1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu bài thơ “Bánh trôi nước” cùng vẻ đẹp của người phụ nữ:
- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương- bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”.
- Người phụ nữ đã hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt.
b. Thân bài:
- Vẻ đẹp của người phụ nữ đã được khúc xạ thông qua hình ảnh bánh trôi nước:
+ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”: vẻ đẹp về hình thể.
+ Ba câu thơ tiếp theo làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ.
- Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ hiện lên với sự đẹp đẽ và tấm lòng thủy chung son sắt:
+ Vẻ đẹp tâm hồn đã trải qua hành trình lênh đênh chìm nổi: “Bảy nổi ba chìm với nước non”:
+ Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” để nói về sự lênh đênh, trôi nổi của kiếp người được vận dụng đầy sáng tạo: “bảy nổi ba chìm”.
+ “Nước non” đã được chuyển nghĩa gợi lên hoàn cảnh sống và cuộc đời của người phụ nữ
+ Người phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn dù gắn với số phận bị lệ thuộc: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
+ Mặc dù cuộc đời phải trải qua chìm nổi, bấp bênh, không có tiếng nói riêng nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt.
- Qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, giá trị nhân đạo của tác phẩm đã được làm nổi bật:
+ Thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với thân phận người phụ nữ.
+ Thái độ trân trọng, đề cao phẩm giá người phụ nữ.
c. Kết bài:
- Khái quát vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: Bằng ngôn từ giản dị, bài thơ “Bánh trôi nước” đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, son sắt thủy chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Thông qua việc vịnh một món ăn dân giã, quen thuộc theo phong tục dân tộc, chúng ta thấy được thái độ trân trọng, đồng cảm đối với thân phận người phụ nữ.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”
Câu ca dao quen thuộc trên đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của hình tượng người phụ nữ dựa trên việc đối lập vẻ đẹp ngoại hình bên ngoài và nhân cách bên trong. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương- bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”. Tuy khác với câu ca dao ở điểm Hồ Xuân Hương vừa đề cao vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn nhưng chúng ta vẫn thấy nổi bật hơn cả là vẻ đẹp về tâm hồn. Người phụ nữ đã hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Trong bài thơ, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được khúc xạ thông qua hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết nổi bật nói lên đặc điểm của bánh trôi để gợi nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Sau khi làm miêu tả sự hài hòa về hình thể “vừa trắng lại vừa tròn”, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp về tâm hồn của người phụ nữ trong những câu thơ tiếp theo.
Về hình thức họ mang trong mình vẻ đẹp “trắng”, “tròn” gợi nên sự tròn đầy, phúc hậu. Trong quan niệm dân gian xưa, người phụ nữ đẹp là người phụ nữ có gương mặt tròn như mặt trăng, nước da trắng hồng, người đậm đà, đây chính là tiêu chuẩn vẻ đẹp của người phụ nữ xưa. Và em mang đầy đủ những vẻ đẹp đó. Câu thơ vang lên đầy tự hào, khẳng định giá trị, vẻ đẹp của bản thân. Trắng ở đây không chỉ dùng để nói về làn da hồng hào, trắng trẻo, mà trắng còn dùng để chỉ phẩm chất trong sáng, thuần khiết của người con gái. Câu thơ kết hợp với quan hệ từ tăng tiến “vừa …vừa” càng nhấn mạnh, làm nổi bật hơn nữa vẻ đẹp của người phụ nữ.
Trong xã hội cũ chúng ta biết rằng, số phận người phụ nữ vô cùng bất hạnh, chìm nổi, họ không được tự quyết định số phận mình. Trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương cũng đã phản ánh chân thực số phận bất hạnh ấy: “Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Nhưng dù cảnh ngộ có bất hạnh bao nhiêu đi chăng nữa, thì người con gái, người phụ nữ vẫn giữ trong mình tấm lòng thủy chung, sắt son:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Với ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu sức gợi cảm, gần gũi với văn học dân gian, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm niềm cảm thông sâu sắc với số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đồng thời thông qua hình ảnh ẩn dụ bánh trôi nước tác giả cũng khẳng định, ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp hình thức và phẩm chất của họ.
