Đề bài: Em hãy kể lại một lần nào đó em đã làm việc có lỗi với người bạn thân của mình
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Hiện nay em đã là một học sinh lớp 6, nhưng em vẫn nhớ mãi một kỉ niệm với Hùng - người bạn thân của mình từ hồi lớp 3. Bởi chính kỉ niệm lần đó, mà em đã thay đổi bản thân thành một người trung thực, chín chắn.
Hồi đó, em và Hùng vừa lên lớp 3 và cùng có đam mê bóng đá. Chúng em thường xuyên tung bóng với nhau trên sân trường. Một hôm, do không kiểm soát đúng lực, em làm bóng bay vào lớp học, làm vỡ cửa kính lớp. Ngay lập tức, thầy tổng phụ trách xuất hiện để tìm người làm hỏng cửa kính. Trên quả bóng đó, có viết rõ ràng dòng chữ Thế Hùng - chủ nhân quả bóng. Nhờ vậy mà thầy giáo nhanh chóng tìm ra và gọi Hùng lên để phạt. Khi đó, sự sợ hãi bị gọi phụ huynh, bị phạt đã lấn át tất cả, em trốn trong góc lớp nhìn HÙng một mình đi lên phòng của thầy. Hết giờ ra chơi, Hùng trở về lớp, ngồi viết bản kiểm điểm. Thấy em nhìn sang, cậu ấy nói nhỏ: “Yên tâm, tớ không khai ra cậu đâu”. Chính câu nói ấy của Hùng, đã khiến sự hối hận, ăn năn trong em bùng lên dữ dội. Bởi em đã để Hùng nhận lỗi một mình, mà cậu ấy lại chẳng trách em. Suốt tiết học sau đó, em chẳng nghe được cô giáo nói gì cả, tâm trí em cứ nghĩ về sự việc lúc nãy. Và cuối cùng em lấy hết can đảm, quyết tâm để xin cô giáo ra ngoài. Rồi em tiến thẳng về phía phòng của thầy tổng phụ trách. Nhìn gương mặt nghiêm khắc của thầy, em chợt run sợ. Nhưng nghĩ đến Hùng, em lại quyết tâm hơn. Em nghiêm túc trình bày lại sự việc cho thầy, và khẳng định rằng, quả bóng đó là do em đá. Nghe xong, thầy chăm chú nhìn em một lát rồi bật cười và nói:
- Thầy rất hài lòng khi em dám đến đây để thừa nhận sự thật với thầy. Hơn nữa, ô cửa kính đó đã bị nứt từ trước rồi, nhà trường định cuối tuần này học sinh nghỉ thì sẽ thay. Nên em yên tâm mà trở về lớp nhé.
Nghe thầy nói xong, cả người em nhẹ như đang bay trên mây. Em trở về lớp trong sự phấn khởi tột đỉnh. Đúng lúc ấy, Hùng từ trong lớp chạy ra, không cần nói gì, chỉ cần nhìn vào mắt nhau, chúng em đã hiểu ra tất cả. Rồi đột nhiên, Hùng chạy lại, ôm chầm lấy vai em và nói “Mãi là bạn nhé”. Em vui sướng khoác tay lên vai cậu ấy và gật đầu “Tất nhiên rồi”.
Sau lần đó, tình bạn giữa em và Hùng càng trở nên thân thiết và bền chặt hơn. Và chính em cũng thay đổi đến ai cũng ngỡ ngàng. Em trở nên tự tin hơn, dám nói ra sự thật, không nhút nhát hay nói dối như xưa nưa.x Những thay đổi tích cực đó chính là nhờ sức mạnh tình bạn tuyệt vời.
2. Bài văn mẫu số 2
Giờ đây sau nhiều năm trôi qua thì chính bản thân tôi mới có đủ dũng khí cũng như dám kể về những năm tháng êm đềm trôi qua của tuổi học trò kèm theo kỷ niệm khi để xảy ra một chuyện có lỗi với bạn - đây có lẽ sẽ lần đầu tiên và cũng là duy nhất nhưng đã đủ để khiến tôi phải cảm thấy hổ thẹn đến tận bây giờ. Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện đó…
Mấy năm trước đây khi tôi vừa ra khỏi tiệm net chơi game cùng với lũ bạn thân, bọn tôi bước ra ngoài đường thì gặp thằng Quy - đứa bạn cùng trường với bọn tôi. Nó đang ngồi say sưa đếm tiền với một vẻ mặt say mê, đôi mắt nó ánh lên một niềm vui vô cùng khó tả. Tôi chợt reo lên với lũ bạn: “Chắc thằng này vừa trộm tiền của bố mẹ nó đây mà!”. Rồi bọn tôi kích nhau xem đứa nào dám ra đó lấy được tiền của nó. Tất nhiên là tôi, bởi vì tôi mạnh mẽ, dũng cảm nhất trong nhóm mà. Thế là tôi chạy ngay lại giật xấp tiền trên tay của nó rồi cả bọn hò nhau chạy trốn và đem chia nhau. Rồi cho đến một hôm tôi có dịp gặp lại nó nhưng là từ đằng xa thôi.
Tôi không dám tin vào mắt mình nữa khi thằng Quy đang đứng trước một cửa hàng bán đồ chơi mà nó chỉ dám đứng nhìn qua cửa kính mà thôi. Quý còn đang cõng người anh đang bị bệnh tật thần kinh, lưng nó phải oằn xuống vì chắc không chịu nổi sức nặng quá lớn. Tôi lại gần, nấp lưng vào bức tường bên cạnh và vểnh tai lên lắng nghe: “Tiếc quá nhỉ, giá như em còn số tiền đó thì em sẽ mua cho anh chiếc xe tăng đẹp nhất ở đằng kia, nhưng không sao vì chỉ một tuần rửa chén thuê nữa thôi là em sẽ có đủ tiền để mua cho anh thôi mà”. Thằng anh cười một cách vô cùng hồn nhiên rồi nhắc lại “xe tăng, xe tăng”. Tôi đứng nép hẳn vào trong góc tường, tự dưng tôi thấy bản thân mình có tội.
Tôi bỏ chạy một mạch về nhà mà rơm rớm nước mắt, sao tôi cảm thấy xấu hổ quá! Sau đó tôi đã cố gắng dành dụm được một số tiền để trả cho Quy cũng như bù đắp được phần nào lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Sau này, tôi vẫn hay qua nhà Quy chơi, hỏi thăm về người anh bị bệnh và chia sẻ với nhau khá nhiều điều trong cuộc sống. Kể về lần lấy tiền đó cả hai cứ nhìn nhau cười mà thôi.
3. Bài văn mẫu số 3
Năm lớp 6 và lớp 7, tôi thi học sinh giỏi môn Toán toàn huyện, đều giành giải khuyến khích. Nhiều bạn đã lên tiếng chế giễu tôi là được giải “khúc khích”!
Lên lớp 8, bố mẹ tôi chuyển nhà lên thị xã. Hai chị em tôi đều chuyển đến trường mới: trường Trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão. So với các bạn trong lớp thì tôi chỉ vào loại học khá các môn Toán, còn môn Ngữ Văn và Tiếng Anh, tôi giồng mình lên mà vẫn chỉ đạt điểm trung bình. Tôi sinh ra đã luôn cảm thấy tự ti, thậm chí có lúc tỏ ra hèn nhát. Tỏng giờ học Ngữ Văn, cô giáo đưa ra câu hỏi nào tôi đều biết đáp án, nhưng tôi không dám giơ tay phát biểu. Trong những giờ sinh hoạt tổ học tập, sinh hoạt lớp, tôi ngồi im như thóc trong bồ. Các bài kiểm tra Toán, tôi chỉ được 7 hoặc 8 điểm; cô giáo dạy Văn vẫn phê là “trình bày rối” hay “chưa khoa học”. Thậm chí, có lần tôi còn làm trò cười cho cả lớp. Tôi gọi cây đàn ghi ta (lục huyền cầm) là cây đàn “chi-nha” khi làm bài văn thuyết minh.
Tôi trở nên vụng về khi bước vào phòng chức năng học vẽ, học đàn, học hát. Buổi học hôm ấy, khi các bạn kéo ra sân chơi, tôi ở lại một mình trong phòng chức năng. Không biết tôi hí hoáy thế nào mà lại làm đứt dây đàn vĩ cầm. Sự cố xảy ra, tôi vô cùng lo sợ. Tôi dặn mình: “Chẳng ai biết mình gây ra. Cứ im lặng và tỉnh bơ…”. Buổi tập hát tiếp tục. Cái Diệu kêu lên: “Đàn đứt dây rồi!”. Cô giáo dạy âm nhạc hỏi: “Ai làm đứt dây đàn?”. Nhưng tất cả đều nhìn nhau im lặng. Cô giáo tỏ ý không vui khi không ai dám nhận lỗi lầm của mình. Sau sự cố ấy, thầy chủ nhiệm lớp 8A hạ một bậc hạnh kiểm của Diệu (nhóm trưởng) và Hoàn (nhóm phó) trong đội ca vũ, từ loại tốt xuống loại khá.
Chuyện ấy làm lòng tôi day dứt mãi. Tôi trằn trọc và tự trách mình sao hèn nhát thế? Tại sao không dũng cảm tự nhận lỗi để Diệu và Hoàn mắc oan? Nhưng có lúc tôi lại nghĩ: “Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua. Nhắc lại làm chi cho mệt…”.
Lòng tự trọng đã nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi viết một bức thư dài gửi thầy chủ nhiệm nói rõ sự việc, xin nhận kỷ luật. Tôi hy vọng thầy không hạ mức hạnh kiểm của hai bạn Diệu, Hoàn...
Thầy chủ nhiệm yêu cầu gặp riêng tôi. Thầy nói về lòng tự trọng, sự hèn nhát và lòng dũng cảm. Thầy an ủi, động viên tôi. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ các bạn sẽ khinh ghét tôi, xa lánh tôi. Nhưng thật không ngờ, các bạn lại yêu mến, quý trọng tôi hơn trước. Tôi thấy tâm hồn mình thanh thản. Cuối năm học lớp 8, thi kiểm tra, tôi được năm điểm 10, xếp loại giỏi văn hóa, xếp loại tốt hạnh kiểm.
Nhớ lại kỉ niệm thời non dại ấy, bài học ngụ ngôn về chuyện “đóng đinh lên cột” mỗi lần mắc một khuyết điểm và “nhổ đinh” mỗi lần sửa chữa được một lỗi lầm ... làm tôi cứ nao lòng.
4. Bài văn mẫu số 4
Em có một người bạn rất thân tên là Tâm. từ lúc quen nhau đến bây giờ, chúng em luôn vui chơi cùng nhau. Vì vậy, chúng em có rất nhiều kỉ niệm, vui có buồn có. Nhưng em nhớ nhất, là một lần em lỡ làm chuyện có lỗi với Tâm. Điều đó khiến em day dứt mãi không thôi.
Hồi đó, chúng em mới học lớp 2. Tâm là một cô gái hiền lành ít nói, còn em lại rất năng động, nghịch ngợm và hay đùa dai. Chính vì tính cách đó mà không ít lần em bị thầy cô, bạn bè phê bình nhưng mãi vẫn không sửa được.
Một hôm, khi đang đi trên sân trường, em nhìn thấy Linh đang cúi đầu đi ở phía trước, tập trung vô cùng. Thế là em rón rén tiến lại phía sau lưng, rồi hét to lên một tiếng “Òa…”. Tâm giật mình đến ngã ra đất và làm rơi một chiếc bình hoa trên đất, vỡ tan tành. Nhìn từng mảnh vỡ đó, Tâm oa lên khóc nức nở. Giây phút đó, em vô cùng bối rối và hối hận về hành động của mình. Đúng lúc em chưa biết làm sao, thì Tâm đã giận dỗi bỏ về nhà. Suốt mấy ngày sau đó, cậu ấy chẳng để ý hay nói gì với em cả. Dù em có tìm mọi cách để gây chú ý.
Vậy là, ngày hôm sau em đã đem tất cả tiền dành dụm của mình đi mua một chiếc bình hoa giống chiếc hôm đấy bị vỡ. Khi em mang bình đến nhà Tâm, tự nhiên cậu ấy bật khóc rồi ôm chầm lấy em. Rồi bảo:
- Tớ giận cậu là vì cậu hay đùa giai, không đúng thời điểm và không chịu xin lỗi, chứ đâu phải vì cái bình hoa đâu…
Nghe vậy, em liền hiểu được tấm lòng của Tâm. Thế là, em nghiêm túc xin lỗi Tâm và hứa sau này không tái phạm nữa.
Chính sự kiện lần đó, đã làm em quyết tâm sửa đổi tính cách của mình. Nhờ vậy mà em được thầy cô, bạn bè quý mến hơn. Và tất nhiên đến bây giờ, em và Tâm vẫn là những người bạn thân thiết của nhau. Chiếc bình hoa hôm ấy, cũng được Tâm đặt ở vị trí đẹp nhất ở bàn học, suốt bao năm qua chưa từng thay đổi. Chính chiếc bình đó luôn nhắc nhở em về lỗi lầm hồi đó để luôn nhắc nhở bản thân không được tái phạm thêm lần nữa.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------