Bài tập tự luận vận dụng ôn tập Nhiều nguyên nhân dẫn đến một kết quả của tự nhiên Địa lí 10

ÔN TẬP VỀ MỐI QUAN HỆ: NHIỀU NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN MỘT KẾT QUẢ

Câu 1: Tại sao đất ở đỉnh núi, sườn núi và chân núi cùng một loại đá mẹ nhưng lại khác nhau?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần biết sự hình thành đất chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Ngoài đá mẹ còn có khí hậu, sinh vật, địa hình, thời gian, con người mà sự tác động của hầu hết các nhân tố này lại khác nhau từ chân núi lên đỉnh núi nên đất của đỉnh núi, sườn núi và đất chân núi sẽ khác nhau.

          - Khí hậu: nhiệt ẩm của khí hậu có vai trò trực tiếp trong quá trình phong hóa đá; gián tiếp ảnh hưởng đến thảm thực vật. Hai nhân tố quan trọng nhất của khí hậu là nhiệt và ẩm thay đổi theo đai cao.

- Sinh vật: có vai trò chủ đạo trong hình thành đất, thảm thực thực vật thay đổi theo đai cao, từ chân núi lên đỉnh núi thảm thực vật có xu hướng giảm dần về sinh khối.

          - Địa hình: độ cao địa hình ảnh hưởng đến sự phân hóa khí hậu; độ dốc, hướng sườn ảnh hưởng đến quá trình tích tụ, xâm thực bào mòn.

- Hoạt động của con người: tập quán cư trú và sản xuất theo đai cao, thường con người tiến hành hoạt động canh tác ở chân núi, nơi có nguồn nước phong phú hơn. Do đó, đất ở gần chân núi cũng bị biến đổi tính chất nhiều hơn.

Câu 2: Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn chiếm phần lớn diện tích?

Hướng dẫn giải

          Học sinh cần biết sự hình thành đất chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Sau đó chọn lọc nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ở đồng bằng này.

- Địa hình là vùng đồng bằng có độ cao thấp (1- 4m), nhiều vùng trũng ngập nước.

- Do các tác động đồng thời của các nhân tố: sinh vật ngập mặn, điều kiện tác động thường xuyên của thuỷ triều, sóng biển, 3 mặt giáp biển - đường bờ biển dài (700km)

- Mùa khô kéo dài, thiếu nước nghiêm trọng làm tăng độ chua, mặn trong đất.

Câu 3: Tại sao trong thời gian gần đây tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hết sức nghiêm trọng?

Hướng dẫn giải

Tình trạng này do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố.

- Nhân tố thường xuyên hàng năm là mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, cùng với địa hình thấp

- Riêng trong những tháng mùa khô năm 2015 - 2016 nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nước biển dâng, El Nino kéo dài làm gia tăng khô hạn, việc xây dựng các nhà máy thủy điện của các nước trên dòng sông mê Công làm hạn chế nước ngọt đổ về đồng bằng, ...

Câu 4: Tại sao kiểu thảm thực vật ở đới ôn hòa rất đa dạng?

Hướng dẫn giải

          Học sinh cần biết có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố sinh vật. Sau đó chọn lọc các nhân tố làm cho thảm thực vật ở đới ôn hòa đa dạng với nhiều kiểu thảm thực vật khác nhau: rừng lá kim; rừng lá rộng và rừng hỗn hợp ôn đới; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; hoang mạc, bán hang mạc.

Nguyên nhân là do ở đới ôn hòa có nhiều kiểu khí hậu và nhóm đất khác nhau. Mỗi kiểu khí hậu lại có nhóm đất và kiểu thảm thực vật tương ứng.

Câu 5: Tại sao trên lục địa sinh vật chỉ tập trung một lớp dày khoảng vài chục mét ở phía trên và dưới bề mặt đất?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần biết sự phát triển và phân bố của sinh vật phụ thuộc vào nhiều nhân tố: khí hậu, đất, địa hình, sinh vật và con người. Sinh vật chỉ tập trung ở gần mặt đất vì ở đây có đủ điều kiện cho sinh vật sinh sống

- Khí hậu: có nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp

- Đất: Có đất đai màu mỡ, độ phì phù hợp với thực vật

- Địa hình: địa hình thấp, bằng phẳng

- Sinh vật: nơi có thực vật mọc dày nên động vật cũng phong phú.

