Bộ 2 đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 6 năm 2019

BỘ 2 ĐỀ KIỂM TRA 1 TIẾT HK1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 6 NĂM 2019

ĐỀ 1:

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (3,0 đ)

 - Thời gian làm bài 10 phút

Thí sinh chọn chữ cái chỉ kết quả mà em chọn là đúng và ghi vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Văn bản Sự tích Hồ Gươm có nội dung liên quan đến giai sự kiện lịch sử nào ở nước ta?

A. Chống giặc Ân

B. Chống giặc Mông-Nguyên

C. Chống giặc Minh

D. Chống giặc Thanh

Câu 2: Trong các văn bản sau, văn bản nào có nội dung đề cao ân nghĩa trong đạo làm người?

A. Thánh Gióng

B. Mẹ hiền dạy con

C. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

D. Con hổ có nghĩa

Câu 3: Văn bản nào sau đây không thuộc thể loại truyện ngụ ngôn?

A. Thầy bói xem voi

B. Ếch ngồi đáy giếng

C. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

D. Ông lão đánh cá và con cá vàng

Câu 4: Nhân vật Mã Lương trong truyện Cây bút thần thuộc kiểu nhân vật nào sau đây?

A. Nhân vật thông minh

B. Nhân vật dũng sĩ

C. Nhân vật bất hạnh

D. Nhân vật có tài năng kỳ lạ

Câu 5: Câu ca dao sau đây dùng phương thức biểu đạt nào?

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 6: Trường hợp nào dưới đây có từ tay được dùng theo nghĩa chuyển?

A. Chị ấy có tay chăn nuôi

B. Mai có đôi bàn tay rất đẹp

C. Nó vừa trao tay tôi chiếc khăn

D. Làm việc nhiều hai tay rất mỏi

Câu 7: Tập hợp các từ nào sau đây có thể đứng trước danh từ trung tâm trong cụm danh từ?

A. này, nọ, lắm

B. cả, toàn thể, mấy

C. kia, đó, những

D. các, quá, nọ

Câu 8: Từ loại nào khi làm vị ngữ cần có từ là đứng trước?

A. Danh từ

B. Động từ

C. Tính từ

D. Chỉ từ

Câu 9: Từ nào dưới đây là từ mượn gốc Hán?

A. Xà phòng

B. Cà phê

C. Đồng chí

D. Ni lông

Câu 10: Động từ nào sau đây cần có động từ khác đi kèm?

A. đọc

B. dám

C. ghét

D. đứng

Câu 11: Dòng nào dưới đây chứa những từ bổ sung cho động từ về quan hệ thời gian trong cụm động từ?

A. đừng, đang, vẫn

B. chớ, cũng, sẽ

C. đã, sẽ, đang

D. hãy, đừng, chớ

Câu 12: Thế nào là chủ đề trong văn bản?

A. Là nội dung mà văn bản biểu thị

B. Là vấn đề chủ yếu được đặt ra trong văn bản

C. Là đề tài mà văn bản thể hiện

D. Là nhân vật và sự việc được nói tới trong văn bản

II - PHẦN TỰ LUẬN: (7,0 đ)

- Thời gian làm bài 80 phút

Câu 1: (3.0 đ) Học sinh đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu a, b, c, d.

TREO BIỂN

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:

“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:

- Nhà này xưa quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá “tươi”?

Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay chữ “tươi” đi.

Hôm sau, có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

- Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”?

Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.

Cách vài hôm, lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

- Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe bay sao mà phải đề là “có bán”?

Nhà hàng nghe nói lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra biển chỉ còn có mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ trong bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ gì nữa.

Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển, nói:

- Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa?

Thế là nhà hàng cất nốt cái biển!

(Theo Trương Chính)

a) Treo biển là một truyện cười. Em hãy nêu khái niệm truyện cười.

b) Giải thích nghĩa từ bắt bẻ trong văn bản.

c) Gạch chân các cụm danh từ trong phần trích sau:

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:

d) Viết một câu hoàn chỉnh nêu nhận xét của em về nhân vật ông chủ nhà hàng trong truyện.

Câu 2: (4.0 đ)

Hãy viết bài văn tự sự kể tóm tắt một truyện cổ tích mà em biết.   

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (3,0 đ)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Đáp án C D D D C A B A C B C B

II - PHẦN TỰ LUẬN: (7,0 đ)

Câu 1: (3,0 đ)

a) Khái niệm truyện cười: loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. (0,5 đ)

b) Bắt bẻ: vặn hỏi, gây khó khăn cho người bị hỏi. (0,5 đ)

c) Gạch chân các cụm danh từ (1,0 đ)

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng

(Xác định đúng mỗi cụm danh từ 0,5 đ)

  • Một cửa hàng bán cá
  • Mấy chữ to tướng

d) Học sinh viết được 1 câu nêu nhận xét về chủ nhà hàng (có thể nêu câu: Ông chủ nhà hàng là người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe những ý kiến khác) (1,0đ)

Câu 2: (4,0 đ)

Viết bài văn kể tóm tắt một câu chuyện cổ tích.

1. Yêu cầu:

a) Hình thức: Học sinh viết được một bài văn tự sự có bố cục rõ ràng; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu; không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả ...

b) Nội dung: kể tóm tắt một câu chuyện cổ tích.

2. Tiêu chuẩn cho điểm:

  • Mở bài (0,5 đ): Giới thiệu câu chuyện
  • Thân bài (3,0 đ) Kể diễn biến câu chuyện
    • Câu chuyện mở đầu như thế nào? (0,5 đ)
    • Các sự việc phát triển ra sao? (2,0 đ)
    • Kể kết thúc câu chuyện (0,5 đ)
  • Kết bài (0,5đ): Ý nghĩa của câu chuyện
  • Lưu ý: Do đặc trưng bộ môn Ngữ văn, giáo viên cần vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm; nên khuyến khích những bài làm sáng tạo.

ĐỀ 2:

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (3,0 đ)

- Thời gian làm bài 10 phút

Thí sinh chọn chữ cái chỉ kết quả mà em chọn là đúng và ghi vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Văn bản nào sau đây cùng thể loại với truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh?

A. Thánh Gióng                    C. Em bé thông minh

B. Thạch Sanh                       D. Ếch ngồi đáy giếng

Câu 2: Dòng nào sau đây là đặc điểm riêng của thể loại truyền thuyết?

A. là loại truyện dân gian               C. nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử

B. có yếu tố tưởng tượng, kì ảo    D. có yếu tố gây cười

Câu 3: “Đề cao trí khôn dân gian, kinh nghiệm đời sống dân gian” là ý nghĩa của truyện nào sau đây?

A. Thạch Sanh                       C. Ếch ngồi đáy giếng

B. Em bé thông minh          D. Thầy bói xem voi

Câu 4: “Cụ tổ bên ngoại của Trừng, người họ Phạm, huý là Bân, có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh để phụng sự Trần Anh Vương”. Câu văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chủ yếu nào?

A. tự sự                                  C. biểu cảm

B. miêu tả                              D. nghị luận

Câu 5: Dòng nào sau đây chứa toàn từ mượn tiếng Hán?

A. kĩ sư, giáo viên, bác sĩ                C. phẩu thuật, ẩm thực, ki-lô-gam

B. ô tô, phi cơ, tivi                           D. cầu hôn, trẻ em, phụ nữ

Câu 6: Câu nào sau đây mắc phải lỗi dùng từ không đúng nghĩa?

A. Nhà thơ Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam.

B. Ngày mai lớp em đi thăm quan Vũng Tàu.

C. Một số bạn còn bàng quang với lớp học.

D. Em không nên nói năng tự tiện.

Câu 7: Từ nào sau đây là danh từ chỉ khái niệm?

A. học sinh                C. xe đạp

B. lũ lụt                      D. chỉ từ

Câu 8: Câu thơ nào sau đây có từ viết chưa đúng quy tắc viết hoa?

A. Ai đi Nam bộ                                            C. Ai vô Phan Rang, Phan Thiết

B. Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp        D. Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc

Câu 9: “Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông.” Câu văn trên có mấy cụm danh từ?

A. 1                             C. 3

B. 2                             D. 4

Câu 10: Từ nào sau đây là động từ tình thái?

A. buồn                      C. đau

B. chạy                       D. định

Câu 11: Đề bài nào sau đây yêu cầu kể chuyện tưởng tượng?

A. Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em.

B. Kể về những đổi mới ở quê em.

C. Kể chuyện hai mươi năm sau em trở về thăm trường.

D. Kể về người bạn em quý mến nhất.

Câu 12: Trong bài văn tự sự, người viết thường sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

A. tự sự, miêu tả, biểu cảm                        C. thuyết minh, biểu cảm, nghị luận

B. miêu tả, biểu cảm, nghị luận                 D. nghị luận, miêu tả, thuyết minh

II - PHẦN TỰ LUẬN: (7,0 đ)

- Thời gian làm bài 80 phút

Câu 1: ( 3,0 đ)

Đọc đoạn văn sau trích truyền thuyết Thánh Gióng và thực hiện yêu cầu các câu a,b,c,d:

Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.

a. Trình bày khái niệm thể loại truyền thuyết.

b. Đoạn văn trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

c. Trong đoạn văn trên, ai là nhân vật chính? Vì sao?

d. Hãy khái quát nội dung đoạn văn trên bằng một câu hoàn chỉnh.

Câu 2: ( 4,0 đ)

Hãy viết bài văn tự sự kể tóm tắt một truyện truyền thuyết mà em biết.

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I - PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (3,0 đ)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Đáp án A C B A A D D A C D C A

II - PHẦN TỰ LUẬN : (7,0 đ)

Câu 1: ( 3,0 đ)

a. Trình bày chính xác khái niệm thể loại truyền thuyết. (0,5 đ)

b. Đoạn văn trên sử dụng những phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả (0,5 đ); trả lời đúng một trong hai phương thức biểu đạt trên (0,25đ)

c. Trong đoạn văn trên, nhân vật chính là đứa bé. Vì đây là nhân vật đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện nội dung của đoạn văn. (1,0đ)

d. Khái quát đúng nội dung đoạn văn bằng một câu đủ chủ ngữ và vị ngữ; đầu câu có viết hoa, kết thúc câu bằng dấu chấm (1,0đ).

Chẳng hạn: Đoạn văn kể lại sự việc đứa bé nhờ sứ giả yêu cầu vua cung cấp cho mình phương tiện, vũ khí, trang phục để đánh giặc Ân.

Câu 2: ( 4,0 đ) Viết bài văn kể tóm tắt một câu chuyện truyền thuyết.

1. Yêu cầu:

a) Hình thức: Học sinh viết được một bài văn tự sự có bố cục rõ ràng; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu; không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả...

b) Nội dung: Kể tóm tắt một câu chuyện truyền thuyết.

2. Tiêu chuẩn cho điểm:

  • a. Mở bài (0,5 đ): Giới thiệu câu chuyện truyền thuyết.
  • b. Thân bài (3,0 đ): Kể diễn biến câu chuyện.
    • Câu chuyện mở đầu như thế nào? (0,5 đ)
    • Các sự việc phát triển ra sao? (2,0 đ)
    • Kể kết thúc câu chuyện. (0,5 đ)
  • c. Kết bài (0,5đ): Ý nghĩa của câu chuyện.

* Lưu ý: Do đặc trưng bộ môn Ngữ văn, giáo viên cần vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm; nên khuyến khích những bài làm sáng tạo.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?