Giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

- Con người là tài sản quý giá nhất. Câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của” đã làm sáng tỏ tư tưởng trên.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Một mặt người là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, có ý nghĩa tương đương như một người. Của là của cải vật chất. Mười mặt của ý nói đến số của cải rất nhiều.

- Tác giả dân gian vừa dùng hình thức so sánh (bằng), vừa dùng hình thức đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng ít và nhiều (một - mười) để khẳng định sự quý giá gấp bội của con người so với của cải. Dị bản của câu tục ngữ này là: Một mặt người hơn mười mặt của càng khẳng định điều đó.

- Không phải nhân dân không coi trọng của cải, nhưng nhân dân đặt con người lên trên mọi thứ của cải, coi con người là thứ của cải quý báu nhất, không vàng ngọc nào sánh được.

2. Chứng minh

- Câu tục ngữ khuyên mọi người hãy yêu quý, tôn trọng và bảo vệ con người, không để của cải che lấp con người. Đây là một tư tưởng hoàn toàn đúng đắn

  • Trong lao động, sản xuất: Của cải quý giá nhưng của cải là do con người làm ra, không có con người không có của cải như “Người làm ra của, người sống đống vàng”.
  • Trong quan hệ giữa người với người: Nếu chỉ coi trọng của cải, chúng ta sẽ dễ trở thành người cô độc, không người thân, bạn bè như “Có vàng vàng chẳng hay phô/ Có con nó nói trầm trồ dễ nghe”

- Câu tục ngữ còn có thể sử dụng trong nhiều văn cảnh khác:

  • Phê phán những trường hợp coi của hơn người.
  • An ủi, động viên những trường hợp mà nhân dân cho là “Của đi thay người”.
  • Quan niệm về sinh đẻ trước đây: muốn đẻ nhiều con (Rậm người hơn rậm cỏ).

=> Câu tục ngữ đã đi vào đời sống dân gian bởi tính đúng đắn và giá trị nhân văn của nó.

III. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Con người là vô cùng quan trọng. Trong xã hội ngày nay đã có rất nhiều người hiểu được điều đó, gìn giữ trân trong sinh mạng. Nhưng bên cạnh ấy vẫn thấp thoáng đâu đó những con người quý trọng của cải vật hơn chính bản thân mình. Để nhắc nhở mọi người về điều này, người xưa đã có câu: “Một mặt người bằng mười mặt của”.

Câu hỏi đặt ra khó có thể trả lời ngay. Trước hết, tôi và bạn hãy cùng giải thích ý nghĩa của nó. “Một” là đơn vị đếm chỉ số ít. Còn “mặt người” ở đây chính là thân thể, tính mạng con người. “Mười” là đơn vị đếm chỉ số nhiều. “Mặt của” là những vật chất có giá trị. Như vậy, ta có thể hiểu “một mặt người bằng mười mặt của” muốn nói rằng tính mạng của một con người bằng rất nhiều thứ của cải vật chất có giá trị to lớn và còn có nhiều to lớn hơn thế. Ông cha ta đúc kết câu tục ngữ này nhằm khuyên nhủ cho mỗi chúng ta một bài học quý. Trong mọi trường hợp phải biết đặt sự an toàn cho tính mạng lên trên của cải vật chất đù đó là những thứ vô cùng quý báu. Đừng nên hy sinh vì tiền bạc, vật chất to lớn. Còn người là còn tất cả.

Ông cha ta đã sử dụng phép so sánh kết hợp với hình ảnh hoán dụ sinh động gần gũi với nhân dân lao động. Có lẽ chính bởi lối so sánh ví von của các bậc tiền nhân trước đây đã khiến cho những câu tục ngữ nói về giá trị của con người như được thể hiện rõ nét nhất. Chỉ với bảy từ ngữ tuy ngắn gọn nhưng đã nêu lên một ý nghĩa vô cùng to lớn. Ý nghĩa được thể hiện ở đây cũng chính là những giá trị con người là thứ vô cùng quý giá. Chính những sự vượt qua mọi vật chất thông thường, câu tục ngữ dường như cũng còn khéo léo phê phán những kẻ coi trọng vật chất mà quên đi giá trị sâu sắc vốn có của của con người.

Không thể phủ nhận rằng chính trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít người vì bị mờ mắt trước ma lực của đồng tiền mà ngay cả bản thân họ cũng như đã đánh mất đi phẩm chất quý báu của mình. Quả thật ta như thấy được rằng chính đó là điều vô cùng đáng thất vọng. Cũng không có gì là sai trái khi ta thấy được rằng chính câu tục ngữ ngắn gọi “Một mặt người bằng mười mặt của” mỗi lần vang lên đều như hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở mỗi người.

