ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GDCD KHỐI 10 HỌC KÌ I NĂM HỌC 2017- 2018
Bài 1: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng.
1. Thế giới quan và phương pháp luận
- Khái niệm triết học: là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó.
- Triết học có vai trò là thế giới quan và phương pháp luậnchung cho mọi họa động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người.
2. Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm
- Thế nào là thế giới quan: là toàn bộ những quan điểm và niềm tin định hướng hoạt động của con người trong cuộc sống.
- Cơ sở để phân biệt thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm là vấn đề cơ bản của Triết học (cũng là vấn đề cơ bản của hệ thống thế giới quan):
Đó là vấn đề: Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức (giữa tồn tại và tư duy). Gồm hai mặt:
Mặt thứ nhất trả lời câu hỏi: Giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước và cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào?
Mặt thứ hai trả lời câu hỏi: Con người có thể nhận thức được thế giới khách quan hay không ?
*Thế giới quan duy vật
Giữa vật chất và ý thức thì vật chất là cái có trước, cái quyết định ý thức.Thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người, không do ai sáng tạo ra và không ai có thể tiêu diệt được.
*Thế giới quan duy tâm
Ý thức là cái có trước và là cái sản sinh ra giới tự nhiên (vật chất).
3. Phương pháp luận biện chứng và phương pháp luận siêu hình.
- Phương pháp: là cách thức để đạt tới mục đích đặt ra.
- Phương pháp luận: là khoa học về phương pháp.
*Phương pháp luận biện chứng: là xem xét sự vật, hiện tượng trong sự ràng buộc, quan hệ lẫn nhau giữa chúng, trong sự vận động phát triển của chúng.
*Phương pháp siêu hình: xem xét sự vật phiến diện, cô lập, không vận động, không phát triển, máy móc giáo điều, áp dụng một cách máy móc đặc tính của sự vật này vào sự vật khác.
- So sánh những điểm khác nhau giữa hai phương pháp nói trên.
4. Chủ nghĩa duy vật biện chứng – sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và
phương pháp luận biện chứng
Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất.
1. Thế giới vật chất luôn luôn vận động.
- Khái niệm vận động theo quan điểm Triết học Mác-Lênin: là mọi sự biến đổi (biến hoá) nói chung của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội.
- Vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất: Vận động là thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của các sự vật hiện tượng.
- Các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất :
+ Vận động cơ học.
+ Vận động vật lý.
+ Vận động hóa học.
+ Vận động sinh học.
+ Vận động xã hội.
2. Thế giới vật chất luôn luôn phát triển.
- Khái niệm phát triển: là khái niệm dùng để khái quát những vận độngtheo chiều hướng tiến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ ra đời thay thế cái lạc hậu.
- Mối quan hệ giữa vận động và phát triển : không có sự vận động sẽ không có sự phát triển.
- Phát triển là khuynh hướng tất yếu của của quá trình vận động của sự vật, hiện tượng.
Bài 4: Nguồn gốc vận động và phát triển củasự vật, hiện tượng
1. Khái niệm mâu thuẫn : là một chỉnh thể, trong đó hai mặt đối lập vừa thống nhất, vừa đấu tranh với nhau.
- Mặt đối lập của mâu thuẫn: Đó là những khuynh hưóng, tính chất, đặc điểm…mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng, chúng phát triển theo chiều hướng trái ngược nhau.
- Sự thống nhất giữa các mặt đối lập: hai mặt đối lập liên hệ, gắn bó với nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau.
- Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập: chúng luôn luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau.
2. Mâu thuẫn là nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng
- Giải quyết mâu thuẫn: Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập làm cho sự vật hiện tượng thay đổi mâu thuẫn cũ mất đi,sự vật hiện tượng mới ra đời-> mâu thuẫn mới hình thành.
- Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng đấu tranh: Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn.
3. Rút ra bài học cho bản thân.
Bài 5: Cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng
1. Khái niệm chất theo quan điểm triết học: Chất là khái niệm chỉ những thuộc tính cơ bản vốn có của sự vật và hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với sự vật hiện tượng khác.
2. Khái niệm lượng theo quan điểm triết học :Lượng là khái niệm chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp),qui mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động( nhanh, chậm), số lượng ( ít, nhiều)… của sự vật và hiện tượng.
3. Quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sụ biến đổi về chất.
- Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất
*Độ: Giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật và hiện tượng.
*Điểm nút: Điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật và hiện tượng.
4. Chất mới ra đời bao hàm một lượng mới tương ứng: Khi một chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới để tạo thành sự thống nhất mới giữa chất và lượng.
4. Chỉ ra được điểm giống và khác nhau giữa chất và lượng.
5. Rút ra bài học cho bản thân.
Bài 6: Khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng
1. Phủ định biện chứng và phủ định siêu hình.
- Phủ định:Là xóa bỏ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng nào đó.
- Phủ định siêu hình:Là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.
- Phủ định biện chứng:Là phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới.
- So sánh điểm giống và khác nhau giữa hai hình thức phủ định.
- Hai đặc điểm cơ bản của phủ định biện chứng:
*Tính khách quan: Vì nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật, hiện tượng.
Kết quả của quá trình phủ định là cái mới ra đời thay thế cái cũ.
*Tính kế thừa: Cái cũ là điều kiện, tiền đề cho sự ra đời của cái mới. Cái mới ra đời trên cơ sở cái cũ, nó không phủ định sạch trơn cái cũ, cũng không mang theo tất cả thành phần thuộc tính của cái cũ mà chỉ mang theo những yếu tố tích cực để phát triển cái mới.
Tính kế thừa đảm bảo cho sự vật phát triển đứng lớp.
2. Khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng
Vận động đi lên, cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cái cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn.
3. Rút ra bài học cho bản thân.
Bài 7: Thực tiễn và vai trò của tực tiễn đối với nhận thức
1. Khái niệm nhận thức.
- Nhận thức cảm tính: là giai đoạn nhận thức được tạo nên do sự tiếp xúc của các cơ quan cảm giác đối với sự vật, hiện tượng. Đem lại cho con người hiểu biết về đặc điểm bên ngoài của chúng.
- Nhận thức lý tính: Nhận thức lý tính là giai đoạn nhận thức tiếp theo, dựa trên các tài liệu do nhận thức cảm tính đem lại, nhờ các thao tác tư duy phân tích, so sánh tổng hợp, khái quát hoá. tìm ra bản chất, qui luật của sự vật hiện tượng.
- Sự giống và khác nhau giữa hai giai đoạn nhận thức.
- Khái niệm nhận thức: Nhận thức là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào bộ óc con người, để tạo nên những hiểu biết về chúng.
- Chỉ ra sự giống và khác nhau giữa hai giai đoạn nhận thức trên.
2. Khái niệm thực tiễn: Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
Gồm ba hình thức cơ bản
*Hoạt động sản xuất vật chất.
* Hoạt động chính trị xã hội.
* Hoạt động thực nghiệm khoa học
3. Vai trò của thực tiễn đối với nhận
- Thực tiễn là cơ sở của nhận thức.
* Để hoạt động sản xuất diễn ra đạt hiệu quả nên con người phải quan sát thế giới xung quanh.
* Đem lại cho con người những hiểu biết, những tri thức kinh nghiệm.
* Những hiểu biết của con người bắt nguồn từ lao động sản xuất.
- Thực tiễn là động lực của nhận thức.
* Thực tiễn luôn luôn vận động và đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi nhận thức phải giải quyết. Thông qua việc giải quyết những nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra mà nhận thức con người không ngừng phát triển.
*Thông qua hoạt động thực tiễn, giác quan con người ngày càng hoàn thiện hơn, giúp nhận thức con người phát triển hơn.
- Thực tiễn là mục đích của nhận thức.
- Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.
{-- Xem đầy đủ nội dung tại Xem online hoặc Tải về--}
Trên đây là trích dẫn một phần Đề cương ôn tập HK 1 môn GDCD lớp 10 năm 2017-2018, để xem đầy đủ nội dung đề thi và đáp án chi tiết các em vui lòng đăng nhập website Chúng tôi chọn Xem online hoặc Tải về máy tính. Chúc các em học tốt và thực hành hiệu quả!