1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Dẫn dắt giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Trong mỗi người chúng ta luôn có mong muốn phát triển bản thân, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng quá trình ấy không bao giờ dễ dàng cho bất cứ ai. Làm thế nào để thành một công dân mẫu mực. Bác Hồ của chúng ta thì dạy rằng:" Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó".
b. Thân bài:
- Giải thích:
+ Đức là hành xử của con người với con người thể hiện sự lịch sự, tôn trọng lễ phép. Biểu hiện: trên kính dưới nhường, tốt bụng, thật thà, khiêm tốn dũng cảm...
+ Tài là năng lực của con người về các hoạt động trong công việc và trong đời sống. Biểu hiện: năng lực học, trình độ ngoại ngữ tin học, năng khiếu về âm nhạc hội họa, sáng tạo ra các thiết bị...
+ Nội dung: Công nói bàn luận mối quan hệ giữa tài và đức.
- Bàn luận:
+ Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến.
+ Lý giải vế một: Có tài mà không có đức là người vô dụng.
+ Người có tài mà không có đức sẽ không được trọng dụng, yêu quý.
+ Một bạn học sinh học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn bè tiến bộ là người ích kỉ. Một người có tài nhưng muốn nghĩ trò hãm hại người khác để lấy phần lợi về mình sẽ không được mọi người tin tưởng. Một người giàu có nhưng nghèo khó về tình người sẽ không được hạnh phúc, bị mọi người xa lánh. Một công dân có hiểu biết có tài năng thiên bẩm nhưng không góp phần làm đất nước giàu đẹp là một người thiếu trách nhiệm. Ích kỉ, không được tin tưởng, bị xa lánh, thiếu tinh thần trách nhiệm, vậy có tài cũng trở nên vô ích. Tài năng không đi đôi với đạo đức thì cũng "cháy rụi" theo thời gian.
+ Người có tài không có đức ắt sẽ gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ bản thân mà còn đến cộng đồng
+ Những người con giỏi giang nhưng lại bội bạc với cha mẹ đã để lại trong lòng những nỗi đau, đó là sự suy đồi về mặt đạo đức, đáng tiếc ta lại không khó trong cuộc sống này. Người dân bao phen dậy sóng trước sự vô tâm của doanh nghiệp khi họ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nguồn nước bị ô nhiễm sinh vật khó sống, những làng ung thư xuất hiện nhiều vô kể. Họ đang tự đầu độc con cháu họ, đất nước họ. Những cuộc chiến tranh của những vũ khí tối tân của những kẻ độc tài máu lạnh đã bao lần đưa trái đất đến bên bờ diệt chủng.
+ Có đức mà không có tài con người gặp nhiều khó khăn trong giải quyết mọi việc
+ Vẫn biết đạo đức là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất " Tiên học lễ, hậu học văn". Tuy nhiên nếu chỉ có đức không mọi thứ sẽ trở nên khó khăn
+ Một đứa con làm tròn chữ hiếu không thể chỉ có lễ phép với bố mẹ mà không biết làm việc mà ăn bám. Các nhà tuyển dụng không thể tuyển một nhân viên có đức hạnh nhưng tay chân không thạo việc, lúng túng, ngơ ngác. Bản chất của cuộc sống là lao động.
- Mở rộng: Phê phán những người có tài mà không có đức, có đức mà không có tài.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề. Rút ra bài học.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Viết bài văn nghị luận về câu nói Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Đầu thế kỉ XX, khi vừa làm xong nhiệm vụ giành độc lập, tự do, dân tộc ta lại phải đối đầu với giặc đói, giặc dốt, trước tình hình ấy, Bác đã dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Câu nói ngắn gọn này thật có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta thử tìm hiểu kĩ hơn sẽ rút ra được bài học bổ ích cho mình.
Lời nói của Bác thì luôn luôn giản dị, nhưng ý tưởng của Bác lại vô cùng sâu sắc, không thể nghe qua mà hiểu ngay được. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần một rồi sẽ tìm hiểu căn cứ sâu xa của lời khuyên này.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về câu nói: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.
Trong câu nói ấy, Người đề cao chữ đức của con người. Đức là đạo đức, là phẩm chất, là nhân cách làm người. Những người mang chữ đức ấy thường sống một cuộc đời trong sáng, cao đẹp và cao thượng. Họ luôn ẩn chứa một lòng vị tha vô hạn, luôn đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân. Không bao giờ những người ấy làm chuyện trái với lương tâm của mình. Đức của con người còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, như trung thực, nhân nghĩa, cao thượng,... Một cuộc sống có chữ đức là cuộc sống luôn yên bình và tươi đẹp. Vậy chữ đức có thật sự quan trọng?
