SỞ GD&ĐT GIA LAI ĐỀ KIỂM TRA BÀI VIẾT SỐ 6
TRƯỜNG THPT NGUYỄN BỈNH KHIÊM NĂM HỌC: 2018 – 2019
MÔN: NGỮ VĂN 10
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm).
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
“…Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện nước trà tươi…
Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong, rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: thật là cả một bài trí nên thơ.
Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có,…Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu…”
( Theo Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội )
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản . (1,0 điểm)
Câu 3. Hãy chỉ ra một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 4. Viết đoạn văn (7 đến 10 dòng) giới thiệu một món ăn mà anh/chị thích?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Làm rõ luận đề chính nghĩa trong đoạn văn sau:
“ Từng nghe :
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
( Trích Đại cáo bình Ngô-Nguyễn Trãi- Ngữ văn 10, tập 2)
.....................HẾT.....................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1
Phương thức biểu đạt: thuyết minh
Câu 2
Phở- miếng ngon Hà Nội
Câu 3
So sánh: như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong, rồi lại ra chùa ngoài hoặc một bó hành hoa xanh như lá mạ hoặc mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu.
Câu 4
Yêu cầu về hình thức: đoạn văn khoảng 7 – 10 dòng
Yêu cầu về nội dung:
Một món ăn ( HS tự chọn)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
a.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Luận đề chính nghĩa
c. Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp: các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự kiện liên kết chặt chẽ ; sử dụng tốt các các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
Hs có thể trình bày theo định hướng sau :
1.Giới thiệu tác giả,hoàn cảnh ra đời bài cáo, đoạn trích:
2.Phân tích đoạn văn :
- Tư tưởng nhân nghĩa :
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
- Nhân nghĩa : yên dân => dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Muốn yên dân phải trừ bạo=> Yêu nước thương dân.
- Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,…
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
- Có lãnh thổ riêng
- Có nền văn hiến
- Có phong tục riêng
- Có lịch sử, chế độ riêng
- Có nhân tài
- Nghệ thuật:
- Cách dùng từ ngữ:từ trước,đã lâu…->khẳng định
- So sánh ngang hàng :
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
- Giọng điệu: trang trọng, hào hung…
- Câu văn biền ngẫu, cân xứng
- Đánh giá chung: Đoạn văn nêu cao luận đề chính nghĩa, có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập.
d. Sáng tạo: có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo về cách viết câu, dùng từ; viết văn giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có thể so sánh với một số tác phẩm khác.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề kiểm tra bài viết số 6 HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 10 - Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đề số 2) . Để xem được đầy đủ nội dung, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC 247. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho quý thầy cô làm tài liệu ra đề thi thử cho các em. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Ngoài ra, để luyện tập hơn nữa kỹ năng làm bài của mình, các em có thể tham khảo thêm
Đề kiểm tra bài viết số 6 HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 10 - Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---