Đề bài: Em hãy kể về một tấm gương rèn luyện thân thể mà em biết dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Trong buổi học thể dục hôm nay, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ leo lên một cái cột cao rồi đứng thẳng người trên chiếc xà ngang ở phía trên.
Nhiều bạn leo giỏi và nhanh như khỉ. Ga-rô-nê leo dễ như không. Cậu khoẻ như một con bò mộng nên khi học môn này cậu chẳng phải gắng sức một chút nào. Tuy nhiên, cũng nhiều bạn thì ì ạch mãi mới leo tới xà ngang. Như cậu Xtác-đi chẳng hạn, cậu ta thở hồng hộc và mặt đỏ lên như chú gà tây. Khi tất cả các bạn đã leo xong, chỉ còn một mình tôi. Tôi vốn dĩ là một học sinh bị tật nguyền từ nhỏ nên thầy đã miễn cho tôi học môn thể dục. Tuy nhiên, hôm nay tôi vẫn muốn thử sức mình. Tôi xin thầy cho leo thử. Thầy lưỡng lự một chút rồi cũng bằng lòng. Thế là tôi bắt đầu leo. Chà! Leo lên cây cột chẳng phải dễ dàng. Tôi nắm chặt lấy cây cột và hai chân cũng quặp chặt thế mà cứ muốn rơi người xuống đất. Tôi cố gắng leo lên từng chút, từng chút một. Tim đập thình thịch trong lồng ngực. Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm trán. Tôi vẫn cố leo lên. Chỉ còn chừng nửa mét, rồi hai mươi phân nữa thì tới đích.
Ôi! Vượt khoảng cách sau cùng này sao mà gian nan thế. Tôi đã mệt lắm rồi nhưng không thể buông tay. Các bạn đứng dưới đang reo hò cổ vũ tôi. Thầy thì nhìn tôi với ánh mắt vừa lo lắng vừa muốn tôi thành công. Lúc này, tôi chỉ còn cách xà ngang hai ngón tay, rồi cuối cùng tôi cũng đã bám được xà ngang. Tới đây, tôi lấy hết sức để đặt hai khuỷu tay, hai đầu gối và hai bàn chân lên xà. Vậy là tôi đã đứng được trên trên. Mệt ơi là mệt nhưng quả là vui. Thế là tôi đã có thể làm như các bạn trong lớp của tôi rồi!
2. Bài văn mẫu số 2
Trong lời kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục thể thao, câu cuối cùng Bác viết: "Tự tôi ngày nào cũng tập". Hầu như trong hồi ký của các đồng chí cách mạng lão thành, hoặc những cán bộ may mắn được sống cùng Người, không ít thì nhiều đều có nói đến việc Bác Hồ tập thể dục rèn luyện thân thể. Việc tập luyện của Bác không chiếm nhiều thời gian trong ngày nhưng thành một nếp sống gây ấn tượng sâu sắc đến mọi người chung quanh.
Bác tập luyện rất đều đặn dù trời nóng cũng như ngày lạnh. Ngày nào Bác cũng dậy rất sớm và đánh thức mọi người cùng tập thể dục. Tập xong thì tắm suối, lạnh mấy cũng tắm, rồi đi làm việc. Bác Hồ duy trì nếp tập thể dục và ngày càng làm nội dung tập luyện thêm phong phú. Không chỉ là những động tác của bài tập thể dục thông thường mà còn là tập tạ, nhảy dây thun, dây vải, khí công, quyền thuật, đi bộ, chạy, nhảy... và được Người vận dụng cho phù hợp từng hoàn cảnh cụ thể. Bơi là môn thể thao rất được Bác ưa thích. Trong hồi ký "Sống bên Bác", đồng chí Ngọc Châu có kể: "Những lúc bơi lội, chúng tôi thường bơi quanh Bác để giúp Người khi qua dòng nước lạnh. Nhờ tập luyện đều như vậy nên mỗi khi đi công tác, Bác vẫn cùng chúng tôi bơi qua một cách dễ dàng".
Những năm 1957 - 1958, Bác rất thích tập Thái cực quyền. Những đêm trăng, Bác cùng những anh em cảnh vệ thường tập trên sân thượng của Bắc bộ phủ. Sống cùng các chiến sĩ, Bác thường tìm hiểu và tập luyện những bài quyền mới. Bác tập bài mới rất say sưa và chú ý đến từng thế tấn, thế đỡ gạt... Mỗi động tác đều vận gân cốt và tập trung tinh thần, vì vậy Bác đi quyền rất sinh động. Bác cũng rất sốt sắng truyền lại cho các đồng chí của mình những bài quyền mà Bác biết. Những năm sau này khi trở về thủ đô, tuổi Bác thêm cao và sức khỏe không được như trước, Bác đã giảm dần môn chạy bộ nhưng sáng nào Bác cũng tập quyền và đi bộ trong vườn Phủ Chủ tịch.