Đúng vậy, nhưng khi chỉ có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Những người mang nhân tính tốt đẹp luôn muốn giúp đỡ mọi người với hết khả năng của mình. Họ muốn cống hiến cuộc đời mình cho xã hội. Nhưng khi họ không có khả năng, sự cống hiến ấy lại trở nên sai lầm. Họ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn vì không biết cách để giúp đỡ. Hoặc có những chuyện, họ dốc sức để làm, nhưng lại trở thành “Dã tràng xe cát biển đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” Luôn muốn cố gắng nhưng vì tài năng có hạn nên lại không giúp ích được gì cho cộng đồng. Vậy chẳng phải tấm lòng có tốt mấy cũng chẳng thể thành công?
Ta cần cố công rèn luyện tài và đức, trong đó đạo đức quan trọng hơn tài năng. Tài năng không có thì còn có thể học tập rèn luyện nhưng không có đức thì sẽ trở thành những kẻ phá hoại nhân dần, phá hoại đất nước. Có những học sinh ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, nhưng học không giỏi, nhờ kiên trì, nhẫn nại mà họ trở thành những con người giúp ích cho xã hội sau này. Có những cán bộ có đức độ tự nhận thấy mình chưa đủ sức để điều hành những cỗ máy công việc phức tạp nên tự rút lui, nhường cho những người xứng đáng hơn. Những con người ấy thật đáng khen! Để có được những kiến thức vững vàng thì ngay bây giờ, học sinh cần phải chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức bản thân.
Nghĩ về lời dạy của bác Hồ, ta cảm nhận được trọn vẹn cái tình của người. Người thật sự là một tấm gương sáng muôn đời cho thế hệ mai sau học tập và tự hào. Nhìn lại cuộc đời vĩ đại của bác, em không thể không cảm thấy xấu hổ khi đôi lúc mình cũng đã gần gục ngã trước những khó khăn trên đường học vấn, rèn luyện tài năng, em cũng không khỏi cảm thấy hổ thẹn khi xung quanh em còn có rất nhiều bạn học sinh chỉ chú trọng đến học tập mà lãng quên những bài học đạo đức, những bà tiên cô tấm nhân hậu, hiền lành, thiện thắng ác, những câu thưa gửi với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo. Dù bác đã mãi mãi đi xa, mãi mãi ta không còn nhìn thấy nụ cười, nghe giọng nói của bác nhưng lời dạy chân tình, thắm thiết của bác vẫn đọng lại trong tâm hồn của mỗi người. Dường như ta vẫn nghe lời bác văng vẳng đâu đây như động viên nhắc nhở chúng ta rèn luyện, vực chúng ta dậy sau mỗi lần vấp ngã. Càng thấy được muôn vàn tình thương yêu mà bác để lại, em càng thấy rằng mình cần nỗ lực hơn trong học tập cũng như trong rèn luyện đạo đức để xứng đáng là một người con của thành phố mang tên bác.
Thế nhưng, chính Người cũng lại nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Tài ở đây lại trở thành tài năng, trí tuệ, trí thông minh của con người. Họ có năng lực làm được những việc mà người đời ít khi làm được. Chúng ta có thể nhắc đến Newton, Anhxtanh là những người có tài trên thế giới này. Tài năng giúp cho họ phán đoán được sự việc, giải quyết mọi chuyện một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó là điều mà xã hội chúng ta đang rất cần, chúng ta cần những người trẻ trung, năng động và có tài năng thực sự. Đó là nguồn lực để phát triển đất nước và xã hội.
Có tài nhưng lại thiếu đi đạo đức sẽ thế nào? Chính là trở thành một người “vô dụng”. Những người có tài ấy, khi họ thông minh nhưng lại thiếu đi chữ nhân dẫn dắt, họ làm mọi chuyện có lợi cho bản thân mà quên đi bổn phận với cộng đồng. Họ sẵn sàng dùng tài năng để cướp đi thành công trên tay người khác, hoặc hãm hại người khác. Một xã hội với những con người thiếu chữ nhân như vậy, liệu có thể phát triển được không? Như vậy, đó chẳng phải là một tài năng vô dụng hay sao? Như những tên bán nước, phản quốc khi xưa, họ cũng là những người có tài, nhưng lại để cho tài năng bị cái xấu, cái ác dẫn dụ và đi vào con đường sai trái, thật đáng thất vọng!
