PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI OLIMPIC LỚP 7
ĐỨC THỌ NĂM HỌC 2018-2019
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (3 điểm)
Chủ đề của trích đoạn chèo Nỗi oan hại chồng là gì? Em hiểu như thế nào về thành ngữ Oan Thị Kính?
Câu 2: (5 điểm)
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
(Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 7, tập 1)
a. Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.
b. Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về hiệu quả nghệ thuật của các phép tu từ đó trong việc thể hiện nội dung.
Câu 3: (12 điểm)
Bản chất xấu xa của bọn phong kiến, thực dân dưới chế độ cũ (những năm đầu thế kỉ XX) qua hai văn bản Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn và Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
* LƯU Ý CHUNG:
- Giám khảo sử dụng Hướng dẫn chấm linh hoạt, chủ động, có cái nhìn toàn diện năng lực của thí sinh.
- Mỗi câu đều có những lưu ý riêng (ở phần dưới).
- Những từ, cụm từ, câu gạch chân là những ý cơ bản mà đề ra yêu cầu.
- Điểm toàn bài là 20, chi tiết 0,5.
Câu 1:
- Về kĩ năng:
- Diễn đạt đúng, trôi chảy chủ đề đoạn trích.
- Biết viết đoạn văn nghị luận giải thích rõ ràng, ngắn gọn.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Về kiến thức:
- HS thể hiện được các ý sau:
- Đoạn trích Nỗi oan hại chồng thể hiện sâu sắc mâu thuẫn giai cấp thông qua xung đột hôn nhân, gia đình mà nạn nhân trực tiếp của mâu thuẫn ấy là người phụ nữ - những con người có phẩm chất tốt đẹp nhưng lại phải gánh chịu biết bao khổ cực, oan trái. Đây là hình tượng điển hình cho thân phận ngườì phụ nữ trong xã hội phong kiến thối nát.
- Giải thích thành ngữ Oan Thị Kính:
- Thị Kính là con gái nhà nghèo, về làm dâu nhà giàu, chỉ vì vô tình mà mang tiếng giết chồng - một nỗi oan không thể gột rửa, không thể thanh minh - cuối cùng đành xuống tóc đi tu mà vẫn không thoát khỏi số phận oan nghiệt. Chỉ là nam nhi giả dạng mà lại bị khép vào án hoang thai.
- Tích truyện Quan Âm Thị Kính từ xưa đã được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Những oan trái Thị Kính mắc phải được nhân dân ta đồng cảm nên thành ngữ Oan Thị Kính (hay Oan như oan Thị Kính) được dùng để chỉ những nỗi oan ức quá mức, cùng cực, không thể giãi bày.
- HS thể hiện được các ý sau:
Câu 2:
- Về kĩ năng:
- Nhận diện được các biện pháp tu từ và đặc điểm của nó trong đoạn thơ.
- Xác định được yêu cầu của đề; biết viết đoạn văn trình bày cảm nhận (suy nghĩ, đánh giá, bàn luận…) thể hiện cảm xúc của người viết về vấn đề đề bài đặt ra; kết hợp hài hoà tình cảm và suy nghĩ.
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng; không mắc lỗi diến đạt.
- Về kiến thức:
- Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ:
- Điệp ngữ: vì . Đặc điểm: điệp ngữ cách quãng.
- Liệt kê: Vì lòng yêu Tổ quốc/ Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi cũng vì bà/ Vì tiếng gà cục tác/ Ổ trứng hồng tuổi thơ. Đặc điểm: trình bày từ khái quát đến cụ thể.
- Lưu ý: Phép liệt kê ở đây về bản chất là liệt kê theo kiểu tăng tiến - trình tự khái quát đến cụ thể cũng nhằm khắc sâu thêm lòng yêu quê hương, đất nước. Thí sinh trình bày “tăng tiến” là chấp nhận được.
- Viết đoạn văn cảm nhận:
- Những ý chính cần thể hiện:
- Xác định được vị trí, nội dung chính của đoạn thơ: Sau những kỉ niệm về bà hiện lên trong hồi tưởng, người chiến sĩ trở về với hiện tại và bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về mục đích chiến đấu.
- Điệp ngữ cách quãng “nghe” lặp lại bốn lần ở bốn dòng thơ liên tiếp gây chú ý cho người đọc, nhấn mạnh nguyên nhân chiến đấu của người chiến sĩ.
- Trở về hiện tại, người chiến sĩ nghĩ nhớ ngay đến nhiệm vụ chiến đấu và mục đích cao cả của nhiệm vụ đó. Phép liệt kê theo trình tự từ khái quát đến cụ thể đã giúp tác giả đưa ra một loạt hình ảnh gợi cảm và có hệ thống: Tổ quốc, xóm làng, bà, tiếng gà, ổ trứng. Hệ thống đó nằm trong một tập hợp mà hình ảnh sau là “tập hợp con” của hình ảnh trước. Nhờ phép liệt kê, tình cảm của tác giả vừa được thể hiện ở diện rộng vừa có chiều sâu.
- Điệp ngữ vì kết hợp phép liệt kê trên đây một cách nhuần nhuyễn không chỉ nhấn mạnh được mục đích chiến đấu mà còn lí giải một cách cảm động ngọn nguồn của lòng yêu nước, làm sáng lên một chân lí phổ biến. Liên hệ: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trẻ nên lòng yêu Tổ quốc”(I. Ê-ren-bua). Tiếng gà đã đồng vọng với tiếng của quê hương, gia đình, đất nước.
- Đoạn thơ ngắn, diễn đạt tự nhiên với việc kết hợp hai phép tu từ đã hoàn thiện mạch cảm xúc của bài thơ, làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước của nhân vật trữ tình.
- Những ý chính cần thể hiện:
- Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ:
- Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo trình tự khác, miễn là khai thác hiệu quả các phép tu từ để khám phá các giá trị của đoạn thơ, làm chủ được ngòi bút. Khuyến khích liên hệ mở rộng hợp lí, giàu cảm xúc. Cần căn cứ vào bài làm cụ thể để cho điểm.
Câu 3:
- Về kĩ năng:
- Có kĩ năng xác định yêu cầu của đề, triển khai luận điểm, luận cứ… Biết sử dụng dẫn chứng hợp lí.
- Vận dụng năng lực đọc - hiểu văn bản tự sự để khám phá hình tượng nhân vật, làm rõ luận điểm đề bài đưa ra.
- Bố cục bài làm chặt chẽ, sáng rõ, diễn đạt trôi chảy, giàu cảm xúc; không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
- Về kiến thức:
- Những ý cơ bản cần làm rõ:
- Mở bài:
- Lịch sử dân tộc bao phen phải chịu sự quấy nhiễu của thù trong giặc ngoài - bọn xâm lược và bọn tay sai bợ đỡ. Những năm đầu thế kỉ XX là thời điểm như thế.
- Bộ mặt xấu xa tàn bạo của bọn phong kiến, thực dân đã được các nhà văn ghi lại bằng ngòi bút sắc sảo của mình. Hai văn bản Sống chất mặc bay và Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đã phần nào thể hiện rõ vấn đề nêu trên.
- Thân bài:
- Bản chất xấu xa của giai cấp phong kiến:
- Dưới thời phong kiến, quan lại có trách nhiệm chăm lo cho dân như cha mẹ đối với con cái. Nhưng thực tế “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” (Ca dao).
- Truyện ngắn Sống chết mặc bay, qua hình tượng nhân vật “quan phụ mẫu” và bọn tuỳ tùng, đã chứng minh điều đó. Tóm tắt ngắn gọn sự việc: Nhà nước cử quan đến làng X. để giúp dân hộ đê…
- Công cuộc hộ đê:
- Đi hộ đê mà không xuống chỗ xung yếu để hướng dẫn, chỉ huy dân, lại ở nơi cao ráo an toàn…
- Giúp dân hộ đê mà đồ dùng thức đựng, kẻ hầu người hạ như đi hội.
- Giúp dân mà không quan tâm gì đến đê điều. Hơn thế, lại say tổ tôm…
- Thái độ vô trách nhiệm đến vô nhân đạo, phi nhân tính:
- → Trong khi quan say chơi bài trong đình bao nhiêu thì bên ngoài tính mạng nhân dân mỗi lúc một nguy cấp bấy nhiêu.
