Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Đoàn Thượng

                                                                                   ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019

TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG                                           NGỮ VĂN LỚP 12

                                                                                                        

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI - XVII) đã nói một câu nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại nói cụ thể hơn: “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy.

Tri thức đúng là sức mạnh. Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10.000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9 999 đô la.”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu không biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không?

[...] Tri thức có sức mạnh to lớn như thế nhưng đáng tiếc là còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức. Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!

(Theo Hương Tâm, Ngữ văn 9, Tập hai - NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.34-35)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định hai thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 3. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” nói lên điều gì? (1,0 điểm)

Câu 4. Từ nội dung của văn bản, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của tri thức trong cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như đối với cộng đồng xã hội. (1,0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

(Theo SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2017, trang 118)

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Hai thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản: chứng minh, bình luận.

Câu 3. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” đã khẳng định: sức mạnh của tri thức. Nó chứng minh cho chân lí: người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi.

Câu 4. Học sinh bày tỏ suy nghĩ cá nhân nhưng cần phải hợp lí và có sức thuyết phục.

  • Có thể trình bày theo hướng:
    • Đối với cá nhân: Tri thức góp phần khẳng định vị thế xã hội của bản thân đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người...
    • Đối với cộng đồng xã hội: Tri thức có ý nghĩa thúc đẩy và quyết định sự phát triển của xã hội...)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

  • Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:
    • Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
    • Cảm nhận, lí giải của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn cùng sự tồn tại của Đất Nước
  • Triển khai vấn đề nghị luận:
    • Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), làm rõ những giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
    • Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
      • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: cảm nhận của tác giả về cội nguồn cùng sự tồn tại của Đất Nước (Trả lời câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước ở đâu?)
      • Theo cảm nhận của tác giả, Đất Nước đã có từ rất lâu đời: từ ngày xửa ngày xưa trong cổ tích; Đất Nước tồn tại từ phong tục ăn trầu, tập quán búi tóc sau đầu của người phụ nữ; từ lối sống thủy chung nghĩa tình;... cho đến cách làm nhà, cách làm ra hạt gạo...
      • Đất Nước không phải là cái gì xa xôi mà rất thân thuộc, gần gũi. Có thể cảm nhận Đất Nước qua những gì hết sức đơn sơ, dung dị trong cuộc sống đời thường.
      • Nghệ thuật thể hiện: cách nói tự nhiên; cấu trúc trùng điệp; chất văn hóa, văn học dân gian...
      • Đánh giá chung về đoạn thơ và nét mới trong cách tìm về nguồn cội của Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Đất Nước được cảm nhận ở chiều sâu văn hóa và lịch sử.
      • Khái quát tư tưởng, tình cảm của tác giả: niềm tự hào, tình yêu Đất Nước.
  • Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Ngoài ra, các em có thể làm bài thi Online tại đây:

Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Đoàn Thượng

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?