Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2018-2019, trường THPT Lương Sơn

    SỞ GD & ĐT HÒA BÌNH                                                            ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2

TRƯỜNG THPT LƯƠNG SƠN                                                          Năm học 2018-2019

      ĐỀ CHÍNH THỨC                                                                       Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề.

Đề thi gồm: 02 trang.

 

Phần 1. Đọc - hiểu (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:

Mẹ và Hamer đi chợ, họ muốn mua một ít rau về ăn. Trên đường đi, hai mẹ con nhìn thấy một người rất xấu xí, đang rao bán đồ gốm ở lề đường. Hamer nói với mẹ bằng giọng miệt thị: “Mẹ ơi, người kia thật xấu xí”. Mẹ nghe xong không nói gì.

Sau đó, họ đến chỗ bán rượu nhìn thấy những chum rượu được xếp ngay ngắn, thẳng hàng, mẹ chỉ vào và hỏi: “Con trai, con thấy những vò rượu ấy có xấu không?”.

Hamer đáp: “Xấu ạ, cũng xấu như người mẹ con mình vừa gặp trên đường ấy”. Họ lại đến chỗ bán đồ bằng bạc. Tất cả những đồ đựng bằng bạc đó sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt. Mẹ lại chỉ về phía đồ bạc ấy và hỏi: “Những đồ bằng bạc ấy có đẹp không?”.

Hamer kích động nói: “Đương nhiên là đẹp ạ, đẹp hơn gấp mấy nghìn lần so với những đồ gốm xấu xí kia”.

Mẹ nói: “Đồ đạc tuy rất đẹp, nhưng lại không thể đựng được rượu ngon. Đồ gốm mặc dù xấu xí nhưng lại đựng được những loại rượu thơm ngon cho chúng ta uống. Giống như dung mạo con người cũng vậy, vẻ bề ngoài xấu xí  nhưng có thể chứa đựng một trí tuệ siêu việt”

Hamer nhớ lời mẹ dặn, từ đó về sau cậu không cười nhạo người khác nữa.

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ không được coi thường, miệt thị người khác. Người Do Thái cho rằng, Thượng Đế tạo ra con người rất công bằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì thế không được khinh miệt người khác, vì bản thân họ cũng có những điều tốt đẹp. Dân tộc Do Thái coi việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo. Làm như vậy, họ đã giúp cho cả dân tộc Do Thái trở nên giàu có và hùng mạnh.

Người Do Thái ở bất cứ thời đại nào cũng thực hiện theo nguyên tắc: Không kỳ thị bất cứ ai. Cha mẹ luôn dạy con biết tìm ra những ưu điểm của người khác, để bản thân học tập, noi theo. Trong dân tộc Do Thái, người giàu có thể làm bạn với người nghèo, học giả có thể làm bạn với kẻ ăn mày. Họ không phân biệt cao thấp giàu nghèo, con người luôn học tập, đối xử bình đẳng với nhau. Vì thế, mọi người luôn tôn trọng và cùng nhau tiến bộ. Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng.

(Theo Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, NXB Văn hóa thông tin, 2014)

Câu 1: Nhận xét ban đầu của Hamer về một người xấu xí đi đường thể hiện thái độ như thế nào?

Câu 2: Vì sao sau lời mẹ dặn, Hamer không cười nhạo người khác nữa?

Câu 3: Theo anh/chị khi tôn trọng người khác đem lại những lợi ích gì đối với mỗi cá nhân và dân tộc?

Câu 4: Từ nguyên tắc Không kỳ thị bất cứ ai được nhắc đến trong văn bản, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về điều đó? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 7 - 10 dòng)

Phần 2: Làm văn (6,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”.

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Chinh phụ ngâm, nguyên văn chữ Hán,

Đặng Trần Côn, Bản diễn Nôm Đoàn Thị Điểm (?) - SGK Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục)

-------HẾT-------

Học sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐÁP ÁN:

Phần 1: Đọc hiểu (4,0 điểm)

Câu 1: Nhận xét ban đầu Hamer về một người xấu xí đi đường thể hiện thái độ kì thị, coi thường người khác.

Câu 2: Sau lời mẹ dặn, Hamer nhận ra:

  • Dung mạo hay vẻ bề ngoài không quyết định bản chất bên trong của mỗi người.
  • Không nên đánh giá và tỏ thái độ trước bất cứ ai thông qua vẻ bề ngoài.

Câu 3: Khi tôn trọng người khác sẽ đem lại những lợi ích:

  • Đối với cá nhân: tìm ra ưu điểm của người khác, tôn trọng và khen ngợi người khác chân thành từ đó bản thân sẽ tiến bộ, đồng thời khai thác được thế mạnh của người đối diện mà mình hợp tác. Có thể giao lưu và kết bạn với nhiều người, tăng thêm vốn sống và sự hiểu biết...
  • Đối với dân tộc: con người sẽ được đối xử bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo. Dân tộc sẽ đoàn kết, yêu thương gắn kết giữa các tầng lớp để cùng phát triển.

Câu 4: (2,0 điểm)

  • Đoạn văn có bố cục rõ ràng, logic, có thể có nhiều ý khác nhau nhưng cần đảm bảo một trong các ý sau:
    • Nguyên nhân của sự kì thị: do sự khác biệt giữa bản thân với người khác về điều kiện, hoàn cảnh sống; vẻ bề ngoài, sở thích tính cách bên trong. Từ đó dẫn đến thái độ coi thường, thiếu tôn trong. Căn bản do sự thiếu hiểu biết, chưa tìm hiểu rõ đối phương khi giao tiếp hay do quá đề cao bản thân mà không nhận ra giá trị của người khác.
    • Mọi người đều có điểm tốt và điểm xấu. Nhìn nhận ra bản chất tốt đẹp của người khác là cách chúng ta học hỏi, trau dồi bản thân cũng là cách ta cảm mến và yêu thương người khác.
    • Hãy xóa bỏ khoảng cách giữa con người bởi vì tất cả chúng ta đều bình đẳng, chấp nhận sự khác biệt trong mỗi người để hòa nhã hơn trong giao tiếp.
    • Thái độ sống chân thành sẽ tạo nên mối quan hệ tốt, sự giao tiếp hiệu quả là điều kiện thành công của mỗi người.

Phần 2: Làm văn (6,0 điểm)

  • Cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát lại được vấn đề nghị luận. (0,25)
  • Xác định đúng vấn đề nghị luận: tâm trạng buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (0,25)
  • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
  • Lưu ý: HS có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý:
    • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận - Tâm trạng: Buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ (0.5)
    • Nội dung đoạn thơ: Tâm trạng: Buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (3.0)
      • Không gian vắng lặng hắt hiu chỉ có bước chân của người lẻ bóng thầm gieo trên hiên vắng.
      • Người chinh phụ đứng ngồi không yên, hết rủ rèm rồi lại cuốn rèm, đi đi lại lại như chờ mong tin lành báo chồng trở về, nhưng tin tức về người chồng vẫn bặt vô âm tín. Nỗi thất vọng tràn trề.
      • ⇒ Ở ngoài hiên hay trong phòng, nàng vẫn lẻ loi, cô đơn hết sức.
      • Mong tiếng con chim thước (chim khách) cất lên tiếng kêu, nhưng cả tiếng chim khách của sự mong mỏi cũng im ắng.
      • Đêm khuya, một mình một bóng dưới ánh đèn, người chinh phụ khao khát sự đồng cảm, sẻ chia, nàng hi vọng ngọn đèn thấu hiểu và soi tỏ lòng mình. Nhưng đèn vô tri vô cảm, đèn không thể an ủi, sẻ chia cùng người nỗi buồn đau cô lẻ.
    • Nghệ thuật: Miêu tả tâm trạng (Qua hành động, lời độc thoại, không gian, biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ...) (1.0)
    • Khái quát lại tâm trạng buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (0.5)
  • Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ. (0,25)
  • Chính tả: Đảm bảo qui tắc chính tả trong tiếng Việt: Dùng từ, đặt câu... (0,25)

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?