Đề bài: Hãy kể về những đổi mới ở địa phương em mà em đã quan sát được dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Phải công nhận, mấy năm qua, quê em đổi mới nhanh chóng đến không ngờ. Ai xa quê trên dưới năm năm nay quay trở lại chắc chắn sẽ không thể nghĩ được rằng ngôi làng nhỏ yên bình ngày xưa giờ lại đổi thay đến thế.
Đất nước mình đang nhanh chóng thay da đổi thịt. Sự lớn mạnh ấy được góp vào từ những miền quê trong đó có cả ngôi làng nhỏ bé và thân thiết của em.
Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, làng em vẫn thuần nông nghiệp. Lúc đẹp nhất là lúc nhìn đồng lúa từ bát ngát chuyển sang màu xanh vàng rồi vàng óng báo hiệu một mùa gặt mới. Lúc ấy đường làng ngõ xóm toàn bằng đất cứ mỗi lần mưa là lầy lội khiến lũ học trò bước chân đến lớp là lem lem luốc luốc toàn những bùn với đất. Cuộc sống của cha mẹ ông bà tuy yên bình nhưng lam lũ, vất vả và nghèo.
Nhưng bây giờ, câu chuyện đã rất khác xưa. Mấy năm nay nhờ sự đầu tư của tỉnh, làng em chuyển sang làm nghề thủ công. Mới đầu chỉ có vài người sau đó kéo theo cả làng rồi làng bên cạnh. Cả làng là một xưởng thủ công làm sắt và làm đồ gỗ. Hăng trăm bác nông dân nay thành những người thợ nung sắt hay thành anh thợ mộc. Đồ sắt ở làng em có uy tín trên thị trường, giá cả lại phải chăng nên người mua đông đảo lắm. Hàng làm ra đến đâu được đặt mua ngay đến đấy. Còn đồ gỗ thì tinh xảo vô cùng. Không ngờ chỉ mới được chỉ dạy và tự học mấy năm mà thanh niên làng làm nghề gỗ tinh xảo lắm. Bây giờ về làng không phải đi bằng đường đất. Những cánh đồng lúa cũng đã bị biến thành những xưởng thủ công. Nhà nhà đổ trần san sát cạnh nhau. Trong nhà đồ đạc chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ vẻ đẹp của quê em không chỉ là cánh đồng mênh mông bát ngát mà là những đôi bàn tay nghệ thuật, những bộ óc làm ăn kinh tế đầy táo bạo và đẹp ở nếp sống văn hóa phố phường.
Nhìn quê hương đi lên nhanh chóng, tụi em cũng thấy rạo rực vô cùng. Chúng em chỉ mong học hành thật tốt để nhanh chóng trở về ngày càng làm giàu đẹp cho quê hương.
2. Bài văn mẫu số 2
Bây giờ, mời mọi người hãy ghé thăm quê em, cái nôi của ngành sản xuất đồ mỹ nghệ làm từ lá băng buông, dây chuối, tre nứa. Trong mười lăm năm nay, ngành thủ công mỹ nghệ quê em thực sự chuyển mình, phát triển rất mạnh trong đời sống nhân dân.
Khởi nguồn từ một hợp tác xã nhỏ, hợp tác xã Mỹ Nghệ đã làm được chuyện lớn. Nắm vững nguồn nguyên liệu từ cây lá rừng: lát băng buông, tre nứa, tàu lá chuối, bẹ chuối, hợp tác xã Mỹ Nghệ cử xã viên đến các cơ xưởng lớn trong và ngoài nước để nghiên cứu việc sản xuất đồ tiểu thủ công từ các nguyên liệu nói trên. Thế là: nón lát, giỏ lát, làn hoa, đệm…., làm từ các nguyên liệu lá ra đời và ngày càng được phát triển một cách tinh xảo, nghệ thuật. Bạn có biết một bộ ghế sô-pha được thắt từ bẹ chuối phơi khô có giá trị bao nhiêu không? Sô-pha làm bằng bẹ chuối đánh bóng trị giá từ sáu mươi đến hai trăm triệu đồng tiền Việt Nam, một con số không thể ngờ phải không? Không chỉ dừng ở đó, sô-pha mỹ nghệ độc đáo này còn xâm nhập vào thị trường châu Âu, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho hợp tác xã và nâng cao đời sống của xã viên. Tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều làm bằng tay và vô cùng sắc sảo. Ngày nay, nếu ai đó ghé đến thăm hợp tác xã, sẽ được chứng kiến cảnh tượng làm việc tích cực của các xã viên. Trong xưởng dài, hàng trăm xã viên im lặng làm việc, họ im lặng làm việc nhưng cảnh tượng ở đây lại rất sôi động: xe bốc chở nguyên liệu đến và sản phẩm mang đi luân chuyển hằng ngày. Ngoài xã viên chính thức làm tại xương, người ta còn có thể thấy người dân còn nhận dây lát, dây chuối, tre nứa đã được qua khâu xử lý nguyên liệu, cần mẫn ngồi đan nón, đan giỏ, thắt ghế... đó là hình ảnh thường thấy ở quê em. Có khá nhiều gia đình xã viên giàu lên nhờ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Mọi người trong huyện đều đăng kí nhận nguyên liệu của hợp tác xã và gia công tại nhà ngoài nghề nghiệp chính của gia đình họ. Hợp tác xã đã đem lại cho người dân quê em một việc làm phụ ổn định, có thu nhập tốt, nâng cao đời sống hằng ngày.