Tài và đức kết hợp nơi một con người thì con người ấy thật hữu ích cho đất nước. Hiểu được tầm quan trọng của tài và đức, em tự nhủ phải cố gắng rèn luyện cả tài và đức để sau này trở thành người có ích cho xã hội, đáp ứng ước mong của cha mẹ và thầy cô, đặc biệt là khỏi phụ tình thương yêu của Bác thể hiện qua lời răn dạy của Người.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ lớn lao mà đất nước và thời đại đặt ra cho mỗi thanh niên ta là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bồi dưỡng tài năng để có thể gánh vác nhiệm vụ vẻ vang mà Tổ quốc và lịch sử giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống, trong một cuộc nói chuyện với học sinh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Lời nói của Bác đặt ra cho thanh niên, học sinh chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết: Phải tu dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài. Chúng ta nên hiểu lời dạy của Bác thế nào cho đúng?
Lời dạy của Bác đã khắc sâu trong tâm hồn, -trí tuệ thế hệ trẻ, trụ lại mãi với thời gian. Cho đến bây giờ lời dạy của Bác vẫn vang vọng trong tâm hồn mọi người. Muốn hiểu rõ ý nghĩa lời dạy của Bác. Trước hết ta phải hiểu khái niệm “đức” và “tài”. Theo em, nói về tài là nói về trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực. “Tài” là khả năng hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao, giải quyết tốt mọi khó khăn xảy ra và luôn sáng tạo trong việc làm. “Đức” là đạo đức, là tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, là cần, kiệm, liêm, chính, dũng cảm khắc phục khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ và luôn luôn sống với phương châm: “Mỗi người vì mọi người”.
Từ khái niệm “tài” và “đức”, từ yêu cầu của cuộc sống. Bác đã đưa ra kết luận: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Một con người có tài mà không có đức thì con người đó không có ích cho cuộc sống. Trong thực tế cuộc sống và trong văn học, em đều thấy lời dạy của Bác hoàn toàn đúng, nó thể hiện cách đánh giá giá trị của con người. Có tài, có hiểu biết, có kinh nghiệm nhưng lại không mang sự hiểu biết đó phục vụ nhân dân. làm đẹp giàu cho đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Một người có tài mà chỉ thu vén cho lợi ích cá nhân thì người đó cũng trở thành người vô dụng mà thôi. Mặt khác, con người có tài mà làm việc xấu, trái với đạo đức, trái với lương tâm thì không những chỉ là vô ích mà còn có hại, cái tài ớ đây không đáng được trân trọng nữa. Trong cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước ta còn gặp khó khăn rất nhiều. Nó đòi hỏi phải có nhiều người có tài, có đức. Song, người có tài chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không mang sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình để tạo ra của cái cho đất nước, thì những con người đó đều là vô ích, cái tài của họ đáng bỏ đi. Thực tiễn cho thấy con người có tài năng càng cao mà không có đạo đức thì tác hại của nó thật to lớn. Một người có tài, trong khi đất nước đang gặp khó khăn, đang cần họ mà họ lại chỉ lo cho cá nhân thì họ không những đã không góp phần làm đẹp cho đất nước mà có khi còn mang lại những thiệt hại to lớn cho đất nước. Bác nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng thật không sai chút nào!
Tài và đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi vì tài năng đó không được sử dụng để phục vụ nhân dân mà chỉ để mưu cầu lợi ích cho cá nhân thì cũng trở thành vô ích. Người ta không thể sống một mình, càng không thể tách rời gia đình, bạn bè, giai cấp, dân tộc và đồng loại.
Giá trị của một con người được xem xét trên cơ sở những đóng góp hữu ích đối với cộng đồng. Người ích kỉ là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ tìm cách sao cho có lợi cho mình. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại gây ra cho gia đình và xã hội càng lớn.
Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, tức là có khát vọng hành động, cống hiến vì lợi ích của mọi người nhưng kiến thức ít ỏi và năng lực kém thì những ý định dù tốt đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp cho con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta phải làm việc rất vất vả mà chất lượng công việc lại không cao.
Bác Hồ là một tấm gương sáng về tài và đức. Với lời dạy trên, Bác muốn nói với thế hệ trẻ rằng: Con người có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống là con người được tu dưỡng, rèn luyện toàn diện cả về tài và đức. Một nhân cách toàn diện, cao đẹp là sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và phẩm chất đạo đức. Lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi hoạt động rèn luyện của thế hệ trẻ, tạo nên những chuyển biến về chất trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của chúng ta. Lời dạy đó vừa có ý nghĩa lí luận, vừa có giá trị thực tiễn nên đã vạch ra được phương hướng tu dưỡng cho mỗi người là phải rèn luyện cả tài lẫn đức để trở thành một con người toàn diện.
Tuy giờ đây Bác Hồ đã đi xa nhưng lời dạy của Bác về tài và đức vẫn vang vọng cho đến tận bây giờ và ngàn đời sau: tài, đức phải được kết hợp hài hòa để tạo nên nhân cách con người mới. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, em thấy mình phải ra sức trau dồi, rèn luyện cả đức lẫn tài để trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước, cho cuộc sống.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----