Tả không khí ngày Tết quê em - Văn mẫu lớp 5

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn tả không khí ngày Tết ở quê em.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Tết là lúc các gia đình sum họp đầm ấm bên mâm cơm, cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua trong một năm, cùng nhau gói bánh và đón giao thừa trong tiếng nói cười rộn rã. Và gia đình em cũng không ngoại lệ. Đặc biệt năm nay cả nhà em còn được về quê để đón Tết cùng ông bà và các bác, các cô chú. Điều đó làm em cảm thấy vô cùng háo hức và vui sướng.

Vì quê của em ở khá xa so với thành phố nơi em đang ở nên gia đình cũng ít có cơ hội để về quê ăn Tết. Năm nay, do ba mẹ thu xếp được công việc từ sớm nên cả nhà em đã bắt xe về quê từ 26 tháng Chạp. Không khí ngày Tết ở quê thật thanh bình, khác hẳn với cái ồn ào, náo nhiệt, sầm uất của thành phố. Chợ huyện đã mở từ sớm để mọi người có thể chuẩn bị đồ đạc, đón năm mới đang đến thật gần. Sắc xuân tràn ngập khắp muôn nơi. Từ những nụ hoa đào còn đang e ấp đến những câu đối đỏ, những gian hàng bày đồ trang trí, đến cánh đồng lúa thì con gái đang đung đưa trước gió để làm duyên. Sắc xuân còn ngời lên trong nét mặt rạng rỡ của bác bà, bác mẹ, những bác nông dân chân lấm tay bùn nhưng hiền lành, phúc hậu. Sắc xuân còn tràn vào gia đình em tự lúc nào…

Sáng 27 Tết, bà, mẹ và cô em đã dậy từ sớm để ra chợ. Mọi người mang về bao nhiêu là đồ, nào là bánh, mứt, kẹo, hoa quả và đồ để gói bánh chưng. Em và ba thì đi vào vườn hoa để mua cành đào về cắm. Ba bảo rằng Tết mà không có đào, có bánh chưng thì không còn là Tết. Em thích nhất là được cùng các bác gói bánh chưng, món ăn truyền thống, giản dị mà đậm đà hương vị dân tộc. Công đoạn gói bánh chưng quả là không đơn giản như em nghĩ. Phải ngâm đỗ và gạo từ hôm trước để hôm sau kịp có nguyên liệu gói bánh. Ba để em gói thử mấy cái. Dù còn hơn méo mó và buộc lạt chưa chặt nhưng em vẫn thấy rất vui. Nhìn mọi người tay nhanh thoăn thoắt, hết đặt xuống rồi đưa lên, em cảm thấy rất ngưỡng mộ và chợt thấy lòng mình dâng lên niềm tự hào, tha thiết với quê hương xứ sở. Tối hôm đó, em còn thức để canh nồi bánh chưng. Tiếng nước sôi kêu lục bục trong nồi nghe thật vui tai. Dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng em vẫn cố nán lại chờ thành quả ra lò. Ba kêu em đi ngủ trước, khi nào bánh chín sẽ gọi em dậy và kết quả là em đã ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy thì bánh đã được đặt ngay ngắn trên bàn thờ cùng với mâm cơm gồm rất nhiều món ăn truyền thống.

Tối hôm giao thừa, gia đình em quây quần bên mâm cơm, trò chuyện, cười nói vui vẻ. Có lẽ đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất mà em từng trải qua. Ông bà kể lại những cái Tết ngày xưa khi mà cuộc sống vật chất còn thiếu thốn đủ bề. Các bác, các cô chú thì lại kể ngày xưa hào hứng như thế nào mỗi khi Tết đến. Bởi Tết là được ăn ngon, được sắm quần áo mới, được nhận lì xì rồi bỏ vào ống tiết kiệm được làm từ chai nước bỏ đi. Bây giờ, đủ đầy, con người lại có xu hướng phớt lờ những điều bình dị mà rất đỗi thân thương ấy. 8 giờ tối, mọi người cùng bật tivi để xem Táo Quân. Tiếng cười vang lên không ngớt trước những tình huống hài hước và lối diễn tài ba của các chú Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quốc Khánh, Quang Thắng và của cô Vân Dung. Gần 11 giờ đêm, ông bà sắp mâm cơm đặt ra trước sân. Em thì chạy lăng xăng trong nhà, ai nhờ việc gì thì làm việc ấy. Lúc thì cắm hoa phụ mẹ, lúc bày bánh kẹo với cô. Tuy mệt nhưng rất vui. Xong xuôi, mọi người cùng đứng ra sân để chuẩn bị xem pháo hoa, đón năm mới. Đúng mười hai giờ, tiếng pháo đùng đoàng vang lên từ xa, rồi lần lượt những chùm pháo rực rỡ bay lên bầu trời với đủ màu sắc khác nhau. Khung cảnh thật là tuyệt diệu như trong câu chuyện cổ tích vậy. Sau khi xem hết pháo hoa, gia đình em vào nhà ăn bữa cơm đầu năm. Các món ăn mặn, ngọt được bày ra kích thích vị giác của bất cứ ai. Cả nhà ăn xong rồi dọn dẹp đi ngủ. Tâm trạng náo nức khiến ai cũng khó ngủ mà trò chuyện rôm rả suốt đêm.

