Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn tả về chú công nhân đang xây nhà mà em quan sát được.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Nhìn quanh ta, mọi người đều không ngừng làm việc, từ những vị quan chức cấp cao, đến những người công nhân bình thường, gian dị. Chỉ cần để ý, ta dễ dàng thấy một người công nhân đang làm việc, đang cống hiến cho đời. Hôm nay, trên đường đi học, qua ngôi nhà xây dở, hình ảnh bác thợ xây làm việc đã để lại cho em ấn tượng khó phai.
Bác thợ xây chừng hơn 40 tuổi, bộ quần áo lao động dính đầy những vôi vữa tạo thành những vệt đen trắng loang lổ. Không hiểu sao nhưng khi nhìn những vết bẩn ấy, lòng em lại thấy xúc động chứ không hề cảm thấy sợ như bình thường. Bác ngồi trên giàn giáo cao nhưng không hề tỏ ra có chút gì sợ hãi, mà ngược lại có chút tự nhiên, thoải mái. Trên người bác còn thắt một dây ăn toàn gắn liền với cột sắt rất chắc chắn ở bên trên. Bác còn đội mũ bảo hộ, đeo khẩu trang để bảo vệ tốt nhất cho cơ thể. Bên cạnh bác là một thùng vôi vữa được pha sẵn, một cái bay, một chồng gạch lớn và rất nhiều đồ lỉnh kỉnh khác.
Đầu tiên, bác lấy bay xúc một ít vữa đổ lên bức tường gạch vừa xây rồi tán sang xung quanh cho thật đều. Sau đó bác chọn lấy một viên gạch đỏ nâu đặt lên trên một cách rất ngay ngắn, thẳng hàng theo đúng thứ tự, không lệch chút nào so với khuôn. Đặt vào đúng vị trí rồi, bác quay đầu cán của chiếc bay, gõ thật mạnh vào viên gạch mấy lần để viêm gạch dính chặt vào với vữa, liền với bức tường thành một thể thống nhất. Cứ như vậy, chẳng bao lâu mà cả một bức tường được xây cao lên hẳn, cao lớn và thẳng tắp. Những viên gạch xếp so le nhau theo đúng hàng lối, thứ tự trông rất bắt mắt, như thể bức tranh của một người nghệ nhân. Bác làm việc rất nhanh, thoăn thoắt và thành thạo vô cùng. Nhìn bác làm việc, em cứ liên tưởng đến những người máy được lắp đặt sẵn để làm việc, vừa chuẩn lại vừa nhanh, không biết mệt mỏi.
Thợ xây là một nghề đáng được trân trọng. Bác thợ xây đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để xây lên những tòa nhà, những công trình để đời. Nhờ có họ mà biết bao những công trình to lớn kì vĩ mới được dựng lên, sánh cùng muôn vàn trăng sao. Hình ảnh người thợ xây đang việc cống hiến cho đời là tấm gương cho chúng em nỗ lực mỗi ngày đi lên không ngừng.
2. Bài văn mẫu số 2
Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, trên công trường xây đựng, mọi người nhộn nhịp trong một ngày lao động mới. Có một bác công nhân bước lên giàn giáo với một nụ cười tươi rói trên môi làm em nhớ mãi.
Bác tên là gì nhỉ? Em cũng không biết nữa. Chỉ thấy một thân hình vạm vỡ, cân đối đang bước lên giàn giáo. Lúc này, bình minh vừa hé rạng làm cho thân hình bác càng thêm nổi bật. Bác đứng đó với đôi chân vững chắc, tay cầm lấy một viên gạch đỏ hồng. Bác thành thục trong từng động tác đến tuyệt vời. Vừa dùng tay trát xi măng, bác vừa khẽ huýt sáo một điệu nhạc êm đềm, trông bác rất yêu đời.
Đôi mắc bác ánh lên niềm tin và nghị lực. Nắng vàng rực rỡ. Những làn mây trắng thong thả lượn lờ như muốn thưởng thức công trinh của bác. Mặt trời càng lên cao, thì bức tường của bác cũng cao dần.
Thời gian trôi qua, bác vẫn đứng đó, đôi chân giang ra trong tư thế vững chãi, đôi tay thoăn thoắt. Đẹp nhất là khi bác mỉm cười, nụ cười tươi rói, thật đáng yêu. Mái tóc vốn màu đen xanh, nay sương gió nắng mưa đã nhuộm thành nâu đỏ. Bộ quần áo bạc màu ướt đẫm mồ hôi.
Bỗng tiếng kẻng báo hiệu giờ nghỉ trưa vang lên. Mọi người lần lượt thu dọn dụng cụ, rửa chân tay chuẩn bị xuống nhà ăn. Bác công nhân của em vẫn miệt mài với công việc, số hồ đã trộn từ trước đưa lên chưa làm hết, nếu nghỉ bây giờ, số hồ còn lại ắt sẽ bị hỏng. Có lẽ nghĩ vậy mà bác cố ráng thêm ít phút nữa tận dụng hết số hồ còn mới thu dọn đồ đạc, bước xuống giàn giáo cùng anh em ăn mía.
