1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người; vai trò quan trọng, giành được nhiều sự quan tâm của con người.
b. Thân bài:
- Môi trường sống là gì? (những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người: đất, nước, không khí...)
- Vai trò của môi trường sống đối với đời sống con người:
+ Tạo điều kiện vật chất cho cuộc sống con người: không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy.
+ Bảo vệ sức khỏe con người: Môi trường trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi...)
- Những hành động thiếu ý thức của con người làm tổn hại đến môi trường sống và tác hại của chúng:
+ Xả rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.
+ Rác thải công nghiệp làm ô nhiễm không khí, thủng tầng ozon, xói mòn đất...
- Tính cấp thiết của việc bảo vệ, gìn giữ môi trường sống trong lành: môi trường sống trong nhiều năm trở lại đây bị ô nhiễm và tổn hại nghiêm trọng vì vậy đòi hỏi con người phải có những biện pháp cấp thiết bảo vệ môi trường sống.
c. Kết bài:
- Bài học rút ra cho bản thân, những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng và cây xanh.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy chứng minh rằng đời sống sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Từ thuở con người xuất hiện trên trái đất, môi trường là một điều kiện tự nhiên không thể thiếu với sự tồn tại và phát triển của sự vật cũng như con người. Hiện nay, do nhu cầu đời sống vật chất cao nên ít ai quan tâm đến và làm cho môi trường ngày càng trở nên xấu đi do những kẻ vô lương tâm phá hoại.
Trước hết, có thể hiểu đơn giản môi trường là không gian sống của con người, động vật... , bao gồm tất cả những gì xung quanh ta. Môi trường được phân làm hai loại: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Đặc biệt nhất là môi trường tự nhiên, có vai trò quan trọng đối với con người.
Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục kéo theo bao thảm họa không thể lường trước được. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi biết bao sinh mạng. Các thiên tai như núi lở, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương. Tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.
Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây hại cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ đã hủy hoại môi trường. Chặt cây lấy gỗ, mở mang diện tích trồng trọt, canh tác; đốt nương làm rẫy, săn bắt thú quý những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm sẽ làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự cân bằng sinh thái. Những vụ phá rừng với nguy cơ lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên hay vụ cháy mấy ngàn hecta rừng nguyên sinh ở U Minh là những ví dụ điển hình.
Cây xanh là nguồn cung cấp không khí trong lành. Cây còn ngăn lũ, cho bóng mát, bảo vệ đời sống con người. Vì thế, cây xanh cũng rất quan trọng trong môi trường. Nhưng có một số người không hiểu điều đó, chặt phá cây, đốt rừng, xuất hiện đất trống đồi trọc. Màu xanh dần dần biến mất, khí hậu trở nên ngột ngạt. Lũ lụt tràn về gây nhiều thiệt hại. Những nguồn lợi quý giá như gỗ, nguyên liệu làm thuốc, dường như cũng bị cuốn vào những lưỡi cưa phá hoại rừng. Chỉ một hành động tàn nhẫn đó đã phá hoại vẻ đẹp thiên nhiên, mà con người không thể tạo ra. Đâu chỉ có vậy, rừng còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Con người đã săn bắn thú quý hiếm bán cho nhau. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà tàn phá thiên nhiên. Bây giờ một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta nên bảo vệ, xây dựng nhiều khu bảo tồn để bảo vệ các thú vật quý hiếm.
Tục ngữ có câu: “Tiền rừng, bạc biển” hay “Rừng vàng, biển bạc” nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Cây chặt mãi cũng phải hết; tôm cá nào sinh sản cho kịp với kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện, bằng hóa chất của không ít người tham lam, vô ý thức hiện nay. Nếu khai thác không đi đôi với giữ gìn, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng, khói từ các nhà máy, các xí nghiệp thải ra. Khí thải, chất thải, nước thải không được xử lý kịp thời cũng là nguồn bùng phát và lây lan bệnh dịch. Có thể nói môi trường ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cuộc sống và tính mạng con người nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Không ít người có thói xấu là vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng, làm cho cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất quan trọng và cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục.
Hiện nay, sự ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Chúng ta nên bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực. Không khí bị ô nhiễm thì cần phải có những biện pháp lọc không khí. Nguồn nước bị ô nhiễm thì phải bảo vệ và tiết kiệm nước. Rừng bị tàn phá thì phải trồng thêm cây. Tích cực tham gia các hoạt động phong trào như: Mùa hè xanh, Ngày chủ nhật. Nếu mỗi người đóng góp một ít thì chẳng bao lâu môi trường sẽ ngày càng xanh tươi.
Môi trường sống là rất quan trọng. Nếu không có môi trường thì sẽ không có chúng ta, không có sự sống. Nhưng đã có nó thì phải biết giữ gìn, bảo vệ. Chúng ta không nên có thêm hành động nào phá hoại môi trường. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất để hành tinh luôn xanh tươi.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong những năm gần đây, các hội nghị bàn về môi trường liên tục được tổ chức ở phạm vi khu vực và toàn cầu vì nạn ô nhiễm môi trường đã đến lúc báo động. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống đã trở thành vấn đề cấp thiết, được toàn nhân loại hết sức quan tâm.
Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục kéo theo bao thảm họa không thể lường trước được. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi biết bao sinh mạng. Các thiên tai như núi lở, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương. Tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.
Trong môi trường tự nhiên, đất đất là một tài nguyên vô cùng quý giá, là mầm móng cho tất cả mọi thứ. Đó là điểm khởi đầu cho những sự vật chúng ta gây dựng nên, là nơi chôn cất bao nhiêu bí mật, là nơi cất giữ thật nhiều khoáng sản. Chúng ta cũng không thể sống nếu thiếu không khí. Không khí là yếu tố sống của nhân loại. Tiếp đến là nước cũng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống. Nước dùng để uống, để sinh hoạt và phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp.
Chắc hẳn ai cũng biết, môi trường sống tạo nên hạnh phúc, niềm vui một bầu trời trong xanh cho chúng ta. Nó cung cấp ô-xi, mang lại không khí trong lành, dễ chịu. Môi trường sống trong sạch bảo vệ sức khỏe con người, ngăn cản các vi sinh vật có hại, nước sạch ngăn cản bọ gậy, ruồi muỗi. Mang lại cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, là nguồn giải trí của con người. Có cây cối, thì sẽ có rừng, rừng ngăn chặn lũ lụt, sóng thần. Tất cả đều thật quý giá biết bao!
Thế nhưng, đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng được hỗ trợ bởi những thiết bị tiện nghi, hiện đại. Từ đó họ quên mất đi nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là bảo vệ môi trường. Cách sống ích kỷ trong xã hội hiện đại đã khiến chúng ta vô tình làm tổn hại đến môi trường sống. Tất cả mọi người, ngay cả những người lớn tuổi, vẫn hồn nhiên xả rác bừa bãi ra môi trường, rác thải theo mưa đi đến cống rãnh, làm tắc cống rãnh, đi đến sông suối làm ô nhiễm nguồn nước. Không khó để chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội, hình ảnh những loài động vật phải ngập ngụa trong rác thải của con người. Chưa kể là những rác thải hữu cơ rất có ích nếu dùng để ủ thành phân, bón cho cây trồng. Nhưng con người lại thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường sống. Đó là chưa nói đến các nhà máy công nghiệp, lúc nào cũng ngùn ngụt khói trắng, khói đen tỏa ra trên bầu trời. Những thứ đó sẽ làm thủng tầng ôzon, tạo mưa gió, lũ lụt, làm đời sống con người vô cùng cực khổ. Thêm nữa, hành vi chặt phá rừng, gây đồi trọc, đất trống, mỗi khi mưa về sức nước lớn mà không có cây xanh giữ lại sẽ gây ra sạt lở, xói mòn.
Chính vì vậy, con người cần có ý thức bảo vệ môi trường. Một số hành động nhỏ nhưng sẽ tạo ra được ý nghĩa lớn: tích cực trồng nhiều cây xanh, có ý thức bỏ rác hợp lý, không thải những chất thải ra ngoài môi trường bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta… Nhưng bên cạnh những con người luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống lại có những thành phần không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sức khỏe của chính họ. Đó là những hành vi cần phải lên án mạnh mẽ.
Một vấn đề nữa, nếu chặt phá rừng bừa bãi cũng sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp, đó là nạn lũ lụt hoành hành từng năm. Rừng là lá phổi của trái đất, điều đó có nghĩa là rừng cung cấp cho con người khí ô-xi nhờ quá trình quang hợp của cây. Con người chỉ có thể có được không khí trong lành khi được sống giữa màu xanh của cây cối, với thiên nhiên. Đặc biệt, rừng còn là bức tường kiên cố ngăn chặn sự xâm hại của dòng nước đổ từ trên miền núi xuống miền xuôi cho nên nếu những bức tường đó bị phá bỏ thì nước lũ sẽ mặc sức đổ xuống đồng bằng, khiến cho ngập lụt xảy ra thường xuyên và thật khủng khiếp. Thiệt hại về người và của không thể tính xuể. Mặc dù biết tác hại do việc chặt phá rừng là như vậy song nhiều người vẫn ngang nhiên chặt gỗ phá rừng, khiến cho diện tích rừng trên thế giới mỗi năm một giảm.
Môi trường sống quanh ta chính là người bạn thân thiết nhất. Và đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống. Bởi vậy, chúng ta hãy chung tay cùng nhau bảo vệ môi trường sống của mình.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----