Câu 6: Tại sao tính nhiệt đới của sinh vật nước ta bị suy giảm?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần biết sự phát triển và phân bố của sinh vật phụ thuộc vào nhiều nhân tố: khí hậu, đất, địa hình, sinh vật và con người. Tính nhiệt đới của sinh vật nước ta bị suy giảm do nhiều nguyên nhân

- Địa hình:

+ Độ cao địa hình: Nước ta ¾ là đồi núi, đồi núi có sự phân bậc (núi cao, trung bình, thấp), làm cho chế độ nhiệt ẩm thay đổi theo độ cao kéo theo sự thay đổi của đất theo độ cao và xuất hiện các vành đai sinh vật cận nhiệt và ôn đới trên núi (rõ nhất là vùng núi Tây Bắc).

+ Hướng sơn văn của các cánh cung Đông Bắc tạo điều kiện hút sâu gió mùa đông bắc lạnh khô xuống phía nam, góp phần làm suy giảm tính nhiệt đới của sinh vật.

- Khí hậu: miền Bắc khí hậu mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, trong năm có 2 – 3 tháng nhiệt độ <180C; nhiệt độ hạ thấp khi lên cao ở vùng đồi núi làm tính nhiệt đới của sinh vật cũng bị suy giảm, đai nhiệt đới hạ thấp xuống 600 – 700m. Ở vùng đồng bằng vào vụ đông có thể trồng những cây có nguồn gốc cận nhiệt ôn đới.

- Con người: tàn phá rừng, săn bắn quá mức làm mất dần đi tính ưu thế ổn định của hệ sinh thái nhiệt đới. Việc lai tạo giống hoặc bỏ đi những giống cây trồng vật nuôi bản địa đang làm suy giảm dần nhiều loài sinh vật nhiệt đới.

- Vị trí địa lí: Nằm gần khu vực cận nhiệt nên các loài xứ lạnh tràn xuống, đặc biệt ở miền Bắc nước ta.

Câu 7: Giải thích sự khác nhau về thảm thực vật của vườn quốc gia Mũi Cà Mau với thảm thực vật của vườn quốc gia Bạch Mã?

Hướng dẫn giải

Học sinh cần biết sự phát triển và phân bố của sinh vật phụ thuộc vào nhiều nhân tố: khí hậu, đất, địa hình, sinh vật và con người. Trong trường hợp này do nằm ở 2 miền khí hậu khác nhau, có độ cao và đất khác nhau nên hệ thực vật của 2 vườn quốc gia khác nhau rõ rệt.

- Vườn quốc gia Bạch Mã nằm ở độ cao hơn 1400m, trong miền khí hậu Đông Trường Sơn, chịu tác động của gió mùa đông bắc nên có hệ sinh thái nhiệt đới gió mùa, phân hoá theo đai cao rõ nên có các loại rừng chủ yếu là rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh và trảng cỏ cây bụi …

- Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm ở vùng thấp, ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có khí hậu cận xích đạo gió mùa, không có sự phân hoá theo đai cao nên thảm thực vật chủ yếu là rừng ngập mặn.

Câu 8: Tại sao diện tích xavan và nửa hoang mạc ở vùng nhiệt đới đang ngày càng mở rộng?

Hướng dẫn giải

Có nhiều nhân tố tác động đến thảm thực vật: khí hậu, đất, sinh vật, địa hình, con người và trong trường hợp này có 3 nhân tố ảnh hưởng chính là khí hậu, con người, đất.

- Do lượng mưa ít hơn

- Con người phá rừng và cây bụi để lấy gỗ, củi hoặc làm nương rẫy.

-> Đất bị thoái hóa dần và cây cối khó mọc lại được.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Bài tập tự luận vận dụng ôn tập Nhiều nguyên nhân dẫn đến một kết quả của tự nhiên Địa lí 10. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?