Qua bài học giúp các em nắm được muốn làm một bài văn thuyết minh thì người viết cần phải quan sát, học tập, tích lũy kiến thức, bên cạnh đó để bài thuyết minh có sức thuyết phục cao người viết cần phải phối hợp các phương pháp khác như so sánh, đối chiếu, liệt kê,...
Tóm tắt bài
1.1. Phương pháp thuyết minh
a. Quan sát, học tập, tích lũy tri thức để làm bài văn thuyết minh
Đọc lại văn bản thuyết minh vừa học (Cây dừa Bình Định, Tại sao lá cây có màu xanh lục, Huế, Khởi nghĩa Nông Văn Vân, Con giun đất) và cho biết các văn bản ấy đã sử dụng những loại tri thức gì?
- Các văn bản Cây dừa Bình Định, Tại sao lá cây có màu xanh lục?, Huế, Khởi nghĩa Nông Văn Vân, Con giun đất đã sử dụng các loại tri thức về sinh học, địa lí, về văn hóa, lịch sử.
b. Làm thế nào để có các tri thức ấy ? Vai trò của quan sát, học tập, tích luỹ ở đây như thế nào?
- Để có được những tri thức ấy, người viết phải quan sát, học tập, trau dồi, tích lũy tri thức cho mình. Muốn viết được bài Cây dừa Bình Định, Huế, người viết không thể không quan sát, tham quan; muốn viết được bài Vì sao lá cây có màu xanh lục?, Con giun đất, Khởi nghĩa Nông Văn Vân, người viết không thể không quan sát, tra cứu, học tập... Như vậy, vai trò của quan sát, học tập, tích luỹ kiến thức ở đây vô cùng quan trọng.
c. Bằng tưởng tượng, suy luận có thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh được không?
- Bằng tưởng tượng, suy luận không thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh bởi vì mục đích của văn bản thuyết minh là tri thức, cơ sở của văn bản thuyết minh cũng là tri thức, tri thức lại được hình thành cơ bản từ sự quan sát, học tập, tích luỹ kiến thức. Do vậy, không chỉ sử dụng trí tưởng tượng, phán đoán, suy luận để xây dựng văn bản thuyết minh.
1.2. Phương pháp thuyết minh
a. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích
Đọc các câu văn sau và trả lời câu hỏi: Trong câu văn trên ta thường gặp từ gì? Sau từ ấy, người ta cung cấp một kiến thức như thế nào? Hãy nêu vai trò và đặc điểm của loại câu văn định nghĩa, giải thích trong văn bản thuyết minh
– Huế là một trong những trung tâm văn hóa, nghê thuật lớn của Việt Nam.
(Huế)
– Nông Văn Vân là tù trưởng dân tộc Tày, giữ chức tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng)
(Khởi nghĩa Nông Văn Vân)
- Các câu trên đều có từ “là”.
- Đây là kiểu câu định nghĩa, giải thích thường thấy trong văn bản thuyết minh.
- Phần sau từ “là” thường nêu những kiến thức khái quát về bản chất, đặc trưng, tính chất của đối tượng.
- Vai trò của kiểu câu này là nêu vấn đề, đưa ra nội dung cần thuyết minh.
b. Phương pháp liệt kê
Đọc các câu, đoạn văn (trang 127) và cho biết phương pháp liệt kê có tác dụng như thế nào đối với việc trình bày tính chất của sự vật.
- Người viết đã dùng phương pháp liệt kê trong các câu, đoạn văn trên.
- Tác giả lần lượt trình bày tính chất của sự vật, các biểu hiện cụ thể của đối tượng theo một trật tự nhất định.
- Tác dụng của phương pháp này là làm cho người đọc nắm đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, rõ ràng.
c. Phương pháp nêu ví dụ
Chỉ ra ví dụ trong đoạn văn (trang 127) và nêu tác dụng của nó đối với việc trình bày cách xử phạt những người hút thuốc lá ở nơi công cộng.
- Đoạn văn trên đưa ra ví dụ cụ thể, điển hình về việc xử phạt những người hút thuốc lá ở nơi công cộng: ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la.
- Ví dụ này có tác dụng nhấn mạnh nội dung diễn đạt, thuyết phục người đọc, làm cho người đọc nhìn nhận vấn đề chống thuốc lá một cách nghiêm túc hơn.
d. Phương pháp dùng số liệu
Đọc đoạn văn (trang 127) và trả lời câu hỏi: Đoạn văn sau cung cấp những số liệu nào? Nếu không có số liệu, có thể làm sáng tỏ được vai trò của cỏ trong thành phố không?
- Đoạn văn trên cung cấp những số liệu về dưỡng khí và thán khí có trong không khí để làm nổi bật vai trò của cỏ và qua đó nói lên tầm quan trọng của việc trồng cây xanh trong thành phố.
- Trong lĩnh vực tự nhiên, số liệu là cơ sở quan trọng để người viết thuyết minh. Số liệu dùng cho thuyết minh phải có độ tin cậy cao, được chứng thực bằng phương pháp khoa học.
e. Phương pháp so sánh
Đọc câu văn (trang 128) và cho biết tác dụng của phương pháp so sánh.
- Phương pháp so sánh cũng là phương pháp được sử dụng phổ biến trong văn thuyết minh để làm nổi bật sự khác biệt về đặc điểm, tính chất của sự vật, sự việc.
- Đoạn văn đã so sánh sự to lớn của biển Thái Bình Dương đối với các đại dương (to gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương).
g. Phương pháp phân loại, phân tích
Hãy cho biết bài Huế đã trình bày các đặc điểm của thành phố Huế theo những mặt nào?
- Người ta áp dụng phương pháp này đối với sự vật đa dạng, nhiều cá thể để phân loại, trình bày rõ ràng.
- Để trình bày các đặc điểm của thành phố Huế, người ta phải dùng phương pháp phân loại, phân tích:
- Trung tâm văn hóa, nghệ thuật.
- Thiên nhiên Huế rất đẹp.
- Các kiến trúc của Huế rất nổi tiếng.
- Món ăn của Huế rất phong phú, đa dạng.
- Huế đấu tranh kiên cường.
- Huế đẹp và thơ mộng đã đi vào lịch sử của những thành phố anh hùng.
1.3. Ghi nhớ
- Muốn có tri thức để làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh xa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.
- Để bài văn thuyết minh, có sức thuyết phục dễ hiểu, sáng rõ người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại.
2. Soạn bài Phương pháp thuyết minh
Để nắm được cách làm một bài văn thuyết minh, các em có thể tham khảo bài soạn Phương pháp thuyết minh.