒ chùm sáng hội tụ

+ Chùm sáng không giao nhau

⇒ chùm sáng song song

+ Chùm sáng loe rộng ra

⇒ chùm sáng phân kì

3. ỨNG DỤNG ĐỊNH LUẬT TRUYỀN THẲNG CỦA ÁNH SÁNG

    - Bóng tối nằm ở phía sau vật cản, không nhận được ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.

    - Bóng nửa tối nằm ở phía sau vật cản, chỉ nhận được một phần ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.

    - Nhật thực xảy ra khi Trái Đất bị Mặt Trăng che khuất không được Mặt Trời chiếu sáng. Nhật thực toàn phần (hay một phần) quan sát được ở chỗ có bóng tối (hay bóng nửa tối) của Mặt Trăng trên Trái Đất.

    - Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất không được Mặt Trời chiếu sáng.

4. ĐỊNH LUẬT PHẢN XẠ ÁNH SÁNG

    - Hình của một vật quan sát được trong gương gọi là ảnh của vật tạo bởi gương.

    - Hiện tượng phản xạ ánh sáng là hiện tượng ánh sáng bị hắt trở lại khi gặp một bề mặt nhẵn bóng.

    - Định luật phản xạ ánh sáng:

        + Tia phản xạ nằm trong mặt phẳng chứa tia tới và pháp tuyến của gương tại điểm tới.

        + Góc phản xạ bằng góc tới.

5. ẢNH CỦA MỘT VẬT TẠO BỞI GƯƠNG PHẲNG

    - Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng không hứng được trên màn chắn gọi là ảnh ảo.

    - Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng lớn bằng vật.

    - Khoảng cách từ một điểm của vật đến gương bằng khoảng cách từ ảnh của điểm đó đến gương.

    Chú ý:

        + Ảnh của vật là tập hợp ảnh của tất cả các điểm trên vật.

        + Các tia sáng từ điểm sáng S tới gương phẳng cho tia phản xạ có đường kéo dài đi qua ảnh ảo S’.

6. GƯƠNG CẦU LỒI

    - Gương cầu lồi là một phần mặt cầu, phản xạ tốt ánh sáng, có mặt phản xạ nằm phía ngoài mặt cầu.

    - Ảnh tạo bởi gương cầu lồi là ảnh ảo, nhỏ hơn vật.

    - Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

    Lưu ý:

        + Pháp tuyến tại mỗi điểm tới trên gương cầu lồi có đường kéo dài đi qua tâm mặt cầu (Hình 2.3).

        + Mỗi điểm trên gương cầu lồi được coi như gương phẳng nhỏ. Do đó có thể áp dụng định luật phản xạ ánh sáng tại mỗi điểm trên gương cầu lồi để vẽ tia phản xạ tương ứng với mỗi tia tới.

7. GƯƠNG CẦU LÕM

    - Gương cầu lõm là một phần mặt cầu, phản xạ tốt ánh sáng, có mặt phản xạ nằm phía trong mặt cầu.

    - Tác dụng của gương cầu lõm:

        + Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi một chùm tia tới song song thành một chùm tia phản xạ hội tụ tại một điểm.

        + Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi một chùm tia tới phân kì thích hợp thành một chùm tia phản xạ song song.

    - Ảnh tạo bởi gương cầu lõm có thể là ảnh thật hoặc ảnh ảo tùy theo vị trí của vật đối với gương.

    Ảnh ảo ⇒ Cùng chiều với vật

    Ảnh thật ⇒ Ngược chiều với vật

    Lưu ý: Pháp tuyến tại mỗi điểm tới trên gương cầu lõm cũng có đường kéo dài đi qua tâm mặt cầu (hình vẽ)

----------

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Tổng hợp nội dung lý thuyết Chương 1: Quang học môn Vật Lý 7 năm 2020-2021, để theo dõi nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác vui lòng đăng nhập vào hệ thống Chúng tôi chọn chức năng xem online hoặc tải về máy!

Chúc các em học tập thật tốt! 

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?