Giải thích câu tục ngữ Tấc đất, tấc vàng

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

- Người xưa đúc kết kinh nghiệm và gửi gắm vào những câu tục ngữ.

- Bàn về giá trị của đất đai, tục ngữ Việt Nam có câu: “Tấc đất tấc vàng”.

2. Thân bài

- Giải thích: tấc đất, tấc vàng là gì?

=> Câu tục ngữ nêu bật giá trị vô cùng quý báu của đất đai.

- Vì sao tấc đất quý như tấc vàng? (đất đai dùng để trồng trọt, sinh sống, xây nhà dựng cửa, nơi thân thương của mỗi con người…)

- Phải làm gì để phát huy giá trị của đất đai? (bảo vệ, sử dụng hợp lí…)

3. Kết bài

- Bài học cho thế hệ trẻ: quý trọng đất đai, chăm chỉ lao động khai thác tiềm năng.

- Bảo vệ môi trường đất…

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ Tấc đất, tấc vàng

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Dân tộc ta vốn có nghề trồng lúa nước lâu đời. Nghề nông là nghề căn bản của hàng triệu con người Việt Nam. Đồng ruộng, đất đai, vườn tược… gắn liền cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà. Để con cháu hiểu được giá trị của đất đai, ông cha đã để lại câu tục ngữ: “Tấc đất, tấc vàng”.

“Tấc” là đơn vị đo lường, theo cách nói, cách tính toán, đo đạc của nhân dân ta ngày xưa. Từ “tấc đất” khái niệm về diện tích chuyển sang cách nói tấc vàng. Một diện tích hạn hẹp, so sánh với một khối lượng và giá trị “tấc vàng”. Nhân dân ta đã lấy “tấc đất” so sánh với “tấc vàng”, lấy cái bình thường để so sánh với cái quý hiếm, nhằm khẳng định một chân lí: đất quý như vàng, đất đai trồng trọt có giá trị đặc biệt. Câu tục ngữ còn mang một hàm nghĩa, khuyên mọi người phải biết quý trọng và bảo vệ đất đai ruộng đồng để sản xuất.

Câu tục ngữ “tấc đất, tấc vàng” hoàn toàn đúng; ngày xưa, đúng; ngày nay vẫn đúng. Đất rất quý có thể dùng đất để làm nhà, ruộng đồng, nương rẫy để trồng trọt, gieo cấy cây trái, lúa, hoa màu… Từ cái ăn cái mặc đến hoa thơm quả ngọt bốn mùa đều do đất mà có. Đất để phát triển nghề nông. Đất cho ta bãi lúa nương dâu xanh biếc.

“Đất đai” trước hết là nơi giúp con người có cái nền để xây nhà, dựng cửa, nơi sinh sống, sinh hoạt, chăn nuôi. Đất rất quý giá nhưng nó sẽ trở nên quý gia hơn khi có bàn tay lao động của con người tác động, lao động chăm chỉ, lao động tích cực trên ruộng đất, có như vậy đất mới thực sự có giá trị đầy đủ khi được ví như tấc vàng.

Nước ta được biết đến là một nước đi lên từ nền kinh tế với nền nông nghiệp thuần túy. Đất đai là tài sản vô cùng đáng quý với quốc gia ta, nông nghiệp là ngành sản xuất hàng hóa chủ đạo có những đóng góp quan trọng trong thị phần nền kinh tế thị trường nhưng kéo theo đó là hệ lụy của sự phát triển đã gây ảnh hưởng tiêu cực lại với nền nông nghiệp, với nhân dân. Khi trong đất đai của rừng, rừng đầu nguồn bị chặt phá bừa bãi khiến đất bị xói mòn, bạc màu dẫn đến khó canh tác. Dân số tăng chóng mặt, đất bị chiếm dụng làm nhà cửa, công trình nhiều khiến cho đất canh tác tính theo đầu người bị thu hẹp đi rất nhiều. Đất đai nhiều nơi còn gặp phải tình trạng ô nhiễm nặng nề do chất thải độc hại bị xả ra một cách bừa bãi, trực tiếp không qua xử lý.

Đất đai của chúng ta, tổ quốc của chúng ta, một tấc cũng không thể thiếu. Đất đai bao dung những thứ con người đốn ngã, vứt đi, đất đai rộng lượng cho chúng ta cây cối quý báu, khoáng sản trăm triệu năm, đất đai là nguồn cơm cháo nuôi chúng ta trưởng thành. Đất mẹ thiên nhiên chưa bao giờ phụ bạc chúng ta, nên chúng ta cũng phải biết ơn những điều đó mà chăm sóc, giữ gìn và trân quý đất. Chỉ cần có đất đai, chúng ta sẽ có lãnh thổ, có văn hóa, bản sắc, truyền thống lâu đời được giữ gìn, là giang sơn gấm vóc mà bao đời nay cha ông vẫn luôn hướng đến.

Câu tục ngữ “tấc đất tấc vàng” là lời dạy sâu sắc, ý nghĩa nhất cho muôn đời sau. Có đất đai, có cuộc sống, có lãnh thổ, có con người. Hãy bảo vệ lấy những giá trị đất đai đem lại cho chúng ta và bảo vệ lấy từng tấc đất cha ông ta đã khai khẩn, hy sinh để giữ gìn.

