Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả hình ảnh người thân khi đang làm việc
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Hôm nay trời chuyển giông, bên ngọn đèn dầu, mẹ cặm cụi ngồi may cho xong chiếc áo trắng để mai em có áo đi học.
Trời đêm lạnh, thế mà mẹ vẫn cứ thức để làm cho xong chiếc áo trắng. Ngoài trời gió rít, sấm nổ ầm ầm, mưa càng nặng hạt. Mưa rơi trên mái tôn nghe lộp độp. Phía sau nhà gió thổi luỹ tre chạm vào nhau cót két. Em đang thiu thiu ngủ chợt nhớ tới mẹ. Vì khi trời vừa sập tối, em trở bệnh cúm nên vào ngủ trước. Lúc này trời tối đen như mực, không còn thấy một vật gì nữa.
Bên ngọn đèn dầu mờ ảo mẹ đang chăm chú may. Mẹ ngồi trên giường cạnh nơi em đang nằm. Đôi chân mẹ khoanh tròn lại trông thật là oai! Mẹ cầm chiếc áo trắng đặt trên đầu gối xâu kim xong, mẹ bắt đầu may. Tay phải mẹ cầm lấy kim, tay trái mẹ cầm múi vải. Đôi tay cứ đưa lên đưa xuống theo nhịp khâu. Cái lưng mẹ khom khom, thỉnh thoảng mẹ lại lấy tay vuốt phẳng mặt vải để may. Chợt mẹ cười khúc khích, em cứ tưởng rằng mẹ em biết em thức. Nhưng mẹ lại im lặng khiến em mỉm cười gọi thầm trong lòng: "Mẹ ơi, con gái mẹ đây!”.
Thấy chiếc chăn tuột khỏi người em, mẹ lại cẩn thận giũ ra rồi đắp lại cho em. Lúc này em như được tiếp thêm hơi ấm của mẹ. Mái tóc của mẹ buông xoã xuống, trông mặt mẹ càng hiền từ biết bao. Ôi! Em muốn ngồi dậy để được làm cùng mẹ. Em không sao chợp mắt được vì những câu hỏi cứ dồn dập tới: “Mẹ nghĩ gì thế nhỉ? Mẹ thức khuya thế có mệt không?”. Cây tre đầu hè sà vào bên cửa sổ như muốn trả lời: “Mẹ nghĩ về em đó, nên mẹ chẳng mệt đâu”. Chiếc áo sắp được hoàn thành thì trời đã khuya.
Sáng dậy em mặc vào như mặc bao tình thương của mẹ. Mẹ đã thức gần trắng một đêm để làm xong chiếc áo cho em. Có áo đẹp đi học. Mẹ đã không quản vất vả để chăm lo cho em trong mọi sinh hoạt, học tập cùng như nhu cầu cuộc sống. “Mẹ làm gì nhiều cho vất vả?” - Có một buổi em hỏi mẹ như thế, mẹ đáp: “Hôm nay mẹ vất vả nhưng mai sau con sung sướng”. Qua câu trả lời của mẹ, em càng tự hứa với lòng mình học tập thật giỏi, lao động thật tốt để không phụ công lao nuôi dạy của bố, mẹ và của các thầy giáo, cô giáo.
2. Bài văn mẫu số 2
Trong gia đình em mẹ là người quán xuyến tất cả mọi việc. Từ nấu cơm đến dọn dẹp nhà cửa. Nhờ có mẹ mà nhà em lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ.
Mẹ em năm nay đã gần 40 tuổi. Mẹ không cao, dáng người hơi đậm nhưng di chuyển rất nhanh và hoạt bát. Đôi tay mẹ hơi thô ráp nó không còn mềm mại như thời còn con gái do mẹ phải chăm lo cho gia đình nhiều. Mẹ là mẫu người phụ nữ chăm chỉ. Nhà chỉ cần hơi bụi, hơi bẩn một chút thôi là mẹ sẽ lấy rẻ lau nhà ra lau chùi. Mỗi lần mẹ lau dọn nhà cửa, mẹ lại búi gọn mái tóc xoăn dài của mình ra sau gáy để lộ khuôn mặt tròn trịa. Đôi mắt mẹ đen láy và rất tinh anh.Chỉ nhìn lướt qua mẹ đã thấy chỗ nào bẩn, chỗ nào bụi để lau chùi. Khi mẹ em dọn nhà mẹ rất cẩn thận và tỉ mỉ. Mẹ dùng rẻ lau từ đầu nhà tới cuối nhà. Không bỏ sót một chỗ. Mỗi khi mẹ lau xong nhà em trông như mới hẳn lại còn ngào ngạt hương thơm của nước lau nhà. Rồi mẹ giặt rẻ đi lau bàn ghế. Mẹ lật từng miếng đệm lót ghế lên, lau cẩn thận bên dưới ghế, không để lại một hạt bụi nào.
Những công việc nhà mẹ làm đều là những công việc không tên, dù chẳng ai công nhận hay tuyên dương mẹ. Nhưng em biết đó là những công việc khiến mẹ rất tốn công tốn sức. Em lại càng thương mẹ hơn. Ngày nào mẹ cũng làm những công việc này mà chẳng bao giờ mẹ kêu than gì cả. Có những hôm, mẹ đi làm cả ngày về, sau khi vào bếp nấu bữa tối, mẹ lại đi dọn dẹp nhà cửa. Mẹ cứ luôn chân luôn tay như vậy cho tới khi tối muộn mẹ mới đi nghỉ. Khi dọn xong em còn thấy được sự mãn nguyện, vui vẻ của mẹ khi mà ngôi nhà đã trở nên sạch sẽ và gọn gàng. Mẹ em thường bảo: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm”. Nên phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để cho nhà cửa luôn sạch đẹp. Người khác vào chơi cũng sẽ không cười nhà mình.
Em rất thương mẹ. Em tự hứa sẽ giúp mẹ nhiều hơn trong việc nhà. Còn nhỏ thì làm việc nhỏ, khi lớn sẽ làm việc lớn. Nhất định em sẽ giúp đỡ mẹ nhiều hơn để cho mẹ đỡ vất vả và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.
3. Bài văn mẫu số 3
Cuối tuần này, bố em được nghỉ nên quyết định chuẩn bị dụng cụ và nguyên vật liệu để xây một chiếc bể nhỏ làm nhà cho chú rùa nước, em đang nuôi.
Sau khi đã quét dọn sạch sẽ một góc sân, bố dùng xẻng trộn cát, xi măng và nước với nhau thành một hỗn hợp deo dẻo màu xám mà mọi người vẫn gọi là vữa. Trộn xong bố dùng con dao xây xúc một ít vữa phủ đều lên mặt xi măng đã vạch sẵn. Sau đó, bố lấy tay trái nhặt một viên gạch lỗ xếp cạnh đó đặt ngay ngắn lên chỗ vữa vừa rải. Một tay giữ viên gạch, tay kia bố dùng cán dao xây gõ nhè nhẹ vào thân gạch cho chắc. Sau cùng, bố nhẹ nhàng lướt hông dao gạt những chỗ vữa thừa nhô ra. Cứ thế lặp đi lặp lại. Chỉ một loáng, bố em đã xây được hàng gạch đầu tiên dài khoảng một mét. Lúc này bố chuyển sang hàng gạch thứ hai. Để cho chắc chắn, bố đặt viên gạch đầu hàng hai so le với viên gạch đầu hàng một. Rồi tiếp tục tìm một mẩu gạch vỡ, bố dùng dao xây gọt tỉa cho vừa khít chỗ hở với hàng đầu. Trông cách bố làm cứ như một bác thợ xây thực thụ. Đôi tay bố đưa lên đưa xuống thoăn thoắt, nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng rất chuyên nghiệp, bố rút trong túi ra một chiếc dây rọi làm bằng dây bao xi măng và cục sỏi buộc ở đầu để kiểm tra độ thẳng của bức tường đang xây. Tay giơ ngang tầm mắt, bố nheo mắt nhìn rồi mỉm cười hài lòng với thành quả lao động của mình...
Đến gần trưa, chiếc bể tí hon đã gần xong, chỉ chờ chiều gạch khô, bố trát một lớp vữa nữa là chú rùa nước của em đã có một ngôi nhà mới xinh xắn và đẹp đẽ.
4. Bài văn mẫu số 4
Từ nhỏ em đã sống chung với ông nên em được bên cạnh ông và có thời gian chơi với ông mỗi ngày. Lúc trước ông em là một giáo viên nhưng nay đã về hưu, vậy mà ông cũng chẳng lúc nào rảnh rỗi vì ông trồng cả một vườn cây kiểng. Em rất thích xem ông chăm sóc vườn kiểng xinh đẹp.
Ngày xưa ông là giáo viên dạy toán nên bây giờ làm vườn ông cũng tính toán tỉ mỉ và chú đáo. Khu vườn của ông có rất nhiều loại cây. Phía trước là khu vực ông trống những cây kiểng lớn như mai vàng, nguyệt quế, phát tài, ông còn trồng thêm khóm hoa hướng dương ở trước nhà. Ngay cổng rào ông đặt biệt trồng hai chậu hoa giấy. Bên hông nhà, ông trồng các loại cây ăn trái như ổi, xoài, mận..phía sau một khoảnh đất nhỏ, ông lên luống cao để trồng rau xanh. Trồng nhiều như thế nên em thấy ông bận bịu với công việc suốt cả ngày. Sáng thức dậy, ông pha ấm trà rồi rảo bước ra vườn rau để bắt sâu. Ông nhổ từng bụi cỏ, vun từng gốc cây, những nhánh hành, ngò ngã rạp vì sau một đêm mưa được ông nâng lên nhẹ nhàng. Ông lựa chỗ rau cao lớn nhất nhổ một ít để sáng cho mẹ em nấu canh cua. Xong việc, ông múc lu nước mưa sau hè rửa tay rồi vào nhà uống nước trà. Mẹ mang thức ăn sáng mời ông và cả nhà, ông vui vẻ ăn và trò chuyện cùng mọi người. Hôm nay là chủ nhật nên cả nhà em sẽ cùng đi thăm mộ bà. Ông vào nhà lấy kéo tỉa, thang và dao để tỉa lại những cành cây lớn. Ông cầm kéo chắc chắn rồi tỉa thật nhanh cây vạn tế. Lúc trước cây rất um tùm và không có kiểu dáng gì, nhờ vào đôi tay khéo léo của ông mà giờ cây đã trở thành một cây bonsai giá trị. Ông tỉa uốn nhiều hình thù khác nhau cho cây. Có cây ông tỉa chúng thành cây đàn, có cây ông uốn thành con voi ngộ nghĩnh. Ông bảo em rằng “chăm sóc cây cũng như dạy dỗ một đứa trẻ, phải kiên trì uốn nắn từng chút một và điều quan trọng là phải yêu thương chúng”. Ông bắt thang để chặt bớt những nhánh cây ổi cao. Ông bọc lại những trái xoài già để tránh lũ chim đến ăn mất. Vì đêm qua trời mưa nên ông không tưới nước cho cây. Tỉa cây xong, ông đến khóm hoa hướng dương, đây là khóm hoa ông dành nhiều thời gian chăm sóc. Nhìn bàn tay gầy guộc của ông nâng niu từng bông hoa, em cảm thầy ông như một người nghệ sĩ tài hoa. Ông đỡ những nhánh hoa lớn ngã xuống và cắt bớt lá để cây đủ dinh dưỡng. Xong mọi việc, ông cắt một bó hoa hướng dương đẹp nhất để viếng mộ bà vì bà thích nhất hoa này.
Ông không chỉ là người em kính yêu mà còn là người dạy cho em nhiều bài học quý. Nhờ ông mà em có khu vườn trong xanh để chơi đùa, có trái ngon để ăn. KHông chỉ thế em còn học được ở ông tính kiên trì, nhẫn nại và khéo léo. Em mong sau ông khỏe mạnh, sống lâu để em có thể nhìn thấy ông chăm sóc khu vườn mỗi ngày.
5. Bài văn mẫu số 5
Ông em là người say mê sách báo. Ông có một tủ sách lớn chiếm gần hết một bức tường phòng làm việc chung của gia đình. Sáng nào, ông em cũng đọc báo.
Ông em đã bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn phong độ, khoẻ mạnh lắm. Da ông hồng hào dù có nhiều nếp nhăn đùn lại ở đuôi mắt, khoé miệng. Tóc ông đã có nhiều sợi bạc và dù đã già, làn tóc xoăn tự nhiên của ông vẫn gợn sóng, rũ loà xoà xuống vầng trán rộng. Tia mắt ông ấm áp, vui vẻ, có chút dí dỏm, trào lộng nên nhìn cứ như mắt biết cười. Lông mày ông to như con tằm, hơi cong cong làm cho đôi mắt của ông dịu dàng hẳn đi.
Buổi sáng mát mẻ dễ chịu. Ông tập thể dục, ăn sáng xong là ngồi vào ghế tựa đọc báo. Báo ông đọc là báo Công an Thành phố. Ông đeo kính vào, chăm chú xem trang bìa rồi bắt đầu đọc từng trang bên trong. Thỉnh thoảng, đôi kính trắng trễ xuống mũi, ông lại lấy ngón tay trỏ đẩy kính lên. Ông đưa mắt xem hình minh hoạ của các báo, gật gù biểu đồng tình. Khi ông đọc báo, phòng làm việc phải được giữ yên lặng. Chúng em vào phòng phải đi nhẹ nhàng, rón rén. Ông đọc hết từng trang báo, có lúc đọc nhanh phía sau, có lúc gật gù, có lúc chặc lưỡi lắc đầu. Khi ông đọc báo xong, ông để tờ báo lên bàn rồi nói với cả nhà: “Hôm nay, báo có nhiều tin hay đấy. Ông để báo trên bàn. Hồi nào các con thích xem thì xem nhé!”. Đáp lại lời ông thường lệ là mẹ thưa: “Dạ, con cảm ơn ba.”.
Ông vui vẻ đi ra hiên nhà ngắm mấy chậu hoa cảnh. Nắng lên cao một chút chiếu sáng loá mái tóc bạc của ông. Giữa những chậu cảnh, ông em ung dung, thư thái làm sao!
Đọc báo là thói quen tốt. Đọc báo hằng ngày giúp em cập nhật trông tin về nhiều mặt. Ở gia đình em, sau khi ông em đọc báo xong đến ba mẹ em đọc, sau rốt là hai anh em em. Ông em thích đọc báo và em cũng thích ngắm ông lúc ông đọc báo. Em yêu ông thật nhiều và mong ông khoẻ, sống lâu trăm tuổi. Lúc ấy ông già nhiều đi, em sẽ đọc báo cho ông nghe.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------