Ngoài việc thêm thu nhập, nhờ nghề tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ, nghề phụ này là một môn học rèn luyện sự khéo léo, tính kiên trì sáng tạo của con người. Nó giáo dục cho người dân tính thẩm mỹ, yêu cái đẹp, yêu lao động và yêu cuộc sống. Em rất thích ngắm nhìn đôi bàn tay của người dân quê em khi họ đan nón, thắt giỏ. Em tự hào quê em là một trong những nơi nổi tiếng sản xuất hàng mỹ nghệ.
3. Bài văn mẫu số 3
Quê hương em là một vùng nông thôn mới, mọi thứ đều mới từ nhà cửa, ruộng đồng và con người. Theo tháng năm, khi đất nước thay đổi và phát triển mạnh mẽ thì ngôi làng nhỏ của em cũng có những chuyển biến đáng chú ý. Sự thay đổi đó của quê hương khiến cho những ngôi nhà, những con người như khoác thêm tấm áo mới.
Quê hương em nằm cạnh dòng sông lam hiền hòa, quanh năm lặng lẽ trôi êm đềm, ôm lấy bãi bờ xanh ngắt của nương ngô dài mênh mông. Có nhiều thứ thay đổi, nhiều thứ mới hơn nhưng dường như dòng sông ấy vẫn vậy, không thay đổi, vẫn chảy theo dòng xiết và vẫn vỗ về vào bãi bồi đầy cát trắng.
Nếu như cách đây vài năm, những con đường đất vẫn đang phổ biến, ngày nắng xe cộ qualại bụi bay mù trời; ngày mưa trơn trượt khó khăn trong việc đi lại thì hiện nay đã có những con đường bằng bê tông. Những con đường này được mở rộng ra hai bên, không chật hẹp như trước nữa. Đồng nghĩa với việc có nhiều đường mới sạch và đẹp thì cũng xuất hiện nhiều chiếc xe máy hơn là xe đạp. Những chiếc xe ga cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, gương mặt của con người cũng không còn khắc khổ nữa mà đã thanh thản và sung sướng một phần.
Trước đây hiếm lắm mới thấy xuất hiện một ngôi nhà hai tầng, nhưng hiện nay đã bắt đầu lác đác nhiều người xây dựng nhà hai tầng, thậm chí là ba tầng rất đẹp. Sự đổi thay bắ tđầu từ những con đường, những mái nhà mới hiện đại hơn. Nhiều gia đình cấp bốn nhưng cũng được xây dựng chắc chắn, kiên cố, thậm chí là đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn.
4. Bài văn mẫu số 4
Xuân Sơn là xã vùng cao thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nạn chặt phá rừng vô tổ chức trước kia làm các cánh rừng lớn trở thành đồi trọc. Mười năm trở lại đây, xã Xuân Sơn phối hợp cùng hạt kiểm lâm huyện, mở rộng chiến dịch trồng rừng, phủ xanh các vùng đồi trọc.
Từ Thành phố Nha Trang theo Quốc lộ 1A, rẽ vào hương lộ hướng Tây Bắc, chúng ta sẽ gặp xã Xuân Sơn. Cảnh quan đầu tiên đập vào mắt mọi người là các cánh rừng keo mới được trồng trên các sườn núi gần quốc lộ. Từ thuở xa xưa, nguyên các cánh rừng ấy là rừng đại ngàn, cây cối cao to. Những năm 1978, 1979, người dân phá rừng khai hoang làm nương rẫy và những người khai thác gỗ trái phép đã biến các cánh rừng đó trở nên xơ xác, trơ sườn núi đá. Rừng khô thì suối cạn, hạn hán xảy ra, lũ rừng xảy ra liên miên đe dọa đời sống của cư dân hai bên sườn núi Xuân Sơn. Ủy ban xã Xuân Sơn đã phát động nhân dân trồng cây gây rừng. Hạt kiểm lâm cung cấp cây giống, người dân được trợ cấp tiền, lương thực để trồng cây gây rừng, tái tạo lại màu xanh cho các vùng đồi trọc. Núi non bạt ngàn, rộng bát ngát mà phải trồng lại từng gốc cây khiến nhiều người dân ngần ngại. Đội lâm sản của xã di tích phong trồng trước mười hecta rừng làm thí điểm. Thấy có kết quả tốt, bà con ồ ạt đăng kí làm theo. Trong mười năm qua, xã Xuân Sơn trồng phủ kín gần hết diện tích đồi trọc, đem lại một khoản thu nhập khá ổn định cho người dân khi bán các đám rừng trồng đến mùa thu gỗ. Rừng mới trồng làm giảm đáng kể nạn phát rẫy bừa bãi.
Hôm nay, về đến xã Xuân Sơn, người ta bắt gặp nhiều hộ giàu lên nhờ trồng rừng, trồng các loại cây lấy gỗ. Xuân Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày.
Cùng với việc gìn giữ môi trường, trồng rừng là một kế hoạch rất quan trọng. Ở trường, em tham gia rất tích cực vào các phong trào cổ động cho việc giữ gìn môi trường xanh của Trái Đất. Em sẽ cố gắng trở thành chiến sĩ xuất sắc trong việc tuyên truyền chủ trương trồng cây gây rừng của Đảng và Nhà nước.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------