PHÂN LOẠI MỐI QUAN HỆ ĐỊA LÍ
Do đặc điểm của đối tượng nghiên cứu của khoa học Địa lí mà kiến thức của môn Địa lí bao gồm kiến thức thuộc về tự nhiên và kinh tế, xã hội. Ba mảng kiến thức này không phải riêng rẽ, độc lập mà có quan hệ tác động qua lại với nhau. Xuất phát từ nội dung, mối quan hệ địa lí có thể phân thành ba loại: mối quan hệ giữa các hiện tượng tự nhiên với nhau, mối quan hệ giữa các hiện tượng địa lí kinh tế với nhau, mối quan hệ giữa tự nhiên và kinh tế.
- Những mối quan hệ giữa các hiện tượng tự nhiên với nhau, chẳng hạn, giữa khí hậu của một nơi với vĩ độ của nơi đó, với địa hình, với các biển và dòng biển bao quanh; giữa sông ngòi với địa hình, khí hậu, ... đây thường là những liên hệ nhân - quả.
- Những mối quan hệ giữa các hiện tượng địa lí kinh tế xã hội với nhau, chẳng hạn việc xây dựng các nhà máy đường ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi liên quan đến nơi đó có nguồn nguyên liệu dồi dào (là các tỉnh trồng mía với qui mô lớn) ...
- Những mối quan hệ giữa tự nhiên và kinh tế xã hội, ví dụ sử dụng đồng cỏ để phát triển chăn nuôi, sử dụng thác nước làm thủy điện, phát triển công nghiệp chế biến gỗ, giấy dựa vào tài nguyên rừng …
- Mối quan hệ địa lí cũng có thể phân chia thành hai loại là mối quan hệ địa lí thông thường với những mối quan hệ nhân quả.
- Cách phân biệt mối quan hệ địa lí thông thường với những mối quan hệ nhân quả là đặt câu hỏi, phân tích và trả lời: “phải chăng cứ có cái này thì phải có cái kia?”.
+ Ví dụ như: Phải chăng cứ có rừng thì có công nghiệp gỗ, giấy, xenlulô phát triển? Cứ có biển thì ngành hàng hải và ngành đánh cá phát triển? Phải chăng cứ ở vĩ độ cao thì bao giờ cũng lạnh ? Có phải ở gần biển thì bao giờ khí hậu cũng ôn hòa hơn không? Phải chăng địa hình dốc nhiên chỉ sông ngòi chảy xiết không? ... Chỉ khi nào câu trả lời khẳng định được thì lúc đó mới có thể phát biểu theo kiểu: vì … nên. Trong trường hợp câu trả lời phủ định thì đấy là mối quan hệ thông thường.
+ Chẳng hạn, có thể nói (Thụy Điển, Phần Lan, nằm ở vĩ độ cao nên có khí hậu lạnh, vì đây là mối quan hệ có tính quy luật, nhưng không thể nói vì Na Uy nằm ở cạnh biển nên ngành đánh cá và hàng hải phát triển, vì đây không phải là mối liên hệ nhân - quả mang tính quy luật, cứ có cái này thì tất yếu phải có cái kia; trong thực tế, cũng có nhiều nước nằm ven biển, nhưng hai ngành đó không phát triển hay chưa phát triển.
- Mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên phổ biến là các mối quan hệ nhân quả, còn mối quan hệ giữa các hiện tượng địa lí kinh tế xã hội với nhau, giữa tự nhiên và kinh tế xã hội thường không phải là những mối quan hệ nhân quả, có tính quy luật, mà chỉ là những mối quan hệ thông thường: không nhất thiết là có rừng thì công nghiệp gỗ phát triển, không nhất thiết có đồng cỏ thì chăn nuôi mới phát triển ... Việc khai thác, sử dụng tự nhiên, xây dựng và phát triển kinh tế còn tùy thuộc một phần lớn vào trí tuệ của con người, vào trình độ khoa học kĩ thuật, trình độ phát triển kinh tế, vào đặc điểm của mỗi dân tộc và chế độ xã hội ...
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Lý thuyết ôn tập kiến thức Phân loại các mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên Địa lí 10. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- 41 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập các vấn đề liên quan đến thổ nhưỡng quyển Địa lí 10 có đáp án
- 50 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập sự thay đổi bề mặt Trái đất do chịu tác động của ngoại lực Địa lí 10
Chúc các em học tập tốt !