Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Qua bài học giúp các em nắm được tình yêu quê hương bền chặt, sâu nặng của Hạ Tri Chương chợt nhói lên trong một tình huống ngẫu nhiên, bất ngờ được ghi lại một cách hóm hỉnh trong bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Thấy được tác dụng của nghệ thuật đối và vai trò của câu cuối trong bài thơ tuyệt cú.

Tóm tắt bài

1.1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả

  • Hạ Tri Chương (659 - 744), tự Qúy Chân, hiệu Tứ Minh cuồng khánh.
  • Người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang).
  • Ông đỗ tiến sĩ năn 695, học tập và làm quan ở kinh đô Trường An trên 50 năm.
  • Ông là bạn vong niên với Lí Bạch.
  • Hạ Tri Chương tính tình phóng khoáng, thích uống rượu, làm thơ. Là thi sĩ lớn đời Đường.
  • Tác phẩm còn để lại 20 bài, trong đó có bài "Hồi hương ngẫu thư" nổi tiếng.

b. Tác phẩm

  • Thể thơ
    • Nguyên tác: thất ngôn tứ tuyệt Đường luật .
    • Hai bản dịch thơ đều thành thể lục bát dân tộc
      • Nhịp lẻ: 4/3, câu cuối: 2/5.
      • Gieo vần: Câu 1 và câu 2. Vần "ôi".
  • Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
  • Hoàn cảnh sáng tác
    • Năm 744 , lúc 86 tuổi, Hạ Tri Chương từ quan về quê và đã sáng tác bài thơ này sau trên 50 năm làm quan ở kinh đô Trường An.
  • Nội dung
    • Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương ngậm ngùi mà sâu sắc của nhà thơ.
  • Bố cục
    • Chia làm 2 phần
      • Phần 1 (2 câu đầu): Tình cảm quê hương của tác giả
      • Phần 2 (2 câu sau): Tâm trạng của tác giả khi về quê hương
  • Nhan đề bài thơ
    • "Ngẫu nhiên viết" chứ không phải tình cảm được bộc lộ một cách ngẫu nhiên.
    • Từ "ngẫu" không làm giảm giá trị của bài thơ mà còn làm tăng ý nghĩa của bài lên gấp bội.

1.2. Đọc - hiểu văn bản

a. Tình cảm quê hương của tác giả

"Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi .
Hương âm vô cải, mấn mao tồi".

  • Nghệ thuật đối rất chỉnh
    • Thiếu tiểu (trẻ nhỏ ) >< lão đại (già, lớn).
    • Li (đi) >< hồi (về)
    • Hương âm (giọng quê) >< mấn mao (tóc mai)
    • Vô cải (không đổi) >< tồi (thay đổi)
  • Lời kể của tác giả về quãng đời xa quê, làm quan (từ lúc còn trẻ đến lúc về già)
    • Sự thay đổi của nhà thơ về: Vóc dáng, tuổi tác, mái tóc.
    • Không đổi: Giọng nói quê hương.
  • Ý nghĩa
    • Chi tiết thực.
    • Chi tiết tượng trưng
      • Làm nổi bật tình cảm gắn bó với quê hương
        • Đi suốt cuộc đời vẫn nhớ về quê hương.
        • Đã thay đổi về vóc người, tuổi tác, tóc rụng nhưng giọng nói quê nhà không thay đổi.
  • Sử dụng phương thức: Kể và tả (kể là chính)

→ Tình cảm buồn, bồi hồi, gắn bó với quê hương trước sự trôi chảy của thời gian và tuổi tác.

b. Tâm trạng của tác giả khi về quê hương

"Nhi đồng tương kiến, bất tương thức .
Tiếu vấn: Khách tòng bà xứ lai?"

  • Tình huống bất ngờ: Trẻ nhỏ tưởng nhà thơ là khách lạ.
  • Lời tường thuật khách quan, trầm tĩnh ẩn chứa giọng điệu bi hài hóm hỉnh, với câu hỏi tu từ .
  • Hình ảnh đối lập
    • Trẻ nhỏ: Tươi vui, hớn hở
    • Nhà thơ: Xót xa, sầu muộn
  • Tâm trạng của nhà thơ
    • Trước: Ngạc nhiên
    • Sau: Buồn tủi

→ Cảm giác ngỡ ngàng, thấm thía, ngậm ngùi, xót xa khi bị coi như khách lạ ngay trên mảnh đất quê hương.

  • Tổng kết

    • Nội dung

      • Từ niềm vui pha chút ngậm ngùi của người trở về cố hương sau bao năm xa cách, bài thơ cho thấy tình quê hương thầm kín mà sâu nặng của tác giả.
    • Ý nghĩa

      • Tình yêu quê hương là một trong những tình cảm lâu bền và thiêng liêng nhất của con người.
    • Nghệ thuật

      • Từ ngữ mộc mạc giản dị.
      • Sử dụng phép đối.
      • Giọng điệu vừa khách quan, hóm hỉnh, vừa ngậm ngùi.
    • Ghi nhớ SGK/128

      • Bài thơ biểu hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ.

Bài tập minh họa

 
 

Ví dụ

Đề bài: Cảm nghĩ về bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê" của Hạ Tri Chương.

Gợi ý làm bài

1. Mở bài

  • Giới thiệu đôi nét về Hạ Tri Chương và bài thơ.
    • Hạ Tri Chương làm quan thời nhà Đường, ông sống biền biệt xa quê 50 năm, tới năm 86 tuổi mới trở về quê.
    • Bài thơ này ra đời lúc ông mới đặt chân trở về quê nhà.

2. Thân bài

  • Cảm xúc, suy nghĩ về các hình ảnh và cảm xúc của tác phẩm.
    • Hoàn cảnh viết bài thơ có nét gì độc đáo, đặc biệt.
    • Sự đối lập các trạng thái trẻ – già, đi xa – trở về và sự thay đổi của tác giả (tóc mai đã rụng).
    • Điểm không thay đổi sau bao năm xa cách: giọng quê (cũng chính là cái tình đối với quê hương).
    • Cuộc gặp gỡ với lũ trẻ con trong làng.
    • Sự xót xa của tác giả khi bị lũ trẻ coi là người khách lạ.
  • Chính sự trớ trêu này lại càng làm nổi rõ tình yêu quê hương của nhà thơ.

3. Kết bài

  • Cảm xúc chung về tác phẩm.
  • Tình cảm của người viết đối với quê hương.

Bài văn mẫu

    Hạ Tri Chương (659 – 744) là một trong những thi sĩ lớn đời Đường. Ông còn là bạn vong niên của thi tiên Lí Bạch. Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê là một trong số những bài thơ hay nổi tiếng viết vể đề tài tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ ngắn gọn nhưng đã thể hiện khá rõ tình cảm tha thiết, nỗi lòng của một người con xa quê hương sau mấy chục năm mới trở về.

     Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người, điểu khiến người ta buồn nhất, khắc khoâi nhất là phải sống xa quê. Mà sẽ là buồn hơn nữa nếu lại phải xa quê mấy chục năm không được một lần trở lại. Đến cuối đời may mắn được trở vể thăm quê hương thì có lẽ sẽ chẳng còn ai nhớ đến, đứng giữa quê mình mà chẳng ai còn nhận ra, người ta cứ ngỡ khách 1ạ vô làng. Và Hạ Tri Chương đã rơi vào tình cảnh ấy. Mờ đầu bài thơ tác giả viết:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,

( Trẻ đi, già trở lại nhà)

Câu thơ nói về một hoàn cành đối lập, đó là ngày Hạ Tri Chương ra đi và ngày trở về của ông. Trong cuộc đời con người sự ra đi hay trở về sẽ chỉ là những chuyến đi bình thường nếu người ta đi vài ngày hay vài năm nhưng sẽ là vấn đề nếu thời gian ra đi kéo dài hàng mấy chục năm. Ngày ra đi, Hạ Tri Chương vẫn còn rất trẻ và cho đến ngày trở về đã thành một ông lão. Cả một quãng thời gian quá dài đủ khiến một con người tình nghĩa như nhà thơ nhớ quê đến mức độ nào. Có lẽ, chúng ta ai cũng có thể hiểu được đó là một nỗi nhớ quê da diết dẫu cho cuộc sống của ông những ngày xa quê đầy đủ và sung túc. Tình cảm gắn bó, tha thiết với quê hương được thể hiện ở câu tiếp theo:

Hương âm vô cải, mấn mao tồi.

(Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu)

Xa quê đã mấy chục năm nhưng tình cảm với quê hương trong ông vẫn vẹn nguyên. Điều đó được thể hiện ở giọng quê ông vẫn giữ được. Giữ được giọng quê đối với người xa quê mấy chục năm là một điều vô cùng quý giá. Thực tế trong cuộc sống có rất nhiều người xa quê thì họ sẽ thay đổi tất cả từ giọng nói cho đến phong cách, cử chi nhưng với Hạ Tri Chương thì điều đó không hề xảy ra. Điều này chứng tỏ ông không hề quên nơi đã sinh ra mình, cho mình một cuộc sống, nơi có biết bao kỉ niệm, có người mẹ đã nuôi ông lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào, ru ông bằng những câu hát ân tình, tha thiết… Như vậy thời gian chỉ có thể làm thay đổi dược mái tóc, được vẻ bề ngoài cùa con người chứ không thể thay đổi được những nét bên trong, nét quê ẩn chứa trong ông. Ta thấy tình cảm của ông đối với quê hương thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao nhiêu. Bởi ta biết rằng ông từng làm quan to trong triều đình, được bao người trọng vọng và ở một môi trường như thế con ngưòi rất dễ thay đổi. Thực tế không ít người quay lưng lại với quê hương mình bằng cách thay đổi giọng nói cho phù hợp với nơi đô thị. Hạ Tri Chương quả có một tâm hồn thuỷ chung, nghĩa tình với quê hương của mình.

Một con người yêu quê hương tha thiết như ông sẽ càng buồn hơn khi xa quê, nhớ quê mà chẳng được về thăm quê mà phải mấy chục năm sau mới được trở về với biết bao bồi hồi và xúc động. Tuy nhiên, về đến làng, ông phải đối diện với một nghịch lí là trước đây nơi này đã sinh ra mình thì nay ông chỉ là một người xa lạ:

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: Khách tong hà xứ lai?

(Gặp nhau mà chẳng biết nhau,

Trẻ cười, hỏi: “Khách từ đâu đến làng”)

Có điều gì đó hóm hỉnh trong câu thơ này khiến ta phải bật cười nhưng dường như đó là một cái cười chẳng trọn vẹn bởi một người con được sinh ra chính từ mảnh đất ấy nay lại được xem như một người khách lạ. cảnh cũ còn đây nhưng bạn cũ người xưa ai còn ai mất tác giả chẳng biết và dường như chẳng còn ai nhận ra mình nữa. Dường như chẳng còn ai nhận ra tác giả là chàng Hạ Tri Chương năm xưa đã sinh ra từ ngôi làng này. Họ ngỡ đâu khách lạ về thăm làng. Có cái gì đó thật nghịch lí, người của làng mà lại trở thành khách lạ. Trẻ con hồn nhiên chào hỏi: có phải là khách lạ từ phương xa đến. Đọc những câu thơ này, ta có thể lường tượng một người đàn ông với khuôn mặt vừa vui mừng, sung sướng vì được đứng trên mảnh đất thân yêu nhưng lại vừa thoảng nét buồn vì những người qua lại chẳng ai biết mình, một cảm giác thất vọng, hẫng hụt khi đứng giữa quê mình. Bao năm xa quê mong ngày trở lại thăm quê vậy mà khi đứng trên mảnh đất thân yêu của mình thì dường như tất cả không còn là của mình nữa. Song thực ra điều đó cũng là tất nhiên bởi thời gian mà Hạ Tri Chương xa quê đâu phải vài ngày, vài năm mà đã hơn nửa thế kỉ nên người trẻ không biết là lẽ thường tình. Dẫu vậy bài thơ cũng giúp ta thấy được tình cảm chân thành, thuỷ chung của tác giả, một người đã từng có danh vọng cao sang nhưng vẫn không quên được tình cảm với quê hương. Đó là một con người đáng trân trọng. Nhà thơ Tố Hữu trong  bài Nước non ngàn dặm cũng từng có câu thơ nói về tình cảm của người xa quê.

Người đi, tóc hãy còn xanh,

Mai về, dù bạc tóc anh cũng về.

      Tình cảm quê hương là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người và bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương là một bài thơ rất hay. Tất cả tấm lòng nhà thơ được gói gọn trong bốn câu thơ đầy ý nghĩa. Tác giả đã rất thành công khi sử dụng thủ pháp nghệ thuật như tiểu đối hay tính hàm súc, nói ít gợi nhiều. Bài thơ đã giúp người đọc thấu hiểu hơn tâm trạng của người khách li hương. Bài thơ khép lại nhưng vẫn để lại dư âm khó quên trong lòng người đọc.

3. Soạn bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê nói về tình yêu quê hương bền chặt, sâu nặng của Hạ Tri Chương khi ông phải làm quan ở xa nay mới được quay trở về làng quê cũ. Để cảm nhận được những tình cảm ấy, các em có thể tham khảo bài soạn văn tại đây:

Bài soạn Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê.

4. Một số bài văn mẫu về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?