PHÒNG GD&ĐT NAM TRÀ MY ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019
Bài kiểm tra: NGỮ VĂN LỚP 8
1. Đọc - hiểu văn bản (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 5:
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ !
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi. Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
Thế nó cho bắt à?
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão khóc mếu như con nít. Lão hu hu khóc…
(Ngữ Văn 8 - tập 1, trang 41,42)
Câu 1. Đoạn trích được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2. Liệt kê những từ tượng hình, tượng thanh có trong đoạn trích? Nêu tác dụng?
Câu 3. “Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão khóc mếu như con nít” Phân tích cấu tạo của câu ghép? Nêu mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép?
Câu 4. Em có nhận xét gì về tâm trạng của lão Hạc khi bán chó qua đoạn trích trên?
Câu 5. Nếu em là lão Hạc, trong tình huống đó em có nên bán con chó đi không? Vì sao?
2. Tạo lập văn bản. (5,0 điểm).
Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1. Đọc - hiểu văn bản. (5.0 điểm)
Câu 1. Trích từ văn bản “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao.
Câu 2.
- Từ tượng hình: Móm mém.
- Từ tượng thanh: Hu hu.
- Tác dụng: Mô phỏng hình dáng miệng lão Hạc khi khóc và tiếng khóc của lão qua đó gợi lên sự đau khổ của lão Hạc sau khi bán chó.
Câu 3.
- Câu ghép: Cái đầu lão/ ngoẹo về một bên và cái miệng/ móm mém của lão khóc mếu
CN VN CN VN
như con nít.
- Mối quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép là quan hệ đồng thời.
Câu 4.
- Tâm trạng của lão Hạc khi bán cậu Vàng: Buồn, đau khổ, hối hận khi bán chó.
Câu 5.
- Đáp án: Nên bán hay không nên bán đều được chấp nhận.
- Giải thích lý do nên bán hay không nên bán (GV tùy vào tính hợp lý, cách lập luận để giải thích mà ghi điểm).
2. Tạo lập văn bản. (5,0 điểm)
Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
- Yêu cầu chung:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài tự sự.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác kể, biểu cảm.
- Yêu cầu cụ thể:
- Đảm bảo cấu trúc bài tự sự: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài: nêu được vấn đề; phần thân bài: biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau; phần kết bài: nêu cảm xúc.
- Xác định đúng vấn đề tự sự: Kể lại một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
- Triển khai vấn đề cần tự sự: Nên sử dụng phương pháp kể kết hợp với yếu tố biểu cảm (tâm trạng, cảm xúc của em khi giúp đỡ người đó và cả cảm xúc, suy nghĩ của bản thân em, tâm trạng bố mẹ em…). Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý.
- Đó là việc gì?
- Thời gian, địa điểm?
- Gồm có những ai (tất nhiên là có em)? Có ai khác ngoài cuộc chứng kiến không?
- Người được em giúp có cảm xúc như thế nào? Điều đó làm em xúc động ra sao? Bố mẹ em vui như thế nào?
- Những điều em suy nghĩ.
- Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, bài viết với cảm xúc chân thành, sinh động, hấp dẫn người đọc.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu : Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm: