Luyện từ và câu: Từ đồng nghĩa

Nhằm giúp các em thêm phần hiểu biết về từ đồng nghĩa, tăng sự hiểu biết về tiếng Việt, Chúng tôi mời các em tham khảo bài học Luyện từ và câu: Từ đồng nghĩa dưới đây trong chương trình Tiếng Việt lớp 5. Chúc các em có thêm những kiến thức hay và thú vị!

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nhận xét

Câu 1: (SGK trang 7) So sánh nghĩa của các từ in đậm trong mỗi ví dụ sau:

Câu a: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều.

HỒ CHÍ MINH

Câu b: Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng.

TÔ HOÀI

Gợi ý:

Câu a:

  • Giống nhau: cùng chỉ một hoạt dộng
  • Khác nhau: 
    • Xây dựng: làm nên, gây dựng nên.
    • Kiến thiết: xây dựng với quy mô lớn

Câu b: 

  • Giống nhau: cùng chỉ một màu vàng
  • Khác nhau:
    • Vàng xuộm: có màu vàng đậm đều khắp.
    • Vàng hoe: có màu vàng pha lẫn màu đỏ.
    • Vàng lịm: màu vàng gợi lên cảm giác ngọt ngào, mọng nước.

Câu 2: (SGK trang 8) Thay những từ in đậm trong mỗi ví dụ trên cho nhau rồi rút ra nhận xét:

Những từ nào thay thế được cho nhau? Những từ nào không thay thế được cho nhau? Vì sao?

  • Có thể thay thế hai từ: xây dựng và kiến thiết cho nhau vì chúng có nghĩa giống nhau hoàn toàn là xây dựng đất nước
  • Các từ vàng xuộm, vàng hoe, vàng lịm không thể thay đổi cho nhay được vì nghĩa của các từ không giống nhau hoàn toàn

1.2. Ghi nhớ

  • Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau
    • Ví dụ: siêng năng, chăm chỉ, cần cù,…..
  • Có những từ đồng nghĩa hoàn toàn, có thể thay thế cho nhau trong lời nói. Ví dụ: hổ, cọp, hùm,…
  • Có những từ đồng nghĩa không hoàn toàn. Khi dùng những từ này, ta phải cân nhắc để lựa chọn cho đúng.
    • Ví dụ:
      • Ăn, xơi, chén,…. (biểu thị những thái độ, tình cảm khác nhau đối với người đối thoại hoặc điều được nói đến).
      • Mang, khiêng, vác,… (biểu thị những cách thức hành động khác nhau)

1.3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: (SGK trang 8) Xếp những từ in đậm thành từng nhóm đồng nghĩa:

Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

HỒ CHÍ MINH

Gợi ý: 

  • nước nhà – non sông.
  • toàn cầu – năm châu.

Câu 2: (SGK trang 8) Tìm những từ đồng nghĩa với mỗi từ sau đây: đẹp, to lớn, học tập

  • Từ đồng nghĩa với đẹp: xinh,  xinh xắn, đẹp đẽ, mĩ lệ, tươi đẹp, đèm đẹp, xinh đẹp.....
  • Từ đồng nghĩa với to lớn: to kềnh, to đùng, khổng lồ, vĩ đại, lớn, to…
  • Từ đồng nghĩa với học tập: học hành, học hỏi, học…

Câu 3: (SGK trang 8) Đặt câu với một cặp từ đồng nghĩa em vừa tìm được ở bài tập 2

Gợi ý:

  • Cái áo màu hồng ấy rất đẹp, bé Lan mặc vào trông sẽ rất xinh!
  • Có những điều to lớn mà những người vĩ đại mới làm được
  • Bạn Hương cố gắng học tập để học hỏi thêm nhiều điều thú vị từ cuộc sống.

Bài tập minh họa

 
 

  • Học xong bài này, các em cần nắm:
    • Thế nào là từ đồng nghĩa 
    • Biết tìm các từ đồng nghĩa với từ đã cho trước và đặt câu với các từ đồng nghĩa đó.
  • Các em có thể tham khảo thêm bài học Kể chuyện Lý Tự Trọng để chuẩn bị cho bài tiếp theo được tốt hơn.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?