Phương pháp và bài tập tổng hợp về Cách đo thể tích vật rắn không thấm nước môn Vật Lý 6

PHƯƠNG PHÁP VÀ BÀI TẬP TỔNG HỢP VỀ

CÁCH ĐO THỂ TÍCH VẬT RẮN KHÔNG THẤM NƯỚC

 

1. PHƯƠNG PHÁP GIẢI

a) Dùng bình chia độ

Khi dùng bình chia độ thì nhớ đổ đủ nước vào bình (sao cho khi thả vật vào thì vật được ngập hoàn toàn trong nước). Khi đó thể tích của phần chất lỏng dâng lên bằng thể tích của vật.

Thể tích của vật được tính bằng công thức: Vvật = V2 – V1

Trong đó: V1 là thể tích của nước khi chưa thả vật vào trong bình chia độ.

                  V2 là thể tích của nước và vật khi thả vật vào trong bình chia độ.

b) Dùng bình tràn

Ta thường sử dụng phương pháp bình tràn khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ.

Khi dùng bình tràn thì nhớ trước khi thả vật vào bình tràn thì phải đổ nước cho đầy bình tràn và hứng hết toàn bộ nước tràn ra vào bình chia độ, không được để nước đổ ra ngoài. Vì nếu đổ nước chứa đầy bình tràn hay nước bị đổ ra ngoài thì kết quả đo sẽ không chính xác. Khi đó thể tích của phần chất lỏng tràn ra bằng thể tích của vật:

Vvật = Vnước tràn ra ở trong bình chia độ

Ví dụ:

Theo thí nghiệm hình 4.2 thì Vđá = Vnước tràn = 30cm3

2. BÀI TẬP VÍ DỤ

Bài 1: Cho một bình chia độ, một hòn đá cuội (không bỏ lọt bình chia độ) có thể tích nhỏ hơn giới hạn đo của bình chia độ.

a. Ngoài bình chia độ đã cho ta cần phải cần ít nhất những dụng cụ gì để có thể xác định được thể tích của hòn đá?

b. Hãy trình bày cách xác định thể tích hòn đá với những dụng cụ đã nêu?

Hướng dẫn giải:

a. Hòn đá không bỏ lọt bình chia độ nên phải sử dụng thêm bình tràn và bình chứa

b. Cách xác định thể tích hòn đá:

Đặt bình tràn lên bình chứa, đổ đầy nước vào bình tràn

Bỏ hòn đá vào bình tràn, nước từ bình tràn tràn ra bình chứa

Đổ nước từ bình chứa vào bình chia độ, số đo thể tích nước tràn ra chính là thể tích của hòn đá.

Bài 2: Chọn các từ ( tràn ra; thả chìm; thả; dâng lên) để điền vào chỗ trống trong các câu sau :

Thể tích của vật rắn bất kì không thấm nước có thể đo được bằng cách :

a) (1) .......... vật đó vào chất lỏng đựng trong bình chia độ. Thể tích của phần chất lỏng (2) ............. bằng thể tích của vật.

b) Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì (3) .............. vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng (4) ............ bằng thể tích của vật.

Hướng dẫn giải:

(1) thả                                      

(2) dâng lên

(3) thả chìm                                            

(4) tràn ra.

a) Thả vật đó vào chất lỏng đựng trong bình chia độ. Thể tích của phần chất lỏng dâng lên bằng thể tích của vật.

b) Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì thả chìm vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra bằng thể tích của vật.

Bài 3: Dùng một bình chia độ có GHĐ 20ml và ĐCNN 1ml để đo một vật rắn không thấm nước. Ban đầu mực nước trong bình là 13ml, sau khi bỏ vật rắn vào bình thì mực nước là 17ml. Thể tích của vật rắn không thấm nước nhận giá trị nào trong các giá trị sau?

A. 5ml.           

B. 4ml.

C. 4,0ml.       

D. 17,0ml.

Hướng dẫn giải:

Chọn B

  Thể tích của vật rắn V = 17 - 13 = 4ml. Chọn B vì ghi đúng còn ở C ghi 4,0ml là không đúng với ĐCNN của bình là 1 ml.

Bài 4: Hãy nêu cách đo thể tích của 1 vật rắn không thấm nước ?

Hướng dẫn giải:

Để đo thể tích vật rắn không thấm nước và chìm trong nước, có thể dùng bình chia độ, bình tràn.

Lưu ý khi đo thể tích vật rắn không thấm nước và chìm trong nước:

- Ước lượng thể tích cần đo; chọn bình chia độ có hình dạng, GHĐ, ĐCNN thích hợp; thả chìm vật đó vào chất lỏng dâng lên bằng thể tích của vật; khi vật rắn không bỏ lọt vào bình chia độ thì thả vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần tràn ra bằng thể tích của vật.

- Cách đọc, ghi kết quả, chọn dụng cụ đo giống như khi đo thể tích của chất lỏng.

- Cách sử dụng bình tràn như sau: Thả vật vào bình tràn, đồng thời hứng nước tràn ra vào bình chứa. Đo thể tích nước tràn ra bằng bình chia độ, đó là thể tích của vật cần đo.

- Nếu dùng ca thay cho bình tràn và bát to thay cho bình chứa để đo thể tích của vật thì cần lưu ý: Lau khô bát trước khi đo; khi nhấc ca ra khỏi bát, không làm đổ hoặc sánh nước ra bát; đổ hết nước từ bát vào bình chia độ, không làm đổ nước ra ngoài.

3. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì thả vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra:

A. Lớn hơn thể tích của vật.                          

B. Bằng thể tích của vật.

C. Nhỏ hơn thể tích của vật.                         

D. Bằng một nửa thể tích của vật.

Câu 2: Người ta dùng một bình chia độ ghi tới 1cm3 chứa 55cm3 nước để đo thể tích của một hòn đá. Khi thả hòn đá vào bình, mực nước trong bình dâng lên tới vạch 86cm3. Hỏi các kết quả ghi sau đây, kết quả nào là đúng?

A. V1 = 86cm3.           

B. V2 = 55cm3.           

C. V3 = 31cm3.           

D. V4 = 141cm3.

Câu 3: Công thức tính thể tích của vật rắn khi đo bằng bình chia độ:

A. Vrắn = V lỏng - rắn - Vlỏng                             

B. Vrắn = V lỏng + rắn - Vlỏng

C. Vrắn = V lỏng - rắn + Vlỏng                            

D. Vrắn = V lỏng + rắn + Vlỏng

Câu 4: Khi sử dụng bình tràn và bình chứa để đo thể tích vật rắn không thấm nước thì người ta xác định thể tích của vật bằng cách:

A. Đo thể tích bình tràn

B. Đo thể tích bình chứa

C. Đo thể tích phần nước tràn ra từ bình tràn sang bình chứa

D. Đo thể tích nước còn lại trong bình.

Câu 5: Bình chia độ trong thí nghiệm đo thể tích của vật rắn không thấm nước và không bỏ lọt vào bình chia độ, dùng để đo thể tích của

A. Nước trong bình tràn khi chưa thả vật rắn vào.

B. Nước còn lại trong bình tràn sau khi đã thả vật rắn vào.

C. Nước tràn vào bình chứa

D. Nước còn lại trong bình tràn sau khi đã thả vật rắn vào và nước tràn vào bình chứa.

Câu 6: Một bình tràn chỉ có thể chứa được nhiều nhất là 100cm3 nước, đang đựng 60cm3 nước. Thả một vật rắn không thấm nước vào bình thì thấy thế tích nước tràn ra khỏi bình là 30cm3. Thể tích của vật rắn là

A. 40cm3.                   

B. 90cm3.                   

C. 70cm3.                    

D. 30cm3.

Câu 7: Người ta dùng 1 bình chia độ ghi tới cm3 chứa 20 cm3 nước để đo thể tích của 1 hòn đá. Khi thả hòn đá vào bình, mực nước trong bình dâng lên tới vạch 55cm3. Thể tích của hòn đá là

A. 86cm3                    

B. 31cm3                    

C. 35cm3                          

 D. 75cm3

Câu 8: Để đo thể tích của hòn sỏi cỡ 15cm3. Bình chia độ nào sau đây thích hợp nhất:

A. Bình có GHĐ 250ml và ĐCNN 10ml          

B. Bình có GHĐ 100ml và ĐCNN 2ml

C. Bình có GHĐ 250ml và ĐCNN 5ml            

D. Bình có GHĐ 100ml và ĐCNN 1ml

Câu 9: Khi thả một quả cam vào một bình tràn chứa đầy nước thì nước tràn vào một bình chia độ có GHĐ 300cm3 và ĐCNN 5cm3. Mực nước trong bình chia độ lên tới vạch số 215. Thể tích của quả cam bằng bao nhiêu?

A. 215cm3    

B. 85cm3

C. 300cm3     

D. Cả ba phương án trên đều sai.

Câu 10: Để đo thể tích của vật rắn không thấm nước và có thể chìm hoàn toàn trong nước chỉ cần

A. Một bình chia độ bất kì

B. Một bình tràn

C. Một bình chia độ có kích thước sao cho vật rắn có thế bỏ lọt vào bình

D. Một ca đong

Câu 11: Nếu dùng bình chia độ đế đo thể tích của một vật rắn thì trong trường hợp nào sau đây, thể tích của vật rắn được tính bằng công thức: VR = VL + R – VL, trong đó VR là thể tích vật rắn, VL+R là thể tích do mực chất lỏng chỉ khi đã bỏ vật rắn chìm vào chất lỏng trong bình, VL là thể tích chất lỏng trong bình?

A. Vật rắn thấm nước và chìm một phẩn trong chất lỏng.

B. Vật rắn thấm nước và chìm hoàn toàn trong chất lỏng.

C. Vật rắn không thấm nước và chìm một phần trong chất lỏng.

D. Vật rắn không thấrn nước và chìm hoàn toàn trong chất lỏng.

ĐÁP ÁN

1

B

3

B

5

C

7

C

9

D

11

D

2

C

4

C

6

C

8

D

10

C

 

 

 

---(Hết)---

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp và bài tập tổng hợp về Cách đo thể tích vật rắn không thấm nước môn Vật Lý 6 năm 2021. Để xem thêm nhiều tư liệu hữu ích khác, các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?