Lý thuyết và bài tập ôn tập Cách tính mùa và các mùa trong năm Địa lí 10

CÁCH TÍNH MÙA VÀ CÁC MÙA TRONG NĂM

A. Lý thuyết trọng tâm

- Mùa là một phần thời gian của năm, nhưng có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu. Nguyên nhân sinh ra các mùa là do trục Trái Đất nghiêng với mặt phẳng Hoàng đạo và trong suốt năm, trục Trái Đất không đổi phương trong không gian, nên có thời kì bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, có thời kì bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời. Điều đó làm cho thời gian chiếu sáng và sự thu nhận lượng bức xạ Mặt Trời ở mỗi bán cầu đều thay đổi trong năm.

- Ở bán cầu Bắc:

+ Mùa xuân từ 21/3 đến 22/6, lúc này Mặt Trời bắt đầu chuyển động biểu kiến từ xích đạo lên chí tuyến Bắc. Lượng nhiệt Mặt Trời bắt đầu tăng lên, thời gian chiếu sáng trong ngày dài ra, nhưng do vừa trải qua mùa đông bị tỏa nhiệt mạnh, mặt đất còn lạnh nên lượng bức xạ Mặt Trời làm cho nhiệt độ chưa tăng cao, thời tiết ấm áp, ôn hòa.

+ Mùa hạ từ 22/6 đến 23/9, lúc này Mặt Trời chuyển động biểu kiến từ chí tuyến Bắc về xích đạo. Mặt đất và cả trong không khí đã tích lũy sẵn một lượng nhiệt lớn từ mùa xuân và lại nhận thêm lượng bức xạ lớn từ Mặt Trời làm cho thời tiết nóng bức.

+Mùa thu từ 23/9 đến 22/12, lúc này Mặt Trời bắt đầu chuyển động biểu kiến từ xích đạo xuống chí tuyến Nam, tuy nhận được lượng bức xạ không nhiều nhưng do lượng nhiệt tích lũy từ mùa hạ nên lượng nhiệt giảm dần, thời tiết mát mẻ.

+Mùa đông từ 22/12 đến 21/3 năm sau, lúc này Mặt Trời chuyển động biểu kiến từ chí tuyến Nam về xích đạo, bề mặt đất và khí quyển đã bị mất nhiệt hết trong mùa thu nay tiếp tục nhận được lượng bức xạ nhiệt thấp nên thời tiết lạnh giá.

- Ở bán cầu Nam, biểu hiện mùa ngược lại bán cầu Bắc.

- Sự biểu hiện mùa rõ rệt nhất ở các nước vùng ôn đới, những nước nằm trong vùng nội chí tuyến và vòng cực Bắc biểu hiện mùa không rõ rệt nên cách tính mùa như trên phù hợp với các nước vùng ôn đới và theo dương lịch.

- Theo lịch phương Đông, khu vực nằm trong vùng nội chí tuyến cách tính mùa có khác theo âm – dương lịch. Các ngày Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí là những ngày giữa của bốn mùa, thời gian bắt đầu mùa sớm hơn phương Tây khoảng 45 ngày.

            +Mùa xuân từ 4 hoặc 5 tháng 2 (lập xuân) đến 5 hoặc 6 tháng 5 (lập hạ).

            +Mùa hạ từ 5 hoặc 6 tháng 5(lập hạ) đến 7 hoặc 8 tháng 8 (lập thu).

            + Mùa thu từ 7 hoặc 8 tháng 8 (lập thu) đến 7 hoặc 8 tháng 11(lập đông).

            +Mùa đông từ 7 hoặc 8 tháng 11(lập đông) đến 4 hoặc 5 tháng 2 (lập xuân).

B. Bài tập

Câu 1: Các chuyển động để sinh ra các mùa trên trái đất là

A. Trái đất vừa tự quay quanh mình vừa chuyển động quanh mặt trời trục trái đất nghiêng.

B. Trái đất tự quay quanh mình theo hướng từ tây sang đông trục trái đất nghiêng.

C. Trái đất chuyển động quanh mặt trời trục trái đất nghiêng và không đối phương trong quá trình chuyển động.

D. Trái đất chuyển động quanh mặt trời theo hướng ngược chiều kim đồng hồ trục trái đất nghiêng.

Hướng dẫn giải

Đáp án: C

Câu 2: Theo dương lịch, các ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí ở bán cầu Bắc lần lượt là:

A. 22 – 12; 23 – 9 ; 22 – 6 ; 21 – 3.

B. 21 – 3 ; 22 – 6 ; 23 – 9 ; 22 – 12.

C. 22 – 6 ; 23 – 9 ; 22 – 12 ; 21 – 3.

D. 23 – 9 ; 22 – 12 ; 21 – 3 ;22 – 6.

Hướng dẫn giải

Đáp án: B

Câu 3: Theo dương lịch, các ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí ở bán cầu Nam lần lượt là

A. 23 – 9 ; 22 – 12 ; 21 – 3 ; 22 – 6.

B. 22 – 12 ; 21 – 3 ; 22 – 6 ; 23 – 9 .

C. 21 – 3 ; 22 – 6 ;23 – 9 ; 22 – 12 .

D. 22 – 6 ; 23 – 9 ; 22 – 12 ; 21 – 3.

Hướng dẫn giải

Đáp án: A

Câu 4: Theo dương lịch , mùa hạ ở bán cầu bắc từ ngày 22 – 6 đến ngày 23 – 9 . Vậy mùa hạ ở bán cầu Nam theo dương lịch sẽ là

A. Từ 21 – 3 đến 22 – 6.

B. Từ 22 – 6 đến 23 – 9.

C. Từ 23 – 9 đến 22 – 12.

D. Từ 22 – 12 đến 21 – 3.

Hướng dẫn giải

Đáp án: C

Câu 5: Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời với trục nghiêng không đổi sinh ra hệ quả nào dưới đây?

A. Hiện tượng các mùa trong năm.

B. Sự lệch hướng chuyển động của các vật thể.

C. Sự luân phiên ngày, đêm.

D. Giờ Trái Đất và đường chuyển ngày quốc tế.

Hướng dẫn giải

Đáp án A.

Câu 6: Theo dương lịch thì mùa xuân ở Việt Nam và một số nước khác ở bán cầu Bắc từ ngày nào dưới đây?

A. 22/6 đến 21/3.

B. 22/6 đến 23/9.

C. 22/12 đến 21/3.

D. 21/3 đến 22/6.

Hướng dẫn giải

Đáp án D.

Câu 7: Theo dương lịch, các ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí ở Việt Nam và một số nước khác ở bán cầu Bắc lần lượt là

A. 22/12; 23/9; 22/6; 21/3

B. 21/3; 22/6; 23/9; 22/12

C. 22/6; 23/9; 22/12; 21/3

D. 23/9; 22/12; 21/3; 22/6

Hướng dẫn giải

Đáp án B.

Câu 8: Vì sao trên Trái Đất lại có hiện tượng mùa?

A. Trái Đất tự quay từ Tây sang Đông.

B. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo hướng từ Tây sang Đông.

C. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo một trục nghiêng với góc nghiêng không đổi.

D. Trái Đất chuyển động tịnh tiến quanh trục.

Hướng dẫn giải

Đáp án C.

Giải thích: Nguyên nhân sinh ra hiện tượng mùa trên Trái Đất là do Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo một trục nghiêng với góc nghiêng không đổi trong quá trình chuyển động.

Câu 9: Cho biết lịch học theo mùa của một trường cấp 3 ở Hà Nội như sau:

Mùa

Sáng

Chiều

Mùa hè

Từ 7 giờ - 11 giờ 30 phút

Từ 13 giờ 30 phút – 18 giờ

Mùa đông

Từ 7 giờ 30 phút – 12 giờ

Từ 13 giờ - 17 giờ 30 phút

Có sự thay đổi về thời gian học như trên để phù hợp với hiện tượng nào sau đây?

A. Ngày, đêm dài ngắn khác nhau theo vĩ độ.

B. Ngày, đêm dài ngắn khác nhau theo mùa.

C. Ngày, đêm luân phiên nhau.

D. Giờ trên Trái Đất và đường chuyển ngày quốc tế.

Hướng dẫn giải

Đáp án B.

Giải thích: Quan sát thấy:

- Mùa hè: buổi sáng bắt đầu sớm và buổi chiều bắt đầu muộn - kết thúc muộn hơn.

- Mùa đông: buổi sáng bắt đầu muộn và buổi chiều bắt đầu sớm, kết thúc sớm hơn.

=> Lịch học như trên phù hợp với thời gian ngày đêm dài ngắn khác nhau theo mùa ở nước ta: mùa hạ ngày dài đêm ngắn (mặt trời mọc sớm, lặn muộn); mùa đông ngày ngắn đêm dài (mặt trời mọc muộn mà lặn sớm).

Câu 10: Nguyên nhân sinh ra hiện tượng mùa trên Trái Đất là do:

A. Trái Đất tự quay từ Tây sang Đông

B. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo hướng từ Tây sang Đông

C. Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo một trục nghiêng với góc nghiêng không đổi

D. Trái Đất chuyển động tịnh tiến quanh trục

Hướng dẫn giải

Do trục Trái Đất nghiêng không đổi phương khi chuyển động quanh Mặt Trời, nên Bắc bán cầu và Nam bán cầu lần lượt ngả về phía Mặt Trời ⇒ nhận được lượng nhiệt khác nhau sinh ra mùa nóng, lạnh khác nhau; thời gian chiếu sáng cũng khác nhau.

⇒ Sinh ra các mùa trên Trái Đất.

Đáp án cần chọn là: C

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Lý thuyết và bài tập ôn tập Cách tính mùa và các mùa trong năm Địa lí 10. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?