A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về nhà thơ Tú Xương và bài thơ Thương vợ
- Trần Tế Xương (1871 - 1907), thường gọi là Tú Xương, quê ở Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Thơ Tú Xương nổi bật ở hai mảng trào phúng và trữ tình (còn gọi là hiện thực và trữ tình).
- Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động viết về bà Tú. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng của Tú Xương dành cho người vợ tao khang.
- Dẫn dắt vấn đề: Thương vợ - một trong những bài thơ hay, thể hiện rõ rệt phong cách thơ Tú Xương.
2. Thân bài
- Khái quát về đề tài, chủ đề của bài thơ
- Đề tài: Viết về bà Tú (vợ ông Tú). Bà Tú là Phạm Thị Mẫn thuộc hàng tiểu thơ con nhà khoa bảng. Lấy ông Tú bà trở thành người vợ tảo tần, yêu chồng thương con, biết trọng tài năng và cá tính của ông Tú.
- Chủ đề: Lòng thương quý, biết ơn, trân trọng của Tú Xương đối với vợ - bà Tú, hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống, cần cù, đảm đang, giàu tình thương và đức hi sinh.
- Khẳng định: Với tiêu đề và chủ đề của bài thơ như vậy nên nét hóm hỉnh – một đặc trưng của phong cách thơ Tú Xương không thực sự tồn tại trong tác phẩm này.
- Phong cách trữ tình
- Sự lam lũ, vất vả, tần tảo của bà Tú được thể hiện ngay trên câu chữ của bài thơ với những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống của người bình dân. Điều này được thể hiện rõ qua cách vận dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ: lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, năm nắng mười mưa, một duyên hai nợ...
- Những hiểm nguy luôn rình rập lấy bà: thể hiện qua hai câu thực “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”: buôn bán ở mom sông cũng thật nhiều nhiêu khê , vất vả.
- Đồng nhất trực tiếp thân cò vào thân phận người vợ. Không chỉ gợi sự liên tưởng mà Tú Xương đã thể hiện ở đó sự cảm thương sâu sắc đối với bà Tú.
- Các từ láy: lặn lội, eo sèo được đảo lên trước có tác dụng làm nổi bật lên hình ảnh bà Tú trong công việc buôn bán hàng ngày.
- “Lặn lội”: gợi sự vất vả, lam lũ, cần mẫn.“Eo sèo” là quang cảnh chợ đông, tiếng người mua kẻ bán chèo kéo ồn ào, phức tạp (Bà Tú vốn xuất thân là tiểu thư khuê các mà bây giờ phải hòa vào môi trường hỗn tạp) ⇒ sự hi sinh vì chồng vì con ⇒ Ông Tú vừa cảm phục và vừa xót xa cho bà Tú.
- Nêu lên những đức tính cao đẹp của bà Tú: “Nuôi đủ năm con với một chồng”
- Mỗi chữ “nuôi” đã đủ để nói lên nhiều điều về bà Tú. Hai vế câu với số lượng năm con và một chồng – một số lượng khá đông, đặt lên vai bà Tú đã cho thấy sự đảm đang, tần tảo của bà.
- Ông Tú cũng hiểu được lòng vợ nên không gộp mình chung với con mà tách riêng ra vừa là để đùa vui mà cũng là muốn tỏ lòng biết ơn người vợ của mình.
- Cũng có người hiểu rằng: việc chia làm hai vế “năm con” với “một chồng” lại cân xứng với nhau về gánh nặng mà bà Tú đã phải gồng gánh nuôi nấng. Câu thơ là một sự thật, bởi nuôi ông Tú đâu chỉ có cơm hai bữa mà còn có tiền chè, tiền rượu. ⇒Câu thơ đã nói lên được sự thấu hiểu, biết ơn của ông với vợ mình. Đồng thời, câu thơ cũng nói lên niềm hạnh phúc của một người vợ tần tảo, hi sinh tất cả cho chồng con. Đó là niềm hạnh phúc của bà Tú được Tú Xương nói hộ.
- Nỗi lòng của nhà thơ:
- Nỗi lòng thương vợ của Tú Xương được thể hiện thành công qua bài thơ. Tựa đề Thương vợ chưa thể hiện được đầy đủ tình thương của nhà thơ đối với vợ cũng như chưa toát lên được nhân cách của nhà thơ. Tú Xương không chỉ thương vợ mà còn biết ơn vợ, không chỉ biết lên án thói đời mà còn tự trách mình. Điều đó chứng tỏ tấm lòng của nhà thơ đối với bà Tú.
- Phong cách trữ tình
- Trào phúng, khôi hài, tự cười mình:
- Vừa đọc thì ta cứ ngỡ hai câu kết là tiếng chửi, là lời than trách của bà Tú. Nhưng thực tế đó là sự nhập thân, hóa thân của Tú Xương vào nỗi khó nhọc của bà Tú để chửi đời và để chửi mình.
- Việc tự chửi mình như Tú Xương đã góp phần làm tăng vẻ đẹp của người lao động mà bà Tú là điển hình.
- Việc nhận ra sự vô dụng và tự trách của mình đã cho thấy được nhân cách của Tú Xương.
- Nguyễn Đình Chú trong cuốn Thơ văn Tú Xương đã viết: “Có người nhận xét rằng: Tú Xương là một “thứ con đặc biệt” của vợ, tự nhận mà không chút ngượng ngùng sĩ diện. Và càng thấy vợ vất vả bao nhiêu với bố con, Tú Xương càng thấy mình đoảng, là vô tích sự bấy nhiêu! Trong cơn hối hận chả có cách gì tạ lại công ơn của vợ, Tú Xương chỉ buột một lời tự chửi. Chửi cái anh chồng vô tích sự là mình. Chửi luôn cả thói đời bạc bẽo đã đẻ ra cái loại chồng đoảng như mình nốt. Một tiếng chửi mà để lại nhân cách, nhân phẩm là vậy”.
- Có đặt tình cảm và thái độ ấy vào hoàn cảnh lịch sử xã hội của nhà thơ - cái xã hội mà người phụ nữ, người vợ bị coi thường, bị chi phối bởi đạo lí tam tòng tứ đức, bởi lề giáo phong kiến nặng nề - mới thấy hết sự ân tình, đằm thắm của nhà thơ đối với vợ, mới thấy được sự hàm ơn của nhà thơ đối với bà Tú - một điều hiếm thấy trong thơ ca cổ. Khả năng biểu đạt của ngôn từ trong bài thơ Thương vợ là ở đấy. Giá trị của bài thơ cũng ở đấy.
-
"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!"
-
3. Kết bài:
- Nêu tóm lược phong cách nghệ thuật thơ của Tú Xương qua bài Thương vợ
- Nguyễn Tuân từng nhận xét: “…nhưng tôi vẫn cho rằng thơ Tú Xương đi bằng cả hai chân hiện thực và trữ tình, mà cái chân hiện thực ở người Tú Xương chỉ là một cẳng chân trái. Tú Xương lấy cái chân phải trữ tình mà khiến cái chân trái tả thực. Chủ đạo cho đất thơ là ở chân phải và Tú Xương đã băng được mình thơ tới chúng ta bằng nước bước lãng mạn trữ tình”. (Văn nghệ, tháng 5, 1961)
- Gợi mở vấn đề
Trên đây là bài hướng dẫn lập dàn ý cho đề bài: Phong cách thơ Tú Xương thể hiện qua bài Thương vợ. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm dạng đề so sánh hình ảnh người phụ nữ trong hai bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xường với bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương tại đây: Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp----