1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Trong cuộc sống, ai cũng muốn trở thành một người chiến thắng, khôn ngoan
- Thế nhưng, có ai hiểu được ý nghĩa thực sự của thằng - bại, dại - khôn?
b. Thân bài:
- Giải thích ý nghĩa:
+ Thắng: vượt qua cản trở, thử thách, đối thủ để đạt tới mục đích, khẳng định bản lĩnh, sức mạnh bản thân.
+ Khôn: khôn khéo, khôn ngoan, hiểu biết trong suy nghĩ, hành động.
+ Dại, bại: trái ngược với thắng khôn, sự thua thiệt, thiếu khôn ngoan.
-> Trong cuộc sống con người thường xuyên gặp phải những vấn đề này, quan trọng là phải luôn biết hướng tới mục tiêu của cuộc đời mình, biết rút ra những bài học kinh nghiệm để trưởng thành, khôn ngoan hơn.
- Bàn luận: Mối quan hệ giữa thắng - bại, dại – khôn:
+ Thắng - bại: Trong cuộc sống, ai cũng đã từng trải qua, như Tố Hữu từng nói "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại".
+ Dẫn chứng: Edison thất bại hơn hai ngàn lần trước khi tạo ra bóng đèn điện Walt Disney: bị từ chối ba trăm hai mươi lần mới thành lập được công ty Walt Disney.
-> Để thành công, chúng ta cần thiết phải có thất bại -> học tập kinh nghiệm, rút ra bài học để chọn ra con đường đúng nhất dẫn tới thành công.
+ Dại - khôn: Ai cũng từng một lần dại dột để từ đó trưởng thành hơn.
+ Hãy cứ dại dột một vài lần, đừng giấu dốt, giấu dại -> bỏ lỡ những bài học quý.
+ Dẫn chứng: Học sinh không hiểu bài không hỏi giáo viên thì sẽ mãi vẫn không hiểu.
-> Cần hạn chế tối đa mắc sai lầm, nhưng đừng vì thế mà giấu giếm những điều không biết.
- Thực trạng:
+ Xã hội phát triển, nhiều cơ hội mở ra, phải cố gắng rèn luyện dù thất bại, bị coi là dại dột để tìm ra con đường chiến thắng, khôn ngoan để thành công.
+ Đặc biệt là các bạn trẻ.
- Kết luận chung: Hãy cố gắng dù thất bại, dại dột. rút ra bài học rồi tiến về phía trước, không nên nản lòng.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Thắng - bại, dại - khôn là quy luật tất yếu của con người, hãy tận dụng nó cũng như dám tiến lên.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Bàn về suy nghĩ thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống bằng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trong cuộc sống ai cũng mong muốn mình trở thành một người chiến thắng, một người thành công, khôn ngoan nhất. Chẳng vậy mà Tố Hữu đã viết:
"Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?"
Thế nhưng không phải ai cũng là người đạt được đích đến thành công, hay chiến thắng. Bởi bài học rút ra ở đây, sau mỗi lần chiến dại, dại khờ là sự kiên cường, quyết tâm cao hơn nữa, là những kinh nghiệm để tích lũy cho những lần sau này. Vậy thắng bại, dại khôn là như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
Đó là quy luật cuộc sống. Cũng giống như việc người ta có thể rút ra những kinh nghiệm cho bản thân từ những sự từng trải, từ những thất bại, từ những sai lầm trong cuộc đời, để rồi từ đó sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. "Ai nên khôn mà không dại đôi lần". Nhờ có cái “dại” ta mới biết được mình “dại” và rút kinh nghiệm trong lần sau tức không mắc phải cái “dại” ấy nữa, tức đã “nên khôn” theo cách nói của Tố Hữu.
Câu thơ không chỉ là một chân lý về quy luật của đời sống mà còn cho ta thấy được sự vất vả để đánh đổi lấy hạnh phúc. Mọi hạnh phúc không phải tự dưng đến, cái gì dễ đến thì cũng dễ ra đi. Tất cả đều là sự cho đi và nhận lại, giống như việc ta trao đi tình thương để nhận lại thương yêu, ta cống hiến để sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Mọi thứ không tự dưng mà có, thắng bại cũng vậy. Chính trong thất bại chúng ta tìm ra được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên chiến thắng cuối cùng. Còn cái khôn, dại, có thể coi như những kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” mình đã từng vấp phải để lớn khôn hơn lên.
Bởi vậy mới nói, trong cuộc sống, con người sẽ luôn gặp phải những vấn đề đối lập như thế này, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống quý báu từ những sai lầm, thất bại ấy. Để từ đó, chúng ta hướng tới sự thành công, vượt qua chính bản thân mình. Bởi hạnh phúc, thành công không tự dưng đến với ta. Đó là cả một quá trình chúng ta nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm bản thân, cho đi để được nhận lại.
Để có chiến thắng, có được hạnh phúc, con người phải vượt qua nhiều chặng đường gian nan. Chúng ta phải học được cách tìm được nguyên nhân từ trong chính thất bại để khắc phục, để làm nên chiến thắng cuối cùng vẻ vang. Cũng như khôn, dại, chẳng ai có thể khẳng định chắc chắn rằng chưa từng một lần dại dột làm thử một điều gì đó. Thế nhưng có thể chính từ sự dại dột, liều lĩnh ấy lại giúp ta nhận thức chính xác về cuộc sống cũng như tìm ra cho mình một lối sống, ứng xử, kinh nghiệm riêng để từng bước trưởng thành hơn.
Xã hội ngày càng hiện đại, mối quan hệ con người ngày càng được mở rộng, họ được tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ, được thử thách và có nhiều cơ hội khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Những lúc như vậy, nếu như không rèn luyện cho mình nghị lực sống, cũng như sự sáng suốt, con người sẽ không thể tỉnh táo bước tiếp. “Thất bại là mẹ thành công”. Và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc.
Với tuổi đời trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, những người trẻ tuổi thường hay vấp phải những sai lầm, thất bại. Điều quan trọng là hãy đừng để những điều ấy quật ngã được mình, hãy đứng lên và dũng cảm đối mặt với chúng. Làm lại từ đầu, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành. Từ những thất bại, sai lầm, hãy rút ra bài học cho bản thân mình để không còn bao giờ gặp phải trường hợp tương tự. Còn nếu có, cũng đã có đủ kinh nghiệm và sức mạnh để giành chiến thắng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép dựa vào cái điều được coi là quy luật cuộc sống ấy mà coi thường thành bại. Tất nhiên là sai lầm và thất bại là những điều rất khó tránh trong cuộc sống nhưng hãy cố gắng để có thể hạn chế được nó một cách nhiều nhất. Nếu có thể tránh được sai lầm và thất bại, chẳng có lý do gì ta để cho mình vướng phải chúng cả.
Đã xác định thắng - bại, dại - khôn là một quy luật mang tính tất yếu, khó lòng tránh khỏi, thế nhưng chúng ta không thể tự cho phép bản thân mình vấp ngã liên tiếp mà không nhận ra sai lầm ở trong đó. Chúng ta biết tới một Edison chế tạo ra bóng đèn điện sau hơn hai ngàn lần sai lầm, thất bại. Có người nói ông thật dại dột khi cứ mãi đi tìm một điều không thể, nhưng những bài học rút dần ra sau mỗi lần thất bại đã khiến ông trở thành nhà sáng chế tài năng nhất thế kỉ XX. Có thể nói, sự thất bại, dại dột cũng là một sự khích lệ, một điều động viên tinh thần chúng ra trong hoàn cảnh khó khăn. Khi gặp thất bại, hãy đừng buông xuôi, đừng chú tâm tới những lời gièm pha của người đời, hãy tự tạo ra cho mình một bản sắc riêng được tạo thành từ kinh nghiệm của chính minh. Hãy kiên tâm và đủ nghị lực để không gục ngã trước khó khăn, thử thách mà cuộc đời mang đến, bởi biết đâu sau đó đã là cầu vồng rạng rỡ của thành công. Hãy nhớ tới Bill Gates, để trở thành một ông chủ lớn đã mất bao nhiêu năm, sau bao lần thất bại rồi mới trở thành người thành công, người chiến thắng như thế. Tất nhiên, ông chẳng thể tránh khỏi những sai lầm, dại dột. Hãy nghĩ tới Walt Disney, trước khi trở thành ông chủ - một kẻ giàu có bậc nhất thế giới, có trí tưởng tượng về một thế giới cổ tích tuyệt vời như thế từng bị đuổi khỏi công ty vì "thiếu trí tưởng tượng" và bị từ chối tới ba trăm linh hai lần trước khi thành lập được Disney. Tôi không khuyến khích bạn mắc sai lầm nhưng hãy cứ thử một lần làm điều mình muốn để rút ra được những kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Bởi nếu cứ giấu dốt, cứ không dại đi một lần thì bao giờ chúng ta mới tiến tới được thành công.
Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Tôi yêu vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, bởi nó dạy cho chúng ta cách làm gì để tiến lên phía trước, để sống can đảm và nghị lực trên hành trình chúng ta đang đi. Thắng bại, hay dại và khôn cũng là hai mặt của một quá trình làm nên sự không hoàn hảo ấy.
Chiến thắng - chiến bại, dại - khôn trong cuộc sống hôm nay đều là những thăng trầm, những thử thách mà cuộc sống dành tặng cho chúng ta. Chúng là những quy luật hết sức tự nhiên của loài người và bất cứ ai cũng đều gặp phải. Tuy mang ý nghĩa khác nhau, đối lập với nhau thế nhưng chúng lại luôn đi song hành cùng với nhau, bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Như "thắng" tức là sự vượt qua khó khăn, thử thách, cản trở cũng như đối thủ để đạt tới đích đến, thành công, khẳng định được bản lĩnh cũng như sức mạnh của bản thân mình. Vậy "khôn" là gì? Đó là sự khôn ngoan, khôn khéo, hiểu biết trong hành động, trong suy nghĩ, cách ứng xử. Đây là hai từ ngữ thường được dùng để chỉ những người thành công, có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Và đối lập với hai tính từ chỉ sự tốt đẹp này là "dại" và "bại", nó dùng để chỉ sự thua thiệt, thiếu khôn khéo, khôn ngoan, đôi khi chỉ sự vấp ngã, sai lầm.
Trong cách nhìn ấy, thành và bại, dại và khôn không chỉ đối lập mà còn tương giao, là sự chuyển tiếp lẫn nhau. Sự thất bại, sự dại khờ không là những điều đáng hổ thẹn mà là những thử thách cần phải vượt qua để tìm đến ánh sáng của sự thành công, sự khôn ngoan. Thành và bại, dại và khôn chỉ là những quá trình, những điểm mốc tiếp nối lẫn nhau trong cuộc sống để làm nên sự trưởng thành của từng người. Thất bại giúp con người tìm được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng, và làm sự thành công có thêm ý nghĩa. Sự dại khờ là điều ai cũng phải trải qua ở những chặng khác nhau của cuộc đời để thêm khôn ngoan, chín chắn. Qua đó, nhà thơ Tố Hữu cũng ngầm khẳng định giá trị của sự bền lòng, bền chí trong mối tương giao giữa thành, bại, dại, khôn. Chính sự bền chí, kiên nhẫn là điều kiện không thể thiếu để mỗi người từ sự thất bại, dại khờ tìm được con đường đúng để vươn tới sự thành công, sự khôn ngoan. Cũng chính sự bền chí là chìa khóa giúp từng người hiểu được vị thế, khả năng của mình giữa những nẻo đường chuyển giao giữa sự thành, bại, dại, khôn.
Tuy có ý nghĩa đối lập là vậy, những sự song hành của chúng lại là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, để tâm. Bởi có chiến bại mới có chiến thắng, có dại rồi mới có khôn như câu thành ngữ nổi tiếng: "Thất bại là mẹ thành công". Phải, ai mà chẳng từng thất bại, từng dại khôn vài lần trong cuộc sống của mình, thế nhưng điều quan trọng nhất mà sự thắng bại, dại khôn mà chúng ta muốn nói ở đây là những bài học được rút ra từ những điều đó. Để chiến thắng, chúng ta phải trải qua khó khăn, đôi khi là thất bại liên tiếp rồi mới có được thành công như mong đợi. Khôn dại cũng vậy, có dại, có sai lầm thì ta mới có kinh nghiệm để tích lũy, để trưởng thành từng ngày. Nếu không từng thất bại 3000 lần trong việc phát minh bóng đèn phát sáng, liệu Ê-đi-xơn có trở thành một trong những “thần linh của phát minh nhân loại” hay “mặt trời thứ hai của loài người”. Cho nên, hãy cảm ơn những thất bại ấy, chúng dạy bạn cách tiến lên, cách vượt qua khó khăn, cách không bỏ cuộc giữa chừng, cách đi lên đầy mạnh mẽ và quyết tâm để không đánh mất mình trước bão giông.
Thành và bại, dại và khôn luôn đến và đi không một lời báo trước. Đó đều là những bài học cuộc sống đem đến cho con người. Không có người luôn thành công hay thất bại,tuyệt đối thông minh hay dại khờ. Chỉ có những người có thể hay không thể nhận ra những cơ hội và thử thách mình gặp phải, cả khi thành công hay thất bại, thông minh hay dại khờ. Điều đáng quý nhất mà lời thơ trên của Tố Hữu đem đến là thái độ tỉnh táo và kiên trì cần có để nhìn rõ quy luật những dòng chảy của thành, bại, dại, khôn. Dù đang đứng giữa yếu tố nào, con người vẫn cần thái độ sống đó. Bằng cách nhìn cuộc sống như vậy, sự thành, bại, dại, khôn tạm thời góp phần tạo nên những gì vĩnh hằng mà một cuộc đời để lại. Thành, bại, dại, khôn chỉ là những yếu tố luôn đến và đi, điều còn ở lại là sự trưởng thành và chín chắn, sự kiên trì và tỉnh táo mà con người tìm ra được.
Nhưng dù thành, bại, dại, khôn luôn chuyển tiếp lẫn nhau, yếu tố quyết định sự chuyển tiếp ấy vẫn là nhận thức của con người. Thất bại sẽ mãi còn đó nếu con người không rút ra những kinh nghiệm hợp lí để tìm tới thành công. Sự dại khờ sẽ ám ảnh một cuộc đời mãi mãi nếu cuộc đời đó không có ý thức tìm đến cơ hội để có sự khôn ngoan. Lúc đó, sự thất bại, dại khờ chỉ còn mang nghĩa tiêu cực như những cách nhìn nhận thông thường. Bên cạnh đó, vẫn còn những cá nhân mang cách nhìn rất sai lầm về thành bại. Họ dựa vào sự chuyển tiếp của thành, bại để biện hộ cho một chuỗi những thất bại, dại khờ của mình. Không phải cuộc sống làm họ thất bại mà chính họ đã khiến mình như vậy ngay khi bước vào cuộc sống.
Con người ai cũng mong sẽ đi đến được thành công, không trở thành một kẻ thất bại, một kẻ dại dột. Thế nhưng, quy luật tồn tại của vũ trụ là thế mà chúng ta chỉ là những kẻ đi theo. Bởi vậy, hãy luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm, hãy đừng nản lòng, hãy để ra cho mình những bài học riêng vì đó có thể là hành trang, nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào một tương lai tương sáng. Cái dại từ thất bại mới ló ra cái khôn để tiến đến thành công. Không có ai là hoàn hảo tuyệt đối, và đôi khi vẻ đẹp không nằm trong những chiếc bình thủy tinh sang trọng đắt tiền mà nằm ở những vết nứt đầy rạng rỡ ấy. Chính những sai lầm sẽ kết thành chòm sao chiếu sáng cuộc đời bạn, dạy bạn cách đứng lên. Hãy cảm ơn những sai lầm, những thất bại và những lần dại dột ấy.
Sự sống đem cho từng cuộc đời những chuỗi thử thách ngẫu nhiên và bất định. Sự thành, bại, dại, khôn là những hình thái khác nhau của những chuỗi thử thách đó. Nhân cách, tâm hồn của từng người luôn được mài giũa, tôi luyện cho một cuộc sống đẹp, ý nghĩa hơn. Trong sự mài luyện ấy, mọi cách nhìn quá coi trọng thành công, quá khinh rẻ thất bại đều không phải là thái độ sống hợp lí. Mỗi người đều phải trải qua sự thành, bại, dại, khôn của riêng mình. Cách nhìn nhận hợp lí vị thế của bản thân ở từng giai đoạn cũng là một cách tạo nên sự trân trọng, niềm tin vào chính mình.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----