Bài giảng Tập đọc: Cuốn sổ tay giúp các em rèn luyện kĩ năng đọc trôi chảy, lưu loát một câu chuyện. Bước đầu biết đọc diễn cảm một câu chuyện kể về: Sổ tay có nhiều ích lợi, vì vậy chúng ta cần có ý thức tập ghi sổ tay và không tự tiện xem sổ tay của người khác.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hướng dẫn đọc Cuốn sổ tay
- Luyện đọc từ khó: quyển sổ, toan cầm lên, nắn nót, reo lên
- Chú ý nghĩa các từ khó:
- Trọng tài: người được cử ra để phân xử phải trái.
- Mô-na-cô: một nước rất nhỏ ở châu Âu.
- Diện tích: độ rộng của bề mặt sự vật.
- Va-ti-căng: nơi đặt tòa thánh Công giáo.
- Quốc gia: nước, nhà nước.
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Cuốn sổ tay
Câu 1 (trang 119 SGK lớp 3) Thanh dùng sổ tay làm gì?
Gợi ý:
- Thanh dùng sổ tay để ghi nội dung các cuộc họp, ghi lại các việc cần làm, ghi những chuyện lí thú trên thế giới, trong cuộc sống.
Câu 2 (trang 119 SGK lớp 3) Hãy nói một vài điều lí thú ghi trong sổ tay của Thanh?
Gợi ý:
- Vài điều lí thú ghi trong sổ tay của Thanh: Mô-na-cô là nước rất nhỏ, diện tích chỉ gần bằng nửa Hồ Tây của Hà Nội. Nhưng Va-ti-căng là một quốc gia còn nhỏ hơn: diện tích chỉ bằng một phần năm Mô-na-cô và chỉ có 700 người trong khi Trung Quốc đông nhất thế giới có tới 1 tỉ 200 triệu người và nước Nga lớn nhất thế giới, rộng hơn Việt Nam trên 50 lần.
Câu 3 (trang 119 SGK lớp 3) Vì sao Lân khuyên Tuấn không nên tự ý xem sổ tay của bạn?
Gợi ý:
- Lân khuyên Tuấn không nên tự ý xem sổ tay của bạn vì sổ tay của mỗi người dùng để ghi chép nhiều chuyện riêng tư. Tự ý xem sổ tay của người khác là tò mò, là thiếu văn minh, lịch sự.
- Học xong bài này, các em cần nắm:
- Cách đọc lưu loát toàn bài với giọng kể diễn cảm.
- Hiểu được các từ ngữ khó trong bài.
- Nắm được những ý chính của của bài tập đọc: Sổ tay có nhiều ích lợi, vì vậy chúng ta cần có ý thức tập ghi sổ tay và không tự tiện xem sổ tay của người khác.
- Các em có thể tham khảo thêm bài học Chính tả Nghe - viết: Hạt mưa để chuẩn bị cho bài học tiếp theo được tốt hơn.