Từ xa xưa cho tới ngày nay, đạo tam tòng tứ đức buộc người phụ nữ khi có chồng phải một mực thủy chung và đó là một phẩm chất quý báu của người phụ nữ được xã hội coi trọng và đề cao. Tác giả Hồ Xuân Hương đã khẳng định vẻ đẹp thủy chung của người phụ nữ với thái độ đầy tự tin và tự hào. Dù hoàn cảnh cuộc đời và số phận của người phụ nữ có long đong, lận đận, và phụ thuộc đến mấy nhưng họ vẫn luôn giữ được tấm lòng thủy chung sáng ngời. Qua mỗi một câu thơ, nhà thơ lại cho người đọc cảm nhận được một vẻ đẹp khác của người phụ nữ, những vẻ đẹp ấy rất đặc trưng cho vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Chỉ bằng hình ảnh bánh trôi nước, dưới ngòi bút tài hoa, tinh tế của Hồ Xuân Hương, từng vẻ đẹp của người phụ nữ đã hiện ra.
Qua bài thơ “Bánh trôi nước” Hồ Xuân Hương đã ca ngợi, khẳng định về cả vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Tạo cho độc giả một cái nhìn mới về vẻ đẹp hoàn mỹ của người phụ nữ. Đồng thời đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ với một thái độ khẳng định đầy tự tin.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam từ lâu đã trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc và họa. Trong những tác phẩm văn học nói về người phụ nữ, những bài thơ tiêu biểu không thể không nhắc đến “Bà chúa thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương. Bà được xem là nhà thơ của người phụ nữ, và minh chính cho nhận định đó chính là bài thơ “Bánh trôi nước”.
Bài thơ là một bài thơ vịnh vật, được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bề nổi của bài thơ là vịnh về một món ăn dân giã, quen thuộc trong dân gian, còn nghĩa chìm sâu trong chiếc bánh trôi đó là vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Hai tính từ miêu tả “trắng” và “tròn” đã khơi gợi về vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ. Vẻ trắng trẻo, nét tròn đầy bắt mắt, tràn đầy sức sống và chứa đựng bao khát khao rạo rực của người phụ nữ. Đó là một nét đẹp phúc hậu, tâm hồn hồn nhiên thuần khiết, mang quan niệm và cốt cách Việt. Ở câu thơ thứ hai, thông qua cách nói khi luộc bánh trôi, tác giả đã sử dụng thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” nhưng đảo câu thành ngữ cho vế “chìm” nằm ở cuối câu, ý thể hiện cho sự long đong, lận đận và cơ cực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Và với Hồ Xuân Hương, đó như một nét đẹp xuyên suốt trong cách nhìn về vẻ đẹp hình thức của giới nữ trong sáng tác của tác giả (Tranh tố nữ, Vịnh cái quạt,…). Nước da trắng, nhất là trắng hồng đã nói hết được vẻ xinh xắn, tươi tắn của một người con gái. Không những thế vẻ tròn trịa của chiếc bánh còn gợi lên một vẻ đẹp hình thể tròn đầy, đầy đặn theo quan niệm thẩm mĩ truyền thống của người Việt về một vẻ đẹp viên mãn.
Vẻ trắng trẻo, nét tròn đầy ấy thật bắt mắt, thật tràn đầy sức sống, chứa đựng bao khát khao rạo rực, thể hiện cái nhìn tươi trẻ, lạc quan của nữ sĩ, và cũng là cái nhìn của nhân dân, nhất là những người dân lao động. Cũng có thể nói thêm rằng, đằng sau vẻ trắng trẻo, đầy đặn ấy còn giúp chúng ta liên tưởng đến vẻ trắng trong, phúc hậu của người phụ nữ Việt Nam, một nét đẹp tâm hồn hồn nhiên, thuần phác, mang quan niệm, cốt cách Việt.
Phụ nữ sống trong thời kì phong kiến luôn lép vế, phải cam chịu và đầu hàng số phận. kệ người ta xô, mặc người ta đẩy mà không dám hé răng nửa lời. Họ không dám đấu tranh, không dám đòi công bằng. Từ "mặc" trong câu thơ như khẳng định một sự phó mặc đến não nề, và còn thấp thoáng sự bất cần. Vậy nhưng đọc câu thơ này, chúng ta vẫn nhận ra được một chút chống cự qua từ "mặc" nhưng nó không quá nổi bật. Chỉ là Hồ Xuân Hương là người phụ nữ không chịu khuất phục nên thơ bà cũng không chịu khuất phục như vậy.
Bài thơ “Bánh trôi nước” đã khắc họa được một hình ảnh thật đẹp về người phụ nữ, với bao phẩm chất tốt đẹp, không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết. Có thể thấy những nhà văn trung đại xưa rất ít khi viết về những người phụ nữ, nếu viết thì cúng không với thái độ ca ngợi, đề cao như vậy. Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã có những đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ Việt Nam nên từng nét phác họa của bà đều hết sức chân thực, sinh động.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----