Con người có giá trị to lớn như vậy nhưng bên cạnh ấy vẫn có vô vàn những kẻ quý tiền bạc hơn sinh mạng thân thể mình. Tiêu biểu, chúng ta phải kể đến những người buôn ma túy phạm đến vòng pháp luật. Những người chỉ vì tiền mà bất chấp tất cả, họ biết rằng những việc làm đó sẽ bị pháp luật xử lý nhưng vẫn cố làm. Tiền bạc đã làm lu mờ ý chí của họ. Đứng trước hành vi này, xã hội cần phải có những biện pháp thật hữu hiệu. Nhà nước phải trừng phạt nặng kẻ đã làm hại con người. Có những cách ngăn chặn hành vi này không còn tái diễn nhưng các bạn ơi hàng loạt các giải pháp đó chỉ là một nhân tố, cốt lõi là ở ý thức mỗi người ta phải thấu hiểu sâu sắc lời dạy bảo chỉ giáo của người xưa.

Tóm lại, người xưa đúc kết câu tục ngữ đó quả đúng đắn chí lý. Đó là một chân lý đắt giá, sáng ngời. Nó sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu sống mãi trong tiềm thức mỗi người đất Việt.

2. Bài văn mẫu số 2

Con người luôn được đánh giá là một trong những điều quý giá nhất mà tạo hóa ban cho trái đất. Và để khẳng định đúng điều này thì cha ông ta trước cũng đã có câu nói rất hay về con người đó là “Một mặt người, bằng mười mặt của”. Tuy ngắn gọn nhưng nó lại bao hàm rất nhiều ý nghĩa sâu sắc cho chúng ta, từ đó chúng ta như biết thêm được vai trò cũng như trách nhiệm của bản thân với chính con người với xã hội.

Đầu tiên, câu tục ngữ có thấy xuất hiện hai số đếm đó là “một” và “mười”. Chúng ta có thể thấy “một” là đơn vị đếm chỉ số ít kết hợp với “mặt người” - có nghĩa là thân thể cũng như là tính mạng con người. Ngược lại thì “mười” lại được xem là đơn vị đếm chỉ số nhiều. Đi liền với mười lại là “mặt của” như để những vật chất có giá trị. Câu tục ngữ này nhằm khuyên nhủ cho mỗi chúng ta một bài học - con người là quý giá nhất.

Của cái rất đáng quý, nhưng con người lại càng đáng quý hơn. Chính vì vậy, câu tục ngữ khuyên mọi người hãy yêu quý, tôn trọng và bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Xã hội ngày càng phát triển, con người lại càng dễ dàng đánh mất đi giá trị của mình và bị đồng tiền chi phối. Nếu chỉ vì của cải mà đánh mất giá trị của con người. Chúng ta sẽ trở thành những người cô độc không người thân, bạn bè.

Quả vậy, trong cuộc sống, chúng ta có thể mất đi tất cả tiền bạc, của cải. Nhưng chỉ cần vẫn còn con người ở đó, không có gì là không thể lấy lại được. Trong lao động, con người chính là người đã làm ra những của cải, vật chất. Trong mối quan hệ với những người xung quanh, nếu chỉ biết coi trọng của cải, chúng ta sẽ dễ trở thành thực dụng, sống ích kỷ và không có tình cảm. Những người sống như vậy sẽ không có được tình yêu thương của những người xung quanh.

Của cải rất đáng quý, nhưng bản thân con người còn đáng quý hơn. Con người là một sinh vật hoàn hảo của vũ trụ. Con người có hình thể, bản năng và trí tuệ - đó chính là thứ vũ khí mạnh nhất. Câu tục ngữ không chỉ đề cao giá trị của con người mà còn muốn khuyên nhủ chúng ta cần biết cố gắng rèn luyện bản thân để khẳng định được giá trị của chính mình. Mỗi người sinh ra đều mang những giá trị cao quý riêng biệt. Chính vì vậy, đừng nên tự ti mà hạ thấp đi những giá trị ấy. Hãy tự tin khẳng định nó. Ngoài ra, ông cha ta cũng muốn phê phán những con người chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc. Cuộc sống của những người ấy chắc chắn sẽ chỉ chìm đắm trong những thú vui vô bổ.

Như vậy, câu tục ngữ trên đã đem đến một bài học quý giá cho mỗi chúng ta. Hãy luôn quý trọng bản thân, bởi con người chính là món quà kì diệu của tạo hóa.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?