Đề thi HK2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2018-2019, Phòng GD&ĐT Huyện Vĩnh Bảo

   UBND HUYỆN VĨNH BẢO                                          ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2018-2019

   PHÒNG GIÁO & ĐÀO TẠO                                               Bài kiểm tra: NGỮ VĂN LỚP 8

 

PHẦN I (4 điểm). 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới!

“Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”. Đạo là lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người. Kẻ đi học là học điều ấy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến giờ, nền chính học đã bị thất truyền. Người ta đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, thần nịnh hót. Nước mất, nhà tan đều do những điều tệ hại ấy.

                                                (Trích  Ngữ văn 8, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam.)

Câu 1. (0.5 đ) Nêu xuất xứ của đoạn trích trên?

Câu 2. (1.5 đ) Chỉ ra nghệ thuật đặc sắc trong câu văn in đậm của phần trích trên và nêu giá trị biểu đạt của nghệ thuật đó?

Câu 3. (2.0 đ) Từ nội dung đoạn ngữ liệu trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (tối đa 1/2 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về mục đích học tập của các bạn trẻ hiện nay. Trong đoạn văn có sử dụng một câu cầu khiến (gạch chân câu cầu khiến đó).

PHẦN II (6 điểm).

Đọc đoạn trích thơ sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới!

“Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi!

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”.

(Khi con tu hú - Tố Hữu)

Câu 1 (0,5 điểm). Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Khi con tu hú”.

Câu 2 (1,5 điểm). Xác định những nét đặc sắc nghệ thuật của khổ thơ trên! Nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc.

Câu 3. Quan sát hai bức tranh và thực hiện yêu cầu ở dưới!

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1,5 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ của em về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được gợi ra từ hai bức tranh trên.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I (4 điểm). 

Câu 1.

  • HS nêu được xuất xứ cả đoạn trích với 2 ý sau:
    • Trích trong văn bản “Bàn về phép học”.
    • Của tác giả Nguyễn Thiếp.

Câu 2.

  • HS chỉ ra được biện pháp tu từ so sánh cụ thể với hình ảnh so sánh và hình ảnh được so sánh: người không học (không biết đạo) như ngọc không mài (không sáng).
  • Tác dụng:
    • Giúp người đọc nhận thức được sự học cần là cần thiết với mỗi con người: ngọc có mài mới thành đồ vật sáng, người có học mới biết đạo.
    • Việc mài ngọc cần phải kiên trì, cẩn thận, có ý chí quyết tâm ngọc mới thành đồ vật, đẹp và sáng cũng như sự học con người cần kiên trì tỷ mỉ và quyết tâm mới hiểu rõ đạo, đúng hướng...
  • Tạo nên cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn gây ấn tượng...
  • Mỗi ý cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.75 điểm của mục này.

Câu 3.

  • Hình thức, kĩ năng:
    • Đúng hình thức đoạn văn, dung lượng hợp lý (nên để HS đạt điểm tối đa).
    • Sử dụng được đúng câu cầu khiến.
  • Nội dung yêu cầu HS có những suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn về mục đích học tập của các bạn trẻ ngày nay:
    • Nhiều bạn trẻ đã xác định đúng đắn, động cơ mục đích học tập của bản thân có ý thức phấn đấu, rèn luyện:
      • Học để trau dồi trang bị tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực cho bản thân làm hành trang bước vào đời
      • Học để đem tài năng, sức trẻ ra để cống hiến làm những việc làm có ý nghĩa cho bản thân  cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước;
      • Mỗi ý cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này
    • Nhiều học sinh chưa xác định được động cơ, mục đích học tập của bản thân:
      • Nhận thức mục đích học tập còn lệch lạc, phiến diện.
      • Chưa ý thức được đầy đủ động cơ mục đích học tập của bản thân nên còn học lệch, học tủ, học đối phó, học thiếu ý chí quyết tâm, ỷ lại, chây lười.
      • Mỗi ý cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này.
    • HS xây dựng được nhận thức và hành động đúng đắn:
      • Cần có những nhận thức đúng đắn về mục đích học tập;
      • Cần xây dựng ý chí quyết tâm phấn đấu, rèn luyện.
      • Mỗi ý cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này.

PHẦN II (6 điểm). 

Câu 1.

  • HS nêu được chính xác hoàn cảnh sáng tác của bài thơ:
    • Bài thơ được viết vào năm 1939.
    • Khi đó Tố Hữu đang bị giam cầm trong nhà lao Thừa Phủ (Huế).
    • Mỗi ý cho 0.25 điểm

Câu 2.

