Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết - Văn mẫu lớp 4

Đề bài: Em hãy kể về câu chuyện một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết dưới dạng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Trong dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3 vừa qua, em được ba cho đi xem Hội khoẻ của thanh niên thành phố, tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Rất nhiều tiết mục hấp dẫn như Vovinam, vật tự do, Karate, bóng bàn, bóng chuyền, cử tạ... nhưng em thích nhất vẫn là môn cử tạ. Vận động viên Huỳnh Quốc Long đã xứng đáng đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi này.

Sau lời giới thiệu của ban tổ chức, lực sĩ Long bước ra sàn đấu giữa tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Anh rất trẻ, chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Mái tóc đen hớt cao làm tăng thêm vẻ cương nghị của gương mặt chữ điền. Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện rất dễ gần.

Lực sĩ Long có một thân hình rất đẹp. Anh cao khoảng một mét bảy, nặng hơn bẩy mươi kí lô. Vai rộng, ngực nở, chân tay nổi bắp thịt cuồn cuộn trông mới khoẻ mạnh làm sao! Nước da nâu bóng khiến cho anh trông giống như một pho tượng đồng đen sừng sững.

Lực sĩ khẽ nghiêng mình cúi chào khán giả rồi bắt đầu bài thỉ đấu của mình. Anh choãi chân, lấy thế đứng vững vàng rồi cúi xuống nâng tạ. Vài giây trôi qua, cả ngàn ánh mắt hồi hộp theo dõi từng động tác của anh. Bất ngờ anh nâng bổng hai quả tạ sắt nặng hàng trăm kí giơ cao quá đầu một cách nhẹ nhàng giữa tiếng reo hò khen ngợi và tiếng hoan hô như sấm động. Một số khán giả ùa lên chúc mừng và tặng anh những bó hoa tươi. Gương mặt lực sĩ rạng rỡ một niềm hạnh phúc.

Có được thành công hôm nay, chắc chắn lực sĩ đã phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu dài. Ngắm nhìn anh, em ao ước ngày mai lớn lên. em cũng sẽ có được một thân hình và một sức khoẻ như thế. Điều đó chẳng dễ dàng gì nhưng ông cha ta đã dạy: Có chí thì nên.

2. Bài văn mẫu số 2

Năm học vừa qua, em được học chung với bạn Huyên. Sang năm lớp Bốn, gia đình bạn ấy tái định cư sang nơi khác, bạn ấy phải chuyển trường gần nơi sinh sống. Thật tiếc, nhưng em vẫn không thể nào quên người bạn dễ thương và rất có tài ấy.

Gia cảnh bạn Huyên cũng bình thường như bao gia đình khác. Mẹ của bạn là giáo viên, còn bố làm công nhân tại một nhà máy sản xuất nước đá tinh khiết. Từ nhỏ, bạn bị một tật bẩm sinh là phát âm hơi khó nghe do lưỡi ngắn hơn bình thường. Bạn ấy có vóc người mảnh khảnh với khuôn mặt khôi ngô cùng đôi mắt sáng, lộ vẻ thông minh. Biết mình có khuyết điểm nên bạn luôn cố gắng rèn luyện. Kiên trì từ năm lớp Một đến lớp Ba, kết quả thu được rất khả quan. Bạn đọc rành rọt, trôi chảy cả một bài văn. Các thầy cô đều khen bạn ấy. Bạn Huyên có một trí tuệ minh mẫn, tính toán rất nhạy bén. Bạn đã có tên trong danh sách vận động viên cờ tướng của trường.

Hằng ngày, sau giờ tự học, bạn ấy thường mở vi tính để chơi cờ cùng với máy. Ban đầu, bạn ấy thắng phân nửa số ván cờ. Về sau, bạn ấy thắng tuyệt đối. Bố bạn đã giúp bạn nâng cao trình độ hơn qua việc cài đặt những ván cờ ở cấp độ cao. Trong trường, không ai là đối thủ của bạn Huyên cả.

