Đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018, Trường THPT Nguyễn Trung Trực

                                                                                    ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRUNG TRỰC                                NGỮ VĂN LỚP 12

                                                                                                        

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Một nhà hiền triết đưa học trò đi ngao du khắp thế gian. Họ tìm gặp, trò chuyện, học hỏi hầu hết những bậc thầy nổi tiếng ở nhiều đất nước. Sau 10 năm, nhà hiền triết cùng học trò trở về quê hương. Trước khỉ vào thành, nhà hiền triết nói với học trò của mình: “Mười năm ngao du, các con đều đã trở thành kẻ sĩ học rộng hiểu nhiều. Giờ đây, ta sẽ giảng cho các con một bài học cuối cùng”.

Các học trò kéo đến ngồi quanh nhà hiền triết. Ông hỏi: “Hiện chúng ta đang ngồi ở đâu?”. Họ đồng thanh trả lời rằng đang ngồi trên bãi cỏ hoang ở bên ngoài thành. Nhà hiền triết lại hỏi: “Trên bãi cỏ hoang này có những cây gì?”. Học trò đồng thanh đáp: “Trên bãi hoang mọc toàn cỏ dại ạ!”.

Nhà hiền triết nói: “Đúng! Trên bãi cỏ hoang này mọc toàn cỏ dại. Bây giờ ta muốn biết bằng cách gì để trừ hết thứ cỏ dại này?”. Các học trò nhìn nhau hết sức ngạc nhiên, vì không ngờ nhà hiền triết xưa nay vốn chỉ đi sâu nghiên cứu những điều huyền bí của cuộc sống, mà trong bài học sau cùng này lại hỏi họ một vấn đề giản đơn như thế.

Một người lên tiếng trước: “Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái cuốc là xong hết ạ!”.

Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.

Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: “Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay ạ!”.

Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.

Người học trò thứ ba nói: “Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!”.

Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cẩn nhổ được rễ lớn là xong  hết!”.

Nghe xong, nhà hiền triết đứng dậy, nói: “Bài học hôm nay đến đây là hết, các con hãy về đi, một năm nữa quay lại đây ta sẽ nói chuyện sau”.

Một năm sau, mọi người quay trở lại thì thấy bãi cỏ dại năm trước đã biến mất, thay vào đó là cánh đồng ngô lúa xanh tươi. Họ lại ngồi quây quần gần ruộng lúa, chờ nhà hiền triết nhưng mãi vẫn không thấy ông tới.

(Sưu tầm)

Câu 1. Văn bản trên viết về chuyện gì?

Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Câu 3. Giải thích ý nghĩa ẩn dụ của các hình ảnh: cỏ dại, ngô lúa.

Câu 4. Theo anh (chị), nhà hiền triết muốn truyền cho các học trò bài học nào?

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích nhân vật Tnú  trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1: Văn bản viết về chuyện nhà hiền triết và các học trò bàn cách diệt trừ cỏ dại.

Câu 2: Phong cách ngôn ngữ của văn bản: nghệ thuật

Câu 3: Trong văn bản này, cỏ dại ẩn dụ cho cái xấu, cái ác, cho những tâm trạng tiêu cực,...; ngô lúa ẩn dụ cho cái đẹp, cái thiện, niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên,... trong tâm hồn mỗi con người và trong cuộc sống.

Câu 4: Đoạn văn đảm bảo các ý:

  • Nhà hiền triết muốn truyền cho các học trò bài học:
    • Nuôi dưỡng, bảo vệ cái đẹp, cái thiện chính là cách tốt nhất để loại bỏ cái xấu, cái ác
    • Muốn tâm hồn bình yên, thư thái hãy vun trồng, gìn giữ những suy nghĩ, cảm xúc, tư tưởng đẹp đẽ, tốt lành