- → Hai lần có người bẩm báo tình hình nguy cấp của khúc đê, quan không những thờ ơ mà còn gắt, quát, doạ bỏ tù…
- → Sung sướng, hạnh phúc với cú ù “chi chi nảy” trong khi bên ngoài đê vỡ…
- ⇒ Quan phụ mẫu là hình ảnh tiêu biểu cho hệ thống quan lại vô trách nhiệm đến vô nhân đạo, cho toàn bộ chế độ phong kiến tàn nhẫn, thối nát thời đó.
- Bản chất trơ tráo, bỉ ổi của bọn thực dân xâm lược:
- Bọn xâm lược đứng trên bọn quan lại phong kiến. Với trí tưởng tượng phong phú và ngòi bút sắc sảo, qua truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc bóc trần bộ mặt thực dân giả dối của tên Toàn quyền Va-ren. Sự việc: rêu rao lừa phỉnh dư luận sang Đông Dương để trao tự do cho Phan Bội Châu.
- Hành trình vòng vo, giả dối của Va-ren:
- Chỉ cần một mệnh lệnh từ Pháp sang Hà Nội là đủ, nếu thật sự muốn chăm sóc Phan Bội Châu.
- Hắn đi vòng vo… “Trong khi đó, Phan Bội Châu vẫn nằm tù”.
- ⇒ Mục đích ngao du, hưởng lạc. Đi để được tiếp rước, đón mời, cung phụng…
- Cuộc chạm trán Va-ren với Phan Bội Châu:
- Tác giả bình luận “Thật là một tấn kịch!...”
- Va-ren ba hoa liên tục trong khi cụ Phan im lặng, dửng dưng.
- Cách “đem lại tự do” rất bỉ ổi: dụ dỗ, mua chuộc trắng trợn…
- Lời của hai nhân chứng nói về phản ứng của Phan Bội Châu với Va-ren cho thấy thái độ cứng rắn bất khuất của nhà cách mạng trước kẻ thù. Và, qua đó Va-ren hiện rõ hơn, thật hơn bản chất đáng bị khinh bỉ.
- ⇒ Va-ren là nhân vật đại diện cho bộ mặt, bản chất của bọn thực dân đến cướp nước ta. Tất cả những gì hắn nói và làm đều là trò lố - trò cười lố bịch.
- Nghệ thuật:
- Sống chết mặc bay sử dụng bút pháp tự sự kết hợp biểu cảm, đặc biệt là sử dụng hai biện pháp tương phản và tăng cấp để khắc hoạ bộ mặt quan lại phong kiến.
- Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu sử dụng bút pháp tự sự châm biếm, trong đó phép tương phản cũng rất hiệu quả trong việc bóc trần bản chất bọn thực dân.
- Bản chất xấu xa của giai cấp phong kiến:
- Kết bài:
- Cả hai tác giả đều thành công trong việc xây dựng những hình tượng điển hình xấu xa của bọn phong kiến, thực dân ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Đó là hình ảnh đối lập với những người dân yêu hoà bình, gan góc chống chọi với thiên nhiên nhưng đang đau khổ, lẻ loi, yếu ớt; đối lập với những chiến sĩ cách mạng yêu nước kiên cường…
- Đóng góp của hai tác phẩm.
- Mở bài:
- Lưu ý:
- Không nhất thiết yêu cầu thí sinh đạt tất cả ý chi tiết như hướng dẫn trên, căn cứ thực tế, trên thang điểm cơ bản giám khảo có thể định ra chi tiết. Tránh đếm ý cho điểm.
- Thí sinh có thể làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản hợp lí về kiến thức và kĩ năng, có sức thuyết phục Giám khảo cần cho điểm khách quan, khoa học.
- Trân trọng tố chất HSG: vững kiến thức, kĩ năng, cảm thụ sâu sắc, có gọng điệu riêng, sáng tạo…
Ngoài ra, các em có thể làm bài thi Online tại đây: