1. Bố cục văn bản
- Đoạn 1: (Từ “Nhà Mtao Mxây đến sàn hiên… cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường”): Cuộc chiến giữa hai tù trưởng.
- Đoạn 2: (Từ “Ơ nghìn chim sẻ… rồi vào làng”): Cảnh Đăm Săn cùng các nô lệ trở về làng sau chiến thắng.
- Đoạn 3 (Còn lại): Cảnh nhà Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.
2. Hướng dẫn soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây
Câu 1: Tóm tắt diễn biến trận đánh để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng.
- Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến nhưng Mtao Mxây còn bỡn cợt chàng mà chưa chịu giao chiến ngay.
- Bước vào cuộc chiến:
- Hiệp đấu thứ nhất:
- Hai bên lần lượt múa khiên.
- Mtao Mxây múa trước: tỏ ra yếu ớt và kém cỏi.
- Đăm Săn múa khiên: tỏ ra mạnh mẽ và tài giỏi hơn.
- Kết quả hiệp đấu: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đăm Săn múa.
- Hiệp đấu thứ hai:
- Đăm Săn múa khiên: sức mạnh như gió bão. Cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây không ngừng.
- Đăm Săn nhờ sự giúp đỡ của Ông Trời đã cắt được đầu của Mtao Mxây.
- Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đăm Săn về ngôi làng mới.
- Hiệp đấu thứ nhất:
Câu 2: Phân tích những câu nói và hành động của đông đảo nô lệ đối với việc thắng thua của hai tù trưởng để chỉ ra thái độ và tình cảm của cộng đồng Ê – đê đối với mục đích của cuộc chiến nói chung, đối với người anh hùng sử thi nói riêng.
- Cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây là cuộc chiến tranh mang tính chất thống nhất cộng đồng, không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm mục đích tàn sát, cướp bóc và chiếm giữ. Chính vì thế mà thái độ của nô lệ ở cả hai phía đối với việc thắng thua của khai tù trưởng cũng có những nét riêng:
- Ở phía Mtao Mxây: Sau khi tù trưởng của mình thất bại, đông đảo nô lệ đều tâm phục và nghe theo lời tù trưởng mạnh hơn: “Không đi sao được!... người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa” ⇒ từ thái độ và hành động này chứng tỏ họ luôn mơ ước được sống trong no ấm, sự giàu có và mong ước có được một người lãnh đạo dũng cảm, tài ba bảo vệ cho mình.
- Ở phía Đăm Săn: Dân làng tưng bừng náo nhiệt chào đón vị anh hùng của mình mới chiến thắng trở về. Họ đi lại sửa soạn vui mừng tới tấp không chỉ để mừng buôn sóc được mở mang, được hùng mạnh và giàu có mà còn để tiếp đón những người nô lệ mới bằng sự chân thành và hòa hợp: “… Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực… sao mà vui thế!”
Câu 3: Thái độ, cách nhìn nhận của tác giả sử thi về ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và về tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.
- Đoạn trích tuy miêu tả cuộc chiến tranh giữa các thị tộc trong thời nguyên thủy, thế nhưng lại không chú trọng miêu tả cảnh chết chóc đau thương. Trái lại, tác giả dân gian chủ yếu miêu tả cảnh chiến thắng tưng bừng của phía Đăm Săn.
- Cuộc chiến mà người anh hùng sử thi Đăm Săn thực hiện không phải là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà là cuộc chiến vì sự thống nhất và lớn mạnh của cộng đồng tộc người. Do vậy, tầm vóc của người anh hùng Đăm Săn trở thành trung tâm miêu tả, ca ngợi của toàn bộ thiên sử thi.
Câu 4: Phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm các câu văn có dùng lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh của sự việc.
- So sánh tương đồng: như gió lốc gào, như những vệt sao băng
- So sánh tăng cấp: tài múa khiên của Đăm Săn, tả số lượng người ngày càng đông đảo…
- So sánh tương phản: tài múa khiên của Đăm Săn và Mtao Mxây
⇒ Lối so sánh này có tác dụng làm đòn bẩy để miêu tả, đề cao nhân vật anh hùng với tầm vóc cường tráng, ý chí lớn lao.
Trên đây là bài soạn văn tóm tắt Chiến thắng Mtao Mxây do Chúng tôi biên soạn dựa theo hệ thống câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài của chương trình SGK. Ngoài ra, các em có thể tham khảo hệ thống kiến thức đầy đủ của văn bản này tại đây: Văn bản Chiến thắng Mtao Mxây (Sử thi Đăm Săn).
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----