Hết Tết, quê hương em lại trở về không khí của những ngày bình thường. Vậy là Tết cũng sắp qua, nhưng không khí ngày Tết ở quê hương luôn in đậm trong tâm trí em. Em hi vọng sang năm mới, mọi người sẽ thật khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc.

2. Bài văn mẫu số 2

Cái rét se lạnh của mùa đông đã qua đi, những tia nắng ấm áp bắt đầu ló dạng trên bầu trời vốn chỉ có một màu xám xịt. Và đây cũng là thời điểm người dân ở xóm em náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy mùa đông đã qua đi nhưng ngày tết năm nào cũng vẫn hơi lành lạnh. Không khí buổi sáng đầu năm gợi cho tất cả mọi người một cảm giác quen quen. Dù trời lạnh nhưng hình như bầu trời lúc nào cũng quang và sáng.

Trên khuôn mặt của từng người sáng bừng một niềm vui, háo hức đón xuân. Ai ai cũng tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho cái tết riêng của mình. Con đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên bởi mọi người nghỉ hết việc đồng áng đổ ra đường đi sắm Tết. Ngoài chợ, những dãy hàng hoa tươi, cây đào, cây quất hứa hẹn một cái Tết tưng bừng. Những tiếng chào mời mua hàng, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ làm cho âm thanh của buổi chợ Tết thêm nổi bật. Chợ hoa ngày tết rực rỡ những sắc màu. Bố em cũng chọn một cành đào. Bọn trẻ vui sướng hơn ai hết bởi chúng được nghỉ học trước Tết mấy ngày rủ nhau đi chơi khắp làng ngắm nghía những chiếc đèn lồng đỏ treo suốt từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mắt đứa nào cũng xuýt xoa, lấp lánh niềm vui.

Những cành cây bên đường bắt đầu đâm những chồi non đang hãnh diện khoe cùng gió xuân. Thỉnh thoảng lại có một vài con chim én lướt qua giữa khoảng trời. Con sông chảy quanh làng vẫn thầm lặng hy sinh như người mẹ nuôi nấng những đứa con của mình, cần mẫn chở nước về dự trữ cho cánh đồng để bà con nông dân yên tâm ăn Tết.

Em cũng được mẹ cho đi mua sắm Tết. Thật là vui biết bao, em tay xách nách mang mà chẳng thấy nặng chút nào. Mẹ mua cho hai anh em nhiều quần áo mới để đi chơi tết. Thích thú nhất là tự tay trang trí nhà cửa để đón xuân. Em giúp bố trang trí cho cành đào nhà mình. Sau khi xong em say sưa ngắm không biết chán cây đào có dàn đèn nhấp nháy lộng lẫy sắc xuân. Bàn thờ nhà ai cũng được bày biện đẹp mắt và mang ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Vậy là đã đến ngày cuối cùng trong năm, đã chuẩn bị xong hết mọi thứ. Mọi gia đình lại cùng nhau ăn bữa cơm thịnh soạn ấm cúng cuối năm. Cuối năm có người được bố mẹ cho đi xem, nhiều người lại cùng bố mẹ mình xem tại nhà. Mọi người cùng chờ đợi thời khắc giao thừa… Đồng hồ điểm đúng mười hai giờ, pháo hoa nổ liên tục như súng tỏa ra nhiều màu sắc rực rỡ.

Một năm mới đã đến, vậy là em đã có thêm một tuổi mới. Em yêu biết bao những ngày tết đến trên quê hương của mình.

3. Bài văn mẫu số 3

Có lẽ những ngày giáp Tết đối với rất nhiều đứa trẻ xóm chợ là những ngày mà chúng tìm thấy niềm vui và sự thích thú. Nhưng những ngày Tết lại là điều mà chúng mong đợi hơn bao giờ hết. Ngày Tết quê em thực sự ý nghĩa và là điều đáng nhớ để bắt đầu một năm mới.

Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ con chờ mong ngày Tết còn nhiều hơn là người lớn. Người lớn bảo Tết vui vẻ nhưng có nhiều điều phải lo toan hơn, sắm sửa nhiều thứ hơn và tốn nhiều tiền hơn. Nhưng trẻ con không quan tâm điều đó, vì Tết là dịp để chúng em có thêm nhiều quần áo mới, được nhận lì xì, quà bánh ăn không hết và không phải học bài. Có lẽ đó là điều đứa trẻ nào cũng thích thú.

Em không biết ngày Tết ở những nơi khác như thế nào nhưng ngày Tết ở quê em luôn tràn đầy tiếng cười và lời chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, phát tài phát lộc. Trên những con đường nhỏ còn bốc mùi sỏi đá, đám cỏ phủ kín lối đã được người dân ở thôn xóm cắt tỉa rất sạch sẽ. Vì ở xóm em cứ chiều 30 Tết, mọi nhà lại rủ nhau đi quét dọn đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón Tết.

Ai cũng háo hức và chăm chỉ, không ai tị nạnh ai, mọi người làm việc hăng say, nhiệt tình. Đám con nít tíu ta tíu tít không ngờ, cứ đòi giành phần ba mẹ để làm, nhưng làm được một lúc là chán, là bỏ đó đi chơi. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Có lẽ mùa xuân khiến cho không khí của mọi nhà trở nên ấm áp và an lành.

Mặc dù thời tiết vẫn còn lạnh, sương đầu ngày còn lảng bảng bám kín trên cành cây nhưng nụ cười của mọi người luôn ở trên môi. Ngày Tết, trẻ con háo hức, lựa chọn quần áo đẹp và mới nhất để mặc, để đi chơi, để chúc thọ ông bà. Đứa trẻ nào cũng kiếm cái áo có túi thật to và rộng để đựng bánh kẹo, tiền lì xì.

4. Bài văn mẫu số 4

Tết đến xuân về, mọi vật như được đánh thức sau một giấc ngủ dài mỉm cười chào đón nàng tiên mùa xuân ấm áp. Ngoài vườn, trăm hoa đua nở, chuẩn bị phô sắc, toả hương mừng xuân mới. Hoà trong khí thế vui tươi ấy, cây mai cũng bừng tỉnh đón chào một năm mới với mọi sự tốt lành.

Trước ngày tết, mọi người trong gia đình đều háo hức để chuẩn bị. Mẹ em đi chợ mua những đồ dùng cần thiết cho ngày Tết. Nào là hoa quả, bánh trái và không quên mua cho bọn em những bộ quần áo mới. Bố em thì dọn dẹp lại nhà cửa, với bàn thờ tổ tiên. Còn ông bà em thì ngồi gói những chiếc bánh chưng thật đẹp để cúng bái theo phong tục ngày tết ở quê. Khi đã chuẩn bị xong những thứ cho ngày tết thì tất cả những thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau nói chuyện rất vui và ấm áp.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà cùng ăn bữa cơm đoàn viên ấm áp. Để chuẩn bị đón giao thừa mà khoảnh khắc ai cũng mong đợi. Khoảnh khắc giao thừa với nhau thì mọi người chúc nhau sức khỏe với công việc tốt. Tất cả ai cũng vui vẻ ăn uống cười nói. Em cảm thấy rất hạnh phúc. Sáng mùng một, em thức dậy, khi bước ra cửa cảm giác khác với những ngày bình thường. Trời trong lành thời tiết ấm áp khác lạ. Em cùng với mọi người trong gia đình đi chúc Tết họ hàng, nhận được những phong bao lì xì tuyệt đẹp.

Những ngày tết ấm áp dần trôi qua. Em rất yêu thích không khí ngày tết trên quê hương mình.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?