Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2018-2019, trường THPT Yên Lạc

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC                                             KỲ THI KSCL LẦN 2 NĂM HỌC 2018 – 2019

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC                                                         Năm học 2018-2019

      ĐỀ CHÍNH THỨC                                                                   Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề.

Đề thi gồm: 02 trang.

 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ… trong lứa tuổi học trò - lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà Văn, 2012, tr.43-44)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy”. (1,0 điểm)

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: “Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn”? (0,5 điểm)

Câu 4: “Ước mơ cháy bỏng nhất” của anh/chị là gì? Anh/chị làm gì để biến ước mơ đó thành hiện thực? (Trả lời trong khoảng 5- 7 dòng). (1,0 điểm)

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, anh / chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.

Câu 2: (5,0 điểm)

Cảm nhận về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

-------HẾT-------

Học sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐÁP ÁN:

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU: (3.0 điểm)

Câu 1:

  • Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:

  • Biện pháp tu từ so sánh: “Sống một cuộc đời” so sánh với “vẽ một bức tranh”, qua từ so sánh “giống như” (chỉ rõ mới cho 0,5)
  • Tác dụng: chỉ ra sự tương đồng giữa “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”, giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực; khiến câu văn hình ảnh, sinh động hơn.

Câu 3:           

  • Ước mơ là những khát khao, mong đợi hoặc những ý tưởng đẹp đẽ mà con người muốn biến thành hiện thực.
  • Câu nói là một lời khuyên con người cần biết giữ gìn, bảo vệ, không để những thử thách, khó khăn trong cuộc sống làm thui chột ước mơ và cũng không để người khác ngăn cản việc chúng ta hiện thực hóa ước mơ ấy.

Câu 4:

  • Hs trả lời theo yêu cầu:
    • Nêu ước mơ cháy bỏng của bản thân.
    • Cần làm gì để biến ước mơ thành hiện thực?
  • Nội dung câu trả lời cần chặt chẽ, hợp lí, không trái với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 

PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.

  • Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Theo đuổi ước mơ.
  • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
    • Giải thích:
      • Ước mơ là những khát khao, mong muốn thiết tha về những điều tốt đẹp trong tương lai.
      • Việc theo đuổi ước mơ có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người.
    • Bàn luận:
      • Con người sống trên đời cần có ước mơ dù ước mơ vĩ đại hay nhỏ bé. Bởi ước mơ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, ý nghĩa; giúp con người sống có mục đích, lí tưởng, có động lực để vượt qua những khó khăn thử thách, hướng tới thành công, thậm chí còn tạo ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại. (dẫn chứng)
      • Nhưng ước mơ không bao giờ có sẵn, để đạt được ước mơ, con người phải khát khao, kiên trì, nỗ lực, dũng cảm vượt qua những thử thách, thậm chí chấp nhận thiệt thòi, hi sinh. Ước mơ càng lớn, càng cao đẹp bao nhiêu thì đòi hỏi con người càng phải nỗ lực bấy nhiêu. (dẫn chứng)
      • Ước mơ cũng không thể quá viển vông, xa vời mà phải gắn liền với thực tế.
      • Phê phán những người sống thụ động, không có ước mơ, thiếu ý chí vươn lên.
    • Bài học nhận thức và hành động:
      • Hãy sống và ước mơ. Học tập, rèn luyện, quyết tâm, có những hành động thiết thực để từng bước chinh phục ước mơ của mình.
  • Lưu ý: Không đúng hình thức đoạn văn trừ 0,5 điểm.

Câu 2: Cảm nhận về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

  • Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học. Bố cục sáng rõ, hệ thống luận điểm chặt chẽ, hành văn trôi chảy, không mắc các lỗi diễn đạt, câu từ, chính tả...
  • Yêu cầu về kiến thức: Có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo một số ý cơ bản sau:
    • Vài nét về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác phẩm, nêu vấn đề.
    • Giải thích
      • Nhàn: Nhàn nhã, thảnh thơi, không vướng bận.
      • Nhàn được nâng lên thành lối sống, thậm chí là triết lí sống, rất phổ biến ở các tầng lớp trí thức thời xưa. Lối sống nhàn thường nảy sinh từ tâm lí bất mãn với thời cuộc.
      • → Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, với nghĩa bản chất là sống thuận theo tự nhiên, vượt lên trên danh lợi, giữ cốt cách thanh cao.
    • Về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
      • Nhàn là trạng thái thảnh thơi, tự do lựa chọn cách sống, hòa vào thiên nhiên bốn mùa, sống đạm bạc thanh cao. (Phân tích dẫn chứng câu 1,2 và 5,6)
      • Đối lập dại - khôn, thể hiện trí tuệ tỉnh táo sáng suốt, coi thường danh lợi, giữ gìn nhân cách thanh cao. (Phân tích dẫn chứng câu 3,4 và 5,6)
      • Nghệ thuật:
        • Bài thơ Nôm thất ngôn bát cú đường luật, kết hợp trữ tình và triết lí; cách nói ẩn ý, thâm trầm sâu sắc.
        • Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên; giọng thoải mái phù hợp với tinh thần bài thơ.
        • Nghệ thuật đối, ẩn dụ, cách nói ngược, và điển tích được vận dụng sáng tạo, kín đáo.
    • Liên hệ với đoạn thơ trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:
      • Liên hệ:
        • (Giới thiệu ngắn gọn về Nguyễn Trãi, bài thơ, đoạn thơ)
        • Bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè sôi động (âm thanh của tiếng ve kêu rộn rã), cuộc sống thanh bình, yên vui nơi làng quê (lao xao chợ cá). Nguyễn Trãi ước có cây đàn của vua Thuấn để ca ngợi cảnh “dân giàu đủ, khắp đòi phương”, mong nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
        • Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn được sử dụng sáng tạo; từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm; nghệ thuật đối, điển tích.
      • Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:
        • Điểm giống nhau: Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là những trí thức tài năng, yêu nước thương dân, bất đắc dĩ lánh đục về trong để giữ gìn phẩm cách trong sạch. Qua hai bài thơ, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, không màng danh lợi. Đó là nhân cách thanh cao của hai tác giả.
        • Điểm khác nhau:
          • Điểm kết tụ trong hồn thơ Ức Trai là ở người dân. Về nhàn, mong nguôi thế sự, nhưng niềm ái quốc ưu dân vẫn canh cánh trong lòng thi nhân, nhàn thân mà không nhàn tâm.
          • Ở bài thơ Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vui trọn với thiên nhiên, cuộc sống điền viên thôn dã, vượt lên danh lợi tầm thường; sống ung dung, an nhiên tự tại. Nhàn được nâng lên thành triết lí sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thể hiện phẩm cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm của nhà nho.
        • (HS có thể lí giải điểm khác nhau dựa vào bối cảnh xã hội, tính cách của hai nhà nho, và bản chất sáng tạo của nghệ thuật)
    • Kết luận
      • Khái quát vấn đề, liên hệ bản thân.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?