Em chưa biết tên bác nhưng việc làm của bác đã để lại trong em một ấn tượng sâu sắc về sự tận tụy, hết mình vì công việc chung. Bác là tấm gương trong lao động cho tuổi nhỏ chúng em học tập.
3. Bài văn mẫu số 3
Hằng ngày đến trường, em đi qua một công trường đang xây dựng. Em thường bắt gặp ánh mắt vui tươi quen thuộc của chú Hưng làm nghề thợ xây.
Lần đầu tiên quen chú, em có cảm tình ngay với đôi mắt ánh lên niềm tự tin của con người nhiều nghị lực. Với thân hình khá vạm vỡ, chú khoan thai bước lên giàn giáo, bắt tay vào công việc quen thuộc hằng ngày. Chú cúi xuống xúc vữa, trải một lớp lên hàng gạch đã xây. Rồi chú cẩn thận xếp từng viên gạch màu hồng tươi lên trên. Thỉnh thoảng gặp khoảng trống cuối cùng của một hàng gạch, không đặt vừa viên gạch, chú lấy lưỡi bay chặt bớt đi. Chú dùng cán bay gõ nhẹ nhiều lần để gạch được ngay và gắn chặt vào nhau. Chú cẩn thận lấy thêm vữa lấp đầy khe và làm kĩ để vữa không rơi vãi. Đôi bàn tay thô rám của chú làm việc thật dẻo dai đều đặn và chính xác. Chú chăm chỉ làm như quên hết tiếng động ầm ĩ xung quanh. Thỉnh thoảng, chú dừng xây, lấy dây dọi xem bức tường có thẳng đứng không. Khi gạch và vữa đều hết, chú ngồi nghỉ một lát rồi gọi vọng xuống:
- Gạch!
- Vữa!
Thế là gạch được liên tiếp quăng lên. Từ trên cao, chú nhanh nhẹn bắt lấy như một thủ môn lành nghề bắt bóng, vừa bắt chú vừa xếp từng viên một cách gọn gàng ngay ngắn. Một xô vữa nặng được kéo lên và chú tiếp tục làm. Mặt trời ngày một lên cao và bức tường xây cũng mỗi lúc một cao. Chú cởi trần để lộ cái lưng to bè bóng nhẫy và hai cánh tay có bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Chú huýt sáo một điệu nhạc vui như muốn quên đi cái nắng gay gắt.
Nhìn chú làm việc khéo léo và vất vả, em ước nếu mình là họa sĩ mình sẽ vẽ một bức tranh miêu tả sự khó nhọc và nguy hiểm của người thợ đã tạo nên những ngôi nhà chọc trời, vững chãi, thách thức gió bão và thời gian. Chính những ngôi nhà ấy đã tạo nên biết bao nhiêu tổ ấm gia đinh, hạnh phúc cho mọi người, trong đó có cả em nữa. Em thầm biết ơn người thợ ấy và mong sau này có máy móc thay sức người để những chú công nhân đỡ vất vả và đỡ nguy hiểm khi đứng ở tầm cao.
4. Bài văn mẫu số 4
Hôm trước đến nhà bác em chơi đúng vào thời điểm bác em xây nhà, chợt em để ý đến một bác đang làm việc say sưa trên tầng 2. Chao ôi! Công việc của các bác thợ xây mới vất vả làm sao!
Giữa những tia nắng hạ gay gắt đang nhảy nhót tung tăng trên khắp mặt đất, bác ấy vẫn nhanh nhẹn xúc xi măng rồi trộn đều với nước. Mái tóc lòa xòa điểm đốm trắng nhuộm đẫm mồ hôi. Bác chừng hơn 40 tuổi, làn da đen sạm, những đôi môi luôn nở nụ cười rất tươi. Bác nhanh nhẹn trộn đều vừa rồi khéo léo trát lên những phần hở trên những viên gạch góc nhà, chốc chốc bác lại đưa người ra phía xa ngăm nghía cẩn thận, ưng ý rồi mới tiếp tục trát tiếp. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại, đến lúc mà lưng áo đã dẫm mồ hôi ướt sũng, chú mới ngồi nghỉ một lát, thấy em chạc tuổi con bác ở nhà, bác mới kể chuyện rằng bác đi làm vất vả như này cũng chỉ mong con bác học hành cho chăm chỉ, sau này ra ngoài xã hội kiếm một công việc nhẹ nhàng hơn để mà làm, muốn không phải làm những việc vất vả thì phải học thật giỏi, bác cũng chẳng cần gì, chỉ mong nó có một tương lai tươi sáng. Bác bảo với em rằng thực ra mỗi nghề có một vất vả riêng những quan trọng là phải tìm được niềm vui và niềm đam mê, thích nghi với nó, có thế mới có thể sống tốt giữa cuộc đời đầy chông gai chắc chở này được.
Em rất kính trọng và ấn tượng với bác thợ xây, em hứa sau này sẽ học tập thật giỏi, nghe lời bố mẹ, ngoan ngoan, tìm thấy cho mình một hướng đi thích hợp, đạt được ước mơ và đam mê của mình để trở thành người có ích cho xã hội.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------