TRƯỜNG THCS HẢI AN
| ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020-2021 MÔN SINH HỌC 9 Thời gian: 150 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1: (2 điểm)
Giải thích tại sao nhiễm sắc thể được xem là cơ sở vật chất của hiện tượng di truyền ở cấp độ tế bào?
Câu 2: (2 điểm)
a. Quan hệ giữa các cá thể trong hiện tượng tự tỉa ở thực vật là mối quan hệ gì? Trong điều kiện nào hiện tượng tự tỉa diễn ra mạnh mẽ?
b. Trong thực tiễn sản xuất, cần phải làm gì để tránh sự cạnh tranh giữa các cá thể sinh vật để không làm giảm năng suất vật nuôi và cây trồng?
Câu 3: (2 điểm)
Vận dụng kiến thức về mối quan hệ giữa kiểu gen, môi trường và kiểu hình hãy phân tích vai trò của các nhân tố: “Nước, phân, cần, giống” trong việc nâng cao năng suất cây trồng, từ đó nêu ý nghĩa của việc đưa giống mới vào nông nghiệp để nâng cao năng suất lúa trong bước tiến nhảy vọt về năng suất lúa hiện nay.
Câu 4: (2 điểm)
Khối lượng một đoạn ADN là 9.105 đv.C. Đoạn ADN này gồm 2 gen cấu trúc. Gen thứ nhất dài hơn gen thứ hai 0,102 micromet.
Cho biết khối lượng phân tử trung bình của một nuclêôtit là 300 đv.C.
a. Tính chiều dài mỗi gen.
b. Tính số axit amin của mỗi phân tử prôtêin được tổng hợp từ các gen đó.
Nếu mỗi gen trên đều có 5 ribôxôm trượt một lần thì số lượt ARN vận chuyển tham gia giải mã là bao nhiêu?
Câu 5: (2 điểm)
Bệnh máu khó đông ở người gây ra do một đột biến gen lặn( h) nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X. Một người mắc bệnh máu khó đông có một người em sinh đôi bình thường:
a. Hai người sinh đôi này là sinh đôi cùng trứng hay khác trứng?
b. Người mắc bệnh này là gái hay trai? Giải thích. Viết kiểu gen của cặp sinh đôi trên và của người mẹ về bệnh máu khó đông.
c. Nếu cặp sinh đôi trên đều mắc bệnh, ta có thể suy ra họ là sinh đôi cùng trứng hay không? Giải thích.
d. Nếu cặp sinh đôi trên có cùng giới tính và cùng không mắc bệnh, làm thế nào để nhận biết họ là sinh đôi cùng trứng hay khác trứng?
ĐÁP ÁN
Câu 1:
- Nhiễm sắc thể là cấu trúc mang gen:
+ NST chứa ADN , ADN mang thông tin di truyền, gen phân bố trên NST và chiếm một vị trí nhất định
+ NST có những biến đổi về số lượng và cấu trúc gây ra những biến đổi về tính trạng. Đại bộ phận những tính trang được di truyền bởi các gen trên NST
- NST có khả năng tự nhân đôi đảm bảo ổn định vật chất di truyền qua các thế hệ.
- Sự tự nhân đôi kết hợp với sự phân ly, tổ hợp của NST và thụ tinh là cơ chế di truyền ở cấp độ tế bào ở các loài giao phối. Ở các loài sinh sản sinh dưỡng nhờ cơ chế nhân đôi và phân ly đồng đều các NST về 2 cực của tế bào là cơ chế ổn định vật chất di truyền trong một đời cá thể ở cấp độ tế bào.
Câu 2:
a. Quan hệ giữa các cá thể trong hiện tượng tự tỉa ở thực vật là mối quan hệ gì? Trong điều kiện nào hiện tượng tự tỉa diễn ra mạnh mẽ?
- Mối quan hệ cạnh tranh cùng loài và khác loài
- Hiện tượng tự tỉa của các cành cây phía dưới là do chúng nhận được ít ánh sáng nên quang hợp kém, tổng hợp ít chất hữu cơ, lượng chất hữu cơ tích lũy không đủ bù lại năng lượng tiêu hao do hô hấp.Thêm vào đó khi cây quang hợp kém thì khả năng lấy nước của cây cũng kém nên những cành ở phía dưới sẽ khô héo và rụng.
- Khi trồng cây quá dày, thiếu ánh sáng thì hiện tượng tự tỉa sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ
b. Trong thực tiễn sản xuất, cần phải làm gì để tránh sự cạnh tranh giữa các cá thể sinh vật để không làm giảm năng suất vật nuôi và cây trồng?
- Trong trồng trọt: trồng cây với mật độ thích hợp, kết hợp với tỉa thưa cây, chăm sóc đầy đủ tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt.
- Đối với chăn nuôi: khi đàn quá đông và nhu cầu về nơi ăn chỗ ở trở nên thiếu thôn, môi trường bị ô nhiễm ta cần tách đàn, cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng cùng với kết hợp vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo điều kiện cho vật nuôi phát triển.
Câu 3:
- Kiểu gen là tổ hợp toàn bộ các gen trong tế bào cơ thể.
- Kiểu hình là tổ hợp toàn bộ các tính trạng của cơ thể.
- Kiểu hình là kết quả sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.
- Ảnh hưởng của môi trường đến sự thể hiện của kiểu gen thành kiểu hình là có giới hạn. Giới hạn thường biến của tính trạng gọi là mức phản ứng được quy định bởi kiểu gen. Cho ví dụ.
- Kiểu gen (giống) quy định mức phản ứng (năng suất) của cơ thể trước môi trường, môi trường sẽ quy định kiểu hình cụ thể trong giới hạn mức phản ứng do kiểu gen quy định.
- “Nước, phân, cần, giống” chỉ là các yếu tố kỹ thuật, chỉ ảnh hưởng đến năng suất có giới hạn. Giới hạn đó được quy định bởi giống. Giống quy định giới hạn của năng suất nên muốn vượt giới hạn năng suất của giống cũ phải dùng giống mới. Do đó yếu tố giống phải là hàng đầu.
- Trong thực tiễn nông nghiệp của nước ta hiện nay sự tiến nhanh về năng suất lúa là kết quả của một cuộc cách mạng về giống trên nền tảng của việc giải quyết tốt vấn đề thủy lợi, phân bón, thâm canh tăng vụ. Việc nhập nội các giống lúa mới cải tạo các giống lúa địa phương bằng lai tạo, gây đột biến … là một việc làm có cơ sở khoa học. Biện pháp kỹ thuật sẽ quy định năng suất cụ thể trong giới hạn năng suất do giống quy định. Có giống tốt mà kỹ thuật kém, đồng ruộng không được cải tạo cũng không phát huy được hết khả năng của giống tốt
Câu 4:
a.
- Số lượng nclêôtit của đoạn ADN \(\frac{{{{9.10}^5}}}{{{{3.10}^2}}}\)= 3000
- Chiều dài đoạn ADN: \(\frac{{3000}}{2}\) x 3,4 Å = 5100 Å
- 0,102µm = 1020 Å
- Chiều dài của gen thứ hai: \(\frac{{5100 - 1020}}{2}\) = 2040 Å
- Chiều dài của gen thứ nhất: 2040 + 1020 = 3060 Å
b.
- Số nuclêôtit của mạch mã gốc của gen thứ nhất: \(\frac{{3060}}{{3,4}}\) = 900 (nuclêôtit)
- Số axit amin của phân tử prôtêin do gen thứ nhất điều khiển tổng hợp: \(\frac{{900}}{3} - 2 = 298\) (axit amin)
- Số nuclêôtit của mạch mã gốc của gen thứ hai: \(\frac{{2040}}{{3,4}}\) = 600 (nuclêôtit)
- Số axit amin của phân tử prôtêin do gen thứ nhất điều khiển tổng hợp: \(\frac{{600}}{3}\) - 2 = 198 (axit amin)
c.
- Số lượt ARN vận chuyển tham gia giải mã trên gen thứ nhất: (298 + 1) x 5 = 1495(lượt)
- Số lượt ARN vận chuyển tham gia giải mã trên gen thứ hai: (198 + 1) x 5 = 995(lượt)
Câu 5:
a. Cặp sinh đôi trên có người biểu hiện bệnh, có người bình thường, vậy kiểu gen của họ khác nhau, do đó đây là trường sinh đôi khác trứng.
b.
Quy ước gen: Nam không bệnh: XHY ; Nam bệnh: XhY
Nữ không bệnh: XHXH, XHXh; Nữ bệnh: XhXh
Đề bài không cho biết kiểu hình của bố, nên giới tính của người mắc bệnh có thể là:
- Con trai, nếu bố không biểu hiện bệnh và người mẹ mang mầm bệnh:
P XHY x XHXh
GP: XH , Y XH, Xh
F1: XHXH : XHXh : XHY : XhY (Nam bệnh)
- Con gái, nếu bố mắc bệnh máu khó đông và người mẹ mang mầm bệnh:
P XhY x XHXh
GP: Xh , Y XH, Xh
F1: XHXh : XhXh (Nữ bệnh) : XHY : XhY
c.
Theo sơ đồ thứ hai trên cặp sinh đôi khác trứng đều có thể cùng mắc bệnh, mặt khác cặp sinh đôi khác trứng có thể có cùng kiểu gen nên có thể cùng biểu hiện bệnh. do đó nếu cặp sinh đôi trên cùng mắc bệnh ta không thể suy ra họ là sinh đôi cùng trứng.
d.
Nếu cặp sinh đôi trên có cùng giới tính và cùng không mắc bệnh, muốn nhận biết họ là sinh đôi cùng trứng hay khác trứng thì ta phải dùng phương pháp nghiên cứu trẻ đồng sinh kết hợp nghiên cứu cùng một lúc một số tính trạng khác nữa:
- Nếu nhận thấy chúng có cùng nhóm máu, chiều cao, dạng tóc, màu mắt giống nhau, dễ mắc một loại bệnh nào đó thì là cặp sinh đôi cùng trứng.
- Nếu chúng có nhóm máu khác nhau, màu tóc, màu mắt khác nhau, chiều cao và thể trạng biến đổi nhiều theo với điều kiện nuôi dưỡng đồng nhất thì là cặp sinh đôi khác trứng.
---
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: