Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Lí Bạch

Qua bài học giúp các em cảm nhận tình yêu thiên nhiên và bút pháp nghệ thuật độc đáo của Lí Bạch trong Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh. Bước đầu biết nhận xét về mối quan hệ giữa tình và cảnh trong thơ cổ.

Tóm tắt bài

1.1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả

  • Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Hoa.
  • Thơ ông có một vẻ đẹp kì lạ, khó quên,
  • Ông viết nhiều về trăng, coi trăng là biểu tượng của quê hương mà ông suốt đời yêu mến.

b. Tác phẩm

  • Bài thơ do Tương Như dịch, in trong thơ Đường - Tập II (1987).
  • Hoàn cảnh sáng tác
    • Tác giả xa quê, trông trăng, nhớ quê.
  • Chủ đề
    • “Vọng nguyệt trông trăng” (Trông trăng nhớ quê).
  • Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt cổ thể.
    • Nhịp: 2/3
    • Gieo vần: Tiếng cuối câu 2, 4.
  • Bố cục
    • Chia làm 2 phần
      • Phần 1 (Hai câu đầu): Cảnh đêm thanh tĩnh.
      • Phần 2 (Hai câu cuối): Cảm nghĩ của tác giả trong đêm thanh tĩnh.

1.2. Đọc - hiểu văn bản

a. Cảnh đêm thanh tĩnh

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Dịch nghĩa

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương.

  • Sử dụng 1 loạt các từ ngữ gợi tả ánh trăng rất sáng giống như sương trên mặt đất.

→ Gợi vẻ đẹp dịu êm, mơ màng, yên tĩnh.

⇒ Trằn trọc, khắc khoải không ngủ được.

b. Cảm nghĩ của tác giả trong đêm thanh tĩnh

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

  • Phép đối
    • Ngẩng (đầu)…nhìn (trăng)
    • Cúi (đầu)…nhớ (cố hương).
  • Sử dụng 1 loạt động từ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất của sự vật

→ Nỗi nhớ quê luôn thường trực.

⇒ Tình yêu và nỗi nhớ quê da diết, sâu nặng.

  • Tổng kết

    • Nội dung

      • Tình yêu quê hương sâu nặng.
      • Tình yêu thiên nhiên.
    • Nghệ thuật

      • Từ ngữ giản dị, tinh luyện, cô đọng.
      • Miêu tả kết hợp với biểu cảm.
      • Biểu cảm trực tiếp kết hợp biểu cảm gián tiếp.
      • Phép đối.
      • Câu rút gọn.
  • Ghi nhớ: SGK / 124

Bài tập minh họa

 
 

Ví dụ

Đề bài: Em hãy viết bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch.

Gợi ý làm bài

1.  Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
    • Tác giả
      • Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Hoa.
      • Thơ ông có một vẻ đẹp kì lạ, khó quên,
      • Ông viết nhiều về trăng, coi trăng là biểu tượng của quê hương mà ông suốt đời yêu mến.
    • Tác phẩm
      • Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được ông sáng tác trong thời gian sống lênh đênh nơi đất khách quê người, trong đêm trăng sáng, chạnh lòng nhớ cố hương.

2. Thân bài

  • Chủ đề bài thơ là trông trăng nhớ quê (vọng nguyệt hoài hương), thường thấy trong thơ cổ điển. Tuy vậy, cách thể hiện của Lí Bạch rất khác lạ.

a. Hai câu đầu: Khung cảnh đêm trăng sáng

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

(Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.)

  • Ánh trăng rọi sáng vào tận đầu giường như tìm đến với bạn tri âm, tri kỉ.
  • Vầng trăng tròn đầy, đẹp đẽ là đối tượng để nhà thơ vừa ngắm nhìn, thưởng thức, vừa chia sẻ tâm tình.
  • Nhà thơ đang có trạng thái mơ màng nên cảm thấy ánh trăng trắng đục như sương đang phủ tràn mặt đất.
  • Có thể nhà thơ ngắm trăng qua làn nước mắt xúc động, bồi hồi vì trăng đẹp, vì nhớ quê nên mới cảm nhận như thế.

b. Hai câu sau: Tình cảm tha thiết đối với quê hương:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.)

  • Vầng trăng tròn đầy tượng trưng cho sự đoàn tụ.
  • Ngắm trăng, Lí Bạch mừng như gặp lại cố nhân nhưng vì chua xót cho thân phận cô đơn nơi đất khách quê người của mình nên càng thương nhớ quê hương cách xa ngàn dặm.
  • Tâm trạng trĩu nặng nỗi sầu, hành động thu gọn trong hai cử chỉ: "Ngẩng đầu", "cúi đầu"… Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ thật thiết tha, sâu nặng.
  • Trong hai câu thơ đều không có chủ ngữ nhưng nhân vật trữ tình – chính là thi sĩ vẫn hiện lên rất rõ nét cả về tư thế lẫn tâm trạng.

3. Kết bài

  • Bài thơ "Tĩnh dạ tứ" truyền cho người đọc niềm xúc động chân thành và tình yêu quê hương tha thiết của thi sĩ họ Lí.
  • Nhận xét về bài thơ này, Trương Minh Phi – nhà phê bình nghiên cứu về thơ Đường đã viết: Trong loại thơ nhìn trăng mà thổ lộ tâm tình nhớ quê, bài có khuôn khổ nhỏ nhất, ngôn từ đơn giản tinh khiết nhất là "Tĩnh dạ tứ" của Lí Bạch, song bài có ma lực lớn nhất được truyền tụng rộng nhất cũng là bài "Tĩnh dạ tứ "ấy.

Bài văn mẫu

     Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Hoa. Nhắc tới ông, người đọc thường nhớ đến những vần thơ trữ tình bay bổng có vẻ đẹp lạ kì. Có thể nói, thơ Lí Bạch tràn ngập ánh trăng. Thuở nhỏ Lí Bạch thường lên núi Nga Mi để ngắm trăng cho rõ. Vì thế hình ảnh Trăng nửa vành thu trên đỉnh Nga Mi đã in sâu vào tâm khảm nhà thơ, trở thành một trong những biểu tượng của quê hương Tứ Xuyên mà nhà thơ thương nhớ suốt cuộc đời.

     Từ tuổi 25, Lí Bạch đã xa quê và xa mãi, nhưng hình bóng quê hương luôn in đậm trong tâm khảm của ông. Vì thế mà trên bước đường lữ thứ tha phương, mỗi lần ngắm trăng sáng là ông lại chạnh lòng nhớ quê và chỉ biết gửi gắm tâm sự vào những vần thơ. Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được Lí Bạch sáng tác trong một hoàn cảnh như vậy.

Nguyên văn chữ Hán:

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

Dịch thơ:

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

Chủ đề của bài thơ là trông trăng nhớ quê (vọng nguyệt hoài hương). Đây là chủ đề quen thuộc trong thơ cổ, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam, song cách thể hiện của Lí Bạch thật độc đáo.

Với những từ ngữ đơn giản mà chắt lọc, bài thơ đã thể hiện tình cảm tha thiết với quê hương của nhà thơ.

Bức tranh được phác họa trong bài thơ là cảnh đêm trăng thanh tĩnh. Nỗi cô đơn trên đất khách quê người khiến cho Lí Bạch trằn trọc, thao thức, không sao ngủ được. Ông muốn chia sẻ tâm sự với vầng trăng – người bạn không lời nhưng gắn bó thân thiết với ông và được ông coi là tri âm, tri kỉ.

Kể từ độ cất bước ra đi, suốt mấy chục năm trường, Lí Bạch làm sao nhớ nổi bao nhiêu lần mình ngắm trăng?! Trăng lung linh rải ánh vàng, ánh bạc trên sông hồ. Trăng buồn tê tái nơi quan ải. Trăng nhạt nhòa, huyền ảo trên mặt đất mênh mông… Đã có lần, thi sĩ uống rượu dưới trăng: Cất chén mời trăng sáng, Ta với bóng lạ ba. Đêm nay, trên đất khách, ánh trăng rọi sáng vào tận đầu giường như tìm đến với bạn tri âm, như muôn chia sẻ cho vơi bớt nỗi cô đơn đang vây phủ tâm hồn thi sĩ:

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

(Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương).

Đây là bài thơ tứ tuyệt tương đối dễ hiểu. Song đơn giản, dễ hiểu không có nghĩa là hời hợt, nông cạn. Ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng chọn lọc và tinh luyện.

Trong hai câu thơ đầu, ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng nhân vật trữ tình. Ánh trăng dù đẹp đẽ và tràn ngập nơi nơi nhưng vẫn chỉ là đối tượng để thi sĩ cảm nhận.

     Đêm khuya trăng sáng, nhà thơ trằn trọc không ngủ hoặc cũng có thể là đã ngủ rồi chợt tỉnh dậy và không ngủ lại được. Để tả trạng thái mơ màng ấy thì dùng chữ nghi (ngỡ là) và chữ sương là hợp lí. Ánh trăng trắng đục giống như sương là điều có thật mà trước Lí Bạch mấy trăm năm, nhà thơ Tiêu Cương đã viết:

Dạ nguyệt tự thu sương

(Trăng đêm giống như sương thu).

3. Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tịnh

Cảm nghĩ trong đêm thanh tịnh là bài thơ nói về nỗi nhớ quê hương da diết khi nhà thơ Lí Bạch đang ở quê người. Để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài thơ cũng như hiểu được nối lòng của tác giả, các em có thể tham khảo bài soạn tại đây: Bài soạn Cảm nghĩ trong đêm thanh tịnh.

4. Một số bài văn mẫu về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tịnh

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?