Tả con cò mà em quan sát được - Văn mẫu lớp 4

Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả về hình ảnh con cò mà em đã được nhìn thấy.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

“Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống sông… “ Có thể nói, tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với lời ru êm đềm của mẹ ấy để đi vào giấc ngủ, đó là hình ảnh con cò, con vạc lặn lội kiếm ăn đêm tần tảo và sau này lớn lên, tuy đã không còn được ôm ấp vỗ về như hồi còn nhỏ nhưng mỗi khi nhìn thấy đàn cò em vẫn luôn nhớ tới mẹ.

Cò thường sống thành đàn, kiếm ăn ở các đồng ruộng.Thân hình chú không mập mạp tròn xoe một cục như những loại chim khác, mà rất gầy gò mảnh khảnh, vì vậy, người ta hay ví “gầy như cò” . Nhưng bù lại, những chú cò được khoác trên mình một bộ xiêm y trắng muốt, mềm mại . Mỗi khi nhìn lên bầu trời, bắt gặp những cánh cò đang bay thành đàn nhìn từ xa trông như những thiên sứ đang bay trên trời vậy. Đôi mắt cò đen nhánh,rất tinh tườm , có thể nhìn xuống bóng nước để tìm kiếm con mồi. Đặc biệt, một vũ khí của loài cò đó là chiếc mỏ rất dài, nhọn, như một chiếc ra đa tìm kiếm mồi ở những vùng nước sâu khiến cho không một chú cá nào có thể thoát khỏi tầm ngắm. Đôi chân chú gầy , nhỏ như hai que tăm nhưng rất khỏe khoắn và chắc chắn, có thể đứng vững ở những chỗ bùn lầy. Hè về , trên những cánh đồng bao la rộng lớn, được phủ một màu xanh pha vàng của những bông lúa đang trổ bông, những đàn cò bay rợp cả một vùng trời trắng xóa tạo nên một bức tranh khung cảnh làng quê em thật yên bình và dễ chịu.

Hình ảnh đàn cò không chỉ là một biểu tượng bất diệt cho làng quê, cho các bác nông dân Việt Nam, chúng còn tượng trưng cho những người mẹ, những người phụ nữ tần tảo sớm hôm kiếm miếng ăn cho con mình, mà chịu khổ. Qua hình ảnh những chú cò trắng, em cảm thấy rất biết ơn công lao nuôi dưỡng, dạy bảo mình.

2. Bài văn mẫu số 2

Trên những cánh đồng quê, đặc biệt vào mùa lúa chín em thường bắt gặp hình ảnh cánh cò trắng phau bay lượn trên cánh đồng.

Con cò có bộ lông trắng muốt, chiếc mỏ dài để tìm kiếm thức ăn, đôi chân dài, mảnh nhưng rất vững chãi. Thân hình của cò nhỏ nhắn, thon dài nhưng cò lại có đôi cánh dài, khi dang đôi cánh rộng bay liệng, con cò như người nghệ sĩ duyên dáng đang khiêu vũ giữa bầu trời. Thức ăn của con cò là tôm, ốc, cá ở ruộng, ao, hồ nên con cò là loài vật thân thiện với con người, không gây hại cho mùa màng. Khi theo mẹ ra đồng vào mùa gặt, em thường xuyên bắt gặp những chú cò đang làm ổ trong ruộng lúa, cả những tổ cò non nhỏ xinh giữa ruộng.

Con cò là loài vật quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam, cũng là loài vật gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Mỗi khi nhắc đến con cò, trong đầu em lại vang vọng những câu hát của mẹ:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tối có lòng nào ông hãy xáo măng”

Em rất yêu quý con cò bởi sự thân thuộc và vẻ đẹp giản dị của nó.

3. Bài văn mẫu số 3

Quê hương em gắn liền với những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Việt Nam đó là những lũy tre làng xanh rì rào trong gió, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những đàn trâu chiều chiều đi gặm cỏ... Hình ảnh con cò có lẽ gây ấn tượng với em nhất bởi vẻ đẹp trắng muốt của nó trên nền trời trong xanh.