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng
    • Biết cách làm bài văn nghị luận về nhân vật
    • Có luận điểm, luận cứ rõ ràng
    • Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
  • Yêu cầu về kiến thức   
    • Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật Tnú
    • Thân bài:
      • Giới thiệu xuất xứ - hoàn cảnh sáng tác
      • Tóm tắt tác phẩm
      • Phân tích:
        • Tnú là người có tính cách trung thực, gan góc, dũng cảm, mưu trí:
          • Giặc giết bà Nhan, anh Xút nhưng Tnú (lúc bấy giờ còn nhỏ) không sợ. Tnú vẫn cùng Mai xung phong vào rừng nuôi giấu cán bộ.
          • Học chữ thua Mai, Tnú đập vỡ bảng, lấy đá đập vào đầu đến chảy máu.
          • Khi đi liên lạc không đi đường mòn mà “xé rừng mà đi”, không lội chỗ nước êm mà “lựa chỗ thác mạnh vượt băng băng như con cá kình”. Bởi theo Tnú những chỗ nguy hiểm giặc “không ngờ” đến.
          • Bị giặc phục kích bắt, bị tra tấn dã man nhưng Tnú quyết không khai. Khi bọn giặc kéo về làng, bắt Tnú khai cộng sản ở đâu anh đặt tay lên bụng dõng dạc nói “cộng sản ở đây này”.
        • Tnú là người có tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng
          • Tham gia lực lượng vũ trang, nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng khi được phép của cấp trên mới về thăm.
          • Tính kỉ luật cao trong mối quan hệ với cách mạng biểu hiện thành lòng trung thành tuyệt đối: Tâm trạng Tnú trong đêm bị bắt, khi bị kẻ thù đốt mười đầu ngón tay, ngọn lửa như thiêu đốt gan ruột nhưng Tnú không kêu nửa lời, anh luôn tâm niệm lời dạy của anh Quyết: “người cộng sản không thèm kêu van”.
        • Tnú có một trái tim yêu thương và sục sôi căm giận.
          • Lòng căm thù ở Tnú mang đậm chất Tây Nguyên: Tnú mang trong tim ba mối thù:  Thù của bản thân;  Thù của gia đình; Thù của buôn làng
          • Ở Tnú, hình tượng đôi bàn tay mang tính cách, dấu ấn cuộc đời:
            • Khi lành lặn: đó là đôi bàn tay trung thực, nghĩa tình (bàn tay cầm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho; bàn tay cầm đá đập vào đầu mình để tự trừng phạt vì học hay quên chữ...
            • Khi bị thương: đó là chứng tích của một giai đoạn đau thương, của thời điểm lòng căm hận sôi trào “Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy trong bụng”. Đó cũng là bàn tay trừng phạt, bàn tay quả báo khi chính đôi bàn tay tàn tật ấy đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc trong một trận chiến đấu của quân giải phóng.
        • Tnú là một người sống rất nghĩa tình: Tnú đã tay không xông ra cứu vợ con. Động lực ghê gớm ấy chỉ có thể được khơi nguồn từ trái tim cháy bỏng ngọn lửa yêu thương và ngọn lửa căm thù. Tnú là con người tình nghĩa với buôn làng: anh lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của người dân làng Xôman.
        • Nhận xét chung: Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: Phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng; đấu tranh là con đường tất yếu để tự giải phóng. Hình tượng rừng xa nu và Tnú có quan hệ khăng khít, bổ sung cho nhau. Rừng xà nu chỉ giữ được màu xanh bất diệt khi có những con người biết hi sinh như Tnú; sự hi sinh của những con người như Tnú góp phần làm cho những cánh rừng xà nu mãi xanh tươi.
      • Nghệ thuật xây dựng nhân vật Tnú:   
        • Tnú vừa có những nét riêng cá tính sống động, vừa mang phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu.
        • Lời văn với những câu văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, khi thâm trầm, khi tha thiết, trang nghiêm. Từ không gian kể chuyện đến nhân vật trong truyện đều mang chất sử thi đậm nét.
    • Kết bài: Đánh giá chung về nhân vật.         
  • Sáng tạo    
    • Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.       
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu
    • Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.   

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?