  • HS chỉ  ra được những nét nghệ thuật tiêu biểu của khổ thơ:
    • Thể thơ lục bát, ngôn ngữ trong sáng, giản dị...
    • Sử dụng câu cảm thán!
    • Câu thơ ngắt nhịp 3/3
    • Nghệ thuật hoán dụ: Tiếng chim tu hú
    • HS cứ nêu đúng một nét nghệ thuật cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này
  • HS nêu được tác dụng của một nét nghệ đặc sắc:
    • Câu cảm thán, cách ngắt nhịp 3/3 góp phần bộc lộ tâm trạng phẫn uất cao độ của người tù, thể hiện niềm khát khao tự do mãnh liệt của tác giả.
  • Tiếng chim tu hú nghe khắc khoải, giục giã thiêu đốt, đưa người tù trở về với thực tại mất tự do, thổi bùng nỗi uất hận trong lòng người tù, thổi bùng khát khao tháo cũi, sổ lồng trở về với cuộc sống tự do, về với phong trào cách mạng;
  • Mở đầu bài thơ là tiếng chim tu hú “gọi bầy”, khép lại bài thơ là tiếng “chim tu hú ngoài trời cứ kêu” tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ.
  • Cứ nêu được tác dụng của một nét đặc sắc nghệ thuật trên nếu đủ, đúng cho 1 đểm.

Câu 3.

Đề bài yêu cầu HS quan sát bức hình gợi ý (một bức hình tiêu cực, một bức hình tích cực) và từ thực tiễn hiểu biết trong cuộc sống để có những suy nghĩ đúng đắn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khắc phục cái nhìn phiến diện chỉ thấy hiện tượng tiêu cực trong an toàn thực phẩm, đưới đây là những định hướng:

  • Hình thức và kĩ năng:
    • Tạo được bài viết có bố cục 3 phần hợp lý, chữ viết sạch đẹp, hạn chế mắc lỗi chính tả.
    • Đúng kiểu bài nghị luận xã hội về sự việc hiện tượng, lập luận thuyết phục.
    • Mức cho điểm tối thiểu là 0.5, khá là 0.75, tốt cho tối đa 1 điểm.
  • Nội dung:
    • HS mô tả lại hai bức tranh, hai mô hình sản xuất về thực phẩm.
    • Bức tranh thứ nhất
      • Đây là những hình ảnh khá quen thuộc trong thực tế cuộc sống. Khi trên thị trường thực phẩm hiện tượng thịt bẩn, rau nhiễm hóa chất, chè đầy hóa học…Và con người ta tự đối phó bằng cách “tự sản xuất, tự tiêu thụ” để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bản thân mình. Đồng thời sản xuất rau, thực phẩm sử dụng hóa chất để đem bán mà không quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là cách làm manh mún, tiêu cực bởi không cá nhân nào có khả năng tạo ra tất cả thực phẩm cần thiết cho cuộc sống.
      • Nguyên nhân: Mục đích tạo ra sản phẩm an toàn giữ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và tạo ra sản phẩm có năng xuất đem lại lợi nhuận cho gia đình mà không quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng..
      • Hậu quả: Với cách làm như vậy chẳng ai được thực phẩm an toàn cả khi lương tâm mỗi người sản xuất đều ích kỉ, vị kỉ… Họ chỉ biết ăn rau sạch còn kệ người khác hàng ngày tiêu thụ chất độc hại nhưng chẳng ngờ rằng mình hại người khác người khác lại hại mình. Người trồng rau sạch lại ăn tôm bơm hóa chất, người trồng chè sạch lại ăn thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc... Với cách sản xuất như vậy, mọi người cứ tự hại lẫn nhau bằng “thực phẩm bẩn”.
      • Cách cho điểm: Mỗi ý trên cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này.
    • Bức tranh thứ hai
      • Đây là hình ảnh về khu công nghiệp tại xã Tân Liên huyện Vĩnh Bảo cũng như nhiều mô hình sản xuất rau sạch trên thị trường thành phố Hải Phòng.
      • Mục đích: tạo ra thực phẩm sạch với năng xuất lớn vì lợi ích của cộng đồng, vì sức khỏe của mọi người;
      • Lợi ích: cách làm này đem lại công ăn việc làm cho nhiều người, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đem lại sức khỏe cho mọi người, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, mô hình, cách làm đó cần được khuyến khích, đầu tư và nhân rộng trong mọi gia đình, mọi địa phương....
      • Cách cho điêm: Mỗi ý trên cho 0.25 điểm. Tổng không quá 0.5 điểm của mục này.
    • HS liên hệ và bàn luận về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay:
      • Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đổ ruốc bằng hóa chất, bún dùng hàn the, chất tẩy trắng....
      • Sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhiều căn bệnh nguy hiểm xuất hiện: Viêm màng não, bệnh ung thư, ...gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
      • (HS có thể lấy dẫn chứng từ các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, hoặc trong thực tiễn đời sống);
      • Thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch… có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước ta;
      • Một ý khác hợp lý.
      • Mỗi ý trên cho 0.25 điểm. Tổng không quá 1 điểm của mục này.
    • Giải pháp:
      • Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội.
      • Xây dựng các mô hình trang trại sản xuất thực phẩm sạch. Đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe.
      • Tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước.
      • Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình, tẩy chay thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc;
      • Một ý khác hợp lý.
      • Cứ đạt được 01 ý cho 0.25 điểm. Tổng không quá 1 điểm.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?