PHÒNG GD&ĐT NÔNG SƠN ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019
Bài kiểm tra: NGỮ VĂN LỚP 6
I. TRẮC NGHIỆM: 3.0 điểm ( Mỗi câu 0,25 điểm)
Học sinh đọc kỹ và trả lời bằng cách ghi lại chữ cái ở đầu câu trả lời đúng vào phiếu làm bài thi trắc nghiệm.
1. Truyện nào dưới đây thuộc truyện ngụ ngôn?
A. Thầy bói xem voi. B. Thạch Sanh. C. Treo biển. D. Sơn Tinh, Thủy Tinh.
2. Kiểu văn bản tự sự thường được dùng với mục đích nào?
A. Tái hiện trạng thái sự vật, con người. B. Trình bày diễn biến sự việc.
C. Bày tỏ tình cảm, cảm xúc. D. Giới thiệu đặc điểm, tính chất.
3. Truyện Thánh Gióng mà em đã học được, kể ở ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất số ít . B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba. D. Ngôi thứ ba số nhiều.
4. Từ “mắt” nào đưới đây không có hiện tượng chuyển nghĩa?
A. Mắt tre. B. Mắt mía C. Đau mắt. D. Quả na mở mắt.
5. Những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm… là khái niệm của từ loại nào?
A. Danh từ. B. Động từ. C. Tính từ. D. Cả A,B,C đều sai.
6. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ dấu ba chấm.
…: nhanh, gấp và có phần căng thẳng.
A. Khẩn cầu. B. Khẩn trương. C. Khẩn nài. D. Khẩn thiết.
Học sinh đọc kỹ đoạn văn và trả lời các câu hỏi từ câu 7 đến câu 12 (cách làm bài như trên)
Hai vợ chồng Sọ Dừa ở với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra thông minh khác thường, ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi. Năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Chẳng bao lâu, có chiếu nhà vua sai quan trạng đi sứ. Khi chia tay, quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến.
(Sọ Dừa, Ngữ văn 6, tập 1)
7. Từ nào dưới đây không phải là từ mượn?
A. hạnh phúc. B. đèn sách. C.trạng nguyên. D. quan trạng.
8. Câu văn nào đưới đây có chỉ từ làm trạng ngữ?
A. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi. B. Đó là một điều chắc chắn.
C. Tôi rất thích điều đó. D. Năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên.
9. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
A. Tự sự. B. Miêu tả. C. Biểu cảm. D. Nghị luận.
10. Trong các cụm từ sau, đâu là cụm động từ?
A. một hòn đá lửa. B. một con dao. C. hai quả trứng. D. sai quan trạng đi sứ.
11. Trong câu Hai vợ chồng Sọ Dừa ở với nhau rất hạnh phúc, từ “Hai” chỉ gì?
A. Số từ chỉ số lượng. B. Số từ chỉ số thứ tự.
C. Chỉ lượng ít của sự vật. D. Chỉ lượng nhiều của sự vật.
12. Chiếu: Điều vua công bố (bằng văn bản) cho dân biết.
Nghĩa của từ “chiếu” được giải thích theo cách nào?
A. Trình bày khái niệm mà từ biểu thị. B. Đưa ra từ đồng nghĩa với từ cần giải thích.
C. Đưa ra từ trái nghĩa với từ cần giải thích. D. Cả ba trường hợp trên đều sai.
II. TỰ LUẬN: 7.0 điểm
Câu 1: 2.0 điểm. Nêu ý nghĩa của truyện Ếch ngồi đáy giếng.
Câu 2: 5.0 điểm. Kể chuyện về cha ( mẹ ) của em.
------------------------HẾT-----------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM: 3.0 điểm
(Mỗi câu đúng được 0.25).
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Đáp án | A | B | C | C | A | B | B | D | A | D | A | A |
PHẦN II: TỰ LUẬN: 7.0 điểm
Câu 1: 2.0 điểm.
- Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang. (1.0đ )
- Khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo. (1.0đ)
* Lưu ý: Học sinh có thể trình bày bằng những cách khác nhau nhưng miễn sao vẫn đảm bảo được những yêu cầu trên. Học sinh viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh càng tốt.
Câu 2: 5.0 điểm
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh xác định đúng kiểu bài tự sự: Kể chuyện đời thường.
- Tự sự và bước đầu kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm để làm nên sức hấp dẫn cho câu chuyện
- Bài làm phải có bố cuc 3 phần rõ ràng, chặt chẽ.
- Lời văn trôi chảy, giàu hình ảnh, không mắc lỗi chính tả, trình bày sạch đẹp, dễ theo dõi.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở những kiến thức đã được học về kiểu bài tự sự, Học sinh kể về người cha hay người mẹ của mình; ngôi kể là ngôi thứ nhất, trình tự kể hợp lí.
- Về làm bài, học sinh cần phải đảm bảo được những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu chung về người cha (mẹ): 1.0đ
- Kể về người cha (mẹ): 3.0đ
- Hình dáng: khuôn mặt, mái tóc, dáng đi…
- Tính tình: hiền lành, quan tâm đến mọi người…
- Lời ăn tiếng nói
- Những công việc thường làm trong gia đình.
- Thái độ đối với mọi người trong gia đình, hàng xóm...
- Cảm nghĩ của em về cha (mẹ): 1.0đ
- Trên đây chỉ là những định hướng chính, trong quá trình chấm bài, giáo viên cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm để định điểm bài viết của các em sao cho chính xác, hợp lí. Điểm lẻ cho toàn bài làm tròn đến một chữ số thập phân theo đúng qui định. (Ví dụ: 6.25 = 6.3, 6.5 = 6.5, 6.75 = 6.8).