1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế đi lên, nhu cầu giao tiếp liên lạc bằng điện thoại di động ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến hơn cả.
- Học sinh được cha mẹ trang bị điện thoại khá phổ biến, tuy nhiên rất nhiều em lại quá lạm dụng điện thoại di động.
b. Thân bài:
* Thực trạng:
- Sử dụng chưa đúng cách, lạm dụng điện thoại, dùng cả trong giờ học, chỉ để tán gẫu, chơi game, lướt web, dùng làm công cụ sao chép tài liệu trên mạng, lười sáng tạo.
- Tò mò, khai thác những nguồn thông tin không lành mạnh về cách hành vi bạo lực, các web đen, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phát tán cho nhau, tham gia hành vi bạo lực mạng, bình luận mà không nắm rõ nguồn thông tin gây nhiều hậu quả.
* Nguyên nhân:
- Xã hội phát triển, nhu cầu liên lạc tăng cao, phụ huynh bận rộn với công việc khó có thể theo sát con mình, nên việc mua sắm điện thoại cho con là để quản lý và liên lạc cho thuận tiện.
- Một số phụ huynh khác thì đơn tuần mua điện thoại cho con chỉ vì chiều chuộng con cái thái quá.
- Điện thoại có nhiều chức năng không cần thiết, cha mẹ không quan tâm giám sát.
* Hậu quả:
- Đam mê điện thoại mà quên mất việc học hành, sao nhãng trong học tập, gây mất trật tự trong lớp, hổng kiến thức về không tập trung chú ý nghe giảng.
- Vấn đề về sức khỏe, như các tật ở mắt, loạn thị, cận thị, thậm chí gây mù. Quá chú tâm vào điện thoại mà xa rời thực tế xã hội cũng là một trong các nguyên nhân gây trầm cảm, mất tập trung, giảm khả năng suy nghĩ sáng tạo, con người trở nên yếu ớt, nhạy cảm với những tác động bên ngoài.
- Thông tin không chọn lọc, ở đó có cả những thông tin xấu như bạo lực, các tệ nạn xã hội, các loại văn hóa phẩm đồi trụy ... => Gia tăng tình trạng phạm tội ở lứa tuổi học sinh, bạo lực học đường, những hành động vượt khỏi chuẩn mực đạo đức, cãi lời cha mẹ thầy cô, tự cho mình là đúng,...
- Ngoài ra còn có tình trạng học đòi trên mạng, yêu sớm, tình dục không an toàn, để lại những hậu quả khó có thể khắc phục, để lại bóng đen tâm lý nghiêm trọng.
* Biện pháp:
- Thay đổi nhận thức của học sinh, giải thích và hướng dẫn các em sử dụng điện thoại một cách đúng đắn lành mạnh.
- Cha mẹ cần quan tâm gần gũi các em nhiều hơn, quản lý nhưng không có nghĩa là xâm phạm vào sự riêng tư, làm vậy chỉ khiến các em thêm chống đối.
- Đối với nhà trường, cần có những biện pháp không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, thường xuyên tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh đến các em.
- Học sinh chúng ta cần có ý thức tự giác trong học tập, sử dụng điện thoại với mục đích đúng đắn. Luôn cố gắng rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, chăm giao tiếp xúc với thầy cô bạn bè, quan tâm đến gia đình cha mẹ, dành thời gian đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn.
c. Kết bài:
- Điện thoại di động chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống thêm tốt đẹp, chúng ta đừng biến nó thành thứ phá hủy cuộc sống của chính mình.
- Hãy sử dụng điện thoại thông minh một cách thật thông minh và thông thái, chúng ta điều khiển điện thoại chứ đừng để điện thoại điều khiển mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại của một bộ phận học sinh hiện nay.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại hơn. Con người cũng có điều kiện được tiếp cận với những thiết bị công nghệ hiện đại sớm hơn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thế nhưng, tình trạng trẻ em hiện nay đang trở thành những con nghiện sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính lại là một vấn đề đáng báo động và cần có phương pháp khắc phục kịp thời.
Điện thoại thông minh hay còn gọi là smartphone, là thiết bị di động không chỉ dùng để liên lạc gọi điện hay nhắn tin mà còn chứa nhiều ứng dụng trò chơi giải trí khác nhau. Nghiện sử dụng điện thoại thông minh là hiện tượng con người bỏ quá nhiều thời gian để tiếp xúc với điện thoại mà quên đi những hoạt động thực tế ngoài cuộc sống. Đặc biệt hơn, hiện tượng này đang bùng phát ở trẻ nhỏ.
Nếu được hỏi dùng điện thoại để làm gì? Thì các em sẽ chẳng nghĩ ngợi mà trả lời để phục vụ học tập, liên lạc với thầy cô, bạn bè, bố mẹ. Thế nhưng thực tế thì lại không như thế. Cùng với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, những chiếc điện thoại thông minh đang ngày càng “hủy hoại” con người. Mỗi ngày các em có 8 giờ học trên lớp thế nhưng thay vì tiếp thu bài học của thầy cô các bạn học sinh lại dùng nó để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức. Chưa kể việc phải dừng lại nhắc nhở học trò phải tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn phân tán sự chú ý. Nhiều trường hợp học trò còn vô tư dùng điện thoại để xem phim, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh quay phim còn khiến các em cho ra đời nhiều bức ảnh tục tĩu, hở hang làm trò câu view, câu like gây nên nhiều hậu quả nặng nề, bóng ma tâm lí cho các bạn thậm chí còn không muốn đến trường vì xấu hổ….
Các em ham thích việc lướt web bởi đó là một thế giới muôn màu sắc, ham thích việc nhắn tin tán gẫu với bạn bè hơn là đọc sách, nghe giảng, đơn thuần bởi vì nó vui hơn những tiết học khô khan. Cá biệt, điện thoại còn trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các em thỏa sức quay cóp, sao chép những tài liệu có sẵn trên mạng mà không chịu tìm tòi suy nghĩ sáng tạo. Điện thoại di động cũng là nơi cung cấp, đưa vào đầu các em học sinh những suy nghĩ không lành mạnh, đặc biệt là từ mạng xã hội, những thông tin không chính thống, những trang web đen, những văn hóa phẩm đồi trụy dễ xâm nhập vào môi trường học đường. Mà ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý có những biến đổi khác thường, khiêu khích sự tò mò, dẫn tới những nhận thức lệch lạc và sai trái, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường của tâm lý tuổi vị thành niên.
Việc biết sử dụng điện thoại thông minh có hai mặt của nó. Bên cạnh mặt tích cực là giúp cho trẻ phát huy trí não tốt, tiếp cận được với công nghệ hiện đại mới thì mặt hại lại nhiều hơn gấp nhiều lần. Việc trẻ nhỏ nghiện sử dụng điện thoại thông minh về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, đặc biệt là đôi mắt và não bộ. Tiếp xúc quá lâu với màn hình điện thoại sẽ khiến cho mắt của bé bị mỏi và tổn thương. Sóng điện thoại có những tác động tiêu cực tới não bộ cũng như bộ phận sinh dục của bé. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà nghiện điện thoại thông minh còn có tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Chúng dành phần nhiều thời gian của mình để tiếp xúc với điện thoại nên gần như mất liên kết với thế giới thực tế bên ngoài và bố mẹ. Nhiều trẻ trở nên trầm cảm, khó gần. Nhiều trẻ lại mắc phải chứng tăng động, dễ cáu gắt và khó nghe lời hơn rất nhiều. Sự phát triển của trẻ không được toàn diện. Có rất nhiều trường hợp bố mẹ thấy tính cách con thay đổi mang đến bác sĩ thì đã quá trễ bởi trẻ rơi vào chứng trầm cảm quá lâu.
Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Hiện nay, nhà trường cũng đưa ra một số biện pháp răn đe như cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Tuy nhiên thực tế đây là việc vô cùng khó khăn. Thay vì cấm đoán nhà trường thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lí nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực đồi trụy…. Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.
Với bản thân học sinh chúng ta, cần có ý thức tự giác trong học tập, phân biệt rạch ròi giữa việc chơi và việc học. Sử dụng điện thoại với mục đích đúng đắn, dùng để tra cứu thông tin phục vụ học tập, liên lạc với người thân bạn bè, giải trí lành mạnh. Luôn cố gắng rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, không lãng phí quá nhiều thời gian của bản thân vào những trò vô bổ trên điện thoại, mà nên chăm giao tiếp, tiếp xúc với thầy cô bạn bè, quan tâm đến gia đình cha mẹ, dành thời gian đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn.
Hãy nhớ rằng, điện thoại di động chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống thêm tốt đẹp, chúng ta đừng biến nó thành thứ phá hủy cuộc sống của chính mình. Hãy sử dụng điện thoại thông minh một cách thật thông minh và thông thái, chúng ta hãy điều khiển điện thoại chứ đừng để điện thoại điều khiển mình. Tương lai của chúng ta có tươi sáng và rực rỡ hay không chính là nhờ vào nhận thức đúng đắn của chúng ta ngày hôm nay.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế đi lên, nhu cầu giao tiếp liên lạc bằng điện thoại di động ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến hơn cả, bởi sự tiện dụng và hữu ích của chúng. Tuy nhiên, khi quá lạm dụng điện thoại thông minh thì sẽ để lại nhiều hậu quả.
Các bậc phụ huynh, phần vì muốn liên lạc với con cái được thuận tiện, phần vì muốn quản lý con cái nên cũng mạnh dạn đầu tư cho con em của mình một chiếc điện thoại nhỏ xinh. Nhưng việc các em học sinh còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức về việc sử dụng điện thoại sao cho hợp lý, dẫn tới tình trạng lạm dụng điện thoại di động, khiến chúng trở nên có hại đối với sự phát triển tâm lý và thể chất của các em.
Trong lúc thầy cô đang say sưa giảng bài thì bỗng dưng tiếng chuông điện thoại vang lên: reng reng … Như một phản xạ tự nhiên thầy cô sẽ ngưng giảng, nhìn về phía phát ra âm thanh. Rõ ràng điều này đã làm gián đoạn mạch cảm xúc, tư duy của thầy cô giáo, làm bài giảng phải dừng lại và làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp đang chăm chú theo dõi bài học. Kết luận thứ nhất: Việc sử dụng điện thoại trong giờ học làm gián đoạn sự học của mọi người và làm đứt mạch giảng bài của thầy cô giáo. Khi bạn đang theo dõi bài học, thì giật mình vì điện thoại reo lên: reng reng … Bạn sẽ phải bắt máy, rồi xin phép thầy cô ra ngoài. Điều này vô tình làm bạn không theo kịp nhịp bài học, bởi sau khi bạn quay vào lớp thì thầy cô đã giảng sang phần khác rồi.
Nhiều bạn để điện thoại ở chế độ rung hoặc chế độ im lặng trong tiết học, nhưng một lúc lại mở lên xem có tin nhắn, cuộc gọi. Điều này vô tình làm bạn mất tập trung, tâm trí phân hai nên việc theo dõi bài giảng của thầy cô không thông suốt. Do đó việc tiếp thu bài của bạn bị hạn chế, nhiều lúc ngơ ngác không hiểu thầy cô đang nói gì.
Vậy thực tế các em dùng điện thoại chỉ với mục đích giải trí là chính. Có nhiều em trong lớp học không chú ý nghe giảng mà chỉ tập trung nghe nhạc hoặc nhắn tin cho bạn hết cả tiết. Điều này dẫn đến sự mất tập trung trong giờ học và lượng kiến thức đạt được. Người viết bài này đã không ít lần khi đang say sưa giảng bài trên lớp, chợt một điệu nhạc chuông vang lên khiến cả lớp mất tập trung, cô giáo lại phải dừng lại nhắc nhở dẫn đến cắt ngang mạch cảm xúc, làm giảm hiệu quả của tiết dạy. Đó là chưa kể cá biệt có em còn xem phim trong lớp học. Mà không phải chỉ xem một mình: các em cùng bàn túm năm tụm ba xem, không để ý đến lời cô giáo giảng. Thậm chí xem những phim có nội dung thiếu lành mạnh, đồi trụy ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi mới lớn.Gần đây, nhiều em còn có “trò đùa” ác ý bằng cách chụp những bức ảnh ở tư thế hớ hênh khó coi của bạn rồi phát tán lên mạng xã hội. Có những em còn tổ chức “đánh hội đồng” bạn mình rồi quay clip tung lên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể diện của bạn… dẫn đến hậu quả khôn lường: có bạn vì xấu hổ mà phải bỏ học, hoặc có ý định tự tử sau khi ảnh và clip đã được phát tán khắp nơi trên mạng xã hội. Nhiều em buổi tối ngồi học nhưng 3/4 thời gian tập trung để lướt trên điện thoại di động, nhiều em còn thẳng thắn thừa nhận rằng: không có điện thoại để lướt thì không thể tập trung học hành.
Có bạn học sinh đòi bố mẹ mua điện thoại bằng được chỉ để có đồ chụp hình đẹp, check in ở mọi nơi. Và quả thật là dù đi đến bất cứ nơi đâu, các bạn cũng lôi điện thoại ra để “sống ảo”. Đôi khi thế giới mạng đã lôi kéo các bạn vào một trang khác trong cuộc sống, đắm chìm vào nó. Trong các cuộc hẹn, các buổi nói chuyện, mỗi người đều cúi xuống cái điện thoại di động của mình, cắm mặt vào nó và không quan tâm, để ý gì đến xung quanh. Đặc biệt, các bạn trẻ lại thường sử dụng những ứng dụng để tìm kiếm bạn bè trên mạng. Nhiều bạn học sinh không làm chủ được mình, không có những nhận thức đúng đắn về thế giới ảo đã bị lôi léo, lừa lọc vào những hành vi sai trái như bị lừa tiền, bị cướp bóc. Quen nhau qua mạng cũng khiến cho các bạn không hiểu rõ về con người thật của nhau, dễ bị lừa lọc, bị dụ dỗ, xâm hại khi gặp gỡ ngoài đời thực.
Chính vì sự lạm dụng điện thoại di động đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Khả năng giao tiếp trực tiếp lại suy giảm. Vốn ngôn ngữ cũng dần mai một vì quen với ngôn ngữ thường dùng trên mạng. Thay vì gặp gỡ, chuyện trò cùng mọi người, thay vì hoạt động chân tay, thể lực giờ đây các bạn lại ngồi với chiếc điện thoại. Chính điều này đã khiến con người ngày càng xa cách nhau hơn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, tâm lý cũng trở nên tiêu cực.
Chính vì vậy cần có những biện pháp để giải quyết vấn đề này. Nhà trường cần đưa ra một số biện pháp răn đe như cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Tuy nhiên thực tế đây là việc vô cùng khó khăn. Thay vì cấm đoán thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lý nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực đồi trụy... Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.
Điện thoại di động là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà nó còn có khả năng kết nối người với người. Thế nhưng làm cách nào để nó không sai mục đích và ảnh hưởng đến thế hệ trẻ là điều vô cùng nan giải. Vì vậy nhà trường cùng các bậc phụ huynh phải có biện pháp cứng rắn ngăn chặn hành vi sử dụng điện thoại quá sớm ở học sinh. Bởi có như thế mới có thể giúp các em thực hiện tốt vai trò và sự phát triển tự nhiên của mình.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----