Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

- Dẫn vào giới thiệu câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

II. Thân bài

1. Khái niệm

- Nghĩa đen: Khi gói bánh nếu chiếc lá bị rách người ta sẽ bọc thêm nhiều lớp lá khác bên ngoài.

- Nghĩa bóng: “Lá lành” là những con người có cuộc sống tốt đẹp, “lá rách” là những con người có cuộc sống khốn khổ, vất vả.

=> Câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tinh thần đoàn kết, biết đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người.

2. Bàn luận 

- Trong cuộc sống còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, có cuộc sống khó khăn: Những đứa trẻ nghèo khổ không được học hành, những người già cả vất vả mưu sinh, những người phải gánh chịu thiên tai bão lũ...

- Chúng ta là những con người may mắn có cuộc đời hạnh phúc, cần có tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ những phận đời cơ cực ấy bằng những khả năng mà chúng ta có.

- Tránh đi những thái độ, dè bỉu coi khinh, xa lánh những người mang phận "lá rách", thay vào đó chúng ta phải biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia góp phần làm cho xã hội ngày một tươi sáng hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống.

- Khi giúp đỡ người khác chúng ta sẽ có được niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn, khiến cho trái tim chúng ta trở nên tươi sáng và yêu đời hơn.

- Nêu một số hành động thể hiện cho câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách".

III. Kết bài

- Nêu cảm nhận cá nhân về câu tục ngữ.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Viết bài văn giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn nổi tiếng với nhiều truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện nền văn hiến ngàn đời bền vững của nhân dân ta. Không chỉ đơn thuần thể hiện trong nền nếp sinh hoạt của người dân Việt mà các truyền thống, tinh hoa tốt đẹp còn được đúc kết trong các câu tục ngữ, thành ngữ, trong các tác phẩm văn học dân gian như một món ăn tinh thần, với ý nghĩa lưu giữ và răn dạy các thế hệ đi sau phải biết kế thừa và phát huy. Một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc ta phải kể đến truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, được thể hiện rất rõ trong câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách".

Nói về hình tượng "Lá lành đùm lá rách" có lẽ xuất phát từ câu chuyện gói bánh của dân tộc ta, khi người ta gói bánh chưng thường bằng bốn lớp lá, lớp này chồng lớp khác, có đôi khi trong một phút sơ sẩy người gói bánh vô tình làm rách lá, thì họ sẽ lót tấm lá ấy ở trong cùng rồi mới bọc các lớp lá lành khác ở bên ngoài. Sở dĩ làm vậy là để chiếc bánh có hình thù đẹp đẽ, đồng thời khi luộc bánh không bị vỡ, nứt. Khi áp dụng vào đời sống, thì dễ mường tượng rằng “là lành” tức là những con người có cuộc sống ấm êm, hoàn chỉnh, có của cải, cơm no áo ấm, Còn trái lại “lá rách” là tượng trưng cho những kiếp người tạm bợ, nghèo khó, thiếu thốn điều kiện vật chất, tinh thần, đôi lúc là ở trạng thái, rách nát tàn tạ, vô cùng khó khăn, khốn khổ. Như vậy tổng thể kết hợp giữa hai lớp nghĩa trên ta có thể hiểu rằng câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tinh thần đoàn kết, biết đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người, đồng thời cũng là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.

Tất cả đều nói lên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để phát huy truyền thống đó rất nhiều chương trình được tổ chức với ước muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Lục Lạc Vàng” đã tặng trâu cho những gia đình hộ nghèo, tuy là hành động nhỏ nhưng cũng phần nào sẻ chia phần nào về nỗi lo cơm áo. Các chương trình tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung để chia sẻ những mất mát mà bà con phải gánh chịu, đặc biệt các chương trình hỗ trợ học bổng cho các bạn nhỏ không có cơ hội đến trường như bao bạn cùng trang lứa, đó cũng là trao cho các em cơ hội đến trường, cơ hội để bước đến những thành công. “Của ít mà lòng nhiều” đó là tất cả để nói về những người biết nhường cơm sẻ áo, biết lấy cái có của mình để san sẻ cho những người cần nó. Với những người có tấm lòng như vậy là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp, là cơ sở tạo dựng nên sức mạnh đoàn kết dân tộc đẩy lùi được bao cuộc tấn công xâm lược của kẻ thù.

Tuy nhiên cũng có những người vì lợi ích của bản thân mới giúp đỡ người khác hoặc thậm chí còn có những kẻ lợi dụng sự thương cảm của người khác để kiếm lợi cho bản thân mình, luôn ỷ lại, không chịu vươn lên trước những khó khăn.

Những câu truyện cổ tích ngày xưa mẹ thường hay kể đã rất nhiều lần đề cập đến câu nói này. Chắc hẳn không ai có thể quên những hình ảnh bà tiên giả làm người đi đường nghèo khổ để thử lòng con người và cái kết là người đã giúp đỡ bà sẽ được hạnh phúc trong cuộc sống. Một cốt truyện quen thuộc nhưng ở trong đó là cả một triết lý sâu xa. Đó là cho đi sẽ được nhận về xứng đáng. Có cho thì mới có nhận. Hãy biết yêu thương con người, đồng cảm với mọi người. Bởi lẽ có như vậy thì tâm hồn bạn mới được thanh thản.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã được hình thành và truyền đi truyền lại biết bao đời nay. Nhưng nó vẫn chưa từng mất đi giá trị cũng như ý nghĩa của nó. Câu nói giáo dục con người biết cách san sẻ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay, với nhịp độ phát triển kinh tế, dường như họ đã quên mất câu nói này. Bên cạnh những tấm gương, những hành động cũng như nghĩa cử đẹp thì lại là những mảng tối trong cách cư xử của con người. Một số bộ phận người trong xã hội bị chai lì cảm xúc và trở nên vô cảm. Thấy những người rơi vào hoàn cảnh éo le thì họ lại cười chê khinh miệt. Không những thế còn có thái độ không tốt với người giúp đỡ họ. Những người như vậy thực sự rất đáng phê phán.