Từng nước cờ bạn ấy đi rất chuẩn, rõ ràng, thông thoáng trong cả công lần thủ. Đôi khi bạn ấy cùng chỉ cho em vài câu ngắn gọn nhưng áp dụng rất hiệu quả vào cờ tướng: khuyết sĩ kị song xa, tiền mã hậu pháp. Đặc biệt, khi chơi cờ tướng phải tập tính kiên nhẫn, chịu khó suy nghĩ từng lối đi cách đánh của ta lần cả đối phương.

Một người bạn có tài, tính tình lại dễ thương, rất gần gũi với bạn bè. Em luôn nhớ và cố gắng học tập theo gương bạn Huyên.

3. Bài văn mẫu số 3

Có một lần, xem chương trình trên kênh Bến Tre, em vô cùng khâm phục một người có khả năng đặc biệt.

Đó là một người chơi đàn ghi ta trên sân khấu nhưng anh là một người khuyết tật. Tay phải của anh không có. Anh phải đeo cây đàn lên vai và chỉ chơi đàn bằng tay trái. Anh dành ra một ngón của bàn tay trái để bật dây đàn, còn những ngón khác thì bấm phím. Ấy thế mà tiếng đàn của anh vẫn vang lên đầm ấm, ngọt ngào, truyền cảm làm cho những tiếng hát của nhóm tốp ca thêm bay bổng.

Nhìn anh chơi đàn hào hứng, say sưa, em vô cùng khâm phục ý chí và nghị lực của anh. Chắc chắn là anh đã phải mất rất nhiều công sức, đã phải nỗ lực vượt qua chính mình để tập đàn mới có được những thành công đáng khâm phục như vậy.

4. Bài văn mẫu số 4

Các bạn sẽ bán tín bán nghi khi nghe tôi kể câu chuyện về cậu bé Hà ở ngay quê nội tôi mà tôi đã chứng kiến trong dịp về quê ăn Tết năm Ất Dậu vừa qua. Chuyện có thật một trăm phần trăm, không bia một tí nào.

Ba mẹ Hà vốn là những người thuần túy làm nông. Hà là đứa con duy nhất trong gia đình. Năm nay cậu vừa tròn 7 tuổi, đang học lớp Hại ở trường làng. Năng khiếu toán học của cậu xuất hiện từ khi cậu vào lớp Một, đặc biệt là phép tính nhẩm cộng trừ. Hồi học lớp Một, cô giáo Hạnh đã phải kinh ngạc về tài tính nhẩm của cậu. Những phép tính cộng trừ trong phạm vi một trăm mà cô thường ra cho lớp thường ngày, cậu đều giải bằng miệng trong khoảnh khắc. Cô ra các bài toán trên bảng, vừa viết xong thì cậu đã có đáp số ngay mà không cần đặt bút tính toán. Chẳng những thế cậu còn làm nhanh và làm đúng những phép tính ấy trong phạm vi 1000. Tin loan truyền ra đến toàn trường rồi toàn huyện. Nhiều nhà báo của địa phương và cả trung ương nữa đến tận nhà để kiểm nghiệm. Mọi người đều ngạc nhiên trước năng khiếu đặc biệt này của cậu. Hơn thế nữa cậu còn tính đúng và tính nhanh những bài toán cộng trừ phức tạp mà các nhà báo đưa ra gồm 1 dãy số trong phạm vi 1000 để kiểm nghiệm chứng thực. Cậu không đặt bút tính toán mà chỉ ngồi tư lự, nhắm mắt, rồi nhẩm tính bằng những cử động của hai bàn tay. Chưa đầy 30 giây, cậu đã cho ra đáp số. Nhà báo hỏi làm bằng cách nào mà cháu cho ra đáp số đúng và nhanh như vậy. Cậu chỉ tủm tỉm cười mà không nói.

Nghe đâu, người ta đang có kế hoạch đưa cậu vào trường bồi dưỡng nhân tài đặc biệt, chỉ có một thầy và vài trò do một giáo sư toán học bồi dưỡng riêng về môn Toán, Nguyễn Việt Hà có tên “Hà thần đồng” từ đây.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?