2. Bài văn mẫu số 2

Đất nước Việt Nam chúng ta từ lâu nay đều có truyền thống làm nghề nông nghiệp phát triển cây lúa nước đã trở thành một truyền thống lâu đời của người dân nước ta. Một nghề truyền thống phát triển từ đời này sang đời khác. Tất cả những nông sản, tài sản của chúng ta đều được hình thành trên đất mà ra. Câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” nói lên vai trò của đất đai trong cuộc sống của con người.

Chắc hẳn, mỗi người đều tự hỏi “Tấc đất tấc vàng” có ý nghĩa như thế nào. Ngày xưa, ông bà ta thường dùng đơn vị chính là “tấc” để đo đơn vị trọng lượng cũng như đo diện tích. “Tấc đất, tấc vàng” đã so sánh đất đai quý giá như vàng bạc. “Vàng” vốn là một loại kim loại quý từ xưa tới nay. Theo thời gian, đồng tiền có thể mất giá nhưng vàng thì không. Khi so sánh “đất” với “vàng”, người xưa muốn nhấn mạnh tới con cháu phải biết trân trọng đất đai. Bởi có đất đai chính là có vàng bạc, có của cải để phát triển kinh tế đưa đất nước chúng ta ngày càng giàu mạnh, tiên tiến sánh ngang với những nước phát triển trên thế giới. Như vậy, câu tục ngữ chính là lời khuyên vô cùng chí lý để con người ta biết trân trọng đất đai, không để đất đai bị bỏ hoang bỏ phí, những vùng đất đai bỏ hoang cần phải khai hoang để phục vụ sản xuất tạo ra nhiều của cải nông sản cho con người chúng ta.

Mở đầu câu tục ngữ, tác giả dân gian đưa vào hình ảnh “tấc đất”. Đây là cách nói rất hay, bởi “tấc” là đơn vị đo lường của người bình dân trong thời cổ xưa. Hiện nay, “tấc” được quy đổi ra khoảng 1/10 mét, tức là khoảng 10 xen-ti-mét. Nói như thế để chúng ta thấy rằng tác giả dân gian muốn nhấn mạnh cái ít ỏi của "tấc đất", ít như thế mà cũng quý giá như thế, quý bằng một "tấc vàng". Còn “vàng” là kim loại quý, từ xưa đến nay, vàng được coi là thứ của quý, phản ánh sự giàu sang của một con người. "Tấc đất" nghe thì ít, nhưng "tấc vàng" thì chẳng ít chút nào. Một chiếc nhẫn vàng nhỏ bé cũng đã có giá trị rất cao, huống hồ gì cả "tấc vàng". Đến đây thì ta đã nhận ra, người dân lao động xưa đã làm một phép so sánh giữa “đất” với “vàng”, để nhấn mạnh sự quý giá của đất chẳng kém gì thứ kim loại quý hiếm kia mà con người thường ưa thích và kiếm tìm.

Như vậy, “Tấc đất tấc vàng” chính là sự khẳng định rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn của con người. Một tấc đất là chừng đó vàng. Cả một khu vườn, mảnh ruộng thì bao nhiêu "vàng" mới sánh được. Không ái có thể phủ nhận được vai trò của đất đai đối với con người. Đất đai quý, trước tiên là bởi đây là nơi canh tác, trồng trọt, đem lại lương thực, thực phẩm cho người Việt từ bao đời nay. Nước ta có những cánh đồng màu mỡ, những khu vườn xanh tươi, đó chẳng phải do đất đai mới có được hay sao. Sự đầm ấm của cuộc sống bắt nguồn từ đất đai quê nhà, từ “mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”. Vậy nên, người Việt ta từ xưa luôn yêu quý đất đai quê hương là điều tất yếu. Đất còn quý, bởi trên đó, con người xây nhà dựng cửa, sinh sống làm ăn, thực hiện những ước mơ của mình. Mảnh đất thân thuộc không phải chỉ là nơi canh tác đơn thuần, mà còn là tình cảm gia đình đằm thắm, tình làng nghĩa xóm ấm cúng quanh năm. Mỗi tấc đất là một tấc lòng gắn bó với quê hương, có lẽ "vàng" cũng chưa sánh hết được. Đất là của cải, đem đến sự giàu có, trù phú và đất cũng là niềm yêu thương, hạnh phúc mộc mạc thân thương nhất của chúng ta. Có nhiều người cũng hiểu câu tục ngữ theo nghĩa đen, bởi giá trị của đất thật sự đã quý như vàng. Nhưng cha ông ta, thực chất muốn chuyển tải ý nghĩa trong việc gắn giá trị của đất với lao động. Chỉ có lao động mới đem tới cho con người cuộc đời đầy đủ, tốt đẹp hơn. Và giá trị của đất đai chính là từ đó mà ra. 

Thời nào cũng vậy, tình yêu đất đai, vườn tược, ruộng đồng của con người Việt Nam gắn liền với tình yêu quê hương đất nước.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tấc đất, tấc vàng” đã khẳng định giá trị của đất: đất quý như vàng, đất quý hơn vàng. Nó nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng, giữ gìn, bảo vệ đất đai; không ai được phá hoại đất đai, lãng phí đất đai. Nhà nông phải chăm bón, vun xới cho vườn tược, ruộng rẫy được màu mỡ, tươi tốt.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?