TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN ĐỀ THAM KHẢO HỌC KÌ 2
NĂM HỌC: 2019 – 2020
MÔN: NGỮ VĂN 10
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
NÓI DỐI
Một chú bé chăn cừu nọ, chú được chủ giao cho đàn cừu, ngày ngày chú dẫn đàn cừu lên sườn đồi cho chúng gặm cỏ, chiều tối lại dẫn chúng về. Những lúc như vậy cậu thả hồn đây đó, thỉnh thoảng cậu vẫn để mắt đến đàn cừu kẻo có những con cừu đi lạc bầy.
Một hôm khi đang chăn cừu, chú chợt nảy ra ý tưởng muốn chọc mọi người chơi cho vui. Chú đứng bật dậy và la to: Sói! Sói! Có chó sói… tiếng la thất thanh của chú làm những người trong làng, kẻ cầm dao, người cầm gậy… chạy ra để giúp chú xua đuổi bọn sói. Nhưng ra đến nơi họ mới vỡ lẽ, chẳng có bầy sói nào cả và họ biết mình bị mắc lừa thằng bé. Họ đành hậm hực trở về nhà.
Đến một ngày nọ, khi đang chăn thả đàn cừu trên sườn đồi, thì đàn sói đến thật. Chúng nhìn cậu bé và gầm gừ chuẩn bị tấn công đàn cừu. Hốt hoảng chú kêu to: Sói! Sói! Có chó sói… nhưng những tiếng kêu của chú không được một ai đáp lại. Mọi người nghĩ rằng hẳn lại là trò chọc phá của thằng bé chăn cừu nên mọi người chẳng ai lưu tâm.
Đàn sói tấn công và giết sạch đàn cừu.
(Theo Tuyển tập các câu chuyện Giáo dục nhân cách, tập 1, NXB Văn hóa – Thông tin, năm 2012)
Câu 1: (0.5 điểm) Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.
Câu 3: (1.0 điểm) Tại sao khi đàn cừu bị sói tấn công, không một ai đáp lại lời kêu cứu của chú bé chăn cừu?
Câu 4: (1.0 điểm) Từ văn bản trên, em rút ra được bài học gì trong cuộc sống?
II. LÀM VĂN (7 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
"Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi".
(Trích Bình Ngô đại cáo - Tác giả Nguyễn Trãi Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, trang 17)
....................HẾT................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU:(3 điểm)
Câu 1:
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ Nghệ thuật
Câu 2:
Phương thức biểu đạt chính: Phương thức tự sự/Tự sự
Câu 3:
Khi đàn cừu bị sói tấn công, không một ai đáp lại lời kêu cứu của chú bé chăn cừu vì: Mọi người nghĩ rằng hẳn lại là trò chọc phá của thằng bé chăn cừu nên mọi người chẳng ai lưu tâm.
Câu 4:
Bài học trong cuộc sống:
- Cần tránh xa sự lừa dối, bởi sự lừa dối hủy hoại lòng tin nơi mọi người.
- Sống trung tín và giữ sự trung tín là cách để xây dựng lòng tin nơi mọi người.
II. LÀM VĂN (7 điểm):
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
Có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết thúc vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề.
Nêu cảm nhận về đoạn trích.
c. Triển khai các luận điểm của bài văn nghị luận: sử dụng kết hợp các thao tác lập luận: phân tích, chứng minh, bình luận…
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ.
- Triển khai vấn đề:
- Tư tưởng nhân nghĩa: “Nhân nghĩa” là phạm trù tư tưởng của Nho giáo chỉ mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí. Vì thương nhân dân trong cảnh lầm than nên đã đánh dẹp thù trong giặc ngoài để làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc.
- Nguyễn Trãi đã xác định tư cách độc lập của nước Đại Việt bằng một loạt các dẫn chứng thuyết phục:
- Nền văn hiến lâu đời
- Cương vực lãnh thổ riêng biệt
- Phong tục Bắc Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc
- Lịch sử lâu đời trải qua các triều đại Triệu, Đinh, Lí, Trần, hào kiệt đời nào cũng có.
- Lời cảnh cáo, răn đe đanh thép những kẻ bất nhân bất nghĩa dám xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền dân tộc ta đều phải trá giá đắt, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào bởi những chiến công của nhân dân Đại Việt.
- Đánh giá chung:
- Lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của tác giả.
- Ngôn ngữ đanh thép
- Giọng điệu hào hùng, mạnh mẽ
- Sử dụng các biện pháp so sánh, liệt kê,...
- Sử dụng những câu văn song hành,…
d. Sáng tạo
Có cách trình bày mới mẻ, kết hợp hài hòa giũa các thao tác lập luận… trong bài văn.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc dùng từ, đặt câu, chính tả.
Trên đây là trích dẫn một phần đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 10 - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đề số 2). Để xem đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
- Đề kiểm tra năm 2020 môn Ngữ Văn 10 - Trường THPT Tân Lang
- Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 10 - Trường THPT Nguyễn Chí Thanh
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---