Soạn văn 9 Ánh trăng tóm tắt

1. Bố cục văn bản

  • Bố cục gồm 3 phần:
    • Phần 1: (3 khổ đầu): Mối quan hệ giữa tác giả và vầng trăng.
    • Phần 2: (khổ 4): Tình huống tác giả gặp lại vầng trăng.
    • Phần 3: (khổ 5 và 6): Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả.

2. Hướng dẫn soạn văn Ánh trăng

Câu 1. Em có nhận xét gì về bố cục của bài thơ? Ánh trăng kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, đâu là bước ngoặt để tác giả bộc lộ của xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm?

  • Bài thơ có bố cục ba phần, ở mỗi phần có sự thay đổi giọng thơ:
    • Phần 1: Ba khổ thơ đầu, giọng kể, nhịp thơ trôi chảy bình thường.
    • Phần 2: Khổ thơ thứ tư: Giọng thơ đột ngột rất cao, ngỡ ngàng với bước ngoặt của sự việc, của sự xuất hiện vầng trăng.
    • Phần 3: Khổ năm và sáu: Giọng thơ thiết tha rồi trầm lắng cùng với những cảm xúc, suy tư lặng lẽ.
  • Bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc chính là khi đã coi vầng trăng như người dưng qua đường, thì bỗng mất điện, gặp lại vầng trăng tròn. Trăng vẫn tròn vành vạnh, vẫn lặng im soi sáng, không kể gì đến sự vô tình của người đã coi mình là người dưng. Điều đó khiến con người phải giật mình nhìn lại. Đó chính là chỗ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Câu 2Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Hãy phân tích điều ấy. Khổ thơ nào trong bài thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm.

  • Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng lớp ý nghĩa:
    • Vầng trăng trước hết là trăng của thiên nhiên, của đất trời.
    • Trăng là biểu tượng cho những gì gắn bó với con người lúc gian khổ.
    • Trăng là tình cảm quá khứ hồn nhiên, tươi đẹp.
    • Trăng cũng là phần trong sáng, phần tốt đẹp trong con người luôn soi rọi, chiếu sáng những góc khuất, góc tối mới nảy sinh khi con người sống với nhà lầu, cửa gương, với những tiện nghi vật chất.
  • Khổ thơ cuối thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm.
    • Trăng cứ tròn vành vạnh: tượng trưng cho quá khứ đẹp dẽ, nguyên vẹn chẳng thể phai mờ.
    • Quá khứ đẹp đẽ vĩnh hằng trong vũ trụ: "ánh trăng im phăng phắc" như một người bạn, một nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc. Cái im lặng ấy như đang nhắc nhở nhà thơ, nhắc nhở tất cả chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên nghĩa tình, quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt, hồn hậu và rộng lượng.

Câu 3. Nhận xét về kết cấu, giọng điệu của bài thơ. Những yếu tố ấy có tác dụng gì đối với việc thể hiện chủ đề và tạo nên sức truyền cảm của tác phẩm?

  • Bài thơ như một câu chuyện riêng, có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình.
  • Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ, nhịp thơ khi thì trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc (khổ 5), lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư (khổ cuối).
  • Kết cấu, giọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chân thực, chân thành, sức truyền cảm sâu sắc cho tác phẩm, gây ấn tượng mạnh ở người đọc.

Câu 4. Xác định thời điểm ra đời của bài thơ Ánh trăng, liên hệ với cuộc đời Nguyễn Duy để phát biểu chủ đề bài thơ. Theo cảm nhận của em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam.

  • Bài thơ viết năm 1978 sau hòa bình lặp lại ba năm. 
  • Bài thơ không chỉ là chuyện của riêng nhà thơ mà có ý nghĩa đối với cả một thế hệ. 
  • Bài thơ nằm trong mạch cảm xúc "Uống nước nhớ nguồn" gợi đạo lý thủy chung tình nghĩa. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trên đây là bài Soạn văn 9 Ánh trăng tóm tắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết Ánh trăng.

 

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?