Suy rộng hơn nữa, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" không chỉ là lời khuyên "hãy giúp người" mà thực ra, giúp người chính là giúp mình. Khi ta đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác cũng chính là lúc lòng ta dâng lên một niềm hạnh phúc như câu danh ngôn nổi tiếng: "Niềm hạnh phúc của một người là đem lại niềm vui cho nhiều người". Thật vậy, qua những lần bão lụt ở miền Trung hoặc lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để cứu trợ đồng bào gặp nạn. Họ xem đó là niềm vui vì được chia sẻ nỗi đau cùng đồng bào. Tinh thần tự nguyện ấy thật đáng quý.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" giản dị mà sâu xa, đơn sơ mà có giá trị lâu bền. Đó là một trong những nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, chứa đựng tinh thần nhân ái, nhân bản cao cả. Em sẽ luôn luôn ghi nhớ câu tục ngữ này và thực hiện thật tốt trong mọi hoàn cảnh.

2. Bài văn mẫu số 2

Những ngày lễ Tết, hội hè ở nước ta, bao nhiêu phụ nữ khéo tay đã gói ghém, làm ra những chiếc bánh ngon, đẹp. Trong vườn, bên ao, họ truyền cho nhau một kinh nghiệm giản dị: “Lá lành đùm lá rách”. Câu tục ngữ ngắn gọn mà đầy ý nghĩa.

Trước hết, đây là một câu nói rất gợi hình. Lá lành là những chiếc lá còn tươi tốt, nguyên vẹn, chưa bị gió lay hay giập rách. Ngược lại, lá rách là những chiếc lá tả tơi vì gió hoặc các vật cứng va chạm vào. “Lá lành đùm lá rách” gợi ta liên tưởng đến hành động gói bánh. Nhân dân ta thường đặt lá rách, lá nhỏ vào giữa, trong cùng. Còn bên ngoài chiếc bánh là những chiếc lá tươi xanh, nguyên vẹn.

Nhưng câu "Lá lành đùm lá rách" còn gợi ý nghĩa sâu xa hơn. “Lá lành” tượng trưng cho hình ảnh những người có cuộc sống yên lành: có tiền của, no ấm hoặc mạnh khỏe. Ngược lại, “lá rách” ví với những người nghèo khổ, đói rét, đau ốm hoặc hoạn nạn. Như vậy, cả câu "Lá lành đùm lá rách" là một lời khuyên nhủ của người xưa với chúng ta: Những người may mắn, mạnh khỏe, no ấm hãy biết cưu mang, giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn, thiếu thốn...

Con người ngay từ khi sinh ra cũng đâu muốn mình trở thành kẻ yếu thế. Nhưng những nhân tố khách quan đã đẩy họ đến bước đường đó. Có thể là họ đã gặp rất nhiều những sóng gió trước đây và không còn đủ sức để chống chọi thêm được nữa. Có thể là ngay từ đầu cuộc sống của họ đã khó khăn nhưng ngày càng khó khăn thêm mà không có lối thoát. Câu nói "lá lành đùm lá rách" được lấy từ hình ảnh những chiếc lá cứ đan xen vào nhau, không tách rời. Cứ tầng tầng lớp lớp lá đan vào nhau che phủ cả một khoảng nắng trên sân. Ít ai có thể thấy được những chiếc lá rách. Từ "đùm" có nghĩa là đùm bọc, chở che và bảo vệ. Câu nói muốn khuyên nhủ con người hãy biết cảm thông, giúp đỡ khi có thể với những người có hoàn cảnh éo le hơn mình. Bởi cuộc sống là cho đi đâu chỉ nhận về.

Con người sống với nhau là để yêu thương. Hơn ai hết, những người bất hạnh cũng muốn mình có một tương lai tốt đẹp. Không ai muốn mình cứ đắm chìm mãi trong bất hạnh, mệt mỏi, chán trường. Nên nếu có thể hay dang rộng vòng tay giúp đỡ họ. Dù chỉ nhỏ thôi như một lời động viên an ủi cũng có thể làm họ cảm thấy vững tin, hy vọng vào tương lai tươi sáng. Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều hoạt động được thực hiện trên tinh thần đó. Nhỏ nhất có thể nói đến như hoạt động phát cơm tại các bệnh viện của đội sinh viên tình nguyện. Lớn hơn có thể nói đến những mạnh thường quân chung sức ủng hộ cho những mảnh đời cơ cực, bị bệnh cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Trong khuôn khổ nhà trường có thể kể đến các hoạt động nhỏ như mua tăm ủng hộ, quyên góp áo ấm…

Nhưng dù lớp nghĩa đen này có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc, che chở những con người khó khăn hơn và cả những chiếc lá rách nát, xấu xí để cuộc sống sẽ như một cái cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Những ý nghĩ sâu sắc ấy đã dạy cho chúng tôi một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này. Qua đó mỗi người cũng đã tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn. Nói đúng ra là phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. Có vậy, mối quan hệ giữa con người trong xã hội mới đúng nghĩa “đồng bào” mà cha ông xưa đã răn dạy.

Những câu tục ngữ luôn như vậy, ngắn gọn mà chứa đựng một bài học sâu sắc. Hy vọng rồi đây, vốn kiến thức của em sẽ ngày một dày hơn lên, biết thêm nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay như vậy. Chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình để nghe lời và thực hiện tốt những gì đã được đúc kết từ mỗi lời dạy đó.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?