Con cò là một loài vật thân thuộc với các bác nông dân. Thân mình nó không mập mạp, mà mảnh khảnh dưới lớp lông dày trắng tinh. Nó có một đôi mắt đen mà tinh tường để kiếm tìm những con mồi. Chiếc mỏ của nó rất dài, phải dài gấp ba lần so với mỏ của con vịt, còn nhọn ở đầu mỏ và rất cứng giúp giữ chặt con mồi. Đôi cánh của con cò rất dài mà khỏe, mỗi lần đôi cánh đó duỗi ra, trông nó như một người nghệ sĩ với chiếc váy cánh trắng dài múa từng điệu thướt tha. Chân của cò rất gầy, khẳng khiu nhưng lại rất vững chãi. Từng bước đi của nó rất thận trọng, bước từng bước tìm kiếm con mồi rồi lại chuẩn bị cất cánh bay là là trên cao để tìm kiếm những chú cá nhỏ. Mùa xuân đến, cánh đồng trải dài với màu xanh tươi mới là lúc đàn cò rủ nhau đi kiếm ăn, bắt những con ốc làm hại cây lúa của các bác nông dân. Mùa hạ đến, khi vụ mùa được thu hoạch xong, các chú cò lại cùng nhau tìm nhặt những hạt lúa còn sót lại trên ruộng đồng.

Hình ảnh con cò trắng phau đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong những miền quê trù phú. Con cò sẽ mãi là người bạn thân thiết của nhà nông.

4. Bài văn mẫu số 4

Ở nước ta có thể gặp cò trắng ở khắp nơi và quanh năm. Con cò bay lả bay la, con cò đi ăn đêm trong ca dao đang bay theo cánh võng, hòa vào điệu ru thấm hồn em thơ. Đàn cò, bầy cò bay hình cánh cung trên nền trời xanh. Đàn cò, bầy cò ở các sân chim vùng sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười mênh mông… đã trở thành hồn quê, tình quê của mỗi con người Việt Nam chúng ta.

Mùa thu, mùa đông, số lượng cò trắng tăng lên rất nhiều ở các cánh đồng quê, bãi sông, ao hồ vì lớp lớp đàn cò đông đúc từ phương Bắc về trú đông tránh rét.

Cò trắng thường làm tổ trên các bụi tre hay giữa những cây lớn rậm rạp và cao, gần các ao hồ, ven sông, ruộng lúa. Lũy tre cũng là lũy cò. Tổ cò được làm bằng các cành cây nhỏ xếp lại với nhau rất sơ sài. Cò trắng lò dò kiếm ăn ở các ruộng lúa, ven sông, đầm lầy. Chân cò màu xanh rêu, cao và khẳng khiu, móng chân nhọn và xám. Mỏ dài màu ngà. Lúc bay, cánh vỗ nhẹ nhàng, có lúc xòe rộng ra, đôi chân duỗi dài về phía sau và cái đuôi như cái bánh lái con tàu lượn trông thật đẹp.

Thức ăn chính của cò là cá, tôm nhỏ, nhái bén. Nó cần mẫn, lò dò kiếm ăn. Mỗi năm, cò đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 3 – 5 trứng. Chỉ độ nửa tháng ấp, cò con đã nở. Chim non ít lông, rất yếu, nằm trong tổ, chim bố mẹ kiếm mồi đem về bón cho từng đứa con thơ. Hơn một tháng sau, chim con đủ lông cánh mới theo bố mẹ tập bay. Chỉ sau một mùa sinh sản, đàn cò trở nên đông đúc hàng trăm con, hàng nghìn con. Phân cò điểm trắng lũy tre làng, ngọn cây các vườn chim.

Con cò hiền lành, nhưng cũng rất đa tình. Từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, cò trắng có bộ “áo cưới” rất bảnh. Bộ lông trắng toát trở nên lấp lánh có thêm những lông dài ở đầu, đuôi, ngực và vai. Những lông đó có sợi bông nhỏ, thưa, không móc vào nhau. Khi đậu các sợi lông này rủ xuống như tấm mành thưa; khi bay các lông đó phấp phới như những dải lụa trắng. Con cò đực lúc giao duyên với con cò cái thường xòe lông đuôi thành một vòng tròn rất đẹp.

Hiện nay, nhiều địa phương đã cấm săn bắn cò. Bọn cò tặc đã bị xử lý. Cò trắng xuất hiện trên đồng lúa xanh ngày một đông đúc. Sâu bọ bị cò tiêu diệt, đồng lúa tươi tốt, bình yên. Câu tục ngữ: “Đất thơm cò đậu” càng làm ta thấm thía.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?