Khi ngoài 70 tuổi, Bác Hồ vẫn kiên quyết duy trì sức khỏe. Bác bỏ hút thuốc và giữ vững chế độ tập luyện và sinh hoạt hàng ngày. Theo đề nghị của Bác, các đồng chí cảnh vệ mua cho Bác 20 quả bóng quần vợt và cất trong ngăn kéo. Bác đặt một sọt giấy vụn cách bàn làm việc chừng 5m, mỗi khi viết mỏi tay, Bác dừng lại và đứng dậy lấy bóng ném vào sọt, ném tay trái rồi đổi qua tay phải. Bác cho biết tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển của thần kinh và tính chính xác của đôi tay. Hôm nào ném trúng vào sọt nhiều, Bác thấy vui. Còn hôm nào bóng ra ngoài nhiều, Bác có vẻ không vui. Có lần bác sĩ trông nom sức khỏe của Bác muốn làm Bác vui lòng nên lén đem sọt giấy lại gần, Bác phát hiện thấy không đồng ý và tự tay mình đem lại chỗ cũ...
Cho đến ngày nay, tấm gương rèn luyện thân thể của Bác đã khiến hàng triệu người Việt Nam qua bao thế hệ xúc động và phấn đấu noi theo.
3. Bài văn mẫu số 3
Anh Danh, kĩ sư trong khu phố em là một tấm gương chiến thắng bệnh tật đáng khâm phục.
Anh Danh bị sốt tê liệt từ bé, hai chân không phát triển được bình thường. May mắn là đôi chân bệnh tật ấy tuy nhỏ một chân thấp một chân cao nhưng vẫn co duỗi và đi lại được. Anh Danh ít khi ra ngoài, anh học tập chăm chỉ và rất giỏi. Những năm Trung học anh đều đạt học sinh giỏi. Rồi anh thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, khoa Công nghệ Thông tin. Việc học của anh đôi khi bị gián đoạn vì sức khỏe của anh yếu, thường hay trở bệnh liệt giường. Khi đỡ bệnh, anh đi khập khiễng đến giảng đường trường Đại học. Thường xuyên đau ốm nhưng anh luôn luôn vui vẻ lạc quan. Để rèn luyện thể lực, anh tập chạy tại chỗ, rồi bệnh cũng lui dần. Chân anh không thể trở lại như người bình thường được nhưng anh khỏe khoắn hơn, không ốm đau thường xuyên như trước. Anh nhận bằng tốt nghiệp kĩ sư loại giỏi và được một công ty phần mềm danh tiếng tuyển dụng. Hiện nay anh đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh.
Có những người kém may mắn, bị bệnh tật nhưng họ vẫn sống tốt và có nhiều công sức đóng góp cho cuộc đời. Họ học tập, rèn luyện, làm việc, cải thiện đời sống của chính họ và cống hiến trí tuệ cho cuộc sống tiến bộ của nhân loại. Những tấm gương như anh Danh luôn luôn nhắc nhở chúng em phải học tập, rèn luyện và không bao giờ được lười biếng, ỷ lại; phải trau dồi bản thân để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
4. Bài văn mẫu số 4
Ai cũng biết tập thể dục rất tốt. Nhưng kiên trì tập thể dục đều đặn hằng ngày lại là một việc làm không mấy dễ dàng. Truyện ngắn Quả là rất tốt của Thiếu Kiếm Ba in trong Những câu chuyện bổ ích và lý thú, tập 1 đã giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết phải tập thể dục thường xuyên và những khó khăn cần vượt qua để có thể tập thể dục đều đặn hàng ngày.
Thỏ Trắng và Gấu Đen ở cạnh nhà nhau. Thỏ Trắng thường gọi Gấu Đen dậy tập thể dục mỗi sáng. Mùa hè, Gấu Đen dậy tập rất chăm chỉ. Nhưng khi mùa đông đến, Gấu Đen đâm ngại, sinh lười.
Một hôm, Gấu Đen đã nói với Thỏ Trắng:
- Bạn Thỏ Trắng ơi! Mùa Đông lạnh lắm! Bạn chịu khó tập thể dục một mình nhé!
Thấy Thỏ Trắng có vẻ không đồng ý, Gấu Đen lý sự thêm:
- Mình thấy tập thể dục cũng chẳng ích lợi gì. Bộ mẹ mình cả đời không tập thể dục mà có sao đâu! Cả một vụ đông, bố mẹ mình chỉ có ngủ không làm gì mà vẫn cứ khỏe.
Thỏ Trắng nghe Gấu Đen nói cũng đâm hoang mang. Thỏ Trắng liền đi tìm thầy dạy thể dục Hổ Vằn để hỏi. Thầy thể dục chỉ cho Thỏ Trắng thấy rõ lợi ích trước mắt và lâu đài của việc tập thể dục. Rồi thầy kết luận:
- Em cứ chịu khó tập thể dục buổi sáng. Rồi em sẽ thấy rõ điều thầy đã nói với em.
Nghe lời thầy, Thỏ Trắng kiên trì tập thể dục mỗi sáng. Thỏ Trắng ngày càng dẻo dai, khỏe mạnh. Câu không phải nghỉ buổi học nào. Cuối năm cậu được xếp loại khá. Gấu Đen không tập thể dục nên hay bị ốm, phải nghỉ học luôn. Học lực giảm sút trông thấy. Môn thể dục Gấu Đen không đạt yêu cầu, phải thi lại kỳ sau.
Thỏ Trắng an ủi, động viên, từ đấy sáng nào Gấu Đen cũng dậy cùng tập thể dục với Thỏ Trắng. Và lần thi lại sau kỳ nghỉ ấy, Gấu Đen đã đạt yêu cầu. Cậu ta vui mừng nói với Thỏ Trắng:
- Tập thể dục thường xuyên quả là rất tốt, bạn nhỉ!
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------